Bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới trong xây dựng đồng bộ thể chế để phát triển kinh tế - xã hội là phương hướng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Kiên định là mục tiêu và hướng đi, định hướng; đổi mới, sáng tạo là các bước đi cụ thể và các phương tiện tốt nhất, lựa chọn những cách đi ngắn nhất hướng tới đích cần đến.
Ảnh minh họa
Vấn đề xây dựng đồng bộ thể chế phát triển của đất nước luôn được Đảng ta quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, vừa cơ bản lâu dài, vừa cấp thiết trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”(1). Việc xây dựng đồng bộ thể chế phát triển bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
- Về kinh tế, thống nhất và nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định rõ đây là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.
- Về văn hóa, xã hội, xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách về giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; văn hóa, xã hội; quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đổi mới cơ chế, chính sách để tăng cường tiềm lực về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; đổi mới cơ chế, chính sách để triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(2). Đạt được những thành tựu toàn diện và nổi bật nêu trên, một yếu tố rất quan trọng là chúng ta đã từng bước xây dựng đồng bộ thể chế phát triển đất nước. Cụ thể là:
- Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới. Nhiều rào cản được dỡ bỏ, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, khởi nghiệp sáng tạo phát triển; các loại hình doanh nghiệp hoạt động bình đẳng trước pháp luật và hoạt động hiệu quả hơn.
- Các chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục đổi mới phù hợp với tình hình. Chủ trương và chính sách đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai và đã thu được hiệu quả tốt đẹp. Các chủ trương, chính sách về khoa học và công nghệ đã phát huy tác dụng tích cực, khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Từng bước hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển văn hóa, xã hội, con người; chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân. Đời sống Nhân dân được chăm lo chu đáo hơn và được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tiếp tục được hoàn thiện và tập trung thực hiện có hiệu quả.
- Ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật bảo đảm chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được củng cố, dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy.
- Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy Nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
- Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành và lãnh đạo thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao vị thế cầm quyền, khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Việc xây dựng đồng bộ và hoàn thiện thể chế phát triển luôn dựa trên nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trong đó bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới là nguyên tắc quan trọng nhất. Giữa kiên định và đổi mới có quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau theo hai chiều: thúc đẩy lẫn nhau và ngược lại, nếu không xử lý hài hòa sẽ là những hạn chế và cản trở lẫn nhau. Nếu giữ kiên định, cứng nhắc, thái quá, bảo thủ, trì trệ sẽ không thể đổi mới; nhưng nếu chỉ chú trọng đổi mới một cách thái quá, thiếu kiên định sẽ phạm phải những sai lầm có thể gây nguy hại đến sự tồn vong của chế độ. Trong mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới thì kiên định là quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc. Kiên định là mục tiêu, lý tưởng đã xác định, rõ hướng đi và đích đến; còn cách đi và phương tiện đi là sự đổi mới sáng tạo tùy tình hình cụ thể.
Nhận thức sâu sắc sự nguy hại và hậu quả nghiêm trọng của việc xa rời nền tảng tư tưởng, mục tiêu và định hướng của cách mạng; từ bài học thất bại do từ bỏ nguyên tắc và nền tảng tư tưởng đã dẫn tới sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu; từ bài học thành công của cách mạng nước ta trong những thời điểm khó khăn, thách thức; từ nguyên nhân dẫn đến và tác hại của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Đảng ta xác định việc kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng là nguyên tắc thể hiện lập trường và bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(3).
Một trong những nội dung quan trọng mà Đảng ta xác định là kiên định đường lối đổi mới. Đổi mới là cuộc vận động cách mạng để thay thế cái cũ bằng cái mới tốt hơn. Đổi mới được triển khai một cách sâu rộng, đồng bộ, nhưng phải được cân nhắc cụ thể, có lộ trình, bước đi vững chắc. Đổi mới đồng bộ, hài hòa giữa kinh tế và chính trị với mục tiêu giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Đổi mới để phát triển, nhưng là sự phát triển trong thế ổn định, theo đúng định hướng và con đường mà chúng ta đã chọn. Đổi mới và thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng Nhà nước phải giữ vai trò quản lý và điều hành theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng thả nổi thị trường; đổi mới để phát triển kinh tế, nhưng phải đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo. Đổi mới yêu cầu gắn với mở cửa, hội nhập; gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững; để xây dựng và tăng cường lực lượng sản xuất, củng cố và phát triển quan hệ sản xuất phù hợp; để nâng tầm đất nước lên trình độ mới, tầm cao mới. Vì vậy, đổi mới chính là để hướng tới chủ nghĩa xã hội, để thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được xác lập rõ ràng hơn.
Đổi mới và cải cách có cùng nội dung hướng tới cái mới, cái tốt đẹp hơn. Nhưng cải cách thường được hiểu là những hành động nhất định, những cuộc vận động nhất định nhằm những mục tiêu nhất định. Đổi mới như một dòng chảy liên tục, vận động liên tục của xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, phát động và lãnh đạo, tổ chức thực hiện thông qua cải cách.
Bài học quý giá nhất của việc bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới trong quá trình xây dựng đồng bộ thể chế phát triển đất nước chính là phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn trên cơ sở khoa học, thực tiễn sự kiên định trước sau như một nền tảng tư tưởng, mục tiêu lý tưởng của cách mạng Việt Nam, với nguyên tắc xây dựng Đảng để không ngừng đổi mới, sáng tạo. Kiên định nhưng không cứng nhắc, bảo thủ, giáo điều dẫn đến trì trệ, ngưng đọng; đổi mới, sáng tạo nhưng không được chủ quan, duy ý chí, mạo hiểm, vội vàng, dẫn đến đổ vỡ. Kiên định một cách sáng tạo và đổi mới, sáng tạo một cách kiên định là chìa khóa thành công cho cả quá trình thực hiện công cuộc đổi mới.
Trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên định là mục tiêu, định hướng; đổi mới, sáng tạo là các bước đi cụ thể bằng các phương tiện tốt nhất, lựa chọn những bước đi tối ưu nhất hướng tới đích cần đến. Các bước đi đó dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, biết nhìn trước, đón sau, “trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu”, nhạy bén, phán đoán trước những biến động của thời cuộc, giữ vững nguyên tắc để mạnh dạn sáng tạo, kịp thời xoay chuyển tình hình với sự quyết đoán táo bạo, chính xác. Đó là kinh nghiệm cũng là bản lĩnh cách mạng của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo đất nước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
GS.TS Vũ Văn Hiền - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
----------------------------------------
Ghi chú:
(1),(2),(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.114, tr.103-104, tr.33.