Bài học về vấn đề quản trị tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

Các nghiên cứu của WIPO cho biết, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ biết cách quản trị tài sản trí tuệ thì thành tựu kinh tế đạt được sẽ tốt hơn và tăng trưởng cao hơn.

Các nghiên cứu của WIPO cho biết, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ biết cách quản trị tài sản trí tuệ thì thành tựu kinh tế đạt được sẽ tốt hơn và tăng trưởng cao hơn.

Quản trị tài sản trí tuệ góp phần đảm bảo tăng trưởng cho doanh nghiệp

Trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được chứng minh là mạch máu của nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo của Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2021 của Tổng cục thống kê [1], các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 97,4% tổng số doanh nghiệp; đóng góp khoảng 47% GDP cả nước.

Do tính linh hoạt và năng lực đổi mới cao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có vị trí thuận lợi để vạch ra lộ trình mới cho tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid – 19 ở Việt Nam thông qua tạo việc làm và phân phối lại thu nhập. Tuy nhiên, để tối ưu hóa hết tiềm năng của mình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần phải bảo vệ và thương mại hóa đầy đủ các sáng tạo trí tuệ của họ. Đây là lúc cần thiết hoạt động quản trị tài sản trí tuệ tại các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa - Internet

Định vị lại các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vì sự phát triển kinh tế

Một trong những lợi thế nổi bật nhất của việc quản trị tốt tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam là tạo ra doanh thu. Tính độc quyền mà quyền sở hữu trí tuệ mang lại cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ kiếm tiền bản quyền và tạo thu nhập từ việc cấp phép tài sản sở hữu trí tuệ của họ. Trên thực tế, nghiên cứu của Liên minh Châu Âu đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quyền sở hữu trí tuệ tạo ra doanh thu cao hơn tới 68% so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có quyền sở hữu trí tuệ.

Lợi ích của việc tạo doanh thu từ các tài sản sở hữu trí tuệ sẽ trở nên quan trọng hơn theo thỏa thuận Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), và Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực. Khi các thỏa thuận kinh tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đòi hỏi cần phải xây dựng hình ảnh cho thương hiệu của mình và bảo vệ tài sản trí tuệ một cách đầy đủ. Như một thành quả, những doanh nghiệp này sẽ ở vị trí để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Tương tự, việc mua lại quyền sở hữu trí tuệ có thể đặt các doanh nghiệp vừa và nhỏ lên vị trí hàng đầu trong các cơ hội đầu tư. Thông thường, niềm tin của nhà đầu tư được nâng cao khi các doanh nghiệp có thể chứng minh đã bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ có giá trị của mình. Mối quan hệ tích cực giữa quyền sở hữu trí tuệ và khả năng thu hút nhà đầu tư của một công ty, được thể hiện qua nhiều báo cáo.

Lấy ví dụ ở Châu Âu, báo cáo nghiên cứu [2] chỉ ra thành công của các doanh nghiệp tăng trưởng cao trong khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường bắt nguồn từ việc đầu tư vào sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mở rộng thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nộp ít nhất một đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có khả năng tăng trưởng 21% trong ba năm tiếp theo và có 10% khả năng trở thành doanh nghiệp tăng trưởng cao. Thậm chí, trong một số ngành hàng như mỹ phẩm, dược phẩm, việc nộp đơn trước nhãn hiệu châu Âu có ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng cao lên đến 62%.

Quản trị tài sản trí tuệ tác động đến từng giai đoạn của doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài sản trí tuệ là quan trọng tuy nhiên cũng phức tạp. Trong giai đoạn doanh nghiệp mới thành lập, việc chủ doanh nghiệp nhận thức về sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa định giá đúng tài sản trí tuệ của mình để đăng ký bảo vệ, vừa hạn chế rủi ro khi sử dụng tài sản trí tuệ của doanh nghiệp khác.

Ở giai đoạn phát triển, khi lấy tài sản trí tuệ làm cốt lõi sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm của mình trên thị trường. Bên cạnh đó, bởi có sự khác biệt nên tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ trên cùng thị trường liên quan và hơn thế nữa cũng sẽ chủ động trong tiếp nhận kiến thức, thông tin liên quan đến tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình. Khi đó, doanh nghiệp cũng sẽ có khả năng tăng giá trị và đưa ra chiến lược phát triển ngắn hạn, dài hạn phù hợp.

Trong giai đoạn tiếp theo là giai đoạn tái cơ cấu, chuyển nhượng, sở hữu trí tuệ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ định giá được giá trị của mình. Từ việc định giá đó, sẽ quyết định mức độ thu hút các nhà đầu tư và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ở thế giới hậu Covid, sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục là mối quan tâm chính khi các doanh nghiệp tiếp tục ưu tiên đầu tư vào mô hình kinh doanh được xây dựng trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số như thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng tận nhà, ...

Tuy các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn nỗ lực sáng tạo, đổi mới để trở nên khác biệt hóa nhưng lại chưa chú tâm thực sự đến việc quản trị các tài sản trí tuệ của mình giúp họ tạo nên doanh thu. Nói tóm lại, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải biết tài sản trí tuệ là trọng tâm đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Hiện nay, mức độ quan tâm đến vấn đề này ở Việt Nam hiện vẫn còn rất thấp. Số liệu thống kê chỉ ra rằng chỉ có 18% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam quan tâm đến tài sản trí tuệ [3]. Tình trạng này là do một số điểm nghẽn.

Những thách thức cản trở việc quản trị tài sản sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam

Một trong những rào cản lớn đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quản trị tài sản trí tuệ nói riêng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là tỷ lệ nhận thức về sở hữu trí tuệ còn thấp. Điều này là do một số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn hoạt động trong nền kinh tế phi chính thức, nơi tỷ lệ hiểu biết về sở hữu trí tuệ đặc biệt thấp và các yếu tố truyền thống đóng vai trò trong sự nhận thức về quản trị tài sản trí tuệ.

Trong Diễn đàn “Doanh nghiệp vừa và nhỏ với sở hữu trí tuệ” tại Tp. HCM, các doanh nghiệp đã cho rằng vì họ là doanh nghiệp nhỏ cho nên không cần các bộ phận chuyên trách về sở hữu trí tuệ, hoặc công việc đó liên quan đến phòng pháp chế hay hành chính [4]. Phần lớn các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu, tên hay logo mà đặt ít sự quan tâm với việc quản trị tài sản trí tuệ. Đây chính là biểu hiện sự thờ ơ của doanh nghiệp với tài sản trí tuệ của mình.

Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng là rào cản lớn khác. Điều nay cản trở sự đổi mới và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quản trị tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hằng năm, Việt Nam bị thiệt hại lớn do các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, ... Với việc các doanh nghiệp, các nhà sáng tạo bị ảnh hưởng phần lớn doanh thu mà đáng lẽ ra phải được nhận, khiến cho triệt tiêu động lực để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục đổi mới, sáng tạo hoặc đầu tư vào việc bảo vệ các sáng tạo của họ. Số vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên tục tăng lên đã dẫn đến thái độ thờ ơ đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ.

Điển hình là vụ việc lực lượng quản lý thị trường đã triệt phá kho hàng giả với khoảng 30.000 sản phẩm vi phạm, ước trị giá khoảng 6 tỉ đồng. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, sau gần 6 tháng trinh sát, cơ quan chức năng mới có đủ bằng chứng để truy cố hành vi của đối tượng. Kho hàng được xem là kho hàng giả lớn nhất miền Bắc này đã cố gắng làm nhái các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Bài học về vấn đề quản trị tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

Sau khi được tham dự cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới”, sản phẩm gạo ST25 đã xuất sắc đoạt giải gạo ngon nhất thế giới 2019. Tuy nhiên, theo thông tin trên WIPO, hiện có 03 tổ chức, cá nhân có địa chỉ ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu liên quan đến sản phẩm này. Điều đáng lưu tâm là các đơn đăng ký này đều không xuất phát từ phía tác giả là ông Hồ Quang Trí và ông Hồ Quang Cua. Đứng trước nguy cơ mất quyền phân phối sản phẩm gạo tại thị trường này, mới thấy vấn đề quản trị tài sản trí tuệ nói riêng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung của doanh nghiệp vừa và nhỏ là quan trọng thế nào.

Không chỉ câu chuyện về gạo ST25, trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ bị mất quyền sở hữu đối với nhãn hiệu ngay trên lãnh thổ Việt Nam và thị trường nước ngoài như thuốc lá Vinataba, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc,... Nguyên nhân như đã đề cập là do các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng trong việc quản trị tài sản trí tuệ của mình.

Từ thực tiễn trên, vấn đề nhận thức về quản trị tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được chú trọng. Cụ thể, theo tác giả, có 03 nhiệm vụ mà doanh nghiệp cần thực hiện để quản trị tài sản trí tuệ hiệu quả với mô hình kinh doanh của mình:

Một là, phải tiến hành quản trị tài sản trí tuệ ngày từ lúc tài sản đó mới được hình thành;

Hai là, quản trị quá trình mà tài sản trí tuệ được xác lập độc quyền. Bởi vì khi doanh nghiệp còn nắm giữ được tính độc quyền, thì tài sản trí tuệ đó vẫn có thể đem lại doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp;

Ba là, quản trị quá trình thương mại hóa tài sản trí tuệ, thông qua các hình thức khai thác tài sản trí tuệ như khai thác trực tiếp, mua bán, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp.

Để thực hiện được các nhiệm vụ này, các doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ như: Lập bản đồ tài sản trí tuệ (IP Map); kiểm kê tài sản trí tuệ (IP Audit); và thẩm tra tài sản trí tuệ (IP Due Deligence).

Trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ quản trị tài sản trí tuệ

Đương nhiên, vai trò của cơ quan nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dưới đây là một số kiến nghị để quá trình quản trị trí tuệ tại các doanh nghiệp tại Việt Nam hiệu quả hơn:

Một là, để giải quyết tình trạng thiếu kiến ​​thức phổ biến trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ về bản chất và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cần phải tiến hành nâng cao nhận thức tại chỗ về tầm quan trọng của tài sản sở hữu trí tuệ và cách những tài sản này làm cho doanh nghiệp cạnh tranh hơn. Các chương trình nâng cao nhận thức tại chỗ này sẽ nhắm mục tiêu đến các cụm SME. Cụ thể như việc tạo các ứng dụng trên điện thoại để thuận tiện cho việc tra cứu, làm thủ tục, tư vấn, ...

Hai là, các cơ quan như Cục sở hữu trí tuệ cần thiết lập quan hệ đối tác với các công ty luật sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ về các hồ sơ bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu. Vì các dịch vụ pháp lý thường chiếm phần lớn các chi phí phát sinh trong quá trình nộp đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, nên một chiến lược như vậy sẽ nâng gánh nặng tài chính lớn lên vai của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó, khuyến khích việc bảo hộ quyền SHTT. Một chiến lược tương tự đã được chứng minh là hiệu quả ở Hoa Kỳ, nơi hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ như vậy trong việc bảo vệ các sáng chế của họ.

Ba là, cơ quan chức năng cần thực thi quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ hơn. Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng khiến ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho nên, để các doanh nghiệp tập trung phát triển, cần thiết sự mạnh tay và quyết liệt hơn nữa từ phía cơ quan nhà nước.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Việt Nam sẽ có thể tạo ra một con đường mới để phục hồi sau những khủng hoảng kinh tế hiện tại. Do đó, cần hơn nữa sự chung tay của Nhà nước và doanh nghiệp để tối ưu hóa được tiềm năng phát triển của nó. Có như vậy, chúng ta mới ngăn được việc bị chảy máu chất xám bởi lãng phí các tài sản trí tuệ.

  • Tags: