Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn"

Ngày 14/3, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn

Ngày 14/3, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và “Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” theo hình thức trực tuyến từ hội trường Bộ Công an đến hội trường Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an. 

Phát biểu tại Hội Thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an).

Đây là các dự án luật rất quan trọng góp phần thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng về bảo vệ an ninh, trật tự, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “... Quan tâm xây dựng lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội cơ sở đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở”, cụ thể hóa các quy định tại các Điều 46, 64, 68 của Hiến pháp năm 2013, hướng tới xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong tình hình mới; tạo cơ sở pháp lý để huy động lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Vì vậy, việc nghiên cứu, xác lập, đề xuất các giải pháp chính trị, pháp lý phù hợp, có tính chiến lược, ổn định, lâu dài bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết. Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an cũng khẳng định việc xây dựng Luật này không vì lợi ích riêng của Bộ, ngành mà vì lợi ích chung của đất nước và của toàn dân, bảo vệ lợi ích của chính các lực lượng bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở. Đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân đều có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất ban hành, hoàn thiện chính sách pháp luật. Đồng thời khẳng định Bộ Công an, Ban Soạn thảo dự án Luật sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến quý báu, tâm huyết tại Hội thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện cho phù hợp trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp sắp tới của Quốc hội khóa XV…

Tại hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 54 bài và ý kiến tham luận về Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của các tướng lĩnh, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn giàu kinh nghiệm trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân. Các ý kiến đều khẳng định tình hình an ninh trật tự và đảm bảo an toàn, an ninh cho cuộc sống của người dân đã có những chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội, nhất là dân cư cơ sở đánh giá cao. Vì vậy cần tiếp tục sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở. Tuy nhiên, trong thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần được phát hiện và giải quyết như: Mối quan hệ giữa công an chuyên trách, chuyên nghiệp với công an bán chuyên trách. Do vậy rất cần thiết ban hành Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để làm rõ chức năng, nhiệm vụ, các mối quan hệ công tác, kiện toàn, bố trí lực lượng, về chế độ chính sách….

Đối với Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Ban tổ chức đã nhận được 42 bài, ý kiến tham luận. Trong đó đề cập những hạn chế của Luật giao thông đường bộ năm 2008, không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung, như: Giải quyết tai nạn giao thông; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông... Việc quản lý người lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Trong phần thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tập cũng trung luận giải, làm sâu sắc các vấn đề như: phân tích, làm rõ sự cần thiết; xây dựng các luận cứ khoa học, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của hai dự án Luật. Từ thực tiễn công tác, chiến đấu, phân công, phân cấp, quan hệ phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và Công an các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, phân tích, luận giải cơ sở thực tiễn, bài học kinh nghiệm, những vấn đề trọng tâm cần quan tâm và phương hướng xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật trên trong thời gian tới.

Đại diện lãnh đạo Bộ Công an ghi nhận ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, khẳng định Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ và điều chỉnh trong dự thảo 2 dự án luật, để báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tớí./.

  • Tags: