Báo chí phải luôn giữ ngọn cờ tiên phong, dấn thân vào vùng đất lạ, làm việc khó hơn, mới hơn để tôi luyện, trưởng thành hơn

Nghề báo giờ chuyển thành nhặt “ngọc”, tức là tìm những thông tin, tri thức phù hợp với khẩu vị của tờ báo, nhặt rồi mài ngọc cho sáng, dùng thương hiệu của VietNamNet đưa những viên ngọc ấy, tinh hoa ấy đến với người dân Việt Nam.

Đó chính là một trong những định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi Gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024 với toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo điện tử VietNamNet chiều ngày 16/2/2024 tại Hà Nội. Cùng dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ.

Trong không khí đầm ấm đầu Xuân, Bộ trưởng đã đưa ra định hướng và trao đổi, trả lời câu hỏi của các phóng viên, biên tập viên Báo VietNamNet.

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo VietNamNet đã báo cáo với Bộ trưởng về một số thành tựu nổi bật của Báo trong năm 2023 và đề ra các nhiệm vụ lớn trong năm 2024.

Báo cáo về việc xuất bản đặc san Hành trình VietNamNet Xuân Giáp Thìn 2024, là điểm nhấn của Báo trong năm 2023, ông Đỗ Hữu Khôi, Phó Tổng Thư ký tòa soạn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng về việc báo chí phải cung cấp tri thức nhiều hơn, Ban lãnh đạo VietNamNet quyết tâm làm ấn phẩm báo Tết VietNamNet có sức cạnh tranh ngang bằng với các tờ báo giấy có truyền thống hàng đầu với cách làm khác biệt.

Thay vì các phóng viên viết bài trong lĩnh vực của mình, trong ấn phẩm Xuân Giáp Thìn, các phóng viên đã mời những người nổi tiếng nhất, uy tín nhất trong lĩnh vực của họ viết bài cho ấn phẩm này. Đồng thời, mời nhóm thiết kế hàng đầu Việt Nam phụ trách phần thiết kế tờ báo. Do đó, Hành trình VietNamNet Xuân Giáp Thìn 2024 đã đổi mới hoàn toàn về nội dung và hình thức, được đồng nghiệp và độc giả đánh giá cao. Đây là niềm tự hào của Báo VietNamNet.

Cần tìm ra định nghĩa mới để báo in tiếp tục phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ quan điểm về tương lai của báo in trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ trưởng, cần phải tìm ra định nghĩa mới để báo in tiếp tục phát triển, có một đời sống mới, giống như cách mà xe ngựa đã không biến mất mà chỉ thay đổi vai trò trong xã hội hiện đại. Báo in cũng cần phải tìm ra một định nghĩa mới để có thể phát triển.

Bộ trưởng cho rằng, báo in nên chuyển từ việc chỉ đơn thuần cung cấp thông tin sang việc chia sẻ tri thức, giảm bớt bài do phóng viên viết, tăng thêm lượng bài do những nhà chuyên môn xuất sắc viết. Nghề báo giờ chuyển thành nhặt “ngọc”, tức là tìm những thông tin, tri thức phù hợp với khẩu vị của tờ báo, nhặt rồi mài ngọc cho sáng, dùng thương hiệu của Vietnamnet đưa những viên ngọc ấy, tinh hoa ấy đến với người dân Việt Nam.

Bộ trưởng chỉ rõ, nhặt ngọc cũng không thể nhặt bằng tay vì một ngày có khoảng 300 triệu tin trên không gian mạng. Do đó, nghề báo cũng trở thành nghề công nghệ. Bộ trưởng cũng lưu ý, đối với phóng viên mới vào nghề, cần khuyến khích họ viết, tìm những góc nhìn mới, cách tiếp cận mới. Bộ trưởng cũng đặt vấn đề, tại sao không xuất bản báo Tết hàng tháng thay vì chỉ tập trung vào dịp Tết như các tờ báo khác?

Về vấn đề phát triển đội ngũ và công nghệ, Bộ trưởng cho rằng bước đi đúng đắn của báo VietNamNet là xây dựng lực lượng công nghệ của riêng mình (in-house). Trong thời đại chuyển đổi số, công nghệ số đã trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân lực số là nguồn lực cơ bản, đổi mới sáng tạo số là động lực cơ bản. Do đó, nhân lực công nghệ quan trọng như phóng viên, tham gia sản xuất tin bài như phóng viên. Cần có một tỷ lệ nhất định nhân lực công nghệ trong tổng số nhân sự của tờ báo để có thể cạnh tranh và phát triển trong thời đại số, ít nhất phải là 20%. Trong bối cảnh các tờ báo khác có đội ngũ công nghệ in- house vẫn còn rất ít, VietNamNet cần nắm bắt cơ hội này để vươn lên, trở thành tờ báo dẫn đầu.

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng chia sẻ về ảnh hưởng của mạng xã hội đến cuộc sống hàng ngày, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội.

Về quan điểm “Làm thì nên nhanh, sống thì nên chậm” mà Bộ trưởng đã từng nêu ra trong Hội nghị giao ban, Bộ trưởng giải thích, trong khi công việc đòi hỏi sự nhanh chóng để tạo ra kết quả và giá trị, cuộc sống cá nhân lại cần được trải nghiệm một cách chậm rãi. Theo triết học, nhanh thì đi với chậm, bổ sung cho nhau để cân bằng hơn.

Phải làm tốt phần phản biện xã hội thì mới trở thành tờ báo xuất sắc

Kết thúc buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc quay về với giá trị ban đầu của VietNamNet sau 25 năm phát triển. Vietnamnet gồm 2 từ: Việt Nam và Net. Việt Nam là sứ mệnh quốc gia, Net là Internet. Vietnamnet đã làm rất tốt từ Việt Nam trong tên gọi của mình với các bài viết về các vấn đề quốc gia, vấn đề dân tộc, là một tờ báo phổ rộng, tờ báo của quốc gia.

Bộ trưởng lưu ý Báo VietNamNet phải luôn ghi nhớ tinh thần chính của VietNamNet là: Tôn trọng sự khác biệt và nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Với một tờ báo, tôn trọng sự khác biệt đóng vai trò quan trọng. Một sự việc, một hiện tượng có thể nhìn dưới nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó mở ra những nhận thức mới. Báo chí nên giữ ngọn cờ tiên phong, dấn thân vào vùng đất lạ, làm việc khó hơn, mới hơn để tôi luyện, trưởng thành hơn.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò phản biện xã hội của báo chí, mất đi vế phản biện xã hội là mất đi báo chí. Do đó, VietNamNet phải có mặt ở điểm nóng, phản ánh về vấn đề nóng, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Phải làm tốt phần phản biện xã hội thì mới trở thành tờ báo xuất sắc và trong khi phản biện xã hội thì phải giữ cho chắc ngôi sao dẫn lối: Đó là tính xây dựng.

Bộ trưởng kỳ vọng toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên đoàn kết xung quanh Tổng Biên tập báo, coi đó là hạt nhân, là điểm tụ, để cùng nhau tạo ra một giai đoạn phát triển mới của Vietnamnet, phụng sự Tổ quốc, đóng góp cho ngành, cho đất nước./.

... Theo mic.gov.vn
  • Tags: