Ngày 19/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí theo hình thức trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội nghị phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế, phòng vệ thương mại là một công cụ để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước. Việc tổ chức hội nghị để giúp các nhà báo tìm hiểu và thảo luận về vấn đề quan trọng đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để cộng đồng doanh nghiệp, người dân hiểu đúng về các biện pháp phòng vệ thương mại, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh vai trò của báo chí trong lĩnh vực này. Báo chí là cầu nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, là kênh thông tin rất hiệu quả để tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, lĩnh vực phòng vệ thương mại nói riêng.
Thông tin về hoạt động kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết quy mô xuất, nhập khẩu đã tăng nhiều lần cho thấy năng lực của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của nước ta đã tăng cao, hàng hóa đã được thâm nhập và cạnh tranh sòng phẳng trên nhiều thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu vào nước ta vẫn nhiều hơn và cạnh tranh quyết liệt với hàng nội địa. Để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong bối cảnh mở cửa của nền kinh tế và đưa ra các cam kết về xóa bỏ hàng rào thuế, hàng rào phi thuế, các nhà đàm phán về kinh tế đã thiết kế một công cụ, đó là phòng vệ thương mại.
Phòng vệ thương mại bao gồm các biện pháp: Tự vệ (áp dụng khi hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất trong nước); chống bán phá giá; chống trợ cấp (áp dụng khi hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh do bị bán phá giá hoặc được nước xuất khẩu trợ cấp).
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các chuyên gia Bộ Công Thương chia sẻ thông tin về phòng vệ thương mại; hoạt động của Cục Phòng vệ thương mại trong hướng dẫn doanh nghiệp ứng phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình; thực tiễn ứng phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại từ góc độ doanh nghiệp và lưu ý với các cơ quan báo chí trong truyền thông về các vụ việc phòng vệ thương mại.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là dịch COVID-19 đã ảnh hưởng khá lớn tới sản xuất và chi phí logictic (vận tải, thuê container…) ở nước ta, nên việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang thị trường mới cũng gặp khó khăn nhất định. Các nước lại đang có xu hướng xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình, trong khi thương mại điện tử và nền kinh tế số của Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng cũng là một trong những khó khăn không nhỏ.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái cho rằng giải pháp trong thời gian tới của Việt Nam là tiếp tục chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế nhưng tập trung thúc đẩy chiều sâu thay cho mở rộng về diện đối tác. Trong đó chú ý quan tâm đến lợi ích cụ thể của ngành và địa phương, sẵn sàng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định quốc tế.
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng phòng vệ thương mại không còn là khái niệm mới nhưng nhiều doanh nghiệp nước ta vẫn thụ động nên phải chịu nhiều thiệt hại khi không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu hoặc bị nước ngoài điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại. Gần đây, dù dịch COVID-19 gây ra suy thoái trầm trọng cho kinh tế toàn cầu nhưng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lại có xu hướng gia tăng.
Vì vậy, ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị này nhằm chủ động cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí, nhất là các phóng viên theo dõi lĩnh vực kinh tế, để báo chí có cái nhìn sâu sắc, toàn cảnh về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới. Qua đó, góp phần làm cho doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn vấn đề phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trên trường quốc tế.