Bộ đội phòng không – không quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975

50 năm đã qua, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, với sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi đó có sự đóng góp to lớn của quân và dân cả nước nói chung, trong đó có Bộ đội Phòng không – Không quân Việt Nam nói riêng.

Phi đội bay Quyết Thắng sau khi hoàn thành nhiệm vụ ném bom Dinh Độc lập và sân bay Tân Sơn Nhất. (ảnh tư liệu)

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, nắm bắt quy luật phát triển của chiến tranh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã ra Nghị quyết 21 (1973) xác định phương hướng chiến đấu “đánh cho ngụy nhào” để kết thúc thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhạy bén trước tình hình mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các Quân binh chủng và quân dân trên cả hai miền Nam-Bắc chuẩn bị sẵn sàng đón thời cơ tổng tiến công chiến lược thực hiện “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Đối với Bộ đội Phòng không - Không quân, sau khi hoàn thành xuất sắc Chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Thủ đô Hà Nội và Thành phố Cảng Hải Phòng cuối tháng 12 năm 1972, buộc Nhà Trắng phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai vào miền Bắc Việt Nam, ngay sau đó Bộ đội Phòng không - Không quân đã khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để tham gia tác chiến trên chiến trường miền Nam. Theo Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ đội Phòng không - Không quân có 3 nhiệm vụ cơ bản là:

- Tham gia trực tiếp tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên các chiến trường.

- Tổ chức bảo vệ không phận vùng giải phóng.

- Sẵn sàng đánh địch bảo vệ miền Bắc nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh cho không quân, hải quân đánh phá trở lại miền Bắc Việt Nam.

Quán triệt và chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết tâm chiến lược của Đảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, đồng thời với việc tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Quân chủng khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, đẩy mạnh việc xây dựng các lực lượng phòng không, không quân cho chiến trường miền Nam và làm tròn nhiệm vụ quốc tế. Bộ Tư lệnh Quân chủng đã đề đạt quyết tâm lên Bộ Quốc phòng về sử dụng lực lượng, bố trí đội hình tác chiến phòng không trên cả 2 miền Nam, Bắc. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Quốc phòng, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975 ta đã huy động đầy đủ các quân chủng, binh chủng tham gia. Quân chủng PK-KQ đã nhanh chóng chuẩn bị lực lượng và vũ khí trang bị kỹ thuật cho các binh chủng Không quân, Tên lửa, Ra đa, Pháo cao xạ vào trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tháng 3 năm 1973, Quân chủng đã đưa 5 trung đoàn pháo cao xạ và 1 trung đoàn tên lửa phòng không vào chiến trường miền Nam, thành lập Sư đoàn phòng không 673 làm nhiệm vụ hoạt động tác chiến trên chiến trường Trị Thiên. Cũng trong thời gian này, Quân chủng Phòng không- Không quân đã cơ động Sư đoàn phòng không 377 (có 6 trung đoàn PPK) vào hoạt động tác chiến trên chiến trường Tây Nguyên. Chấp hành Chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân đã lần lượt chuyển vào chiến trường miền Nam 50% số trung đoàn PPK, 100% tên lửa tầm thấp A -72 và số lớn cán bộ để xây dựng lực lượng Phòng không- Không quân trên chiến trường, bảo đảm cho mỗi quân khu có 1 trung đoàn PPK, 1 đại đội tên lửa A -72 và 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7 và xây dựng lực lượng phòng không của bộ đội địa phương, dân quân, du kích trên khắp các địa bàn chiến lược. Với sự chi viện của miền Bắc, lực lượng phòng không trên chiến trường miền Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và vũ khí trang bị, đủ sức đánh trả các hoạt động của không quân Mỹ, ngụy. Chỉ tính riêng 2 năm (1973-1974), lực lượng phòng không trên chiến trường đã bắn rơi 124 máy bay các loại của địch, trong đó có 38 máy bay cường kích, 15 máy bay trinh sát và 6 máy bay vận tải. Riêng tên lửa A-72 vào chiến trường đã bắn rơi 25 máy bay. Khi các quân đoàn cơ động chiến lược của Bộ lần lượt thành lập, Quân chủng Phòng không- Không quân đã tổ chức cho mỗi quân đoàn 1 sư đoàn phòng không hoặc tương đương để bảo vệ trực tiếp các hoạt động tác chiến của quân đoàn.

Ngay từ cuối năm 1973, chấp hành Chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không- Không quân đã nghiên cứu tổ chức Lữ đoàn không quân hỗn hợp 919, gồm không quân chiến đấu, không quân vận tải và không quân trực thăng. Các máy bay của Lữ đoàn không quân 919 đều mang phù hiệu Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày đêm luyện tập ném bom, thả dù và cơ động; bộ đội luôn sẵn sàng chờ lệnh tham gia tác chiến hiệp đồng. Bộ Tư lệnh Quân chủng và Chỉ huy Lữ đoàn không quân 919 chủ động khảo sát, nghiên cứu thiết lập đường bay từ miền Bắc vào các sân bay của ta ở vùng giải phóng như: Tà Cơn, Đắc Tô, Tân Cảnh, Lộc Ninh để thực hiện vận chuyển hàng theo yêu cầu của chiến trường.

Tiểu đoàn 8 ra đa, gồm 4 đại đội được lệnh đã hành quân thần tốc trên đường Trường Sơn và đêm ngày 24 tháng 4 năm 1975 đã triển khai trong đội hình quản lý toàn bộ không gian tác chiến chiến dịch. Trong 3 ngày cuối cùng của Cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, Bộ đội ra đa phòng không đã phát hiện 218 tốp máy bay địch, trong đó có 111 tốp bay di tản. Tình báo trên không của Bộ đội ra đa phòng không, giúp cho Bộ Tư lệnh chiến dịch nắm chắc hoạt động di tản của địch để chỉ đạo chính xác hoạt động tiến công. Tiếp theo Tiểu đoàn 8 ra đa ở phía trước, Trung đoàn ra đa 290 cũng được lệnh chuyển dịch vào phía Nam, triển khai từ Quảng Trị đến Phan Thiết để khép kín toàn bộ trường ra đa quản lý và bảo vệ vùng trời miền Nam Tổ quốc.

Bộ đội Tên lửa phòng không cũng nhanh chóng đưa 4 trung đoàn vào chiến trường. Trung đoàn tên lửa 267 trong đội hình Sư đoàn phòng không 375 bảo vệ Đà Nẵng. Trung đoàn tên lửa 275 trong đội hình Sư đoàn phòng không 365 bảo vệ Nha Trang, Cam Ranh, Trung đoàn tên lửa 274 lúc đầu dự kiến làm lực lượng dự bị chiến lược, được lệnh hành quân theo đường quốc lộ số 1 qua các thành phố lớn, vừa tạo niềm tin cho nhân dân vùng giải phóng, vừa tạo thế răn đe đối với địch. Sau khi khẳng định: Mỹ sẽ không dám sử dụng không quân trở lại chi viện cho quân ngụy sắp đến ngày tận số, Trung đoàn tên lửa 274 được lệnh hành quân vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, chiều ngày 30-4-1975, Trung đoàn tên lửa 274 đang trên đường hành quân vào Nha Trang thì Chiến dịch Hồ Chí Minh đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Được sự nhất trí của Bộ, Quân chủng đã khẩn trương tổ chức, chuẩn bị lực lượng, chuyển giao hơn 50% số trung đoàn pháo cao xạ cho các chiến trường và xây dựng lực lượng phòng không cho các quân khu, quân đoàn. Đến đầu năm 1974, hầu hết các sư đoàn bộ binh đều có 1 tiểu đoàn pháo cao xạ cơ giới, các quân đoàn đều được biên chế 1 sư đoàn hoặc 1 lữ đoàn phòng không, trên các chiến trường đều phát triển lực lượng bắn máy bay bằng súng bộ binh, súng máy cao xạ...Đồng thời, với việc nhanh chóng phát triển lực lượng, trong 2 năm 1973 - 1974, lực lượng Phòng không-Không quân thường xuyên hiệp đồng chặt chẽ cùng các quân binh chủng, đồng thời thực hiện cả 3 nhiệm vụ tác chiến chiến lược là bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ giao thông chiến lược và tác chiến trong đội hình binh chủng hợp thành. Các lực lượng phòng không miền Nam đã kịp thời tập trung lực lượng đánh địch từng đợt, từng trận tập kích đường không của địch, bảo vệ vùng giải phóng và bảo vệ giao thông vận tải chiến lược quan trọng. Về tác chiến phòng không trong đội hình binh chủng hợp thành, các tiểu đoàn, trung đoàn pháo cao xạ, đại đội tên lửa A-72 đã yểm hộ cho các sư đoàn bộ binh bao vây, tiến công địch trên hướng chủ yếu, triệt địch tiếp tế đường không, tiêu diệt nhiều máy bay địch, buộc chúng phải rút bỏ căn cứ. Theo tài liệu thu được của địch, từ ngày 28-01-1973 đến ngày 31-10-1974, đã có 124 máy bay các loại của không quân Ngụy bị bắn rơi, riêng tên lửa A-72 bắn rơi 25 chiếc.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Bộ đội Phòng không - Không quân được giao nhiệm vụ yểm hộ cho bộ đội binh chủng hợp thành tiến công phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch ở Quân khu 2 Ngụy, làm thay đổi cục diện chiến trường, nhằm tạo ra thời cơ chiến lược mới. Sư đoàn phòng không 377 được lệnh rời địa bàn Tây Quảng Bình, hành quân thọc sâu vào phía Nam, tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Đây là đơn vị phòng không vinh dự được tham gia sớm nhất vào Cuộc Tổng tiến công năm 1975. Trong chiến dịch này, Bộ đội Phòng không- Không quân, nòng cốt là Sư đoàn phòng không 377 đã bắn rơi 51 máy bay địch, trong đó có 19 chiếc rơi tại chỗ.

Trong Chiến dịch Trị - Thiên - Huế và Chiến dịch Đà Nẵng, ta đã hình thành thế trận phòng không ba thứ quân, nhất là ở Trị - Thiên. Lực lượng phòng không chủ lực tương đối mạnh làm nhiệm vụ yểm hộ các hướng tiến công chủ yếu của bộ đội hợp thành. Lực lượng phòng không tại chỗ của các địa phương kết hợp với các đội vũ trang luồn sâu vào sau lưng địch, tạo nên lưới lửa phòng không rộng khắp, hoàn chỉnh cả phía trước và phía sau. Trong 2 chiến dịch này, các lực lượng phòng không của ta đã đánh 50 trận trên không, bắn rơi 14 máy bay địch, có 5 chiếc rơi tại chỗ và đánh 136 trận với địch mặt đất, mặt nước, diệt 30 lô cốt, 2 xe bọc thép, bắn chìm 2 tàu chiến.

Từ sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, ta đã khẩn trương cơ động lực lượng phòng không của các quân đoàn và lực lượng dự bị chiến lược của Quân chủng Phòng không-Không quân từ nhiều nơi vào mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Cho đến ngày 25-4-1975, các lực lượng phòng không và không quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh đã tập kết và triển khai xong toàn bộ đội hình. Sở chỉ huy tiền phương của Quân chủng và cơ quan tham mưu phòng không của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lực lượng phòng không thực hiện kế hoạch tiến vào Sài Gòn.

Lực lượng phòng không trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là lực lượng phòng không tổng hợp của cả nước được huy động tới mức cao nhất, bao gồm các binh chủng pháo cao xạ, tên lửa phòng không, không quân chiến đấu, không quân vận tải, ra đa. Cụ thể như: Sư đoàn 673 hành quân từ Đà Nẵng vào Long Khánh; Sư đoàn 367 hành quân thần tốc từ Ninh Bình vào Đồng Xoài; Sư đoàn 377 triển khai trên hướng Tây - Bắc Sài Gòn; Sư đoàn 365 bảo vệ các thành phố, thị xã cực Nam Trung Bộ; Sư đoàn 375 bảo vệ Thành phố Đà Nẵng và Sân bay Phú Bài; Trung đoàn tên lửa 263 hành quân từ Tà Cơn, Quảng Trị vào triển khai chiến đấu ở Phước Bình; Tiểu đoàn 8 ra đa triển khai ở Phước Long... Bộ đội pháo cao xạ, súng máy cao xạ và tên lửa tầm thấp A-72 đã thường xuyên bám sát, kịp thời yểm hộ chi viện có hiệu quả cho bộ đội binh chủng hợp thành, đồng thời phát huy tốt tác dụng trong nhiệm vụ chủ yếu là đánh địch trên không, tính từ ngày 25 đến 30-4-1975 đã đánh 225 trận, bắn rơi 43 máy bay địch, có 14 chiếc rơi tại chỗ.

Đối với Bộ đội không quân nhân dân Việt Nam, từ sau ngày giải phóng Tây Nguyên - Đà Nẵng, ta đã kịp thời tiếp quản, khôi phục hoạt động các sân bay, lấy máy bay địch để lại, tổ chức sửa chữa, huấn luyện chuyển loại phi công, tiến hành công tác đảm bảo kỹ thuật để nhanh chóng sử dụng chiến đấu khi có lệnh. Giữa lúc tình hình đang diễn ra sôi động, khẩn trương, thì ngày 8-4-1975, phi công Nguyễn Thành Trung (người của ta hoạt động bí mật trong lực lượng không quân Ngụy) đã lái chiếc máy bay F-5E ném bom xuống Dinh Độc Lập, sự kiện này đã làm cho quân Ngụy Sài Gòn càng thêm hoảng loạn.

Đặc biệt, quán triệt sâu sắc quyết tâm của Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh về việc sử dụng không quân trong đòn đánh chiến lược cuối cùng, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức có hiệu quả việc sử dụng máy bay địch đánh địch. Và chỉ sau một thời gian ngắn huấn luyện chuyển loại, đến ngày 27-4-1975, phi công và thợ máy đã làm chủ được máy bay A-37. 9 giờ 30 phút ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết thắng chuyển từ sân bay Phù Cát vào sân bay Thành Sơn làm công tác chuẩn bị chiến đấu. 16 giờ 40 phút, ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết thắng sử dụng 5 chiếc máy bay A-37 ném 18 quả bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất. 18 giờ 15 phút, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, toàn Phi đội hạ cánh an toàn xuống sân bay Thành Sơn. Đây là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao, phá hủy 24 máy bay, tiêu diệt hàng trăm sĩ quan và binh lính địch. Trận đánh bất ngờ, táo bạo của không quân ta làm cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn hoang mang, suy sụp về tinh thần, thúc đẩy nhanh quá trình tan rã và sụp đổ hoàn toàn của chúng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến đấu anh dũng, các lực lượng phòng không ba thứ quân, nòng cốt là Quân chủng Phòng không- Không quân đã nêu cao trách nhiệm chính trị và quyết tâm chiến đấu, tích cực chủ động đánh địch trên không, mặt đất, bắn rơi 253 máy bay các loại, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, chi viện kịp thời và có hiệu quả cho bộ đội binh chủng hợp thành trong mọi hình thức chiến thuật, đặc biệt là trong các trận đánh then chốt, quyết định. Các lực lượng pháo phòng không, tên lửa, không quân, ra đa chiến đấu trong đội hình quân binh chủng hợp thành với quy mô lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, áp đảo không quân địch, khẳng định một lần nữa nghệ thuật tác chiến chiến dịch trong chiến tranh hiện đại của quân đội ta.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã để lại trang sử vàng rực sáng trong lịch sử dân tộc. Đó là bài học quí về nghệ thuật tác chiến phòng không hiệp đồng quân binh chủng hợp thành trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nửa thế kỷ đã trôi qua vẫn còn nguyên giá trị để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Phòng không- Không quân tiếp tục học tập, nghiên cứu phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không vận dụng vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai./.

Trung tướng NGUYỄN VĂN HIỀN

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương,

Tư lệnh Quân chủng PK-KQ

...
  • Tags: