BQP dự thảo xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp

Bộ Quốc phòng đang dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.

Bộ Quốc phòng đang dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.

Ảnh minh họa

 

Bộ Quốc phòng cho biết, Pháp lệnh Động viên công nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 25/2/2003 và Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII thông qua ngày 26/1/2008, được sửa đổi, bổ sung ngày 22/12/2018. Các Pháp lệnh được ban hành là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị Quân đội quán triệt, tổ chức thực hiện động viên công nghiệp và xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng. Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, quản lý ngành đối với các hoạt động công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai Pháp lệnh Động viên công nghiệp và hơn 12 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng, trước yêu cầu của thực tiễn, cần xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập xuất hiện trong quá trình thực thi 2 Pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trong tình hình hiện nay.

Theo Bộ Quốc phòng, Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp được xây dựng với mục đích phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trong trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang, tổ chức sắp xếp, tái cơ cấu hệ thống cơ sở phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp, đảm bảo thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập xu hướng toàn cầu hóa; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp.

Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, trong đó, tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển trang bị kỹ thuật công nghệ cao; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực có chất lượng, khuyến khích nhân tài phục vụ cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng; huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang có tiềm lực về tài chính và khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp; sản xuất, sửa chữa trang bị kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở động viên công nghiệp.

Để đạt mục đích trên, dự thảo Luật đã đưa ra các chính sách: 1- Phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng; 2- Quy hoạch hệ thống tổ chức Công nghiệp quốc phòng; 3- Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển Công nghiệp quốc phòng; 4- Huy động nguồn lực cho phát triển Công nghiệp quốc phòng; 5- Bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.

  • Tags: