An toàn thông tin mạng và giải pháp phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng hiện nay

Mạng xã hội bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 2000 và phát triển với tốc độ nhanh chóng, dần trở thành nhu cầu thiết yếu của xã hội. Sự phổ biến nhanh chóng của mạng xã hội đưa đến cả tác động tích cực và tiêu cực. Bên cạnh những lợi ích không nhỏ thì mạng xã hội cũng đưa đến những hệ lụy khôn lường nếu trong quá trình sử dụng không được quản lý tốt. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết trong công tác quản trị, đặc biệt là trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Khái quát vấn đề

Về mặt khái niệm, An ninh mạng là phương pháp bảo vệ an toàn cho máy tính, mạng, ứng dụng phần mềm, hệ thống quan trọng và dữ liệu khỏi các mối đe dọa kỹ thuật số tiềm ẩn. Có các tổ chức chịu trách nhiệm bảo mật dữ liệu để duy trì lòng tin của khách hàng cũng như đáp ứng việc tuân thủ quy định, thông qua các biện pháp và công cụ an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm khỏi bị truy cập trái phép cũng như ngăn chặn gián đoạn trong hoạt động kinh doanh gây ra bởi hoạt động mạng ngoài ý muốn. Các tổ chức triển khai an ninh mạng bằng cách hợp lý hóa công tác phòng vệ kỹ thuật số giữa con người, quy trình và công nghệ. Cũng có thể nói ngắn gọn: An ninh mạng “là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Còn An toàn thông tin mạng “là sự bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin trên mạng tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin”.

Ở Việt Nam ta, tình hình an ninh thông tin cũng có những diễn biến phức tạp. Nhất là các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động tình báo, gián điệp, khủng bố, phá hoại hệ thống thông tin; phát tán thông tin xấu, độc hại nhằm tác động chính trị nội bộ, can thiệp, hướng lái chính sách, pháp luật của Việt Nam. Chúng thường xuyên gia tăng hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin quan trọng quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi tháng có hàng chục nghìn bài viết, video trên internet, mạng xã hội có nội dung liên quan đến Việt Nam, trong đó tỷ lệ không nhỏ các bài viết, video có nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta (có khoảng 67% bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, số còn lại phát tán trên các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động).

Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua và ban hành ngày 12/6/2018, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019. Một năm sau đó, Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 03/01/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông đã nhấn mạnh:  “An toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, do đó phải đi trước một bước”. Đây là cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện và quản lý thông tin mạng nói chung nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.  

Nhận diện thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng

Các thế lực thù địch thường triệt để lợi dụng sức mạnh lan truyền của internet, mạng xã hội như một phương tiện truyền thông đắc lực để đăng tải thông tin xấu độc, bịa đặt, sai sự thật, xuyên tạc vấn đề; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch.

Qua thực tiễn trên không gian mạng, có thể nhận thấy âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cơ bản vẫn tập trung vào một số nội dung, như: Xuyên tạc phá hoại nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây mâu thuẫn nội bộ, công kích, bôi nhọ và hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, thông qua truyền thông mạng xã hội để kêu gọi, kích động biểu tình, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kích động hoạt động chống phá của số đối tượng chống đối chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền và “tự do Internet”, khuyến khích các đối tượng này chống phá quyết liệt hơn bằng cách trao các giải thưởng, đề cử vinh danh hay đưa Việt Nam vào danh sách “kẻ thù của Internet”, vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền. Chúng còn lợi dụng, cường điệu hóa những hạn chế, khuyết điểm của Đảng và hệ thống chính trị trong lãnh đạo, quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội để quy kết cho rằng việc Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng chính là nguyên nhân gốc rễ của những hạn chế, khiếm khuyết đó… Các thế lực thù địch chủ yếu thông qua các phương tiện truyền thông, internet, blog, website, blog... để phát tán những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá nhằm gây tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Để thực hiện âm mưu thâm độc nói trên, các đối tượng phản động, thù địch thường dùng các thủ đoạn như: Sử dụng tài khoản mạng xã hội có tương tác lớn hoặc tổ chức các chiến dịch truyền thông phát tán thông tin. Tiến hành xây dựng nhiều kênh thông tin trên các nền tảng xuyên biên giới có sự liên kết với nhau; đặc biệt phát triển các kênh truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số nhằm hướng tới đối tượng tuyên truyền là đồng bào dân tộc thiểu số…

Bọn phản động còn lợi dụng hạn chế, bất cập trong công tác quản lý kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng mạng xã hội để tuyên truyền xuyên tạc; lợi dụng chính sách của mạng xã hội, thành lập hàng nghìn hội nhóm tổ chức chính trị phản động, trong đó bao gồm cả hội nhóm công khai, bí mật với số lượng thành viên tham gia lớn, lôi kéo, thu hút, mời chào thành viên tham gia, hoạt động có đường hướng, tôn chỉ, mục đích cụ thể để chống phá Nhà nước, chống phá chế độ ta…

Một số giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an ninh mạng

Trước hết, tăng cường và nâng cao chất lượng sử dụng thông tin chính thống đóng vai trò dẫn dắt định hướng dư luận. Hệ thống báo chí và các kênh truyền thông của các cấp từ Trung ương đến địa phương cần được xây dựng đồng bộ, có sự liên kết chặt chẽ giữa các kênh truyền thông để tạo ra sức ảnh hưởng lớn với dư luận.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng có thế mạnh trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên không gian mạng và trên báo chí.  Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp có cơ chế phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền với nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, yêu cầu thực hiện đúng theo pháp luật Việt Nam; Tăng cường phối hợp trong việc xóa bỏ các thông tin tiêu cực, thông tin xấu độc ảnh hưởng đến nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và bình đẳng cho mọi đơn vị, cá nhân cung cấp và sử dụng thông tin internet, các mạng xã hội trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ tư, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng tới cán bộ và nhân dân; đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong việc khai thác, sử dụng Internet và mạng xã hội.

Thứ năm, nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đấu tranh chống lại những thông tin xấu, độc hại, bịa đặt trên không gian mạng. Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin để tăng cường khả năng theo dõi, bám nắm, giám sát tình hình. Nghiên cứu, xây dựng nội dung, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động triệt phá tin giả, thông tin sai trái, xấu độc. Trang bị cho lực lượng đấu tranh các hệ thống hiện đại để giám sát phát hiện thông tin phát hiện kịp thời các thông tin xuyên tạc trước khi bị phát tán ra nhiều tài khoản mạng xã hội tiếp cận đến số lượng lớn cộng đồng mạng./.

Ths Nguyễn Tiến Thịnh

...
  • Tags: