Áp dụng quy tắc giải thích điều ước quốc tế trong xác định đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Vùng biển của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của chúng. Tuy nhiên, Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS) không quy định rõ về cách xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của các nhóm đảo xa bờ thuộc chủ quyền của quốc gia lục địa.

Với mục đích làm sáng tỏ vấn đề trên, tác giả của bài viết này phân tích các quy tắc giải thích điều ước quốc tế, từ đó áp dụng các quy tắc này để giải thích các quy định của UNCLOS trong trường hợp xác định đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

1. Quy tắc giải thích điều ước quốc tế
Quy tắc giải thích điều ước quốc tế được pháp điển hoá trong Công ước Vienna 1969 về luật điều ước quốc tế giữa các quốc gia (sau đây gọi tắt là Công ước Vienna 1969); theo đó, “Quy tắc chung” là: “một điều ước phải được giải thích một cách thiện chí theo ý nghĩa thông thường được đưa ra cho các điều khoản của điều ước trong ngữ cảnh của chúng và dựa trên đối tượng và mục đích của nó” (Điều 31).
Theo Uỷ ban Luật quốc tế (ILC) của Liên hợp quốc (UN), việc sử dụng “Quy tắc” ở danh từ số ít là chủ ý với hàm ý rằng quá trình giải thích điều ước là một sự thống nhất và các quy định của Điều 31 tạo thành một quy tắc duy nhất, được tích hợp chặt chẽ[2]. Điều 31 Công ước Vienna 1969 cũng nhấn mạnh tính bắt buộc “phải” tích hợp của các yêu cầu: (i) thiện chí, (ii) nghĩa thông thường của điều khoản, (iii) ngữ cảnh của điều ước; (iv) đối tượng và mục đích của điều ước. Khác với hầu hết các yếu tố khác của “quy tắc chung” giải thích điều ước được quy định trong Công ước Vienna 1969, ít nhất là từ cách nó được thể hiện trong lời mở đầu của Điều 31, “thiện chí” áp dụng cho toàn bộ quá trình giải thích một điều ước mà không phải chỉ là để giải thích nghĩa của một từ hoặc cụm từ cụ thể trong điều ước.
Ngoài ra, những căn cứ khác sẽ được “tính đến” (không phải là bắt buộc) khi quy tắc chung nêu ở trên chưa làm rõ nội dung của các điều khoản cần giải thích hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp thấy cần xác định rõ hơn nội dung thật sự của điều khoản. Những căn cứ này bao gồm[3]: (i) Mọi thỏa thuận sau này giữa các bên về việc giải thích điều ước hoặc về việc thi hành các quy định của điều ước; (ii) Mọi thực tiễn sau này trong khi thực hiện điều ước được các bên thỏa thuận liên quan đến việc giải thích điều ước. Một thuật ngữ sẽ được hiểu với nghĩa riêng biệt nếu có sự xác định rằng đó là ý định của các bên, do lĩnh vực đặc thù mà điều ước đó điều chỉnh hoặc do các bên nhất trí sử dụng một nghĩa riêng biệt thay vì nghĩa thông thường của điều khoản.
Trong trường hợp nội dung giải thích có nghĩa mập mờ hay khó hiểu, hoặc việc giải thích lại dẫn đến một kết quả rõ ràng là phi lý hay không hợp lý, Điều 32 Công ước Vienna 1969 quy định về những phương tiện bổ trợ có thể được viện dẫn giải thích điều ước quốc tế, bao gồm: (i) các tài liệu trù bị cho điều ước và (ii) hoàn cảnh ký kết điều ước.
Mặc dù “quy tắc chung về giải thích điều ước” được thể hiện bằng ngôn ngữ có tính bắt buộc (phải) và xác định rõ những gì phải “tính đến” nhưng thực tiễn các quốc gia và cơ quan tài phán quốc tế khá linh hoạt trong áp dụng các yếu tố này, tuỳ thuộc vào yếu tố nào có thể có trong một trường hợp cụ thể. Trên thực tế, các quy tắc giải thích điều ước trong Công ước Vienna 1969 đã được viện dẫn, áp dụng rộng rãi[4] và cơ quan tài phán quốc tế đã thừa nhận các quy tắc này phản ánh luật tập quán quốc tế[5].
2. Quy định của Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS) về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải
Để xác định phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, việc đầu tiên các quốc gia phải làm là xác định hệ thống đường cơ sở để từ đó xác định chiều rộng của lãnh hải và các vùng biển tiếp liền. UNCLOS quy định hai phương pháp xác định đường cơ sở; theo đó, đường cơ sở thông thường là “ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển…” (Điều 5) và “phương pháp đường cơ sở thẳng nối các điểm thích hợp có thể được sử dụng” (Điều 7).
So với đường cơ sở thông thường, phương pháp đường cơ sở thẳng có thể giúp quốc gia ven biển mở rộng phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền. Do đó, Điều 7 (1) (2) UNCLOS quy định một quốc gia chỉ có thể vạch đường cơ sở thẳng nếu bờ biển của nước này thuộc một trong ba trường hợp: (i) bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm; (ii) có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển; (iii) bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và những đặc điểm tự nhiên khác.
Để đạt được mục đích của phương pháp đường cơ sở thẳng, UNCLOS quy định hai hạn chế đối với việc áp dụng phương pháp này. Hạn chế thứ nhất là “các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc chìm lúc nổi, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước” (Điều 7 (4) UNCLOS). Như vậy, các điểm cơ sở phải là thực tế vật chất rõ ràng. Các bãi cạn lúc nổi lúc chìm chỉ được sử dụng làm điểm cơ sở của đường cơ sở thẳng nếu như “ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước” và đồng thời, “toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc cách một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải” (Điều 13 UNCLOS). Hạn chế thứ hai là “phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế” (Điều 7.6 UNCLOS). Điều này có nghĩa là việc vạch đường cơ sở thẳng của một quốc gia không được cắt vào lãnh hải của quốc gia khác; đồng thời, các vùng biển tính từ đường cơ sở thẳng đó cũng không được xâm phạm vào lãnh hải của quốc gia khác.
Bên cạnh đó, UNCLOS cũng quy định về đường cơ sở quần đảo; theo đó, “một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất…” (Điều 47 UNCLOS). Do đó, áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo là ưu thế, giúp quốc gia quần đảo mở rộng phạm vi các vùng biển của mình. Tuy nhiên, điều khoản trên không trực tiếp loại trừ quốc gia lục địa khỏi việc áp dụng quy chế có lợi này. Liệu quốc gia lục địa sở hữu các nhóm đảo xa bờ - nhóm đảo mà có thể được miêu tả dưới góc độ địa lý là quần đảo nhưng không đáp ứng định nghĩa pháp lý về quần đảo theo quy định của Điều 46 UNCLOS - có được áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo hay không? Việc trả lời câu hỏi này đòi hỏi áp dụng các quy tắc giải thích điều ước trong Công ước Viena 1969 đối với giải thích quy định của UNCLOS về đường cơ sở.
3. Xác định đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên cơ sở giải thích quy định của UNCLOS
Nằm ở giữa Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là nhóm đảo bao gồm hàng trăm các cấu trúc địa chất tự nhiên bao gồm các đảo, mỏm đá, rạn san hô, các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm và các bãi chìm.Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa[6]. Tuy nhiên, trong tuyên bố xác lập đường cơ sở ngày 15/5/1996[7], Trung Quốc đã tự ý vạch đường cơ sở gồm 28 điểm bao kín toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà nước này xâm chiếm của Việt Nam khi sử dụng vũ lực bất hợp pháp vào năm 1956 và 1974. Liệu có thể xác định đường cơ sở cho quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa bằng cách nối các đảo và các cấu trúc khác của chúng (gộp thành một khối) trong một hệ thống nối các điểm ngoài cùng của chúng? Hệ quả thực tế là rất quan trọng, bởi vì đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của các vùng biển khác nhau thuộc thẩm quyền của quốc gia ven biển (hướng ra biển) và vùng biển nào trở thành nội thuỷ hay vùng nước quần đảo (hướng vào đất liền) phụ thuộc vào cách thức được áp dụng để xác định đường cơ sở.
Theo Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, “đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được quy định cụ thể trong một văn kiện tiếp theo phù hợp với điểm 5 của bản Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[8]. Theo Phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông, quần đảo Trường Sa không đủ điều kiện là một “quần đảo” theo nghĩa pháp lý (Điều 46 UNCLOS) mà là một tập hợp các đảo đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm… với quy chế pháp lý riêng cho mỗi cấu trúc[9].
Việt Nam đã thể hiện quan điểm ủng hộ cách tiếp cận của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông ở nội dung quan trọng sau: “các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất”[10].Việt Nam cũng khẳng định “Công ước UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”[11].Như vậy, lập trường của Việt Nam đã rất rõ ràng rằng đường cơ sở và mọi vùng biển tính từ đường cơ sở đấy chỉ có thể hợp pháp nếu phù hợp với UNCLOS, bởi vì UNCLOS là “cơ sở pháp lý duy nhất”, “quy định toàn diện và triệt đểvề phạm vi quyền được hưởng vùng biển”.
Trước hết, Việt Nam đã thể hiện quan điểm không áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo theo Điều 47 UNCLOS cho quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa[12]. Để lập luận cho quan điểm trên, từ góc độ áp dụng các quy tắc giải thích điều ước được quy định trong Công ước Vienna 1969, Việt Nam có thể lập luận như sau:
- Văn phạm Điều 47 (1) UNCLOS đã quy định rõ “một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo…”. Ngoài điều khoản này, không có bất kỳ điều khoản nào khác trong UNCLOS quy định về đường cơ sở quần đảo hoặc cho phép các quốc gia lục địa được phép vạch đường cơ sở quần đảo cho các nhóm đảo xa bờ của mình. Trừ Philippines, tất cả các quốc gia liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đều là quốc gia lục địa nên không được phép vạch “đường cơ sở quần đảo”.
- Đối chiếu với đối tượng và mục đích của UNCLOS, đặc biệt là phần IV - các quốc gia quần đảo - thì sự mở rộng quy chế quần đảo (chỉ dành cho quốc gia quần đảo) đối với các nhóm đảo xa bờ của quốc gia lục địa là đi ngược lại lợi ích của cộng đồng quốc tế liên quan đến tự do hàng hải, bởi vì việc mở rộng đó sẽ thu hẹp đáng kể phạm vi không gian của biển quốc tế.
- Các văn bản trong quá trình đàm phán (travaux preparatoires):Tại Hội nghị Luật biển lần thứ I, cho dù đường cơ sở quần đảo cùng với đường cơ sở thẳng đã được xem xét để đưa ra trong quá trình đàm phán Công ước năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp nhưng nó vẫn là một vấn đề nhạy cảm vào thời điểm bấy giờ và vì thế đã bị bỏ qua. Tại Hội nghị Luật biển lần III, việc giới thiệu đường cơ sở quần đảo trong UNCLOS được gắn liền một cách chặt chẽ với một khái niệm mới về “quốc gia quần đảo”. Nghiên cứu các văn bản trong quá trình đàm phán UNCLOS cho thấy, những nỗ lực của các quốc gia lục địa nhằm tránh phân biệt rạch ròi giữa quy chế pháp lý của các nhóm đảo ven bờ, nhóm đảo xa bờ với quốc gia quần đảo đã bị phản đối kịch liệt[13]. Thậm chí, Tài liệu làm việc năm 1974 do các quốc gia này đưa ra còn không được chấp nhận đưa vào văn bản thảo luận chính thức tại Hội nghị Luật biển lần III. Bởi vì, trong Tài liệu này các quốc gia lục địa yêu sách rằng: “lãnh hải của một quốc gia ven biển mà có một hay nhiều hơn các quần đảo xa bờ… sẽ được tính từ các đường cơ sở dùng để nối các vùng nước quần đảo của quần đảo đó”[14]. Như vậy, theo các văn bản được đưa ra trong quá trình đàm phán, soạn thảo UNCLOS thì cách giải thích đúng cho UNCLOS là đường cơ sở quần đảo chỉ dành cho quốc gia quần đảo, tức là “quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có thể bao gồm một số hòn đảo khác nữa” (Điều 46.a UNCLOS).
- Về hoàn cảnh thực tế, với rất nhiều các đảo nhỏ và bãi cạn lúc chìm lúc nổi trải dài trên một vùng nước rộng, tỷ lệ nước và đất ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa sẽ không đáp ứng yêu cầu tỷ lệ “giữa 1:1 và 9:1” (Điều 47 UNCLOS).
Tóm lại, các phân tích và lập luận ở trên là cơ sở để Việt Nam đưa ra quan điểm phù hợp với UNCLOS và thực tiễn quốc tế, đó là không áp dụng đường cơ sở quần đảo theo Điều 47 UNCLOS cho toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
Thứ hai, không áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng theo Điều 7 UNCLOS cho toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và trao cho hai quần đảo này quyền hưởng các vùng biển như một đơn vị duy nhất. Quan điểm này của Việt Nam có thể dựa trên lập luận giải thích UNCLOS như sau:
- Thuật ngữ trong văn bản UNCLOS: Văn phạm Điều 7 UNCLOS quy định ba trường hợp được hoạch định đường cơ sở thẳng nhưng không có từ ngữ nào minh thị hay hàm ý rằng các quần đảo xa bờ thuộc quốc gia lục địa có quyền được vạch đường cơ sở thằng bao quanh toàn bộ quần đảo đó.
- Đối tượng và mục đích của UNCLOS: Phương pháp đường cơ sở thẳng không thể được sử dụng để đi ngược lại với các nguyên tắc khác của luật quốc tế, nhất là tinh thần của UNCLOS: “quan tâm đúng mức đến chủ quyền của tất cả các quốc gia,… tính đến các lợi ích và nhu cầu của toàn thể loài người…” (Lời nói đầu UNCLOS).
Mục đích của các quy định về đường cơ sở thẳng là để giải quyết những trường hợp địa lý bờ biển đặc biệt phức tạp. “Ý tưởng của các nhà soạn thảo UNCLOS dường như tương đối rõ ràng: vấn đề không phải ở chỗ làm lại tự nhiên bằng cách thay đổi toàn bộ địa hình bờ biển trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống…, nhiệm vụ đặt ra là thay đổi cho đơn giản mà vẫn phù hợp với địa thế chung của bờ biển. Đơn giản hoá nhưng không lạm dụng, làm biến đổi sai lệch: đó chính là ý nghĩa của phương pháp đường cơ sở thẳng mà UNCLOS 1982 muốn hướng tới”[15]. Phương pháp đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo chỉ được áp dụng trong những điều kiện, hoàn cảnh và với các quốc gia nhất định nhưng trong đó không bao gồm hoàn cảnh là nhóm đảo xa bờ của quốc gia lục địa. Chính sự quy định chặt chẽ về các các điều kiện, hoàn cảnh tại Điều 7, Điều 46 và Điều 47 UNCLOS đã loại trừ khả năng áp dụng đường cơ sở thẳng trong các hoàn cảnh khác, bởi vì việc áp dụng đó sẽ làm cho các điều kiện nêu ở các điều khoản này trở nên không có ý nghĩa[16].
- Bối cảnh cụ thể làm nảy sinh quy định của pháp luật quốc tế về đường cơ sở thẳng là phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) trong vụ ngư trường giữa Anh và Nauy (1951)[17]. Hoàn cảnh áp dụng đường cơ sở thẳng trong phán quyết này liên quan đến các đảo nằm sát ngay bờ biển của Nauy, làm cho Nauy khó có thể xác định được đường cơ sở theo cách thông thường (Điều 5 UNCLOS). Điều này hoàn toàn khác với trường hợp các quốc gia lục địa với hoàn cảnh là các nhóm đảo xa bờ và không có mối liên hệ đặc biệt với lục địa. Việc áp dụng đường cơ sở thẳng trong trường hợp nhóm đảo xa bờ sẽ mở rộng vùng biển lớn hơn nhiều so với trường hợp chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc bờ biển lục địa. Hơn nữa, chúng cũng khác nhau về sự phụ thuộc vào lục địa (về mặt địa lý và vật chất).
- Thực tiễn sau này: Một số quốc gia lục địa đã xác định đường cơ sở thẳng cho các nhóm đảo độc lập xa bờ với mục đích đạt được kết quả tương đương như đường cơ sở quần đảo[18]. Tuy nhiên, các yêu sách này thường mập mờ nên không rõ là các đường cơ sở này được yêu sách theo Điều 7 hay Điều 47 UNCLOS[19]. Điều này gây khó khăn cho việc xác định “mọi thực tiễn sau này” (Điều 31 (3) Công ước Vienna 1969). ICJ thể hiện quan điểm áp dụng chặt chẽ Điều 7 UNCLOS với các nhóm đảo độc lập xa bờ, bởi vì một quốc gia phức hợp các đảo không được phép “đi chệch khỏi các quy tắc thông thường về xác định đường cơ sở, trừ khi các điều kiện có liên quan được đáp ứng”[20]. Tòa trọng tài giải quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc (2016) cũng tán thành với quan điểm này khi cho rằng, việc áp dụng đường cơ sở thẳng đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa như một tổng thể, tương tự như đường cơ sở quần đảo, là trái với UNCLOS[21].
Từ các lập luận ở trên có thể kết luận rằng việc xác định đường cơ sở thẳng, thường nằm trong nỗ lực để cạnh tranh với quy chế quần đảo, xung quanh toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa là đi ngược với tinh thần cũng như văn bản UNCLOS. Phương pháp đường cơ sở thẳng chỉ có thể được áp dụng với từng cụm đảo của hai quần đảo này trong trường hợp cụm đảo đó bao gồm một đảo chính bao quanh bởi các đảo nhỏ hơn, phân bố trên một vùng liên tục trước bờ biển của đảo chính và tạo thành một chuỗi đảo đáp ứng các quy định chặt chẽ về điều kiện và hoàn cảnh tại Điều 7 UNCLOS. Ngoài ra, căn cứ vào quy định: “lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho lãnh thổ đất liền khác” (Điều 121 (1) UNCLOS) thì có thể kết luận rằng đường cơ sở thông thường (theo Điều 5 UNCLOS) được áp dụng với từng đảo xa bờ, nằm riêng biệt với các đảo khác. Trong trường hợp này, nếu các đảo nằm trên san hô hoặc các đảo có đá ngầm ven bờ bao quanh thì có thể sử dụng ngấn nước triều thấp nhất ở bờ phía ngoài cùng của các mỏm đá để xác định đường cơ sở của đảo (Điều 6 UNCLOS).
Cần lưu ý rằng, việc xác định chính xác đặc điểm địa lý (thành phần, vị trí…) của các cấu trúc thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nhiệm vụ dành cho các nhà địa lý hơn là cho các nhà nghiên cứu pháp lý. Từ góc độ nghiên cứu pháp lý, đối với những đảo nằm riêng biệt như đảo An Bang (Ambona Cay), Bình Nguyên (Flat Island), Vĩnh Viễn (Nanshan (Island), Bến Lạc (West York Island) thuộc quần đảo Trường Sa và các đảo Tri Tôn, Đá Bắc… thuộc quần đảo Hoàng Sa thì đường cơ sở được xác định dựa trên ngấn nước triều thấp nhất của từng đảo. Đối với các đảo nằm thành nhóm ở phía Nam và Tây Nam của quần đảo Trường Sa và phía Bắc, phía Tây của quần đảo Hoàng Sa thì đường cơ sở có thể xác định bằng việc sử dụng các đảo nằm trên san hô hoặc có mỏm đá ngầm ven bờ bao quanh để xác định ngấn nước triều thấp nhất của đảo (Điều 6 UNCLOS). Ví dụ, các cấu trúc san hô ở quần đảo Trường Sa bao gồm Rạn Nguy Hiểm phía Bắc (North Danger Reef), cụm Tizard (Tizard Bank) và cụm Sinh Tồn (Union Reefs) thỏa mãn yêu cầu của Điều 6 UNCLOS. Trên cơ sở phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiên Biển Đông về quy chế pháp lý và vị trí địa lý của một số cấu trúc ở quần đảo Trường Sa[22] thì có thể phác thảo đường cơ sở của các nhóm đảo này là đường nối các đảo với tất cả các mỏm đá như Đá Bắc (North Reef) và Đá Nam (South Reef) ở nhóm Rạn Nguy Hiểm phía Bắc (North Danger Reef).
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể sử dụng các bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm ở trong phạm vi 12 hải lý của một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để mở rộng lãnh hải của các đảo này phù hợp với Điều 13 (1) UNCLOS. Ví dụ, trên cơ sở phán quyết của Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc[23] thì Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Đá Gaven phía Nam (Gaven Reef- South) và Đá Subi (Subi Reef) là các bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm trong phạm vi 12 hải lý của các đảo tương ứng là Đá Ken Nan (Kennan Reef), đảo Sinh Tồn (Sin Cowe Island), Đá Gaven Bắc (Gaven Reef -North), đảo Nam Yết (Namyit Island) và Đảo Sơn Ca. Do đó, các bãi cạn lúc nổi lúc chìm này có thể được sử dụng để mở rộng lãnh hải của các đảo tương ứng. Vùng nước nằm phía trong các đường cơ sở này là nội thủy. Tuy nhiên, Việt Nam cần lưu ý rằng, theo quan điểm của ICJ trong vụ Qatar kiện Bahrain (2001), trong những trường hợp này “luật biển không cho phép áp dụng phương pháp nhảy cóc”[24], nghĩa là nối liên tiếp hai bãi cạn lúc nổi lúc chìm.
Tóm lại, trên cơ sở áp dụng các quy tắc giải thích điều ước để giải thích UNCLOS, Việt Nam phản đối việc chiếm đóng trái phép và áp dụng phương pháp đường cơ sở quần đảo hoặc đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa như một tổng thể duy nhất để từ đó yêu sách đầy đủ các vùng biển từ đường cơ sở đó. Đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là đường cơ sở thông thường cho các đảo ở hai quần đảo này, ngoại trừ trường hợp xác định đường cơ sở thẳng cho nhóm các đảo nằm trong phạm vi 12 hải lý của nhau và một đảo với các bãi cạn lúc nổi lúc chìm nằm trong phạm vi 12 hải lý của đảo thuộc nhóm đảo đó. Để làm như vậy, Việt Nam phải hoàn thiện bộ hồ sơ pháp lý về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, trong đó phân loại các cấu trúc biển ở hai quần đảo này và đồng thời xác định các vị trí của chúng./. 

TS. LÊ THỊ ANH ĐÀO

Trường Đại học Luật Hà Nội


* Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ đề tài của Trường Đại học Luật Hà Nội, "Giải thích điều ước quốc tế trong thực tiễn của cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế và những kinh nghiệm cho Việt Nam”.
[2] ILC, [1966] YBILC, vol II, 219 [8].
[3] Điều 31(3) và 31 (4) Công ước Vienna 1969.
[4] P Merkouris & D Peat, “Preliminary Report: The Interpretative Practice of the PCIJ/ ICJ” (2020), tại: https://ila.vettoreweb.com/Storage/Download.aspx? DbStorageId=24296&StorageFileGuid=9a6e74e1-a462-42f5-904d-813f34ab42b8).
[5] M. Fitzmaurice and P. Merkouris, Treaties in Motion: The Evolution of Treaties from Formation to Termination (CUP 2020), pp. 147-58.
[6] Xem, ví dụ Công hàm số 240/HC-2009 của Việt Nam gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc, https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/vnm_re_phl_2009re_vnm.pdfCông hàm số 77/HC-2011 của Việt Nam gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc, https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/vnm37_09/vnm_2011_re_phlchn.pdf.
[7] Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở của lãnh hải, ngày 15 tháng 5 năm 1996, https://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/CHN_1996_Declaration.pdf .
[8] Mục 4,Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa XHCNViệt Nam ngày 12/11/1982 về đường cơ sở lãnh hải của Việt Nam, bản tiếng Anh trên website của Liên hợp quốc, https://www.un.org/Depts/los/LEGISLATIONANDTREATIES/PDFFILES/VNM_1982_Statement.pdf.
[9]Vụ kiện Biển Đông (Philippines v. Trung Quốc) [2016] (Phán quyết trọng tài) 237, đoạn 539-551.
[11] Tlđd, đoạn 4.
[12] Tuyên bố của Cộng hoà XHCN Việt Nam phản đối Tuyên bố ngày 15/5/1996 của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về đường cơ sở của lãnh hải, tại Division for Ocean Affairs and the Law of the Sea, BulletinN0.32, UN Newyork 1996, p.91. bản tiếng Anh tại https://www.un.org/Depts/los/doalos_publications/LOSBulletins/bulletinpdf/bulletinE32.pdf. 
[13] Untied Nations, Official Records of the UNCLOS III, http://legal.un.org/diplomaticconferences/lawofthesea-1982/Vol1.html. Truy cập ngày 12/4/2022.
[14] Jorge Antonio Pueyo LosaEl archipiélago oceánicoregulación jurídico-marítima internacional, Internacional Law Association (Sección Española), 1981, tr.182 & 202-204 
[15] Nguyễn Toàn Thắng (2016), Vấn đề phân định biển trong luật quốc tế và thực tiễn phân định biển giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ (Bộ Tư pháp), Việt Nam, tr.13-14; UN Office for Ocean Affairs and the Law of the Sea (1989), Baselines: An Examination of the Relevant Provisions of the United Nations Convention on the law of the Sea, Appendix I (Glossary and Technical Terms), UN Publication, Sales No. E.88.V5, New York, p.16.
[16] Vụ kiện Biển Đông (Philippines v. Trung Quốc) [2016], tlđd, đoạn 575.
[17] Anglo-Norwegian Fisheries Case [1951] ICJ Reports, 116.
[18] Lê Thị Anh Đào, Quy chế pháp lý của đảo theo quy định của Công ước luật biển năm 1982 và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2017, tr.60-68.
[19] Bộ Ngoại giao Mỹ, Limits in the Sea No. 117: Straight Baseline Claim: China, tr. 8, xem tại https://2009-2017.state.gov/documents/organization/57692.pdf .
[20] Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain, (Qatar v. Bahrain), Merits, Judgment (2001) ICJ Reports 40, par. 32-34 & par.212-215.
[21] Vụ kiện Biển Đông (Philippines v. Trung Quốc) [2016], tlđd, đoạn 575.
[22] South China Sea Arbitration, tlđd, đoạn 397-399
[23] South China Sea Arbitration, tlđd, par.382-384.
[24] Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain, (Qatar v. Bahrain), Merits, Judgment (2001) ICJ Reports 40, đoạn 207.
  • Tags: