Bước vào thời kỳ đổi mới, tình trạng tham nhũng đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng trên các lĩnh vực của đời sống, từ chính trị cho đến kinh tế, xã hội. Do vậy, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Đến nay, công cuộc phòng, chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông và nhân dân đã nỗ lực phát duy vai trò, trách nhiệm của mình, góp sức cùng các cơ quan của Đảng, Nhà nước triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. Mặc dù vậy, tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Qua kết quả phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do việc phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng còn rất hạn chế và vấn đề bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chưa thực sự được quan tâm, đánh giá đúng mức.
1. Cơ chế phát hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức
Hiện nay, việc phát hiện tham nhũng được chia thành hai cơ chế chủ yếu sau đây:
Một là, phát hiện từ phía chủ thể là các cơ quan nhà nước. Trong đó chủ yếu từ các cơ quan có chức năng chống tham nhũng như thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Cũng không thể không nhắc đến vai trò của cơ quan kiểm tra Đảng khi thực hiện chức năng giám sát và kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Sự phát hiện từ phía các cơ quan này thường chỉ dừng lại ở sự việc mà chưa đi đến tận cùng trong việc xác định chủ thể và tính chất, mức độ của các vi phạm, nói theo ngôn ngữ hình sự là chưa xác định được đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Đây là lĩnh vực hình sự và thuộc về quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng.
Hai là, phát hiện từ phía chủ thể là xã hội. Tức là từ các tố cáo của công dân, tố giác và tin báo tội phạm cũng như các thông tin, phản ánh khác của báo chí, công luận và dân chúng. Sự phát hiện này chỉ dừng lại ở việc phát giác, phản ánh những biểu hiện tham nhũng (những biểu hiện mờ ám, thiếu minh bạch trong hành vi của công chức, sự giàu lên bất thường của một cá nhân…) thì sự phát hiện của cơ quan thanh tra, kiểm toán ở mức độ cao hơn khi xác định các “dấu hiệu” của tham nhũng (từ việc xác định những hành vi làm trái quy định của nhà nước, việc thâm hụt tài sản, vốn, kinh phí ngân sách….). Theo đó, những thông tin, phản ánh từ phía người dân và xã hội được coi là nguồn thông tin hết sức quan trọng có thể giúp các cơ quan nhà nước phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng trên thực tế.
Các phương thức phát hiện nêu trên đã được quy định trong các văn bản pháp luật khá đầy đủ và một nguồn thông tin hết sức quan trọng có thể giúp các cơ quan nhà nước phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng trên thực tế đó là những thông tin, phản ánh từ phía người dân và xã hội. Cho đến nay các quy định về kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin đã có nhưng còn tản mát trong các văn bản pháp luật và chưa thật rõ ràng, nhất là có sự lẫn lộn với tố cáo, vốn là một vấn đề được xử lý trong một văn bản luật riêng biệt. Điều đó dẫn đến việc tiếp nhận và xử lý của các cơ quan chưa hiệu quả và đôi khi bỏ sót những thông tin quý giá giúp cho việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng và cũng làm cho các cơ quan lúng túng khi thực hiện các biện pháp bảo vệ đối với những người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
2. Vấn đề bảo vệ người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức
Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức là hành vi của người có chức vụ quyền hạn đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích chung. Việc phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng chính là chỉ ra các dấu hiệu hay biểu hiện mà người phản ánh, kiến nghị hay cung cấp thông tin cho rằng liên quan đến vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của một cá nhân hay tổ chức nào đó với mong muốn giúp cơ quan nhà nước có cơ sở để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm đó, xử lý người có hành vi vi phạm, bảo vệ lợi ích của nhà nước, tập thể và cá nhân.
Phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về tham nhũng là một phạm trù khá rộng và tính chất mức độ chính xác cũng rất khác nhau. Theo đó: Phản ánh là việc phát hiện ban đầu, nêu ra các dấu hiệu, biểu hiện về hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kiến nghị là đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp để ngăn chặn và xử lý hành tham nhũng. Cung cấp thông tin là cung cấp những bằng chứng có được về những biểu hiện tham nhũng lãng phí, tiêu cực.
Luật Phòng, chống tham nhũng coi vấn đề cung cấp thông tin chủ yếu là nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị “kịp thời cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong quá trình phát hiện và xử lý tham nhũng ” tại điểm d, khoản 1 và trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tại điểm b, khoản 2 Điều 4: “Kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và xử lý tham nhũng”.
Cùng với tố cáo, các kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin, báo cáo về các biểu hiện của hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức là những nguồn thông tin rất quý giá thể hiện tính tích cực và vai trò của xã hội để cùng với nhà nước nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cần phải được khuyến khích, phát huy. Để khuyến khích, phát huy được thì điều quan trọng nhất là bảo đảm được sự an toàn cho những người đã dũng cảm đứng ra để thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền những biểu hiện mà họ cho là có thể liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến người phản ánh, kiến nghị cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của cán bộ, công chức, do đó, cần được xem xét kĩ lưỡng để vận dụng hợp lý trong điều kiện các quy định của luật chưa có quy định cụ thể.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề bảo vệ người phản ánh, kiến nghị cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí tiêu cực của cán bộ, công chức
3.1. Nhận thức, thái độ đối với người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
Đây là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến việc bảo vệ người phản ánh, kiến nghị cung cấp thông tin. Nhiều người Việt Nam không thích những người hay có ý kiến, chất vấn, phản ánh… trước hành vi sai trái. Điều này xuất phát từ văn hóa, đạo đức của người dân, cuộc sống sinh hoạt người Việt Nam vốn trọng chữ tình, vì cộng đồng. Vì thế, người phản ánh, kiến nghị, cung cấp các thông tin ra bên ngoài có thể bị coi là người không tốt, và người đó dễ bị gán ghép với các đặc tính xấu, tiêu cực. Những người này thường bị người xung quanh xa lánh, cảnh giác. Sự nhìn nhận và đánh giá tiêu cực về người phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin dẫn đến sự không đồng tình, không ủng hộ của cộng đồng xã hội, của tổ chức đối với họ được coi là rào cản đầu tiên đối với việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ họ.
Về phương diện quản lý nhà nước, phạm vi bảo mật quá rộng. Nhà nước có bí mật của nhà nước; cơ quan, tổ chức có bí mật của cơ quan, tổ chức. Có những phạm vi thông tin được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quy định cần phải bảo mật; lại có những phạm vi thông tin không được quy định phải bảo mật nhưng cũng không được phép tiết lộ, được phép tiếp cận (nội quy, quy định của cơ quan). Nếu tiết lộ, người đó có thể bị coi là vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức. Đây là cách thức ứng xử theo hướng khép kín với công chúng, dựa trên nhận thức nhấn mạnh sự cách biệt và khác biệt về vị thế giữa họ (cơ quan công quyền, một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan công quyền) với người dân. Văn hóa bí mật xung đột với quyền tiếp cận thông tin và đồng thời cũng xung đột với các hành vi phát hiện, phản ánh, kiến nghị. Người phản ánh, kiến nghị hay cung cấp thông tin có thể sẽ bị rủi ro vì phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu bị coi là vi phạm về bảo vệ bí mật của nhà nước, bí mật của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
3.2 Yếu tố chính trị
Yếu tố chính trị được thể hiện trong việc thừa nhận quyền tố cáo, phản ánh, kiến nghị hay cung cấp thông tin của cá nhân; đề cao vai trò của việc tố cáo, kiến nghị, phản ánh, phản biện báo cáo trong tổ chức và hoạt động bộ máy nhà nước, tổ chức kinh tế và trong quản lý xã hội để từ đó khuyến khích và biểu dương họ; đặt ra các quy định pháp luật phù hợp, toàn diện và cơ chế thực thi mạnh mẽ các quy định đó trên thực tế; trong các chương trình hành động của chính phủ; trong việc thực thi pháp luật của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước.
Yếu tố chính trị còn được thể hiện ở việc mở rộng hay thu hẹp quyền tiếp cận thông tin đối với người dân; mở rộng hay thu hẹp phạm vi bí mật nhà nước. Khi nhà nước thực sự quan tâm và đề cao vai trò của công dân thì các quy định pháp luật về bảo vệ họ sẽ được cởi mở hơn; phạm vi bao phủ bảo vệ sẽ rộng và cụ thể hơn. Điều đó cho thấy, yếu tố chính trị có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện tốt công tác bảo vệ những người đã phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin về các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, công chức cũng như các công dân khác.
3.3. Hệ thống pháp luật
Theo quy định của pháp luật thì mọi cá nhân đều có quyền tố cáo, phản ánh, kiến nghị, cung cấp thông tin. Công chức, viên chức, người lao động có trách nhiệm báo cáo về hành vi vi phạm pháp luật nào của bất kỳ ai. Song nhiều quy định pháp luật đã trở thành rào cản đối với việc thực hiện quyền này của công dân.
-Pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước không cho phép được tiết lộ các thông tin, tài liệu được liệt kê vào danh mục bí mật nhà nước.
Quy định về bảo vệ bí mật nhà nước không những là bức tường ngăn đối với quyền tiếp cận thông tin mà còn là một “cớ” cho sự trù dập của người bị phản ánh, nhất là người này là người có chức vụ, quyền hạn. Việc lạm dụng quy định này có thể bằng việc đưa ra những lý do “thông tin nội bộ cơ quan”, hoặc “bí mật cơ quan” để quy chụp nhằm trả đũa người đưa thông tin, phản ánh hay báo cáo vạch trần các hành vi sai phạm bằng việc cung cấp các thông tin thuộc nội bộ cơ quan. Ví dụ: một công chức phô tô một văn bản nào đó trong đó có chứa đựng những nội dung vi phạm pháp luật. Mặc dù đây không phải là bí mật nhà nước, bí mật công tác nhưng là hành vi vi phạm pháp luật. Song thủ trưởng cơ quan này viện lý do đây là thông tin nội bộ, cán bộ, công chức không được sao chụp và cung cấp ra bên ngoài, làm như vậy là vi phạm bí mật cơ quan và lấy đó ra để lên án công chức, người đã cung cấp thông tin phạm pháp cho bên thứ ba biết. Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng có quy định tội dành cho người vu khống như sau: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền” Người đưa thông tin có thể bị quy trách nhiệm về tội này khi không đưa ra được những bằng chứng xác thực để chứng minh hành vi vi phạm của người bị nghi ngờ có hành vi vi phạm.
- Bộ luật Lao động cũng cho phép người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức sa thải đối với người lao động khi người lao động tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ; trong trường hợp gây thiệt hại cho người sử dụng lao động, người lao động còn phải bồi thường (Điều 130).
Ngoài ra, các quy định của các tổ chức khác cũng là rào cản đối với người tố cáo nói ra sự thật. Ví dụ: Quyết định số 4-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định về những điều đảng viên không được làm. Một số trong những điều mà đảng viên không được làm là “viết đơn tố cáo giấu tên”, “cùng người khác tham gia viết, ký tên trong một đơn tố cáo”, “cố ý gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến những nơi không có thẩm quyền giải quyết”. Điều này là rào cản đáng kể đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đảng viên.
Việc người dân phản ứng lại những hành vi mà họ cho là vi phạm với mong muốn các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra cho nhà nước, xã hội và cá nhân được thực hiện dưới nhiều hình thức và với các mức độ khác nhau như phản ánh, kiến nghị hay cung cấp thông tin… cần được xử lý kịp thời. Chính vì vậy mà cần xem xét, nghiên cứu dựa trên các yếu tố ảnh hưởng nêu trên một cách chuyên biệt hơn để đánh giá nhu cầu và có biện pháp bảo vệ chính đáng đối với người kiến nghị, phản ánh, cung cấp thông tin về hành vi có dấu hiệu tham nhũng.
Ths. Đào Thị Thu Hà - Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra