Các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp lãnh thổ theo pháp luật quốc tế hiện nay

Các tranh chấp lãnh thổ trên thế giới cho đến nay vẫn là những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết và có thể gây ra những nguy cơ mất ổn định cho khu vực và thế giới. Nhiều tranh chấp lãnh thổ đã dẫn đến những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia, dân tộc với nhau. Kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập tới nay, hệ thống luật pháp quốc tế đã được dần hoàn thiện, trong đó việc giải quyết các tranh chấp quốc tế, bao gồm các tranh chấp lãnh thổ, phải được thực hiện bằng biện pháp hoà bình.
Ảnh minh họa - Internet
1. Tranh chấp quốc tế
Trong thực tiễn, có nhiều khái niệm khác nhau về tranh chấp quốc tế (international disputes), PCIJ - Tòa án thường trực công lý quốc tế của Hội quốc liên (tiền thân của Tòa án Công lý quốc tế) trong một vụ án, cho rằng: “tranh chấp là sự không thỏa thuận được với nhau trong một vấn đề nào đó của luật pháp hoặc các sự kiện, là sự đối lập nhau về quan điểm pháp lý và lợi ích giữa hai chủ thể với nhau[1]. ICJ – Tòa án Công lý quốc tế cho rằng, tranh chấp là “một tình huống mà trong đó cả hai bên đều duy trì một cách rõ ràng quan điểm đối lập nhau liên quan đến việc thể hiện hay không thể hiện nghĩa vụ cụ thể được quy định trong hiệước[2]. Tòa trọng tài trong vụ Texaco v. Libya cho rằng, tranh chấp là “tồn tại sự khác biệt về lợi ích và đối lập về quan điểm pháp lý[3]. Tuy các định nghĩa có những sự khác nhau nhưng đều có điểm chung, đó là sự không thống nhất, thậm chí là xung đột về quan điểm pháp lý cũng như lợi ích của các bên.
Tranh chấp quốc tế xảy ra bởi những mối quan hệ cũng như các lợi ích phức tạp và đan xen trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế.
Trong các tranh chấp quốc tế, tranh chấp lãnh thổ là một trong những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chiến tranh nhất.
2. Lãnh thổ và tranh chấp lãnh thổ
Lãnh thổ quốc gia là một trong những bộ phận cấu thành không thể thiếu của bất kỳ quốc gia nào,[4] đồng thời nó còn là một tiêu chí cơ bản để xác định một quốc gia có phải là chủ thể của pháp luật quốc tế hay không. Lãnh thổ quốc gia gắn liền với những điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Do đó lãnh thổ quốc gia là môi trường tự nhiên và cơ sở vật chất để quốc gia tồn tại và phát triển trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời, lãnh thổ quốc gia còn liên quan với quốc gia khác, trước hết là với quốc gia láng giềng hay các quốc gia trong khu vực.
Một quốc gia không thể tồn tại nếu không có lãnh thổ. Lãnh thổ được xác lập theo không gian, trong đó quyền lực của chủ quyền quốc gia được thực hiện. “Nếu mất hoàn toàn lãnh thổ, quốc gia sẽ không tồn tại trên thực tế”[5]. Như vậy, khái niệm lãnh thổ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với bản thân nhà nước đó mà là yếu tố không thể thiếu trong quan hệ quốc tế. Lãnh thổ quốc gia phải được xác định cụ thể theo các quy định của pháp luật quốc tế để mỗi quốc gia tự do thực hiện chủ quyền của mình trong lãnh thổ, đồng thời là điều cần thiết để các quốc gia tôn trọng chủ quyền của quốc gia khác.
Trong số các đối tượng tranh chấp, các tranh chấp có nguyên nhân về chính trị, pháp lý liên quan đến lãnh thổ biên giới quốc gia, an ninh, quốc phòng giữa các quốc gia từ trước đến nay luôn có nguy cơ rất lớn đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế nếu tranh chấp, căng thẳng kéo dài và không được giải quyết dứt điểm bằng các biện pháp hòa bình. Thực tiễn lịch sử thế giới đã chứng minh chính tranh chấp lãnh thổ, biên giới quốc gia là nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp của nhiều cuộc xung đột quân sự lớn, có thể kế đến như tranh chấp vùng Alsace-Lorraine giữa Pháp và Đức đã là nguyên nhân khiến cho quan hệ hai nước này căng thẳng và là một phần nguyên nhân của hai cuộc Chiến tranh Thế giới 1914 và 1939[6]; Tranh chấp vùng Danzig (nay là Gdansk, thuộc Ba Lan) giữa Ba Lan và Đức Quốc xã là một trong những nguyên nhân làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ hai vào năm 1939[7]; Chiến tranh giữa Anh và Argentina 1982 liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Falkland; Chiến tranh giữa Israel và các quốc gia Ả Rập trong các năm 1948, 1956, 1967, 1973[8]; Chiến tranh Iran – Iraq 1980 – 1988 liên quan đến vùng đất tranh chấp ở Khuzestan và đường biên giới ở cửa sông Sat al - Arap[9]; Chiến tranh vùng Vịnh 1990 -1991 có nguyên nhân chủ yếu là tranh chấp về lãnh thổ giữa Iraq và Kuwait dẫn đến hành động tấn công Kuwait của Iraq[10]… Các cuộc chiến tranh này đã gây ra nhiều thiệt hại to lớn về người và của, không chỉ trong khoảng thời gian đó mà còn để lại những di chứng khủng khiếp cho các thế hệ sau.
3. Các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp lãnh thổ
Tranh chấp quốc tế có thể dẫn đến nguy cơ xung đột quân sự và chiến tranh. Do đó, khi tranh chấp quốc tế xảy ra, việc giải quyết tranh chấp có ý nghĩa quan trọng vì nó liên quan đến duy trì hòa bình, an ninh thế giới, chấm dứt xung đột, bất đồng giữa các bên liên quan. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp còn góp phần thúc đẩy các quốc gia tuân thủ và thực hiện luật quốc tế triệt để hơn. Việc giải quyết này phải được thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với pháp luật quốc tế, trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế đã được các bên tranh chấp thừa nhận áp dụng để giải quyết tranh chấp theo khoản 1 Điều 38 Quy chế Tòa án Công lý quốc tế.
a. Các điều ước quốc tế, chung hoặc riêng, đã quy định về những nguyên tắc được các bên đang tranh chấp thừa nhận;
b. Các tập quán quốc tế như những chứng cứ thực tiễn chung, được thừa nhận như những quy phạm pháp luật;
c. Nguyên tắc chung của luật được các quốc gia văn minh thừa nhận;
d. Với những điều kiện nêu ở Điều 59, các án lệ và các học thuyết của các chuyên gia có chuyên môn cao nhất về luật quốc tế của các quốc gia khác nhau được coi là phương tiện để xác định các quy phạm pháp luật[11].
Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Đây là hệ quả của nghĩa vụ cấm sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế[12]. Nguyên tắc này đã được ghi nhận từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trong Công ước La Hay 1899 và 1907,[13] sau đó tại Hiệp ước Briand-Kellog ngày 27/8/1928[14]. Nó được chính thức thừa nhận là nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế lần đầu tiên tại khoản 3 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc: “Tất cả các Thành viên giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hòa bình, theo cách không làm nguy hại đến hòa bình, an ninh quốc tế và công lý[15], và được khẳng định một lần nữa tại Tuyên bố ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (Nghị quyết số 2625) : “Mọi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm vi phạm sự tồn tại của các đường biên giới của các quốc gia khác, hoặc sử dụng như là các biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bao gồm các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia… Tất cả các quốc gia sẽ giải quyết các tranh chấp quốc tế với những quốc gia khác bằng các biện pháp hòa bình mà không làm phương hại đến hòa bình, an ninh và công lý quốc tế”[16].
Bên cạnh việc ghi nhận nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa bình, Hiến chương Liên hợp quốc cũng đã xây dựng hệ thống các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế tại Điều 33: “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”. Căn cứ vào nội dung của Điều 33 Hiến chương, các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế có thể chia thành hai nhóm cơ bản:
Nhóm 1, các biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính chất ngoại giao, gồm: đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực;
Nhóm 2, các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán quốc tế, thông qua các Tòa án quốc tế và Trọng tài quốc tế.
- Về nhóm biện pháp ngoại giao giải quyết tranh chấp
Những biện pháp ngoại giao dùng để giải quyết tranh chấp quốc tế đã xuất hiện từ rất sớm và luôn đóng vai trò quan trọng. Kết quả của việc sử dụng các biện pháp ngoại giao thường là các nghị quyết, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế hoặc các cam kết và các điều ước quốc tế được các bên tranh chấp ký kết.
Biện pháp đàm phán (thương lượng)
Trong số các biện pháp giải quyết tranh chấp, đàm phán được đánh giá là dễ sử dụng, áp dụng phổ biến và hiệu quả nhất, có lịch sử lâu đời dựa trên cơ sở trực tiếp nêu ra các quan điểm và tiếp nhận các ý kiến, lập trường của các bên đối thoại và không có sự can dự của bên thứ ba. Mục đích, thành phần, cấp tham gia cũng như hình thức của đảm phán do chính các quốc gia tham gia đàm phán thỏa thuận với nhau, tuy nhiên vẫn phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế.
So với các biện pháp giải quyết tranh chấp khác, đàm phán có rất nhiều ưu điểm. Thứ nhất, đàm phán linh hoạt và chủ động, không bị khống chế về mặt thời gian, địa điểm. Thứ hai, đàm phán hạn chế được sự can thiệp trực tiếp từ bên thứ ba (thậm chí cả cộng đồng quốc tế), không làm phức tạp thêm nội dung tranh chấp. Thứ ba là tiết kiệm được về mặt kinh phí và thời gian của các bên tranh chấp. Tuy nhiên, đàm phán không phải lúc nào cũng thành công mà nó còn phụ thuộc vào mức độ thiện chí, sự mềm dẻo, linh hoạt và sự nhạy cảm của các bên đàm phán. Thái độ thù địch và sự bất đồng về chính trị là những nguyên nhân làm quá trình đàm phán phức tạp hay nghiêm trọng hơn là không đạt được bất kỳ một sự thỏa thuận nào[17].
Trong một số trường hợp, đàm phán là nghĩa vụ bắt buộc của các bên tranh chấp quy định trong các điều ước quốc tế song phương hay đa phương[18]. Ngoài ra, các phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế cũng có thể trực tiếp yêu cầu các bên tham gia vào đàm phán với sự thiện chí cũng như đòi hỏi các bên phải đạt được một thỏa thuận nhất định. Trong vụ tranh chấp Thềm lục địa Biển Bắc, Tòa án Công lý quốc tế đã đưa ra phán quyết: “Các bên phải tiến hành một cuộc đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận và họ phải có nghĩa vụ xử sự sao cho cuộc đàm phán có ý nghĩa, đó không phải là trường hợp mà một trong các bên khăng khăng giữ lập trường của riêng mình không có bất kỳ một sự điều chỉnh nào[19].
Về thực tiễn giải quyết tranh chấp lãnh thổ thành công thông qua con đường đàm phán, đã có những vụ việc điển hình như cuộc hòa đàm Gadsden 1853 giải quyết dứt điểm những tranh chấp lãnh thổ giữa Hoa Kỳ và Mexico[20]; đàm phán giải quyết tranh chấp đảo Sakhalin giữa Đế quốc Nga và Nhật Bản với kết quả là Hiệp định Saint Petersburg năm 1875[21]; các cuộc đàm phán hòa bình từ năm 1963 đến năm 1966 giữa Thủ tướng Malaysia Tunku Abdul Rahman, Tổng thống Indonesia Sukarno và Tổng thống Philippines Macapagal cuối cùng đã giải quyết thành công tranh chấp lãnh thổ vùng Borneo[22]; Hiệp định Phân giới và hợp tác trên biển Barents 2010 giải quyết tranh chấp trên biển Barents giữa Liên bang Nga và Na Uy, kết thúc tình hình căng thẳng cản trở việc thăm dò khai thác dầu khí lẫn đánh bắt thủy sản của cả hai quốc gia bắt đầu từ thập niên 1970[23]; những cuộc đàm phán thường xuyên về vịnh Bắc Bộ trong hai năm 1999, 2000 đưa đến kết quả là Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở vịnh Bắc Bộ vào ngày 25/12/2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc. 
Biện pháp hòa giải bởi một bên trung gian
Trung gian hòa giải là biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế mang tính ngoại giao có sự tham gia của bên thứ ba với sự chấp nhận của các bên tranh chấp, đã được quy định trong các Công ước La Hay 1899 và 1907. Nhiệm vụ của bên trung gian là khuyến khích, động viên các quốc gia có liên quan đến tranh chấp giải quyết vụ tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, cụ thể là việc tác động để các bên tiếp xúc ngoại giao và tiến hành các cuộc đàm phán chính thức. Bên trung gian hòa giải này có thể là một hoặc số quốc gia, một hoặc một số cá nhân có uy tín và cũng có thể là thông qua cơ quan của tổ chức quốc tế.
Cùng với sự phát triển của pháp luật quốc tế, biện pháp trung gian hòa giải ngày càng được sử dụng phổ biến, đặc biệt là từ thập niên 90 của thế kỷ XX. Số vụ tranh chấp có sử dụng hòa giải trong thời kỳ này tăng 469% so với giai đoạn trước đó, thậm chí về số lượng còn nhiều hơn toàn bộ giai đoạn 1945-1989.[24] Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp lãnh thổ, trung gian hòa giải đã giải quyết thành công nhiều vụ việc như tranh chấp giữa Algeria và Marocco 1963-1964, các nước láng giềng Mali và Ethiopia đã đứng ra làm trung gian hòa giải và đồng thời giám sát việc ngừng bắn, vai trò trung gian của Hoa Kỳ đối với tiến trình hòa giải tranh chấp lãnh thổ tại Trung Cận Đông từ năm 1973 cho đến nay[25], Liên minh Châu Âu (EU) trung gian hòa giải thành công cho tranh chấp lãnh thổ giữa Slovenia và Croatia năm 2010, hai quốc gia châu Phi Etrirea và Djibouti đồng ý để Qatar đứng ra làm trung gian hòa giải cho tranh chấp lãnh thổ biên giới gần Ras Doumeira năm 2010[26],…
- Về nhóm biện pháp giải quyết tranh chấp thông các cơ quan tài phán quốc tế
Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc đã liệt kê các biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia, bao gồm: “đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình[27]. Giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua con đường tài phán quốc tế hay biện pháp pháp lý là việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế trên cơ sở sự thỏa thuận hoặc thừa nhận của các bên tranh chấp bằng các phương pháp, thủ tục tư pháp. Căn cứ vào sự hình thành, cơ cấu tổ chức, hoạt động, phương thức giải quyết tranh chấp, giá trí hiệu lực của phán quyết cũng như cơ chế đảm bảo thi hành phán quyết để chia cơ quan tài phán quốc tế thành hai loại là Tòa án quốc tế và Trọng tài quốc tế.
- Về giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Theo Điều 24 của Hiến chương Liên hợp quốc, các nước thành viên Liên hợp quốc trao cho Hội đồng Bảo an trách nhiệm chính trong việc giữ gìn hoà bình và an ninh quốc tế. Hội đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe doạ, phá hoại hoà bình, hoặc các hành động xâm lược. Các quy định của Hiến chương liên quan đến Hội đồng Bảo an nằm trong các chương V, VI, VII, VIII và XII.
4. Kết luận
Tranh chấp giữa các quốc gia về biên giới quốc gia và lãnh thổ đã tồn tại từ lâu và luôn khó giải quyết. Trước đây, các quốc gia tranh chấp thường sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp của mình. Điều này đe dọa sự ổn định của hòa bình và an ninh quốc tế. Kể từ khi Liên hợp quốc thành lập năm 1945, luật pháp quốc tế về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và biên giới ngày càng trở nên hữu ích. Các văn kiện về luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc đã thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và nghiêm cấm sử dụng vũ lực. Tùy theo tính chất của từng tranh chấp, các bên tranh chấp có thể lựa chọn các thủ tục và thể chế để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Các tranh chấp hiện nay liên quan đến các vấn đề trên biển giữa các quốc gia rất đa dạng và phức tạp. Chúng liên quan đến các vấn đề như phân định ranh giới trên biển, việc áp dụng và giải thích Công ước Luật biển, hoặc chủ quyền lãnh thổ trên biển. Có những tranh chấp đã kéo dài hàng thế kỷ mà vẫn chưa được giải quyết. Các thể chế quốc tế để giải quyết các tranh chấp này đã có những thay đổi và cải tiến. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế đòi hỏi phải tiếp tục phát triển để giải quyết các tranh chấp này bằng biện pháp hòa bình, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển trên thế giới.
Đối với Việt Nam hiện nay, những tranh chấp trên Biển Đông mà chúng ta là một trong các bên tham gia trực tiếp, đã kéo dài từ lâu và đe doạ rất lớn đến môi trường an ninh và hoà bình của khu vực cũng như trên thế giới. Quan điểm chính thức của Nhà nước Việt Nam về vấn đề này như sau: “Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực và bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước)”[28].
Theo đó, là một quốc gia yêu chuộng hoà bình và luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm áp dụng phương pháp hoà bình trong việc giải quyết tranh chấp. Trong các biện pháp hoà bình đó, biện pháp pháp lý sẽ là biện pháp cuối cùng, nhưng cũng sẽ là biện pháp mà Việt Nam có thể sử dụng để bảo vệ các quyền lợi biển hợp pháp của mình trên Biển Đông./.

HOÀNG VIỆT

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

 


[1] Vụ Mavromatis Palestine Concessions, Judgment No. 2, 1924, PCU, https://www.icj-cij.org/public/files/permanent-court-of-international-justice/serie_A/A_02/06_Mavrommatis_en_Palestine_Arret.pdf, tr.12.
[2] Interpretation of the Peace Treaties with Bulgaria, Hungary and Romania, Advisory Opinion of 30 March 1950 (first phase), https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/8/008-19500330-ADV-01-00-EN.pdf, p. 75.
[3] Texaco Overseas Petroleum Company and California Asiatic Oil Company v. Libyan Arab Republic, Preliminary Award of 27 November 1975, 53 ILR 389, at 416 (1979).
[4] Malcolm Shaw (2005), Title to Territory, Dartmouth Publishing Company, p. 3.
[5] Malcolm Shaw (2005), tlđd, p. 3.
[6] Joseph A. Biesinger (2006), Germany: a reference guide from the Renaissance to the presentGermany: a reference guide from the Renaissance to the present, Infobase Publishing, 2006, tranng pp. 79-80.
[7] A. J. P. Taylor, The Origins of the Second World War, Dalum hjallese debatklub, http://www.dandebat.dk/eng-taylor6.htm.
[8] https://www.brookings.edu/wp-content/uploads/2016/07/lingeringconflictrevised_chapter.pdf.
[9] https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2020/10/09/how-the-iran-iraq-war-will-shape-the-region-for-decades-to-come/.
[10] https://www.mofa.go.jp/policy/other/bluebook/1991/1991-2-1.htm.
[11] Quy chế của Toà án Công lý Quốc tế, bản tiếng Anh tại https://www.icj-cij.org/en/statute.
[12] Case Concerning Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua (Nicaragua v. United States of America), Judgment of 27 June 1986, https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/70/070-19860627-JUD-01-00-EN.pdf, p. 145, para. 290.
[13] Điều 1 của Công ước về giải quyết các xung đột quốc tế ký tại La Hay ngày 18/10/1907 quy định: “Nhằm ngăn ngừa hết mức việc sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia, các cường quốc kết ước thỏa thuận sử dụng mọi nỗ lực để bảo đảm hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.
[14] Hiệp ước này nêu rõ: “Các bên tham gia ký kết nhân danh các dân tộc mà mình đại diện, trịnh trọng tuyên bố lên án việc dùng chiến tranh để giải quyết các tranh chấp quốc tế, và từ bỏ việc sử dụng chiến tranh như chính sách quốc gia trong quan hệ giữa họ với nhau.”
[15] https://treaties.un.org/doc/source/docs/A_RES_2625-Eng.pdf.
[16]http://daccess-dds-ny.un.org/doc/RESOLUTION/GEN/NR0/348/90/IMG/NR034890.pdf?OpenElement.
[17] Malcolm Nathan Shaw (2003), International law, Cambridge Publishing, p. 721.
[18] Như Điều 15 Hiệp ước Mặt trăng (Moon Treaty) 1979, Điều 41 Công ước Vienna 1978 về kế thừa quốc gia, Điều 84 Công ước Viên năm 1975 về Đại diện của các nước tại các tổ chức quốc tế và Điều 283 Công ước Liên hợp quốc về luật biển.
[19] Neil Craik, The International Law of Environmental Impact Assessment, Cambridge Publishing, 2010, p. 70.
[20] Mang tên James Gadsden, người được Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Pierce cử đến Mexico đàm phán. Kết quả là, ngày 30/12/1853, Mexico đồng ý ký hiệp ước với Hoa Kỳ, trong đó chấp thuận sáp nhập El Paso vào lãnh thổ Hoa Kỳ đồng thời bổ sung thêm các vùng tam giác vào lãnh thổ Hoa Kỳ bao gồm khu vực phía Nam của các bang Azirona và New Mexico. Đổi lại, Hoa Kỳ trả cho Mexico 10 triệu đô la. 
[21] https://www.prlib.ru/en/history/619225.
[22] Orlando m. Hernando, the Philippine claim to North Borneo, 1966, https://core.ac.uk/download/pdf/10653126.pdf.
[23] https://www.thearcticinstitute.org/norway-russia-avoid-conflict-svalbard/
[24] J. Michael Greig, Paul F. Diehl (2012), International Mediation, Polity, Cambridge, p. 36.
[25] Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn (2004), Lịch sử Trung cận đông, nxb. Giáo dục, tr. 329.
[26] J. Michael Greig, Paul F. Diehl, tlđd, tr. 37.
[27] https://www.un.org/en/about-us/un-charter.
[28] https://baochinhphu.vn/viet-nam-ung-ho-viec-giai-quyet-cac-tranh-chap-o-bien-dong-bang-ngoai-giao-va-phap-ly-102295894.htm.
  • Tags: