Vốn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn trở thành rào cản phổ biến nhất khi thực hiện hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định về tiếp cận vốn cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhưng để tiếp cận nguồn vốn là chìa khoá thúc đẩy cho hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, các quy định của pháp luật cần được tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Dẫn nhập
Trên thế giới, doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) xuất hiện khoảng giữa thế kỷ XX, xuất phát từ mô hình spin-off (doanh nghiệp khởi nguồn) và start-up (doanh nghiệp khởi nghiệp) được hình thành ở các nước công nghiệp phát triển. Để khuyến khích các spin –off, start-up phát triển, các quốc gia trên thế giới đều áp dụng những chính sách hỗ trợ phát triển, như khuyến khích thành lập các vườn ươm công nghệ, các trung tâm chuyển giao công nghệ, văn phòng cấp phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần (angel fund) – quỹ đầu tư cá nhân,…[1]. Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Thông qua hoạt động khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo cũng như khoảng cách phát triển giữa các địa phương. Bên cạnh đó, khởi nghiệp và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp tạo lập môi trường cho việc hiện thực hoá các ý tưởng sáng tạo của các cá nhân thông qua thành lập doanh nghiệp mới hoặc hỗ trợ hay góp vốn, mua cổ phần để thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp. Đối với hoạt động đổi mới, sáng tạo ngoài việc giúp tạo ra ngày càng nhiều hơn sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với ý nghĩa này, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo mang lại nhiều giá trị xã hội to lớn, nhất là tạo ra các giá trị gia tăng khác biệt, có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trên thị trường, nghĩa là, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo không chỉ nhằm mục đích mang lại lợi ích (hay sự giàu có) cho cá nhân mà còn mang lại nhiều giá trị xã hội; thúc đẩy Nhà nước ban hành chính sách công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng[2] để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ[3] cũng như hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ cho hoạt động sáng tạo và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ[4]. Về bản chất, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là sự thể hiện trên thực tế quyền tự do kinh doanh[5], quyền sáng tạo[6] của công dân thông qua quyết định gia nhập thị trường, chấp nhận các rủi ro tiềm tàng với kỳ vọng tạo ra các hoạt động kinh tế mới (mô hình kinh doanh, sản phẩm hàng hoá, dịch vụ…) cũng như tìm kiếm các cơ hội thu hút đầu tư từ những nhà đầu tư tiềm năng. Hoạt động khởi nghiệp là sự thể hiện trên thực tế hành vi của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý cho ra đời mô hình kinh doanh phù hợp gắn với ngành nghề, điều kiện kinh doanh cũng như các chính sách khác của Nhà nước.
Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ cũng như mô hình công nghệ mới với “tiềm năng” phát triển theo phán đoán của người sáng tạo cũng như các chủ thể khác tham gia thị trường. Đặc trưng này dẫn tới các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để hiện thực hoá các mục tiêu kỳ vọng. Bởi lẽ, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn toàn phụ thuộc vào thực tiễn khai thác, mức độ phù hợp của sản phẩm mới với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng mà những điều tra, nghiên cứu tiền khả thi rất khó có thể dự đoán hết. Những bất ổn của mô hình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chỉ bộc lộ khi nó được hiện thực hoá trong thực tiễn. Do đó, khi quyết định đầu vốn hay cấp tín dụng cho doanh nghiệp khởi nhiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư, tổ chức tín dụng phải cân nhắc thận trọng hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác. Hiện trạng này tạo ra rất nhiều khó khăn cho việc hiện thực hoá ý tưởng đổi mới sáng tạo. Dưới góc độ pháp lý, bảo đảm tiếp cận vốn của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ là vốn từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà còn dựa vào nguồn vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng và của nhà đầu tư trên thị trường. Điều này đặt ra đòi hỏi các quy định về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đơn giản về trình tự, thủ tục cũng như dự phòng được những rủi ro khi thực hiện cấp tín dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
2. Pháp luật Việt Nam về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
2.1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, pháp luật về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã tạo lập khuôn khổ pháp lý bình đẳng trong việc huy động nguồn vốn như các doanh nghiệp tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư lựa chọn.
Ở giai đoạn thành lập doanh nghiệp, nếu nhà đầu tư lựa chọn loại hình doanh nghiệp tư nhân thì vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản[7]. Trong trường hợp nhà đầu tư lựa chọn hình thức công ty thì phải làm thủ tục góp vốn, nghĩa là góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập[8]. Với các quy định hiện hành về vốn và thực hiện việc góp vốn khi thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được quyền góp bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam[9]; trong đó, vốn góp bằng quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật là tài sản thường gặp đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hoạt động, doanh nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đa dạng trên thị trường từ nhà đầu tư thông qua thị trường chứng khoán, ngân hàng thương mại thông qua hoạt động cấp tín dụng. Tuỳ thuộc vào quy mô, nhu cầu vốn cho hoạt động khởi nghiệp, nhà đầu tư các thể huy động vốn từ các nguồn khác nhau. Điểm mấu chốt mà doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hoạt động phải vượt qua là thuyết phục được nhà đầu tư tiềm năng tham gia đầu tư cùng dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây vừa là cơ hội song cũng là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, pháp luật về vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đã thiết lập khuôn khổ pháp luật cho các hoạt động hỗ trợ từ chính sách nhà nước hoặc tài trợ cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo.
Để doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đa dạng từ chính sách ưu đãi từ nguồn ngân sách nhà nước cho các việc huy động vốn từ các quỹ khởi nghiệp trong nền kinh tế như Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, vốn tài trợ nghiên cứu và phát triển, vốn vay ưu đãi, Quỹ Bảo lãnh tín dụng của Chính phủ, các đề án, chương trình và các chính sách miễn, giảm, ưu đãi thuế khác tuỳ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động. Từ năm 2000, một số Quỹ Đầu tư mạo hiểm đã hoạt động tích cực tại Việt Nam không chỉ là quỹ có vốn đầu tư nước ngoài như IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent, Mekong Capital, DFJ Vina Capital, ESP Capital, Innovatube mà còn cả Quỹ Đầu tư mạo hiểm nội địa đã được thành lập và hoạt động như: SeedCom, FPT Ventures, CMC Innovation Fund, VPBank Startup, VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Vietnam… các quỹ đầu tư này sẵn sàng bỏ vốn nếu doanh nghiệp có nền tảng về nguồn vốn tự có cũng như tính khả thi của dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo[10]. Thực tiễn cho thấy, để tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư trên thị trường tài chính phụ thuộc vào quyết định của nhà đầu tư thông qua tính khả thi của dựa án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Bởi lẽ, để thu hút nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp phải biết cách thuyết phục nhà đầu tư kinh nghiệm có hiểu biết tốt tương lai thương mại hóa của đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp hơn chính bản thân những người sáng lập doanh nghiệp. Đối với nguồn tài chính tài trợ từ Chính phủ tập trung tài trợ cho khởi nghiệp chủ yếu liên quan đến nghiên cứu phát triển, những khoản liên quan đến tìm hiểu thị trường, phát triển sản phẩm thì hiện tại chưa có khoản chính sách hỗ trợ. Ở Hoa Kỳ, các hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các vườn ươm công nghệ và chương trình tăng tốc khởi nghiệp như chương trình Điều hành doanh nghiệp nhỏ của Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ 2 tỷ USD để đầu tư hỗ trợ tài chính ban đầu cho các doanh nghiệp mới cũng như chính sách thu hút vốn đầu tư và nhân tài tới Hoa Kỳ để khởi nghiệp; trong đó, bí quyết tạo lập được môi trường đầu tư hết sức năng động, thân thiện với nhà đầu tư, nhất là dịch vụ pháp lý minh bạch, rõ ràng, thủ tục đơn giản, nhanh chóng[11] là nhân tố tạo sức hút cho các ý tưởng khởi nghiệp được đơm hoa, kết trái trong thực tiễn.
Thứ ba, thiết lập được khuôn khổ pháp lý cho hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có thực hiện hoạt khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ nếu đáp ứng điều kiện sau về thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần. Nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo bao gồm: hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ tham gia cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hướng dẫn thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về xây dựng, phát triển sản phẩm; thu hút đầu tư; tư vấn về sở hữu trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; hỗ trợ thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ thực hiện thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ…[12] Về hoạt động đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, pháp luật hiện hành quy định nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo các hình thức mà pháp luật không cấm thông qua hai hình thức góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và thành lập, góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để thực hiện đầu tư[13].
2.2. Những bất cập, hạn chế trong quy định về tiếp cận vốn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Một là, dù có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng đầu tư vào hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chưa trở thành kênh thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư dù có nhiều lợi thế như tạo cơ hội việc làm, tạo động lực cho nền kinh tế thông qua dịch chuyển cơ cấu kinh tế ngành và chuyển động mạnh mẽ theo cơ chế thị trường. Nguyên nhân của tình trạng này do yếu thế mới gia nhập thị trường, chưa có nhiều uy tín (đối với doanh nghiệp khởi nghiệp) và kết quả đổi mới sáng tạo mới được thể hiện “trên giấy”, chưa có trên thị trường hoặc tạo ra một giá trị tốt hơn so với những thứ đang có sẵn nên cần phải có thời gian để kiểm chứng nên các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa trở thành lựa chọn cho phần lớn nhà đầu. Nói cách khác, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp không phù hợp với nhà đầu tư chú trọng an toàn mà dành cho nhà đầu tư mạo hiểm; do đó, các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp.
Không những thế, các nhà đầu tư mạo hiểm rất cẩn trọng, khó tính khi thẩm định trước khi ra quyết định đầu tư. Đây là trở ngại lớn nhất cho các quyết định khởi nghiệp cũng như hiện thực hoá các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Tình trạng này có thể dẫn đến các hệ quả cản trở cho hiện thực hoá mục tiêu một triệu doanh nghiệp sau nhiều lần sửa đổi Luật doanh nghiệp với mục tiêu đơn giản hoá thủ tục thành lập doanh nghiệp mà thực chất là mới chỉ chú trọng đến sứ mệnh “khai sinh”. Tuy nhiên, để doanh nghiệp “sống” và duy trì sự tồn tại trên thị trường thì doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp (mới thành lập) thông qua việc tiếp cận nguồn vốn mới chính là yếu tố quyết định.
Hai là, bản chất của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là không có nhiều kinh nghiệm tham gia thị trường nên có thể gặp nhiều trở ngại trong giới thiệu dự án khởi nghiệp, mô hình đổi mới sáng tạo đến thị trường một cách rộng mở nhất nên không có cơ hội để vươn ra thị trường. Hiện nay, mặc dù nhà nước đã áp dụng cơ chế tài chính, chính sách thuế đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoặc đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ…[14] nhưng chưa giải quyết được tận gốc điểm yếu của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là vốn đầu tư dài hạn để có thể “sống cùng” doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Bởi lẽ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần môi trường và vốn để triển khai mô hình khởi nghiệp cũng như ý tưởng sáng tạo. Còn nhà đầu tư không chỉ quan tâm, đánh giá đến độ hấp dẫn của ý tưởng, mô hình khởi nghiệp mà còn quan tâm đến khả năng sinh lời của đồng vốn đầu tư khi ra quyết định đầu tư. Nói cách khác ước mơ tới thời đại dân doanh[15] có những đóng góp quan trọng cho nền kinh rất cần có thêm những biện pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua cơ chế gọi vốn đơn giản, dễ thực hiện của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Ba là, thực tiễn thực hiện pháp luật về tiếp cận nguồn vốn cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cũng đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế đối với từng nguồn vốn mà doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo có thể tiếp cận. Về nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cho thấy, để tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính với nhiều bước, công đoạn xét duyệt với nhiều loại hồ sơ, giấy tờ. Thực tế này đã làm nản chí không ít các ý tưởng sáng tạo hoặc cản trở các mô hình khởi nghiệp được “ươm mầm” từ bầu sữa ngân sách nhà nước. Nói cách khác, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia chưa thật sự trở thành động lực đáng kể cho thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam[16]. Về nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo rất khó có thể dùng mô hình khởi nghiệp hay ý tưởng đổi mới sáng tạo để làm tài sản bảo đảm khi vay vốn ở ngân hàng mặc dù pháp luật hiện hành đã cho phép chủ sở hữu quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ được dùng quyền tài sản đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng; quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ; quyền khác trị giá được bằng tiền phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[17]. Nói cách khác, để nguồn vốn tự có phát sinh từ dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trở thành tài sản bảo đảm đòi hỏi phải có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho việc nhận tài sản bảo đảm làquyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ không chỉ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà còn cả các ngân hàng thương mại, đặc biệt là vấn đề định giá tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ; tính thanh khoản của tài sản bảo đảm là quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ thông tin, hoạt động khoa học, công nghệ trong mối tương quan với việc xây dựng và vận hành thị trường khoa học và công nghệ ở Việt Nam.
Đối với huy động vốn trên thị trường chứng khoán tập trung là tương đối khó khăn do các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đa phần có quy mô vừa và nhỏ, chưa phải là công ty đại chúng, đồng thời để trở thành công ty đại chúng và niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung, các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hầu tư như không đáp ứng được[18]. Ngoài ra, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ; quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác là rào cản đáng kể trong thu hút nguồn vốn từ cộng đồng cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Bốn là, chưa có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hình thức gọi vốn từ cộng đồng dựa trên nền tảng Internet. Thực tiễn cho thấy, ở Việt Nam, hình thức gọi vốn từ cộng đồng còn dè dặt, chưa tạo ra được sự ảnh hưởng đến thị trường khởi nghiệp sáng tạo, nhất là hình thức gọi vốn đổi lấy cổ phần chưa có mặt tại Việt Nam[19]. Đây là khoảng trống pháp lý cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn cộng đồng đa dạng. Do thiếu cơ sở pháp lý cho việc gọi vốn từ cộng đồng nên các dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo rất khó có thể đến được với số đông nhà đầu tư có nhu cầu góp vốn, mua cổ phần ở những dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Việc gọi vốn từ cộng đồng còn đặc biệt có ý nghĩa đối với các dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở khu vực nông thôn, gắn với khai thác giá trị văn hoá bản địa trong hoạt động du lịch sinh thái, khai thác, mở rộng giá trị thương mại sản phẩm của các làng nghề.
3. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tiếp cận vốn đối với hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam là quốc gia khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp đã được thiết lập từ trung ương tới các địa phương với nhiều mô hình khởi nghiệp thành công. Nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo đã được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá dịch vụ mới đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, tận dụng các thế mạnh của mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh ở quy mô toàn nền kinh tế. Ngược lại, nếu các mô hình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo không được “ươm mầm” và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sẽ bị triệt tiêu hoặc không có cơ hội được đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam do được các đối tác nước ngoài với nhiều kinh nghiệm trong tìm kiếm mô hình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có tiềm năng cộng với nguồn vốn tối ưu để cho các mô hình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đâm chồi nảy lộc ở nước ngoài. Để phát huy tiềm năng phát triển cho các mô hình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thông qua tiếp cận đa dạng nguồn vốn, theo tác giả, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nghiên cứu triển khai phát triển mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo như là giải pháp đột phá cho các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được giới thiệu đến công chúng và thị trường gắn với kết nối thu hút nhà đầu tư trên thị trường.
Theo Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 bổ sung thêm mục tiêu xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo vận hành thành công các Trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 03 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh và các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh mục tiêu xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo. Đề án cũng nhấn mạnh đến yêu cầu phát triển Mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khuyến khích sự tương tác, kết nối nguồn lực trong hệ thống các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, nước ngoài; đến năm 2025 có chương trình hợp tác với đối tác quốc tế tại ít nhất 05 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới với tầm nhìn đến năm 2030 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đạt xếp hạng trong 15 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là cơ sở quan trọng tạo cầu nối cho các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gia nhập vào mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Trong mạng lưới này, các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ được giới thiệu cho công chúng và thị trường làm cơ sở cho nhà đầu tư lựa chọn. Đây là giải pháp cần được tiến hành song song với việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở nước ta. Thực tiễn cho thấy, có một “khoảng cách” từ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến thị trường. Do đó, bảo đảm tiếp cận vốn cần được xem là một yêu cầu quan trọng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng quy định về phát triển quỹ đầu tư nhằm mục đích gọi vốn từ cộng đồng để đầu tư vào các ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Như đã phân tích ở trên, một trong những điểm yếu của các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ là rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hoặc từ các nhà đầu tư thiên thần dẫn đến nhiều ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không thể hiện thực hoá. Theo kinh nghiệm ở Vương Quốc Anh, hình thức gọi vốn này đã huy động được 4,4 tỷ EUR trong năm 2015. Ngoài hình thức huy động vốn trên, một số hình thức gọi vốn khác cũng đã hình thành như gọi vốn đổi lấy cổ phần, gọi vốn vay[20].
Việt Nam hiện có một số Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp và có liên quan đến hoạt động khởi nghiệp sáng tạo như Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa – gọi tắt là Quỹ SMEDF; Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia - Quỹ NAFOSTED; Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia - Quỹ NATIF. Tuy nhiên, để tiếp cận vốn từ các quỹ này cũng không dễ dàng do các điều kiện tiếp cận vốn từ các quỹ này khá khó khăn. Chẳng hạn, việc vốn từ quỹ SMEDF đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) với số lượng lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội dưới 200 người. Tổng nguồn vốn nhỏ hơn 100 tỷ hoặc tổng doanh thu năm trước liền kề dưới 300 tỷ. Doanh nghiệp SME hoạt động ở lĩnh vực như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ được xem xét. Các doanh nghiệp về công nghệ và IT bị hạn chế ở nhóm này. Đối với Quỹ SMEDF đòi hỏi ở những doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi phù hợp Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới theo quy định. Quỹ cũng yêu cầu đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia lớn hơn hoặc bằng 20% tổng vốn đầu tư…, đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay…[21].
Do vậy, bên cạnh việc thành lập mới các quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, cần có chính sách thu hút các quỹ đầu tư chứng khoán đầu tư vào chứng khoán của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua việc tạo lập môi trường pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có thể tiếp cận nguồn vốn trực tiếp từ thị trường vốn để tạo lập kênh mua bán chứng khoán của các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được xem là bước đột phá. Bởi lẽ, theo kinh nghiệm quốc tế, với giao dịch mang tính “đặc thù”, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ít chịu ràng buộc bởi các quy định khắt khe về nghĩa vụ công bố thông tin, nghĩa vụ tuân thủ chuẩn mực kế toán quốc tế hay yêu cầu về quản trị công ty. Về phương thức giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng được tiến hành trình tự, thủ tục tiến hành niêm yết đơn giản và nhanh chóng, chi phí thấp[22].
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng chính sách, pháp luật về tín dụng cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Ở nước ta, một số ngân hàng thương mại công bố các chương tình tín dụng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn do các ý tưởng khởi nghiệp ẩn chứa nhiều rủi ro trong khi không đủ nhân sự để thẩm định các dự án khởi nghiệp sáng tạo có nhu cầu cấp tín dụng. Để tạo lập cơ sở pháp lý thống nhất cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở nước ta, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng theo hướng bổ sung quy định về cho vay đối với hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhất là quy định cụ thể hơn điều kiện vay vốn “có phương án sử dụng vốn khả thi”. Bên cạnh đó, việc phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với hoạt đông khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để nhằm huy quyền tự chủ trong hoạt động cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của tổ chức tín dụng cũng cần phải được cụ thể hoá để tránh tình trạng phát sinh nợ xấu từ các dự án cho vay khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
TS. BÙI HỮU TOÀN - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
_______________________________________
[1] Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Hồng Hà, Lê Vũ Toàn, Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển, Tạp chí Chính sách và quản lý khoa học và công nghệ, tập 3 số 3 năm 2014. [2] Khoản 1 Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 (Luật SHTT). [3] Khoản 2 Điều 8 Luật SHTT. [4] Khoản 3 Điều 8 Luật SHTT. [5] Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. [6] Điều 40 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó. [7] Khoản 1 Điều 189 Luật Doanh nghiệp năm 2020. [8] Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020. [9] Khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp năm 2020. [10] Xem: Lê Thị Minh Ngọc, Hình thức huy động vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính,kỳ 1 Tháng 3/2020, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/hinh-thuc-huy-dong-von-cua-cac-doanh-nghiep-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-o-viet-nam-322245.html, truy cập ngày 03/05/2020. [11] Bùi Nhật Quang, Chính sách khuyến khích khởi nghiệp doanh nghiệp của Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2018, tr.70-71. [12] Xem: Điều 17 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017. [13] Xem: Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủquy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. [14] Viên Thế Giang, Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trở thành động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam: Nhận diện rào cản và giải pháp khắc phục, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Rào cản thể chế đối với khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”, do Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, tháng 6/2018, Nxb. Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tr.65 – 76. [15] Xem thêm: Phạm Duy Nghĩa, Từ nhà nước toàn trị tới thời đại dân doanh: Gia tài của 60 năm ngành luật kinh tế Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 9/2005 2005, tr.3-9. [16] Viên Thế Giang, Võ Thị Mỹ Hương, Mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ thực tiễn pháp luật Việt Nam, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Rào cản thể chế đối với khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”, do Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức, tháng 6/2018, Nxb. Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, tr.489-502. [17] Điều 17 Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/03/2021 của Chính phủquy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. [18] Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng xem cụ thể tại Điều 15 Luật Chứng khoán năm 2019. [19] Nguyễn Mạnh Hùng, Hoàng Lê An, Một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Rào cản thể chế đối với khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm quốc gia “Nghiên cứu những vấn đề trọng điểm về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Mã số KX.01/16-20, Đề tài KX.01.17/16-20, Nxb. Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.264-265. [20] Nguyễn Mạnh Hùng, Hoàng Lê An, Một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Rào cản thể chế đối với khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm quốc gia “Nghiên cứu những vấn đề trọng điểm về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Mã số KX.01/16-20, Đề tài KX.01.17/16-20, Nxb. Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.264-265. [21] Thanh Hương, Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước cho khởi nghiệp sáng tạo, https://diendandoanhnghiep.vn/quy-tai-chinh-ngoai-ngan-sach-nha-nuoc-cho-khoi-nghiep-sang-tao-204857.html, truy cập ngày 28/08/2021, [22] Dẫn theo: Lưu Minh Sang, Huy động vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua thị trường chứng khoán, Tạp chí Tài chính Online, https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/huy-dong-von-cua-doanh-nghiep-khoi-nghiep-thong-qua-thi-truong-chung-khoan-328453.html, truy cập ngày 03/10/2020.