Bài học “Nước lấy dân làm gốc” trong phòng, chống đại dịch COVID-19 hiện nay

Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở một số nước trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là phòng, chống đại dịch COVID-19 như “chống giặc”. Tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” trở thành nền tảng tinh

Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở một số nước trên thế giới và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là phòng, chống đại dịch COVID-19 như “chống giặc”. Bởi vậy, phải tin ở dân, dựa vào dân, tổ chức và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, bồi dưỡng, đào tạo và phát huy mọi năng lực của nhân dân, để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đó là tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc”, được vận dụng sáng tạo trong công tác dân vận hiện nay; thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác trao số tiền hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho thành phố Hà Nội

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[1]. Bác chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[2].

Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, trong đó nhấn mạnh việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân, được đặt lên trên hết và trước hết. Điều đó được thể hiện rõ quan điểm đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch COVID-19 đã nêu rõ: “Toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”[3].

Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chống dịch như chống giặc” và nêu rõ: “Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, “sức dân như nước”. Tuyên bố trên thể hiện rõ sự đoàn kết thống nhất và tinh thần làm chủ của nhân dân khi “lấy dân làm gốc”.

Từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta hết sức nguy hiểm, từ ngày 27/4/2021 đến nay, nhiều địa phương phải phong toả, giãn cách từng khu vực hoặc toàn bộ địa bàn, làm ảnh hưởng lớn đời sống của hàng chục triệu người. Trước tình hình trên, ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”[4]. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tinh thần “lấy dân làm gốc”, gắn kết mỗi người dân Việt Nam lại với nhau để cùng đất nước vượt qua khủng hoảng. Ngày 30/7/2021, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh phải quán triệt, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng các hình thức thiết thực, sáng tạo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy ý chí, quyết tâm và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để chung sức, đồng lòng, chung tay cùng cả nước phòng chống dịch hiệu quả, chúng ta đã kịp thời ổn định cuộc sống của người dân. Nhằm thực hiện được “mục tiêu kép” Chính phủ tiếp tục ban hành kịp thời gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc triển khai cho thấy chính sách hỗ trợ là đúng, trúng đối tượng, thông thoáng về thủ tục hồ sơ. Đến nay, việc triển khai gói 26.000 tỷ đồng, 63/63 địa phương đã cơ bản đạt yêu cầu đề ra.

Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm bọc lá rách” của dân tộc; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Hình ảnh những anh “Bộ đội Cụ Hồ” không quản ngại ngày đêm, gian khổ làm nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ đường biên giới; tổ chức cách ly; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không quản khó khăn gian khổ thường xuyên duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các vùng dịch; điển hình là hình ảnh đội ngũ y, bác sĩ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, ngày đêm điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh. Tất cả khi vào cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19 như “chống giặc” đều đặt tính mạng của người bệnh và sự an toàn của cộng đồng là mục tiêu cao nhất. Không dừng lại ở đó, nhiều bác sỹ, y tác trẻ xung phong vào nơi tâm dịch với mong muốn san sẻ bớt nỗi khó khăn, mệt nhọc của đồng nghiệp và tuyên truyền, vận động đồng bào yên tâm phòng chống, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Bộ đội Biên phòng Nghệ An tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch COVID-19

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái”, mong muốn “không để ai bị bỏ lại phía sau”, không để ai phải thiếu ăn, thiếu mặc, một số tỉnh đã tổ chức phát động đợt cao điểm với chủ đề “San sẻ yêu thương”, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do giãn cách xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã có thư thăm hỏi, động viên và chia sẻ khó khăn, mất mát của bà con đang sinh sống, học tập, lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khi thực hiện giãn cách xã hội.

Thành công bước đầu khẳng định, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 “Nước lấy dân làm gốc” là đúng đắn, sáng tạo và hiệu quả; việc chỉ đạo, điều hành, triển khai khoa học, sáng tạo, quyết liệt; không để mất thời cơ, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc; quy tụ được sức mạnh đại đoàn kết to lớn của toàn dân tộc; được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đây là bài học kinh nghiệm quý, tạo tiền đề vững chắc để cả nước bình tĩnh, tự tin phòng chống thắng lợi với hiểm họa COVID-19 đang lan tràn hiện nay.

Trên cơ sở “lấy dân làm gốc” trong phòng, chống đại dịch COVID-19, chúng tôi thấy có một số nhiệm vụ, giải pháp cần quan tâm thực hiện sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống dịch COVID-19. Đây vừa là bài học kinh nghiệm vừa là định hướng quan trọng của công tác dân vận hiện nay. Nội dung tuyên truyền phải bảo đảm chính xác, trung thực, kịp thời, đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có tính tư tưởng, tính quần chúng và tính chiến đấu cao. Tập trung tuyên truyền làm cho nhân dân hiểu rõ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững và chấp hành nghiêm mọi chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định, kế hoạch phòng, chống đại dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ. Kiên quyết đấu tranh với những hành động chống lại hoặc không thực hiện nghiêm chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận; trọng tâm là các nội dung về công tác dân vận, liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 23 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Trong phòng, chống đại dịch COVID-19, các bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho toàn dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận; phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm trong tiến hành công tác dân vận. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với “lấy dân làm gốc” trong phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương và các phong trào, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành phát động; nhân rộng các nhân tố mới, “điển hình tiên tiến”, gương “người tốt, việc tốt” trong công tác dân vận hiện nay.

Thứ ba, cấp ủy, tổ chức đảng, những người đứng đầu chính quyền các cấp làm tốt công tác dân vận, thật sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phòng chống bệnh dịch. Đây vừa là bài học vừa là yêu cầu nhiệm vụ trong phòng, chống đại dịch COVID-19, phải “lấy dân làm gốc”. Các cấp ủy cần bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc, quy chế lãnh đạo sát với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; làm tốt việc phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tuyên truyền; gắn kết quả phòng, chống COVID-19 với đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xuống với dân là để bàn bạc với dân, học hỏi dân; nghiêm túc tiếp công dân, đối thoại với dân là để thấu hiểu, thông cảm, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, để quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân, chăm lo dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ và thực hành “dân vận khéo”. Những cách làm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”[5].

Thứ tư, cùng với “lấy dân làm gốc”, các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống dân vận là vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chức năng, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19, thực hiện Quy chế dân chủ. Đây vừa là bài học kinh nghiệm vừa là giải pháp trong việc phát huy vai trò của công tác dân vận, trách nhiệm của Mặt trận là tuyên truyền, giải thích, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống đại dịch COVID-19 như “chống giặc”; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cách làm là phải “đúng” và “khéo”, không gò ép áp đặt một cách thô bạo; phải tạo tính tự giác của mỗi người và nhân rộng các điển hình tiên tiến. Phải hiểu dân, tin tưởng dân, biết chờ đợi dân.

Cùng với đó, sự gương mẫu của người lãnh đạo, người đứng đầu trong phòng, chống COVID-19, nói phải đi đôi với làm, có bản lĩnh, dũng khí tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình, sẽ truyền cảm hứng, tạo niềm tin cho nhân dân. “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”[6].

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhắc nhở: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, khó lường; với tác động ngày càng nặng nề đối với mọi mặt đời sống xã hội; đòi hỏi tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tin ở dân, dựa vào dân, “lấy dân làm gốc”, bồi dưỡng sức dân, động viên toàn dân, phát huy sức mạnh truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam là kế sâu rễ, bền gốc của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân Việt Nam, chúng ta sẽ chiến thắng được đại dịch COVID-19, hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Đại tá - PGS - TS. Trần Nam Chuân

________________________________________

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2011, tr.453.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.232-233.

[3] Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động trên mặt trận phòng chống Covid-19, ngày 30/3/2020.

[4] Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, gửi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng, ngày 29/7/2021.

[5] Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2019, tr.116-117.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tr.421-422.

  • Tags: