Việc sớm ban hành các văn bản pháp luật, cụ thể hoá chính sách của nhà nước sẽ tạo khung khổ pháp lý đầy đủ cho các hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp cũng như cơ sở cho việc quản lý của các cơ quan nhà nước, bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh an toàn và minh bạch.
Tuy nhiên, nhìn lại năm 2020, vẫn còn một số lĩnh vực đang “ nợ đọng” cơ chế chính sách hay nói cách khác, chưa có chính sách pháp luật điều chỉnh hoặc cơ chế chính sách thiếu rõ ràng minh bạch, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, thậm chí gây ra một số hệ lụy cho xã hội.
Chậm ban hành văn bản pháp luật cụ thể hoá các chính sách đang gây không ít khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp
1. Fintech nhiều năm vẫn ngóng cơ chế
Điển hình nhất, phải kể đến đó là sự chậm chễ trong việc ban hành khung pháp lý thử nghiệm đối với hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech).
Những năm qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các công ty fintech, từ số lượng 40 năm 2016 lên gần 200 công ty ở thời điểm hiện tại. Giá trị giao dịch thị trường fintech được tính toán từ mức 4,4 tỷ USD tăng lên khoảng gần 8 tỷ USD năm 2020.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có quy định pháp lý để điều chỉnh khiến tất cả doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực này đều hoạt động cầm chừng. Điều này khiến doanh nghiêp fintech Việt Nam phát triển chậm lại so với thế giới cũng như mất đi cơ hội thu hút vốn đầu tư. Không chỉ vậy, khoảng trống pháp lý về fintech đang gây ra một số hệ lụy cho xã hội như tín dụng đen trá hình cho vay “lậu”, thanh toán “lậu”, chuyển tiền ra biên giới “lậu”…
Hơn ai hết, các công ty fintech Việt Nam đang tha thiết, mong mỏi cơ quan quản lý sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm.
Để khắc phục tình trạng này, hiện Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng theo Quyết định số 283/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành về việc phê duyệt Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
Hơn ai hết, các công ty fintech Việt Nam đang tha thiết, mong mỏi cơ quan quản lý sớm ban hành khung pháp lý thử nghiệm. Song sớm nhất phải giữa năm 2021, cơ chế thử nghiệm chính thức cho sandbox mới có thể xuất hiện.
2. Xử lý nợ xấu: đang chờ thị trường mua bán đúng nghĩa
Xử lý nợ xấu luôn là nỗi lo muôn thuở của các ngân hàng và nó trở nên nóng hơn trong thời điểm dịch bệnh covid vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thời gian qua, các ngân hàng rao bán rất nhiều khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo đi kèm khá đa dạng từ bất động sản, đến nhà xưởng, máy móc, thiết bị… Nhưng do chưa có sàn giao dịch mua bán nợ cũng như một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa nên việc mua bán vẫn khá ế ẩm. Nhiều tài sản giao bán hàng chục lần vẫn chưa tìm được người mua.
Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15/8/2017 đã đưa ra quy định cho phép Công ty Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các tổ chức tín dụng mua bán nợ theo giá thị trường.
Tuy nhiên, hiện tại khung pháp lý cho thị trường này tuy đã có, nhưng vẫn còn sơ khai. Để vận hành thị trường mua bán nợ, các chuyên gia cho rằng cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành nhằm có một hành lang pháp lý cụ thể để thị trường hoạt động.
Chẳng hạn, muốn bán được khoản nợ xấu đưa lên thị trường giao dịch thì khoản nợ phải được chứng khoán hóa. Muốn vậy thì Luật Chứng khoán phải cho phép…
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ vào trước năm 2026.
Việc sớm vận hành thị trường mua bán nợ được các ngân hàng, AMC, giới đầu tư và bản thân VAMC đã mong mỏi từ lâu. Do vậy, nhiều ý kiến kỳ vọng việc ra đời Sàn giao dịch mua bán nợ tập trung sẽ thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu, qua đó góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thành lập thị trường mua bán nợ ngày càng trở nên cấp thiết thì việc xây dựng hành lang pháp lý cụ thể cho thị trường này vẫn cần phải có lộ trình. Và không loại trừ khả năng có thể muộn nhất 6 năm nữa, Sàn giao dịch nợ mới đi vào hoạt động.
3. Quy định về xuất xứ hàng Việt: chờ hơn 1 năm rồi…..
Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ 2021 của ban chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban 138/CP) và Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 139 quốc gia), ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhiều lần nhấn mạnh khoảng trống pháp lý về xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là made in Việt Nam đang gây nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm gian lận xuất xứ về hàng hóa.
Theo ông Cẩn, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo sửa đổi, không để khoảng trống pháp lý về xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là made in Việt Nam. Đến nay đã gần 1 năm, không biết do không muốn sửa hay không sửa nổi. Việc không sửa quy định về xuất xứ hàng hóa sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng Hải quan, Công an, lực lượng tố tụng…
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, năm 2020 đã bắt giữ hơn 100 vụ vi phạm gian lận xuất xứ về hàng hóa, nhưng hiện nay đang tắc không xử lý được.
4. Bất động sản: Chính sách chưa theo kịp thị trường
Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) phát triển nóng với nhiều loại hình sản phẩm bất động sản mới như Căn hội khách sạn (Condotel), nhà phố thương mại (shophouse), căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn (officetel)… Tuy nhiên, dù đã tồn tại trong thời gian dài nhưng vẫn thiếu tính pháp lý, phát triển tự phát dẫn đến sự thiếu minh bạch trên thị trường và được cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chính sách pháp luật vẫn chưa theo kịp để điều chỉnh các loại hình BĐS mới
Đặc biệt, liên quan đến các loại hình BĐS mới, hồi đầu tháng 11/2020 vừa qua, Thanh tra chính phủ có văn bản kiến nghị Thanh tra Chính phủ kiến nghị tạm dừng cấp giấy phép xây dựng dự án Condotel cho đến khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện.
Theo Thanh tra Chính phủ, không riêng gì tỉnh Khánh Hòa, Condotel đã và đang phát triển ngày càng mạnh ở nhiều địa phương khác. Việc đầu tư, xây dựng loại hình Condotel đã mang lại một số hiệu quả, như thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, thúc đẩy về tốc độ và quy mô phát triển du lịch, dịch vụ; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách Nhà nước…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh một số vướng mắc, chủ yếu là do pháp luật hiện hành chưa có quy định về loại đất ở không hình thành đơn vị ở trong khu du lịch. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện trên diện rộng về thời hạn sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất; thực hiện quyền cư trú…
Theo Thanh tra Chính phủ, các vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực do các Luật khác nhau điều chỉnh như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch, Luật Cư trú… Do đó, cần thiết phải được nghiên cứu để có giải pháp đồng bộ.
Cũng theo nhiều chuyên gia BĐS, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành được Quốc hội, Chính phủ ban hành đã giải quyết được nhiều vấn đề và tạo cơ sở cho sự phát triển thị trường BĐS. Tuy nhiên, các chính sách pháp luật vẫn chưa theo kịp để điều chỉnh các loại hình BĐS mới. Việc vận dụng và giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong quản lý đất đai, thủ tục đầu tư, thủ tục xác định nghĩa vụ tiền sử dụng đất dự án… còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, góp phần làm giảm nguồn cung và đẩy giá bán các sản phẩm BĐS tăng trong thời gian qua.
5. Doanh nghiệp điện mặt trời lại loay hoay vì khoảng trống chính sách
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về việc phát triển điện mặt trời trên mái nhà hết hiệu lực kể từ ngày 31/12/2020, nhưng đến nay chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công thương. Do vậy, kể từ 0h ngày 1-1-2021 trở đi, loại hình và giá mua bán điện đối với điện mặt trời mái nhà chưa được xác định.
Hiện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) đã có văn bản cho biết đang phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu các mô hình, quy mô và giá mua bán điện tương ứng cho từng loại hình điện mặt trời mái nhà. Dự kiến trong quý 1-2021, cục này mới báo cáo Bộ Công thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tiếp theo.
Theo EVN, trong thời gian chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, các đơn vị điện lực trực thuộc sẽ thực hiện chốt danh sách các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã hoàn thành lắp đặt toàn phần hoặc một phần hệ thống vào vận hành thương mại đến thời điểm 24h ngày 31-12-2020.
Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà vào vận hành một phần hệ thống đến thời điểm 24h ngày 31-12-2020, các công ty điện lực sẽ lập biên bản xác nhận với chủ đầu tư về quy mô công suất của phần hệ thống đã vào vận hành.
Theo đó, các công ty điện lực sẽ dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ các hệ thống này phát triển sau ngày 31-12-2020 cho đến khi có hướng dẫn mới của cơ quan có thẩm quyền.
EVN nhấn mạnh, đối với các công trình điện mặt trời mái nhà phát triển sau ngày 31-12-2020, các đơn vị điện lực sẽ không ghi nhận điện năng phát lên lưới và không mua điện khi chưa có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 6/4/2020, Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Theo đó, các dự án điện mặt trời mái nhà có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11-2019 và có ngày vận hành thương mại của dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ ngày 1-7-2019 đến hết ngày 31-12-2020 được ký hợp đồng bán điện với giá cố định 1.943 đồng/kWh, áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Ngay sau đó, hàng loạt cơ chế liên quan đến thủ tục đầu tư lắp đặt, sản xuất và nhập khẩu thiết bị, hỗ trợ vay tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư được các bộ, ban, ngành, địa phương triển khai. Điện mặt trời mái nhà như bước vào giai đoạn phát triển “bùng nổ”, góp phần làm giảm áp lực nguồn cung, áp lực đầu tư hạ tầng.
Tính đến hết ngày 31-12-2020, cả nước có hơn 101 nghìn công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt gần 9,3 nghìn MWp, tổng sản lượng điện phát lưới đạt hơn 1,15 tỷ kWh. Riêng tại Đồng Nai, trong năm 2020 có hơn 4,5 nghìn khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà được ký hợp đồng, gấp 3 lần số khách hàng lắp đặt của những năm trước cộng lại; tổng công suất lắp đặt hơn 664MWp, gấp 14,7 lần chỉ tiêu được giao trong năm (45MWp). Tổng sản lượng điện mặt trời mái nhà phát lên lưới hiện đạt hơn 61 triệu kWh.