“Báo hóa” tạp chí điện tử - thực trạng và giải pháp

Trong thời đại chuyển đổi số, công nghệ 4.0 đã thúc đẩy các tờ báo luôn tìm mọi cách để đưa tin nhanh nhất. Tuy nhiên, một bộ phận người làm báo đang dễ dàng đánh đổi giá trị cao quý của nghề báo để chạy theo giá trị vật chất, trong đó có hiện tượng “báo hóa” tạp chí, khiến công chúng rất bức xúc và yêu cầu cần được chấn chỉnh, xử lý.

Báo và tạp chí có chức năng chung cơ bản là thu thập, xử lý và truyền đưa thông tin về các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Song, xét về nội dung và đối tượng phục vụ, giữa báo và tạp chí có sự khác biệt:

Báo chủ yếu truyền tải thông tin mang tính thời sự, bảo đảm tính kịp thời, chính xác và đầy đủ. Do đó, đối tượng công chúng của báo thường đa dạng và có phạm vi rộng, gồm mọi giai tầng trong xã hội. Nội dung thông tin truyền tải, phản ánh của báo thường là những vấn đề thời sự cần được thông tin, phổ biến, định hướng dư luận. Độ dài thông tin phản ánh trên báo giới hạn trong khuổn khổ cho phép hoặc quy định đăng tải. Do đó, báo không có điều kiện đi sâu nghiên cứu, phản ánh những vấn đề mang tính lý luận, tổng kết kinh nghiệm.

Tạp chí là một sản phẩm báo chí định kỳ, có nội dung chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, hướng tới một đối tượng công chúng xác định… Định kỳ phát hành của tạp chí thường dài hơn định kỳ phát hành của báo. Đặc trưng của thể loại báo chí này có sự phân loại, gồm: tạp chí khoa học, tạp chí thông tin - quảng bá - chỉ dẫn, tap chí giải trí. Đối tượng công chúng của tạp chí, nhất là tạp chí chuyên ngành mang tính đặc thù, có trình độ kiến thức, chuyên môn nhất định.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, tình trạng “báo hóa tạp chí” xuất hiện và có xu hướng phổ biến. Đó là hiện tượng một số tạp chí, đặc biệt là tạp chí phiên bản điện tử không thực hiện đúng nhiệm vụ, chức năng, tôn chỉ mục đích, thực hiện không đúng với quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông về cấp giấy phép hoạt động của tạp chí và báo, biến tạp chí thành báo. Tình trạng này phổ biến ở các cơ quan tạp chí điện tử của các hiệp hội, hội ngành nghề…  

Trước thực trạng đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Quyết định số1418/QĐ-BTTT, ngày 22-7-2022 kèm theo việc Ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí nhằm giúp cơ quan chỉ đạo báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương và địa phương, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các tổ chức, cá nhân nhận diện, giám sát, khắc phục, chấn chỉnh, xử lý những dấu hiệu chệch hướng nhằm tạo ra môi trường lành mạnh, tạo ra cơ chế, chính sách hỗ trợ báo chí, truyền thông theo kịp sự phát triển của truyền thông hiện đại.

1. Nhận diện các hình thức “báo hóa” tạp chí điện tử

Đến tháng 12-2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 612 tạp chí (trung ương 520, địa phương 92; 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử). Số lượng tạp chí chiếm hơn 2/3 cơ quan báo chí (khoảng hơn 70%)(1).  Nhìn chung, với sự giám sát chặt chẽ sau quy hoạch, hoạt động của các cơ quan tạp chí đã có sự chuyển hướng tích cực, bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định pháp luật. Nhiều cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí điện tử đã đổi mới nhằm theo kịp xu thế báo chí của khu vực và thế giới thông qua việc tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại, nhất là kỹ thuật số, đa loại hình, đa nền tảng, tạo ra các sản phẩm báo chí có chất lượng cả về nội dung và hình thức, góp phần đạt hiệu quả về thông tin tuyên truyền, được đông đảo dư luận quan tâm, đồng thời tạo nguồn thu, phát triển kinh tế báo chí.

Tuy nhiên, quá trình quy hoạch các cơ quan báo chí diễn ra trong bối cảnh có nhiều biến động về chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Đặc biệt là dịch Covid-19 bùng phát đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Nhiều trang báo khi chuyển sang tạp chí phải đối mặt với “khó khăn kép”, về kinh tế báo chí do lượng phát hành giảm, đồng thời phải điều chỉnh về nhân sự cũng như phương thức hoạt động, truyền tải thông tin phù hợp.

Trước áp lực đó, nhiều trang tạp chí điện tử đã “tìm kiếm nguồn thu” mới bằng phương thức tăng lượng view, hoặc đăng tin “rửa nguồn” cho các trang thông tin điện tử tổng hợp, hoặc đăng tải các thông tin xã hội, giải trí giật gân câu khách, nằm ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép…, đồng thời tạo dựng hình thức dễ khiến độc giả thiếu thông tin, hiểu thành báo.

Một số cơ quan báo chí trong quá trình liên kết đã giao chuyên trang, chuyên mục, chuyên trình, kênh chương trình cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động; thực hiện liên doanh, liên kết theo hướng người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan báo chí không thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm, buông lỏng quản lý, kiểm soát nội dung liên kết trên thực tế cho đối tác để đổi lấy lợi ích…

Nhiều nơi xuất hiện dấu hiệu của hoạt động báo chí tư nhân thông qua việc một số cơ quan báo chí giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động. Hiện tượng này tuy chưa thực sự phổ biến tuy nhiên rất đáng quan ngại, làm méo mó hoạt động báo chí hiện nay.

Biểu hiện “báo hóa” tạp chí điện tử chủ yếu thể hiện ở 3 phương thức hoạt động sau:

Về nội dung thông tin: thay vì các nội dung mang tính chất chuyên ngành, phù hợp với một lượng độc giả nhất định, thì tạp chí điện tử triển khai các tuyến tin, bài với nội dung rộng, bao trùm nhiều mảng, lĩnh vực không đúng tôn chỉ, mục đích.

Về phương thức thông tin: nhiều thể loại báo chí thể hiện rõ tính chất “báo điện tử” như phóng sự, ghi chép, tin thông tấn… “lấn sân” các thể loại chính luận, chuyên luận, điều tra khoa học trên các tạp chí điện tử. Bên cạnh đó là việc tạp chí điện tử mở các chuyên mục mang tính điều tra dưới các chuyên mục như Thư bạn đọc, Nhịp cầu bạn đọc, Tin nóng, Tin nổi bật...  thông qua việc khai thác các đề tài tiêu cực nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng bất chấp sai về nội dung, tôn chỉ, mục đích đã được ghi trong giấy phép.

Về phương thức xuất bản: giống với báo điện tử, tạp chí điện tử thay vì lựa chọn cách xuất bản theo ngày hay định kỳ, nay chuyển hẳn sang xuất bản theo giờ, thậm chí theo phút, cập nhật thông tin liên tục như tờ báo điện tử. Thậm chí, nhiều tạp chí điện tử xây dựng giao diện gần giống như một tờ báo điện tử rồi dẫn đường truyền truy cập chủ yếu là tin bài tiêu cực, gây sốc, gợi trí tò mò với số lượng dày đặc, để tăng số lượng người đọc, thu hút quảng cáo.

Từ năm 2019 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã xử lý 84 trường hợp tạp chí vi phạm quy định của Luật Báo chí với 2.378,7 triệu đồng. Trong đó 39 trường hợp bị xử phạt với hơn 1.421,7 triệu đồng, 3 trường hợp bị đình bản, thu hồi 3 thẻ nhà báo của tạp chí.

Từ 2020 đến quý 1/2022, Cục Báo chí nhận được 832 đơn thư (2020 là 432, 2021 là 333, quý 1/2022 là 67). Trong đó 29 đơn thư về hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên; 294 đơn thư liên quan đến tin, bài của các tạp chí; 6 đơn thư về hoạt động tác nghiệp của nhà báo, phóng viên của tạp chí. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông bước đầu xác định hơn 30 tạp chí có dấu hiệu “báo hóa” và một số cơ quan báo chí có biểu hiện “tư nhân hóa”, chủ yếu của các hội xã hội, xã hội nghề nghiệp và một số “Viện nghiên cứu”(2).

Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do tình hình kinh tế báo chí eo hẹp. Đối với các tạp chí điện tử có ấn phẩm in, nếu chỉ đăng tải bài nghiên cứu chuyên ngành trên bản in giấy thì nguồn kinh phí duy trì khó khăn và không bảo đảm thu nhập cho phóng viên, biên tập viên. Mặt khác là do còn nhiều bất cập trong quản lý báo chí như: chưa có sự giám sát chặt chẽ các tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành dẫn đến việc cho ra đời quá nhiều văn phòng đại diện với nhiều phóng viên thường trú, tập trung khai thác những vấn đề tiêu cực, bất cập của địa phương. Trong lúc đó, văn phòng đại diện không đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động vẫn được cơ quan báo chí thành lập. Việc cấp phép hoạt động cho các cơ quan báo chí, tạp chí điện tử, trang tin điện tử tổng hợp còn khá dễ và nhiều kẽ hở. Từ đó đã kéo theo việc cấp số lượng thẻ nhà báo lớn hơn so với quy mô, tính chất của tạp chí. Việc quy định khoán toàn bộ cho đối tác liên kết đã tạo kẽ hở trong quản lý nội dung khi máy chủ của trang chủ và máy chủ của chuyên trang đặt ở những nơi khác nhau, không đúng quy định trong giấy phép dẫn đến tình trạng đối tác toàn quyền quyết định nội dung chuyên trang.

Trước thực tế đó, ngày 30-3-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định 75/QĐ-BTTT xây dựng và thực hiện Kế hoạch về việc xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí. Đến hết tháng 9-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 616,5 triệu đồng đối với các tờ như Tạp chí Thương gia, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến, Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam…(3). Từ tháng 10-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục triển khai Giai đoạn 2 của kế hoạch, tiến hành thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xem xét hoạt động đối với khoảng 15 cơ quan báo chí trên tinh thần nghiêm minh, đúng pháp luật.

2. Giải pháp chấn chỉnh tình trạng báo hóa tạp chí điện tử

Thứ nhất, cần có hệ thống các quy định, chế tài về vấn đề này. Hiện nay, các quy định của pháp luật hiện hành chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “báo hóa”. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn và bị kéo dài thời gian do các quy định, chế tài còn bất cập, chưa đầy đủ khiến các địa phương khi xử lý tình trạng “báo hóa” còn hạn chế. Có địa phương hầu như chỉ nhắc nhở mà không có xử phạt. 

Thứ hai, Bộ Thông tin và Truyền thông cần khẩn trương xây dựng bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử với tạp chí điện tử, chỉ đạo, định hướng kịp thời, nhằm chặn đứng, xử lý nghiêm khắc tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử. Theo đó, bộ công cụ này cần được xây dựng khoa học và bám sát các đặc trưng cơ bản phân biệt giữa báo, tạp chí nói chung và báo, tạp chí điện tử nói riêng; cũng như trên cơ sở thực tiễn báo chí Việt Nam thời gian qua. Từ tôn chỉ mục đích, nội dung thông tin, phương thức, hình thức thông tin, tỷ lệ bài viết nghiên cứu chuyên sâu đến cách thức vận hành, tổ chức cộng tác viên, mô hình tòa soạn… cần được quy định cụ thể, rõ ràng.

Thứ ba, cơ quan chủ quản của các tạp chí điện tử cần nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cơ quan báo chí, bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ để triển khai các hoạt động nghiệp vụ phù hợp, đúng luật định. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí khi để các chuyên trang, ấn phẩm có nhiều vi phạm, sai phạm. Cần xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo.Công khai danh sách các cơ quan báo chí nói chung, tạp chí điện tử nói riêng vi phạm, bị xử lý; Công khai các văn bản xử lý vi phạm, góp phần làm trong sạch đời sống báo chí trong tình hình hiện nay.

Thứ tư, các tạp chí điện tử cần tập trung nâng cao chất lượng nội dung, bám sát nhu cầu của độc giả, tận dụng thế mạnh internet và các ứng dụng đa phương tiện để tạo sự liên kết nội dung thông tin chuyên biệt. Ban Biên tập các tạp chí điện tử phát huy tính chủ động, sáng tạo tìm “lối ra” cho các sản phẩm báo chí của mình theo đúng khuôn khổ luật định. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên các tạp chí điện tử cần nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề báo.

_________________

(1) Trần Thu Thủy: “Sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương, địa phương”, https://nguoilambao.vn/sap-xep-kien-toan-co-cau-to-chuc-co-quan-bao-chi-khoi-dang-o-trung-uong-dia-phuong-n54994.html, 05-04-2022.

(2) Nhận diện biểu hiện “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, https://sotttt.tayninh.gov.vn/thong-tin-tuyen-truyen/nhan-dien-bieu-hien-bao-hoa-tap-chi-trang-thong-tin-dien-tu-tong-hop-mang-xa-hoi-2300.html,30-6-2022.

(3)  Bước đầu phát hiện, xác định khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quyet-liet-xu-ly-tinh-trang-bao-hoa-tap-chi-bieu-hien-tu-nhan-hoa-bao-chi-119221002013535451.htm?fbclid=IwAR2XKwBNqG_MgwQgEvBwv_QlG4ygUcnfe9W051eshi-w5-ISpLdnBNDFat0_6-10-2022.

ThS TRẦN THỊ THÚY LINH 

Học viện Chính trị khu vực III

...
  • Tags: