Bộ Tài chính đề xuất mới về cơ chế tự chủ kinh phí quản lý hành chính của cơ quan Nhà nước

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính của cơ quan Nhà nước (thay thế Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP).

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính của cơ quan Nhà nước (thay thế Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP).

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 28/01/2021 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng kinh phí quản lý hành chính thay thế Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, Nghị định số 117/2013/NĐ-CP, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lỷ, sử dụng kinh phí quản lý hành chính theo quy định, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Theo đó, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định quy định cụ thể hơn về nguồn kinh phí giao tự chủ. Theo quy định hiện hành tại Điều 5 Nghị định số 130/2005/NĐ-CP, kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan thực hiện chế độ tự chủ từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước cấp; các khoản phí, lệ phí được để lại theo chế độ quy định; các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Với nội dung này, dự thảo Nghị định quy định chi tiết “Kinh phí quản lý hành chính giao cho cơ quan Nhà nước thực hiện tự chủ từ các nguồn sau:

Nguồn ngân sách Nhà nước cấp chi quản lý hành chính của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và được xác định để giao tự chủ theo quy định.

Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực chi hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

Phần thu phí được để lại giao tự chủ thuộc lĩnh vực chi hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội (nếu có) theo quy định tại Luật phí và lệ phí và Nghị định số 120/2016/NĐ-CP”.

Dự thảo Nghị định cũng quy định, kinh phí quản lý hành chính giao cho các cơ quan thực hiện tự chủ được xác định và giao hằng năm bao gồm:

Quỹ tiền lương theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Trường hợp cơ quan chưa được phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức thì thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được giao.

Chi hoạt động thường xuyên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, định mức phân bổ dự toán chi quản lý hành chính theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành. Trường hợp cơ quan chưa được phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức thì thực hiện khoán theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Quỹ tiền thưởng theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp kể từ thời điểm chế độ tiền lương do Chính phủ quy định theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành.

Về thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ, dự thảo Nghị định bổ sung quy định: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Mức chi cụ thể thực hiện theo quy định chung về tiền lương, tiền công của Nhà nước.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về số kinh phí tiết kiệm được, cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập và quỹ phúc lợi.

  • Tags: