Bảo đảm công lý trong thể chế pháp quyền

Bảo đảm công lý trong thể chế pháp quyền có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm vị trí, vai trò tối thượng, tính bình đẳng của pháp luật và bảo đảm các quyền con người được ghi nhận trong pháp luật...
Ảnh minh họa - ITN

Theo cách hiểu truyền thống, thuật ngữ công lý dùng để chỉ hành động của một người này hướng tới người khác trong quá trình tương tác xã hội. Câu hỏi về công lý (justice) và bất công (injustice) chỉ xuất hiện khi có nhiều cá nhân và có những sự kiện thực tế liên quan đến quá trình tương tác với người khác hoặc giữa mọi người với nhau. Mục đích của việc bảo đảm công lý là để tôn trọng và thúc đẩy sự bình đẳng về quyền giữa các cá nhân, bảo vệ sự tự do và nhấn mạnh trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng xã hội. 

Các nhà nghiên cứu thường phân ra 3 giai đoạn phát triển của công lý. Giai đoạn thứ nhất, công lý được thực hiện bằng trả thù cá nhân và cao hơn là luật báo thù. Chẳng hạn, trong bộ luật Hammurapi của Nhà nước Lưỡng Hà (năm 1792 đến năm 1750.Tr.CN), công lý được thực hiện bằng hình phạt ngang bằng với thiệt hại mà kẻ phạm tội gây ra; đó chính là nguyên tắc báo thù Talion, theo kiểu “mắt đền mắt, răng đền răng”. Ở giai đoạn thứ hai, sự báo thù được thay bằng bồi thường, phạt vạ, nhằm giữ yên ổn, hòa hảo trong nội bộ các bộ lạc. Đến giai đoạn thứ ba, để ngăn chặn các cuộc trả thù cá nhân, toà án đã được thành lập để thẩm định, đánh giá các mức độ thiệt hại; từ đó hoà giải, điều đình, phân xử các xung đột giữa các cá nhân trong xã hội. 

Trong truyền thống pháp luật tự nhiên, công lý được hiểu là yêu cầu, đòi hỏi của mỗi cá nhân hoặc nhóm xã hội được hưởng những gì mà họ xứng đáng là một con người. Công lý là quyền mặc nhiên của con người. Do đó, các quy định luật pháp, các nguyên tắc, quy tắc xã hội là những cố gắng nhằm hệ thống hóa, hiện thực hóa và cụ thể hoá quyền tự nhiên của con người trong những bối cảnh xã hội cụ thể. Công lý, một mặt, chỉ có thể giành được thông qua thể chế pháp quyền, chứ không phải thông qua sự cai trị có tính áp đặt chủ quan. Mặt khác, không có công lý thì sẽ không có những đạo luật khách quan và thể chế pháp quyền. Trong nhà nước pháp quyền, công lý và thể chế pháp quyền, luôn tồn tại vì nhau và cho nhau.

Thể chế pháp quyền, theo nhà luật học người Áo Hans Kelsen, vào đầu thế kỷ XX, khi định nghĩa lại khái niệm nhà nước pháp quyền (Rechtsstaat) vốn có nguồn gốc từ Đức, gồm hệ thống các quy phạm pháp luật (hiến pháp, các luật, bộ luật, điều ước quốc tế và các nguyên tắc mang tính hiến pháp), được sắp xếp có trật tự, sao cho quyền lực nhà nước phải chịu sự giới hạn một cách khách quan, dù cho sự thay đổi bộ máy quyền lực của nhà nước có diễn ra như thế nào. Trong thể chế này, mỗi quy phạm chỉ có được hiệu lực khi tuân thủ các quy phạm cao hơn. 

Nguyên tắc chính của thể chế này là, nhà nước được coi là một pháp nhân bình đẳng như các pháp nhân khác trong xã hội. Nguyên tắc này cho phép đóng khung hoạt động của quyền lực nhà nước hay quyền lực công vào khuôn khổ của thể chế pháp quyền, trước tiên và cơ bản dựa trên các nguyên tắc hiến định. Trong khuôn khổ đó, các quy định mà nhà nước đưa ra và các quyết định mà nó ban hành phải tuân thủ toàn thể các quy phạm pháp luật, và không được quyền hưởng bất kỳ ưu tiên nào về mặt tài phán. 

Các pháp nhân cũng như các cá nhân, trong đó có nhà nước, đều bình đẳng trước pháp luật; và có quyền tranh cãi về các quyết định do các cơ quan của nhà nước ban hành. Trong hệ thống quy phạm pháp luật như thế, vai trò của các cơ quan tài phán là vô cùng cần thiết, và sự độc lập của tư pháp là bắt buộc và có tính khách quan (Đây là lý do giải thích tại sao các nhà nước pháp quyền trên thế giới, dù muốn hay không, đều phải coi trọng vai trò và tính độc lập của cơ quan tư pháp). Sự tồn tại một hệ thống quy phạm pháp luật như thế, tất yếu, đòi hỏi sự phân chia quyền lực giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Những quy định trái với hiến pháp có thể bị xem xét bởi một cơ chế bảo hiến phù hợp với mỗi quốc gia. 

Việc tiếp cận công lý trong khuôn khổ thể chế pháp quyền có xu hướng tập trung vào xem xét công lý trong lĩnh vực tư pháp xét xử, vì các thủ tục tố tụng chính là những cơ chế, những công cụ pháp luật - xã hội giúp các cá nhân tiếp cận được công lý. Nếu các cơ chế tố tụng không đủ mạnh và hiệu quả thì có thể làm vô hiệu hoá quá trình thực thi các quyền cơ bản của con người. Các cơ chế tố tụng phải đáp ứng kịp thời, đầy đủ yêu cầu của xã hội và phải thực sự là công bộc phục vụ, thúc đẩy công lý, chứ không phải là ông chủ của công lý. 

Trong xã hội hiện đại, những giải thích về công lý có khuynh hướng vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp, bằng cách gắn thể chế pháp quyền, với tính cách là một dạng dân chủ chính trị, với dân chủ xã hội và công bằng xã hội. Chẳng hạn, F.A. Hayek, một trong những kiến trúc sư chính của chủ nghĩa tự do mới, khẳng định sự tương đồng giữa tính “tù mù” của công lý và cạnh tranh. Theo ông, công lý và cạnh tranh đều không thiên vị ai và pháp luật chính là công lý hình thức(1). Còn John Rawls, đại biểu nổi tiếng của chủ nghĩa tự do của Mỹ, đã định nghĩa công lý là lẽ phải, điều thiện và là phẩm hạnh tối cao của con người. Công lý là sự công bằng và công lý chính là chuẩn mực của một xã hội lý tưởng. Chuẩn mực của công bằng trong một thể chế xã hội cụ thể chính là nguyên tắc phân chia quyền lợi và nghĩa vụ cho mỗi cá nhân. Theo ông, công bằng chỉ có được khi con người tự nguyện cùng tham dự vào quá trình hợp tác xã hội để làm sao mỗi cá nhân giành được lợi ích nhiều hơn so với khi họ sống đơn lẻ(2). 

Giáo sư Michael Sandel của Đại học Harvard thì cho rằng, câu hỏi về một xã hội có công bằng hay không chính là câu hỏi về cách phân phối những điều chúng ta được hưởng thụ, như: thu nhập và sự giàu có, trách nhiệm và quyền lợi, quyền lực và cơ hội, chức vụ và danh dự,... Theo ông, một xã hội công bằng sẽ bảo đảm công lý theo nguyên tắc phân phối những thứ này đúng cách, và mỗi người nhận đúng phần mình đáng được hưởng. 

Tại Hoa Kỳ, nền khoa học pháp lý ngày nay có sự phân biệt khá sâu sắc giữa “công lý theo thủ tục” và “công lý theo bản thể”. Nếu một người giết hại người khác, công lý bản thể (công bằng về nội dung) đòi hỏi kẻ sát nhân phải bị trừng phạt theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu kẻ sát nhân bị tra tấn một cách bất hợp pháp để phải thú tội thì công lý thủ tục đã không được thực thi. Trong trường hợp đó, theo truyền thống pháp luật phương Tây, công lý theo thủ tục sẽ thắng công lý theo bản thể(3). 

Như thế, công lý có nội hàm không phải lúc nào cũng trùng khít với nội hàm của khái niệm luật pháp. Tuy vậy, giá trị của công lý cung cấp những tiêu chí cơ bản để đánh giá, thẩm định các đạo luật thực định. Một đạo luật công bằng là một đạo luật dựa trên và không đối lập với các giá trị công lý. 

Luật pháp phục vụ công lý nếu nó giúp tạo dựng sự hài hòa trong quyền là người - làm người của mọi người, đồng thời có năng lực bảo vệ các quyền con người khi bị vi phạm. Công lý không có sự nâng đỡ của luật pháp sẽ trở nên yếu đuối, mờ nhạt. Luật pháp không dựa trên các giá trị của công lý sẽ trở nên tàn bạo, hà khắc. Đạo luật Đracông năm 621 Tr.CN là một ví dụ điển hình về sự khắc nghiệt của luật pháp khi nó không dựa trên nền tảng những giá trị công lý; ví dụ chỉ phạm tội trộm cắp vặt như lấy trộm rau quả cũng bị xử tử. Từ đó, “luật Đracông” trở thành thuật ngữ được dùng để chỉ những luật tàn bạo, phi nhân tính. 

Do luật pháp có thể tự nó lạm dụng quyền lực để vi phạm các quyền con người, nên trong khi thể hiện ý chí của nhà nước thì nó phải phản ánh được đầy đủ nhu cầu, lợi ích của đại đa số thành viên xã hội, và phải chuyển tải đầy đủ những giá trị tiến bộ cho quyền là người - làm người của mọi người. 

Tính công bằng trong quá trình áp dụng luật pháp cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý. Một đạo luật được coi là có tính công bằng nếu nó được áp dụng một cách công khai, minh bạch, không thiên vị và nhất quán. Bất công sẽ xảy ra nếu những trường hợp tương tự như nhau không được xử lý bằng một cách thức như nhau. Luật pháp cần xử lý với các trường hợp như nhau bằng cách thức như nhau, ngoại trừ có các tình tiết khác biệt. 

Công lý chính là sự nhận thức đúng và hành động đúng vì chân lý, vì công bằng và đạo đức trong quyền là người - làm người của mọi người (và đương nhiên của mỗi người), và được xã hội cũng như pháp luật thừa nhận. Từ đó, có thể quan niệm về bảo đảm công lý trong thể chế pháp quyền, là toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát, phán quyết, trước hết và chủ yếu của các cơ quan nhà nước, nhằm bảo đảm vị trí, vai trò tối thượng và tính bình đẳng của pháp luật trong thể chế pháp quyền, và bảo đảm các quyền con người được ghi nhận trong pháp luật.

PGS-TS. Nguyễn Thanh Tuấn

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

-------------------------------------------------------

(1) F.A. Hayek: Đường về nô lệ (Phạm Nguyên Trường dịch), Nhà xuất bản tri thức, Hà Nội, 2009.

(2) John Rawls: Theory of Justice, The Belknap Press of Havard University Press, 1977.

(3) Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Vũ Công Giao (Đồng chủ biên): Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến (Một số tiểu luận của các học giả nước ngoài), Nhà xuất bản Lao động - xã hội, Hà Nội, 2012, trang 33.

...
  • Tags: