Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ góc độ pháp luật

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, chúng ta cần tập trung nâng cao nhận thức khoa học và bác bỏ những luận điểm khoản khoa học. Đó là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, cần phải kết hợp chặt chẽ các công cụ chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật, đối ngoại… để phù hợp với hình thức và phương pháp vận dụng với từng đối tượng, hoàn cảnh.

Trong số các công cụ đó, Pháp luật có vai trò đặc biệt nhờ vào những thuộc tính đặc thù của nó so với các công cụ khác.

 

Ảnh minh họa - TL

Thực tế cho thấy, các thế lực phản động, thù địch chưa bao giờ từ bỏ mưu đồ chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam với tính chất ngày một tinh vi, xảo quyệt hơn và vô cùng nguy hiểm. Chúng chống phá liên tục trên mọi mặt, lĩnh vực, không chỉ thuần túy là vấn đề lý luận mà bao gồm tất cả những vấn đề thực tế mới phát sinh. Chúng xuyên tạc, phủ định chủ trương, chính sách về vai trò lãnh đạo mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam; xuyên tạc, phủ định đường lối chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam. Kể cả việc chúng khoét sâu vào những yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế, những vụ án tham nhũng tiêu cực của những cán bộ đảng viên cấp cao để chống phá, để phản bác những luận điểm của chủ nghĩa mác Lê Nin- tư tưởng Hồ Chí Minh… Đó là những chiêu trò hết sức nguy hiểm của kẻ địch mà chúng ta phải kiên quyết đấu tranh lật tẩy và làm thất bại âm mưu của chúng. Đấu tranh phản bác những quan điểm phản động, sai trái của các thế lực thù địch cũng chính là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

*Vậy nền tảng tư tưởng của Đảng CSVN là gì ?

Nền tảng tư tưởng của Đảng ta đã được quy định trong Điều lệ Đảng: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”. Nói khái quát, nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là những học thuyết, những tư tưởng được hình thành trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những thành tựu văn minh của tư duy nhân loại, liên tục được bổ sung, phát triển từ những kết quả nghiên cứu mới nhất của khoa học và tổng kết thực tiễn lịch sử thế giới, cùng những dự báo về tương lai. Những tư tưởng đó được cụ thể hóa bằng các nghị quyết, quy định, chỉ thị của Đảng, được thể chế hóa bằng các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cho nên, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện mới.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chúng ta cần tập trung nâng cao nhận thức khoa học và bác bỏ những luận điểm phản khoa học. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, cần phải kết hợp các công cụ chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật, đối ngoại…để phù hợp với hình thức và phương pháp vận dụng đối với từng đối tượng, hoàn cảnh. Trong số các công cụ đó, pháp luật có vai trò đặc biệt nhờ vào những thuộc tính đặc thù của nó so với các công cụ khác. Cùng với đó, nhất thiết phải xây dựng được hệ thống lý luận thật sự sắc bén, song hành với hệ thống pháp luật khoa học, nghiêm minh. Tính thực tiễn của lý luận sắc bén biểu hiện ở chỗ, nó phải có đủ sức, đủ khả năng vạch rõ được âm mưu, thủ đoạn, tính chất sai trái, phản khoa học, phi lịch sử, tính chất nguy hại... của các quan điểm sai trái, thù địch; quá trình đấu tranh, phản bác phải thật sự thuyết phục.

*Một số hạn chế trong công tác đấu tranh nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trong những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Chưa đa dạng hóa các hình thức thông tin, chất lượng thông tin chưa hoàn toàn đáp ứng nhu cầu của người dân; chưa tích cực, chủ động đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; chưa phát huy vai trò giám sát, phản biện của các cơ quan báo chí, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội… Chưa hoàn toàn chủ động định hướng, cung cấp kịp thời để làm chủ thông tin, lấy thông tin tích cực, chính thống những việc làm tốt tích cực để đấu tranh chống lại các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, phản động trên mạng xã hội, internet… Việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại chưa được quan tâm đúng mức; Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam ổn định và phát triển, nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng thông tin thiếu cân đối, chưa đảm bảo sự đồng đều về phân bố và khoảng cách hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa các vùng, miền…

Trên thực tế, lý luận đấu tranh, phản bác của chúng ta đôi lúc còn thiếu độ sắc bén, tính thuyết phục chưa cao. Nhiều bài viết đấu tranh với quan điểi sai trái, thù địch mới chủ yếu nhấn mạnh tính chất phản động, chống Đảng, chống chế độ, mà chưa vạch rõ được tính chất sai trái, phản khoa học của các quan điểm sai trái, thù địch đó. Nghĩa là thực tế lý luận sắc bén có lúc có nơi chưa cao. Khi có lý luận sắc bén để đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch cũng có nghĩa là đã thể hiện được đường lối đúng đắn của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phù hợp với thực tế Việt Nam; đồng thời đã vận dụng pháp luật một cách nhuần nhuyễn trong đấu tranh phản bác thế lực thù địch.

Quá trình đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một quá trình luôn gắn chặt với thực tiễn đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình”, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; là quá trình vận dụng, đưa lý luận vào thực tiễn đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện lý luận, hoàn thiện pháp luật liên quan, gắn bó chặt chẽ và đảm bảo cho nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả; gắn với những cơ sở pháp luật trong quá trình xây dựng nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN.

*Vai trò của pháp luật trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, quan điểm, đường lối chính trị của Đảng, chính sách của Nhà nước được pháp luật hóa dưới dạng các quy phạm pháp luật có tính phổ quát trong xã hội. Điều đó tạo ra một phạm vi điều chỉnh rất rộng của pháp luật đối với các quan hệ xã hội mà nó cần bảo vệ. Trong số đó, có rất nhiều quan hệ xã hội đặc biệt quan trọng bị các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, tấn công, nhất là trong lĩnh vực chính trị, xã hội, an ninh và quốc phòng. Nói cách khác, nhờ có được ưu thế này mà phạm vi điều chỉnh của pháp luật (bao gồm phòng ngừa và xử lý) đối với các quan điểm sai trái, thù địch được thể hiện dưới dạng hành vi (hành động hoặc không hành động) đáp ứng được mục đích, yêu cầu của nhà nước trong từng thời kỳ lịch sử.

Thứ hai, ý chí, quan điểm của nhà nước được thể hiện dưới hình thức các quy phạm pháp luật dưới dạng thành văn, đảm bảo tính logic, ngắn gọn, tường minh, không đa nghĩa và không thể hiểu theo nhiều cách. Đây là ưu thế về hình thức biểu đạt của pháp luật mà các quy phạm xã hội khác như đạo đức, tập quán và ngay cả luật tục cũng không có được… Trong cuộc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch của các phần tử cơ hội chính trị, phản động trong và ngoài nước thì thuộc tính này của pháp luật có một ý nghĩa rất quan trọng. Pháp luật là lá chắn vững chắc, là công cụ thể hiện sức mạnh về tính nghiêm minh, không thể không bị trừng phạt đối với những hành vi thể hiện quan điểm xuyên tạc, chống phá chế độ nhà nước, lợi ích chung và vi phạm quyền con người trong xã hội.

Thứ ba, pháp luật được hỗ trợ và đảm bảo thực hiện bằng sự cưỡng chế của quyền lực nhà nước. Nhờ đó, pháp luật có được sức mạnh tối đa trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trong đó, những hành vi thể hiện quan điểm xuyên tạc, bôi nhọ, chống đối, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, của chính quyền địa phương, bị xử lý về hình sự sẽ có hậu quả pháp lý nặng nhất. Tính cưỡng chế của pháp luật nhờ đó, không chỉ có mục đích trừng trị mà còn có mục đích răn de, phòng ngừa rất lớn trong xã hội…

Như vậy, trong cuộc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay, pháp luật tuy không phải là công cụ duy nhất nhưng luôn là vũ khí trọng yếu, sắc bén và không thể bỏ qua.

*Từ thực tiễn của công tác đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái, thù địch, có thể rút ra một số bài học để qua đó, công tác quan trọng này được tổ chức thực hiện tốt hơn:

1. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, tập trung mũi nhọn đấu tranh làm thất bại âm mưu chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm phủ định nền tảng tư tưởng, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng, làm sụp đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.

2. Phải thực sự coi trọng lãnh đạo các hoạt động xây dựng và hoàn hiện hệ thống pháp lý làm chỗ dựa vứng chắc cho cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng – lý luận hiện nay. Thể chế hoá quan điểm đường lối của Đảng là một phương thức lãnh đạo của Đảng ta chỉ có thể chế hoá thì nghị quyết của Đảng mới đi vào cuộc sống.

3 .Cần coi trọng xây dựng bộ máy tổ chức thích hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu tham mưu, chỉ đạo trực tiếp cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch ở Việt Nam hiện nay.

4. Phải thực sự coi trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực và có cơ chế chính sách đặc thù để tạo động lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ nòng cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch.

5. Phải thực sự coi trọng tăng cường lãnh đạo thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật hiện đại để sớm phát hiện, ngăn chặn tận “gốc” nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái thù địch và ngăn chặn có hiệu quả các trang mạng độc hại. Xây dựng mới các trang mạng; các website của ta để tuyên truyền nhanh, kịp thời lan toả sâu rộng các lập luận sắc bén, thuyết phục các thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Tuyên truyền lan toả sâu rộng các định hướng, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng đối ngoại… để từng bước vững chắc giành thế chủ động làm chủ thế trận tiến công về thông tin tư tưởng lý luận trên Internet.

 Ths. Đỗ Đình Quyên

...
  • Tags: