Cũng tại diễn đàn Quốc hội này, chia sẻ các vấn đề đại biểu nêu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, hiện nay việc phân cấp, phân quyền ở một số chương trình chưa mạch lạc, còn hạn chế, cũng như có tình trạng còn "một rừng thủ tục gây nên vướng mắc". Vì vậy cần phải điều chỉnh quy định cho sát, khả thi, phù hợp với thực tiễn. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cán bộ trên cơ sở giao việc và chịu trách nhiệm, tăng cường giám sát…
Chính sách, pháp luật liên quan đến DN và vấn đề thực thi
Theo số liệu thống kê, DNNVV hiện chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Khu vực DNNVV ngày càng hoạt động hiệu quả trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, tạo sự năng động và cạnh tranh cho nền kinh tế. Đây được xem là một lực lượng quan trọng của nền kinh tế đất nước.
Sau khi Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 có hiệu lực, Chính phủ và các bộ, ngành đã chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành các nội dung hỗ trợ của Luật. Đến nay, khuôn khổ pháp lý để triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV cơ bản đã được hoàn thiện với 5 Nghị định, 13 Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn khác để triển khai các nội dung theo quy định của Luật. Ngoài ra, tại 58 tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31/3/2021 đã ban hành 581 Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Văn bản hướng dẫn hỗ trợ DNNVV theo các nội dung của Luật. Có 14 địa phương ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch riêng hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh; 41 địa phương ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch riêng hỗ trợ doanh khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương; 13 địa phương ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch riêng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, một số chính sách đạt được kết quả nổi bật, trong đó có chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng. Cụ thể Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại đã chủ động cải thiện thủ tục, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV triển khai thủ tục vay vốn, thanh toán. Kết quả là chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã được cải thiện đáng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, một số chính sách khác cũng có kết quả khá, như: Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực…
Từ góc độ công nghệ, để có thể cạnh tranh được trên thị trường, DN cần ứng dụng các công nghệ để đảm bảo sản phẩm được sản xuất hiệu quả (với chi phí thấp) và đáp ứng các tiêu chuẩn về thiết kế và chất lượng, để hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước. Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ có thể hỗ trợ để DN tìm kiếm và xác định công nghệ, sau đó hỗ trợ chi phí mua và điều chỉnh chúng cho phù hợp với nhu cầu của DN. Chính phủ cũng có thể giúp tạo ra thị trường cho các sản phẩm của các DNVVN vốn không có nguồn lực để tiếp thị. Thực tế, các nền kinh tế lân cận Việt Nam như Malaysia, Singapore hay Đài Loan, Hàn Quốc đều có các chương trình hỗ trợ lớn cho các DNVVN để các doanh nghiệp này tiếp cận các đối tác lớn trong nước lẫn nước ngoài.
Tuy nhiên, bản thân các DNNVV cũng cần nỗ lực khắc phục những hạn chế để việc tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ được thuận lợi và hiệu quả hơn. Thực tế là phần lớn DNVVN không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng. Hầu hết các DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập. Do đó, tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp, nên các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều DNVVN chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng. Mặt khác, các doanh nghiệp này thường gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo, công trình trên đất không có giấy phép xây dựng hoặc chưa hoàn công… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn.
Một số hạn chế, bất cập trong quá trình hỗ trợ DN phát triển
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai chính sách pháp luật về hỗ trợ DNNVV vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là:
- Việc thực hiện giải ngân chương trình phục hồi phát triển kinh tế rất chậm, đặc biệt là chương trình đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, dẫn đến hiệu quả kém và việc kích cầu cho nền kinh tế cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do việc đánh giá rủi ro kinh doanh chưa được giải quyết hợp lý. Chẳng hạn, những dự án công nghệ mới không thể dùng vốn ngân hàng thông thường (vốn mang tính đại chúng và được quản lý chặt chẽ) mà cần nguồn vốn chuyên biệt từ các quỹ chuyên biệt của Chính phủ hay quỹ đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta nhìn chung đang bị tách biệt khỏi tiến bộ công nghệ và thiếu thông tin ở các quốc gia khác về tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực của mình. Nếu Chính phủ có thể cung cấp thông tin đó cho các DNNVV thì sẽ rất có lợi cho họ.
- Bên cạnh đó, chính sách không đồng bộ dẫn tới sự chồng chéo, trùng lặp ở một số khâu nên nhiều khi dù đã bàn giao giải phóng mặt bằng nhưng không thể thi công triển khai dự án.
- Tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, từ cấp lãnh đạo đến cấp chuyên viên vẫn còn dẫn đến tình trạng chậm trễ trong thực thi, hiệu quả kém. Đáng tiếc là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Việc phối hợp giữa các bộ, cơ quan có lúc, có nơi còn rời rạc, thiếu gắn kết, chưa kịp thời, chất lượng chưa cao…
- Một số chính sách hỗ trợ DNNVV chưa triển khai được trên thực tế do quy định pháp lý chưa hoàn thiện, như: Các chính sách pháp luật hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế cho nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, miễn giảm thuế, bù lãi suất,... Chính sách pháp luật về hỗ trợ cho DN siêu nhỏ các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.
- Nguồn lực hỗ trợ chưa đủ để triển khai một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm: các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích các hộ kinh doanh có động lực chuyển đổi lên doanh nghiệp.
- DNNVV ở nước ta có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ hạn chế, trình độ quản trị thấp, thiếu phương án kinh doanh khả thi, nhiều đề xuất của doanh nghiệp chưa trúng với mục tiêu, nội dung của chương trình hỗ trợ,...
Giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ DNNVV
- Cần tiếp tục triển khai tích cực công tác hỗ trợ DNNVV trên cơ sở bám sát định hướng phát triển của đất nước đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nội dung Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời Chính phủ cần ban hành Chương trình Hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 để cụ thể hóa các giải pháp quy định tại Luật và có cơ sở để các bộ, ngành, địa phương bố trí kinh phí triển khai thực hiện.
- Khẩn trương rà soát và tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh.
- Hỗ trợ giảm chi phí ở các khâu thủ tục đối với doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận của DN với các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ đã được nhà nước ban hành.
- Có biện pháp khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tạo cơ hội trong xúc tiến thương mại của các DN.
- Tập trung đưa ra những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội phát triển SX-KD, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động tại các DNNVV.
- Giúp DN nắm bắt các biện pháp, giải pháp trong thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm tiếp cận nhanh các cơ hội phát triển.
- Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý; Phân cấp rõ địa phương được giao quyền làm gì? Cấp trên giao nhiệm vụ và thực hiện công tác kiểm tra quá trình thực hiện của cấp dưới đúng với quy định của pháp luật.
- Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hafh chính, đảm bảo thủ tục hành chính nhanh, không làm khó doanh nghiệp. Đặc biệt, các DNNVV cần được hỗ trợ quản trị minh bạch, hiệu quả hơn để dễ dàng tiếp cận tín dụng và các điều kiện khác./.
ThS Lê Bá Tùng