Buồn thay cho những người có trình độ cao mà vẫn sa vòng lao lý

Không ít người có trình độ, học hàm, học vị cao, am hiểu pháp luật ở khu vực công và tư vi phạm pháp luật bị khởi tố khiến dư luận không khỏi tiếc nuối mà đáng lẽ họ có thể sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Thời gian gần đây, không ít người có trình độ, học hàm, học vị cao, am hiểu pháp luật ở khu vực công và tư vi phạm pháp luật bị khởi tố khiến dư luận không khỏi tiếc nuối mà đáng lẽ họ có thể sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Toàn cảnh phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Nhìn vào tiểu sử của hai người trẻ ở khu vực kinh tế tư nhân mới bị bắt mới đây là bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC, ông Đỗ Hoàng Việt - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, nhiều người không khỏi “chạnh lòng” tiếc thay cho những người học cao nhưng sớm xa vào vòng lao lý.

Có thể thấy họ là những người được học hành bài bản ở các nước phát triển, có trình độ cao và năng lực điều hành, quản trị kinh tế vĩ mô. Thậm chí có người còn tốt nghiệp Tiến sĩ với thành tích học tập rất tốt, được nhiều người ngưỡng mộ. Tuy nhiên, trước sức hút của quyền lực kinh tế và tiền bạc vật chất đã khiến họ không thể vượt qua cám dỗ.

Nhìn vào khu vực công, những năm qua tình hình cán bộ bị kỷ luật, bị bắt vì vi phạm pháp luật nhiều chưa từng thấy. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào đầu năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đã khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Hàng loạt những cái tên quen thuộc như: Cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường… Nhiều lãnh đạo bệnh viện nổi tiếng cũng dính vào vòng lao lý, điển hình là cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn - một giáo sư, bác sĩ nổi tiếng có nghề…

Mới đây nhất là trường hợp của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt vào ngày 14/4 để điều tra về tội nhận hối lộ. Trước đó không lâu, Ban Bí thư kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với Giám đốc Học viện Quân y Đỗ Quyết và Phó Giám đốc Hoàng Văn Lương do các vi phạm liên quan vụ việc tại Công ty Việt Á…

Có thể thấy, họ cũng đều là những cán bộ học cao, hiểu biết rộng, có học hàm, học vị, chức tước cao vào hàng cán bộ cấp chiến lược, nhưng vẫn bị những viên đạn “bọc đường” xuyên thấu. Họ không thể đổ lỗi cho ai và càng không thể đổ lỗi do không hiểu biết pháp luật hay do năng lực yếu kém không thể nhận biết đúng sai.

Nếu có một năng lực phản vệ, “một cái gương chiếu yêu” để giữ mình thì hẳn họ đã không làm những điều pháp luật cấm kỵ. Năng lực “kháng thể” đó phải được hình thành một cách tự nhiên trên hành trang trưởng thành. Đó phải là quá trình tiếp nhận và tu dưỡng, thực hành đạo đức, văn hóa như một thói quen để tạo nên bản lĩnh sống có đạo lý, biết phân biệt trên - dưới, phải - trái, đúng - sai, xấu - xa, thiện - ác…

Đất nước mất đi những người học cao, hiểu rộng, dù là ở khu vực công hay tư cũng đều đáng tiếc. Nhưng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói: “Mất cán bộ thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”.

Đất nước muốn phát triển cần hội tụ những tinh hoa, những con người tiêu biểu cho phẩm chất và trí tuệ. Vì chỉ có như vậy thì trước phong ba, bão tạp, trước mọi cám dỗ của vật chất và quyền lực thì những con người đó không rời bỏ vị trí, giữ nguyên bánh lái, đứng mũi chịu sào trước dân tộc, trước đất nước để chèo lái đất nước phát triển đi lên.

Trong những năm qua, Đảng ta thiết kế rất nhiều “màng lọc” (xây dựng Bộ tiêu chí về ủy viên Bộ Chính trị, Bộ tiêu chí về Ủy viên Trung ương) nhằm tránh chọn nhầm cán bộ hoặc để lọt vào hàng ngũ “tinh hoa” một số cá nhân tham vọng, hám quyền lực, không đặt lợi ích dân tộc và nhân dân lên trên hết.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Trung ương tiến hành liên tục thời gian qua đã mang lại kết quả hết sức đáng mừng, tạo được niềm tin trong xã hội. Vừa qua Kết luận số 12 của Bộ Chính trị ban hành ngày 12/4 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, một lần nữa thể hiện điều đó.

Đây có thể ví như là giai đoạn tạo lập lối suy nghĩ đúng đắn, phương pháp làm việc tích cực, thói quen hành động tốt cho đảng viên, xa hơn nữa là hình thành văn hóa chính trị trong Đảng. Văn hóa chính trị này sẽ thấm dần vào các hoạt động chính trị của Đảng giúp thanh lọc và loại bỏ những cá nhân tham nhũng, tiêu cực, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

TS. Cù Văn Trung

  • Tags: