4 Luật có hiệu lực từ 1/7/2021

Từ 1/7/2021, Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Thỏa th

Từ 1/7/2021, Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Thỏa thuận quốc tế chính thức có hiệu lực.

Bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân

Việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú năm 2020 nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trong tình hình mới; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng lý, quản lý cư trú; đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú, trọng tâm nhằm xây dựng, quản lý cư trú qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Ảnh minh họa (Internet)

Luật Cư trú năm 2020 có 7 chương, 38 điều và có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), trong đó, Chương IV của luật quy định việc đăng ký, quản lý thường trú từ phương thức thủ công bằng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin, thông qua việc sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh đó, Luật Cư trú năm 2020 bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. 

Huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai, trong việc huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 3 điều. Trong đó, sửa đổi bổ sung 24 khoản của Luật Phòng, chống thiên tai và 7 khoản của Luật Đê điều.

Một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai được sửa đổi, bao gồm: Loại hình thiên tai; công trình phòng, chống thiên tai; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai; nguồn nhân lực phòng, chống thiên tai; vật tư, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai; nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai; quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương; bổ sung 2 điều mới: điều tra cơ bản, khoa học và công nghệ phòng, chống thiên tai.

Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Đê điều quy định: Hoạt động nạo vét luồng lạch đối với tuyến sông có đê từ cấp III trở lên phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn đê điều; bỏ quy định xây dựng cầu qua sông có đê phải có cầu dẫn trên bãi sông. Trong quá trình thực hiện, một số cầu mới được xây dựng ở những vị trí có khoảng cách giữa 2 tuyến đê lớn không nhất thiết phải làm cầu dẫn trên bãi sông mà vẫn phải có các giải pháp kỹ thuật khác, đảm bảo an toàn đê điều, thoát lũ.

Bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi, bổ sung 15 điều, bãi bỏ 2 điều.

Luật bổ sung các đối tượng được thông báo kết quả HIV dương tính và tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông báo cho vợ, chồng, người chuẩn bị kết hôn, người sống chung như vợ, chồng của người nhiễm HIV nhằm đảm bảo dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng trên.

Theo Luật này, độ tuổi của trẻ được quyền tự nguyện đề xuất xét nghiệm HIV giảm từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế và sự gia tăng số trẻ em nhiễm HIV trong giai đoạn hiện nay. 

Mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế

Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương, 52 điều; thay thế Pháp lệnh Ký kết và Thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Luật Thỏa thuận quốc tế đã mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các chủ thể chưa được quy định trong Pháp lệnh năm 2007 như tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện, UBND cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

Nguồn: baochinhphu.vn

  • Tags: