Những cán bộ dám nghĩ, dám làm nào cần được bảo vệ?
Theo cách hiểu thông thường, cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm là những người tâm huyết, có trách nhiệm, luôn trăn trở với công việc, quyết đoán trong hành động, dám đi đầu, đổi mới, loại bỏ cái cũ lạc hậu, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức nhằm khơi thông điểm nghẽn, tạo sự bứt phá, mang lại hiệu quả cao và luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm trước các quyết định, hành động của mình, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác.
Thực tế cho thấy, không có đổi mới, sáng tạo nào mà không gặp khó khăn, không có sự dấn thân nào mà không gặp những trở lực. Một khi dám đương đầu giải quyết những khó khăn, thách thức không phải bằng những giải pháp thông thường thì cũng đồng nghĩa với khả năng gặp rủi ro cao, có thể bị sai sót, làm mất mát không chỉ về tài chính mà có khi còn ảnh hưởng tới con đường công danh, sự nghiệp của người cán bộ. Nếu đổi mới, sáng tạo về khoa học - công nghệ, về quy trình, phương pháp lãnh đạo đã khó thì việc dám nghĩ, dám làm, dám đột phá trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội còn khó hơn gấp nhiều lần. Đó cũng là lẽ đương nhiên, bởi quyết định các vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh bao giờ cũng phải căn cứ vào các quy định của Đảng và Nhà nước, nhưng nếu bị bó cứng trong khuôn khổ các quy định đã lạc hậu, cản trở sự phát triển, không còn phù hợp với thực tế thì khó có sự đổi mới, sáng tạo.
Trước hết, cần thống nhất nhận thức là tất cả những người đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đều phải được các cấp ủy, chính quyền bảo vệ. Lợi ích chung ở đây được hiểu là không vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ mà vì lợi ích của Đảng, đất nước, nhân dân. Việc bảo vệ những con người này thuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. Bảo vệ có nhiều hình thức khác nhau, được pháp luật quy định, như bảo vệ về chính trị, pháp luật, hành chính, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, sự an toàn của cá nhân và gia đình,...
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn chính là việc bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhưng do chưa lường hết khó khăn nên đôi khi để xảy ra rủi ro, sai sót ngoài ý muốn. Muốn khuyến khích đổi mới, sáng tạo, cần phải có chủ trương và cơ chế đặc thù, phù hợp để bảo vệ những con người này, tạo chỗ dựa, niềm tin nếu họ thực sự vì lợi ích của quốc gia - dân tộc, không vì lợi ích cá nhân. Đối với những người dám đi tiên phong, đây sẽ là sự bảo đảm chắc chắn để họ quyết tâm triển khai những ý tưởng táo bạo của mình. Quan điểm chính thức của Đảng về vấn đề này khi được cụ thể hóa thành cơ chế, các quy định sẽ là động lực lớn nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo vô tận trong mỗi con người.
Dĩ nhiên, không phải tất cả các trường hợp để xảy ra rủi ro, sai sót đều được bảo vệ. Nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta là luôn tôn trọng, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, nhưng cũng hết sức công minh, công bằng đối với những sai sót, vi phạm. Ở đây, rất cần sự phân định rõ ràng, cụ thể, chi tiết nhằm tránh tình trạng đánh đồng, cào bằng giữa những người thực sự có ý tưởng đổi mới, sáng tạo với những người hoang tưởng, ngộ nhận hay “núp bóng”, nhân danh dám làm, dám đột phá để làm liều, làm ẩu, thực hiện ý đồ trục lợi cá nhân. Chính vì thế, cần xác định rõ những trường hợp cụ thể nào để xảy ra rủi ro, sai sót được bảo vệ và những trường hợp không được bảo vệ trong triển khai đổi mới, sáng tạo.
Nhóm thứ nhất phải được bảo vệ nếu để xảy ra rủi ro, sai sót là những cán bộ, đảng viên tích cực thực hiện chủ trương thí điểm đã có trong các nghị quyết của đảng bộ các cấp; những người tiên phong triển khai những việc đã có chủ trương của Đảng mà tổ chức thực hiện thường gặp khó khăn do tính chất công việc phức tạp, động chạm, nhạy cảm. Chẳng hạn như trong công tác cán bộ đã có chủ trương thực hiện liên thông giữa các khu vực kinh tế, nhưng chưa ai dám thực hiện bởi đây là việc nhạy cảm, dễ sai phạm và nếu thất bại thì có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mệnh chính trị của mình. Hoặc chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện triển khai rất chậm bởi nó liên quan đến việc định giá tài sản nhà nước, trước hết là đất đai. Đây cũng là vấn đề khó, rất dễ bị quy trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót.
Nhóm thứ hai rất cần được bảo vệ là những người đi đầu làm những việc mới do thực tiễn đòi hỏi, chưa có quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; mạnh dạn giải quyết những vấn đề khó, phức tạp, những điểm nghẽn mà văn bản của Đảng và Nhà nước còn chưa rõ ràng, chồng chéo, thiếu thống nhất; có những quyết định đột phá mở đường đi từ thực tiễn để thúc đẩy phát triển bằng các giải pháp không phù hợp với quy định hiện hành. Dám đương đầu với những vấn đề này là một quyết định rất khó khăn, thường không được những người có tư tưởng bảo thủ, trì trệ ủng hộ, vì thế rất dễ bị quy chụp, gán cho là “làm sai” chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thậm chí còn bị xử lý kỷ luật. Trong lịch sử đất nước ta, vào thập niên 60 của thế kỷ XX, khi cả nước đang đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp thì ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú đã triển khai sáng kiến “khoán hộ”. Đây là một ví dụ điển hình về tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm. Mặc dù đồng chí Kim Ngọc được cơ sở ủng hộ vì sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân, nhưng tại thời điểm đó bối cảnh lịch sử chưa thuận cho việc triển khai diện rộng, chưa có được sự đồng thuận của cấp có thẩm quyền vì ý tưởng đổi mới, sáng tạo vượt khỏi tư duy thông thường và những quy định lúc bấy giờ.
Nhóm thứ ba cần được bảo vệ là những cán bộ, đảng viên có quyết sách đột phá để giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại. Chẳng hạn giải pháp xử lý những vụ, việc cấp quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật của một số lãnh đạo thoái hóa, biến chất ở một vài nơi. Tương tự như vậy, trong lĩnh vực kinh tế hiện đang tồn đọng một số dự án lớn nằm chờ xử lý bởi sai lầm, khuyết điểm của một số cán bộ lãnh đạo nhiệm kỳ trước đó. Do vậy, người cán bộ nào dám đương đầu giải quyết những tồn đọng này cần phải được bảo vệ từ phía các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Có như vậy thì những cán bộ có tư duy đổi mới, sáng tạo mới mạnh dạn khắc phục sự “án binh bất động” này, đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án sớm hoạt động trở lại, khắc phục tình trạng “chôn vốn”, gây lãng phí tài sản của nhà nước, càng để lâu càng lãng phí lớn.
Nhóm thứ tư cần được bảo vệ là những cán bộ, đảng viên thể hiện bản lĩnh, có cách xử lý táo bạo trong các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong những trường hợp nguy cấp, các trình tự, thủ tục hành chính thông thường chính là rào cản lớn nhất buộc người cán bộ phải lựa chọn: Hoặc là tuân thủ các quy định hành chính vì sự an toàn của mình, bất chấp khả năng có thể xảy ra thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng con người; hoặc là phải vượt qua các quy định thông thường nhưng lại ngăn chặn được những thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng của nhiều người. Những lợi ích, kết quả mà nhờ sự táo bạo, quyết đoán, sáng tạo đó mang lại chính là cơ sở cho việc bảo vệ cán bộ nếu có để xảy ra sai sót, bỏ qua một số thủ tục, quy trình. Tuy vậy, cũng cần phân biệt rõ, không được nhầm lẫn giữa sáng tạo, táo bạo, quyết đoán với sự liều lĩnh, phiêu lưu, hoang tưởng.
Trong đổi mới, sáng tạo, ranh giới giữa đúng và sai là rất mong manh. Vì thế, phân biệt rõ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong xem xét, đánh giá, kết luận về những rủi ro, sai sót nếu không may xảy ra để có biện pháp bảo vệ phù hợp là một việc làm hết sức khó khăn. Tuy nhiên, rất cần phải có sự phân minh, khách quan, công tâm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu trong việc phán xét, tích cực bảo vệ lẽ phải để không làm nhụt chí những người dám nghĩ, dám làm, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Cần có cơ chế tạo chỗ dựa cho cán bộ, đảng viên vững tin, dám triển khai những ý tưởng và hành động đột phá
Khuyến khích những người năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là một trong những vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ ngày lập nước đến nay. Nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước được ban hành để khích lệ đổi mới, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Gần đây nhất là Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Nghị định số 13/2012/NĐ-CP, ngày 2-3-2012, của Chính phủ, ban hành Điều lệ sáng kiến,...
Điều dễ nhận thấy là mặc dù hoạt động đổi mới, sáng tạo thời gian qua có những động thái tích cực, nhưng chưa thực sự ngang tầm với tài năng, trí tuệ của con người Việt Nam. Theo con số thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), số lượng phát minh, sáng chế của Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới, thậm chí ít hơn so với một số nước ở khu vực(1), trong khi người Việt Nam luôn giành được nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi quốc tế ở nhiều lĩnh vực(2). Số liệu thống kê cũng phản ánh tình trạng “chảy máu” chất xám từ các cơ quan nhà nước ra nước ngoài hoặc sang các công ty nước ngoài, doanh nghiệp khu vực tư nhân, có giai đoạn trở nên đáng lo ngại. Tình trạng học sinh tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học trong và ngoài nước được các công ty nước ngoài, các công ty khu vực tư nhân thu hút khá phổ biến. Đó là chưa kể đến tâm lý sợ mắc sai lầm, khuyết điểm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay dẫn tới tình trạng co cụm, đối phó, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc mà thực tế đặt ra.
Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng những cơ chế hiện nay chưa thật sự hiệu quả để khuyến khích đổi mới, sáng tạo và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung? Điều cấp thiết nhất hiện nay có lẽ là phải nhanh chóng giải tỏa được tâm lý trong cán bộ, đảng viên sợ bị xử lý trách nhiệm khi mắc sai lầm, khuyết điểm mặc dù rất cố gắng giải quyết những khó khăn, thách thức với một tâm thế vì nhân dân, vì đất nước, không vụ lợi, không màng đến danh lợi cá nhân. Rất cần một cơ chế bảo vệ đủ mạnh để tạo niềm tin vững chắc cho cán bộ, đảng viên trước khi họ quyết định “dấn thân” vào xử lý những điểm nóng, điểm nghẽn, những vấn đề nhạy cảm, phức tạp mà thực tiễn đang đặt ra. Đây chính là cơ sở pháp lý để bảo vệ những nguồn lực quý giá của đất nước, tạo cú hích cho việc đổi mới, sáng tạo, khiến cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá trở nên phổ biến, góp phần đưa nước ta tiến nhanh, vững chắc trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.
Về thực chất, cơ chế bảo vệ cán bộ là những nội dung về quy trình triển khai việc dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của cán bộ, đảng viên; các nguyên tắc, tiêu chí và hình thức, biện pháp bảo vệ; những trường hợp được bảo vệ khi để xảy ra rủi ro, sai sót; trách nhiệm của các bên có liên quan, gồm chủ thể bảo vệ và chủ thể được bảo vệ. Về nguyên tắc, đó phải là những quy định rất cụ thể, có tính khả thi cao để có thể vận dụng ngay được vào cuộc sống sau khi ban hành.
Một nội dung rất quan trọng trong cơ chế bảo vệ là quy trình triển khai việc dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên. Để được bảo vệ, cán bộ, đảng viên trước hết phải tuân thủ quy trình báo cáo cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu về ý tưởng, kế hoạch đổi mới, sáng tạo của mình. Thực chất, việc làm này là để gắn trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu với những đổi mới, sáng tạo của cán bộ, đảng viên; đồng thời, cũng nêu cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trước những ý tưởng mới của mình. Thông qua việc thảo luận, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhất là của người dân bị tác động, ảnh hưởng bởi những sáng kiến về quốc kế dân sinh, các cấp ủy, tổ chức đảng mới có những căn cứ vững chắc để quyết định cho phép hoặc không cho phép triển khai kế hoạch đổi mới, sáng tạo, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro, sai sót. Những ai tuân thủ nghiêm quy trình này thì mới được xem xét, bảo vệ; ngược lại, những trường hợp thiếu ý thức chấp hành kỷ luật thì sẽ không được bảo vệ và nếu để xảy ra rủi ro, sai sót sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu các hình thức kỷ luật về Đảng và chính quyền.
Điểm cần lưu ý trong quy trình này là cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền bắt buộc phải cho ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cho phép cán bộ triển khai ý tưởng đổi mới, sáng tạo của mình trong thời gian xác định mà không được thoái thác, né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm trả lời cán bộ. Trường hợp vượt thẩm quyền hoặc không xác định được cấp ủy nào có thẩm quyền quyết định vấn đề thì phải báo cáo xin ý kiến cấp trên, tuần tự cho tới cấp có thẩm quyền theo nguyên tắc cấp dưới báo cáo cấp trên trực tiếp. Quy trình không cho phép cán bộ báo cáo vượt cấp. Ở đây, cấp có thẩm quyền được hiểu là cấp có quyền quyết định đồng ý hay không đồng ý cho cán bộ triển khai ý tưởng đổi mới, sáng tạo. Việc xác định cấp có thẩm quyền phụ thuộc vào nội dung, lĩnh vực, tính chất, quy mô của đổi mới, sáng tạo...
Trong trường hợp cấp ủy còn có ý kiến khác nhau liên quan đến ý tưởng đổi mới, sáng tạo của cán bộ, ngoại trừ có nguy cơ xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia và đe dọa sự tồn vong của Đảng, chế độ, thì đối với các trường hợp còn lại, người đứng đầu cấp có thẩm quyền có quyền cho phép cán bộ triển khai ý tưởng đổi mới, sáng tạo nếu xét thấy ý tưởng có tính khả thi và sẽ phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về quyết định của mình. Tuy nhiên, để cán bộ triển khai ý tưởng đổi mới, sáng tạo được thuận lợi, người đứng đầu phải tiếp tục thuyết phục, tạo sự đồng thuận trong tập thể cấp ủy của mình.
Đối với những ý tưởng đổi mới, sáng tạo nhằm giải quyết một số vấn đề trong thực tiễn mà chưa có quy định điều chỉnh hoặc khác với quy định hiện hành thì chỉ được thực hiện dưới hình thức thí điểm với những điều kiện cụ thể. Chẳng hạn như việc thí điểm phải được giới hạn trong phạm vi địa giới hành chính, lĩnh vực, thời gian, nguồn lực,... nhất định do cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu có thẩm quyền xác định, bởi đó là những vấn đề lớn, có quy mô ảnh hưởng rộng, gây tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người, nếu thực hiện không thành công sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho hiện tại và thậm chí là cả đối với tương lai.
Những ý tưởng đổi mới, sáng tạo nào không đáp ứng các tiêu chí cần thiết, không có tính khả thi thì cấp ủy, tổ chức đảng phải kịp thời thông báo cho người có sáng kiến biết và khi đó, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc chấp hành quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng, không được phép triển khai.
Còn những ý tưởng khác, nếu không vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ mà vì lợi ích của Đảng, đất nước và nhân dân thì cấp ủy, tổ chức đảng cần ủng hộ, cho phép triển khai dưới dạng thí điểm hoặc không thí điểm, tùy thuộc vào nội dung, tính chất của đổi mới, sáng tạo. Quy trình như vậy vừa bảo đảm tính tổ chức mà bất cứ người cán bộ, đảng viên nào cũng phải tuân thủ, vừa không làm mất đi quyền được thực hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo của mình.
Vấn đề bảo vệ cán bộ, đặc biệt là trong những trường hợp để xảy ra rủi ro, sai sót là rất quan trọng, có tính quyết định đối với nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của cán bộ, đảng viên. Giữa bảo vệ và khuyến khích có mối quan hệ khăng khít với nhau: Bảo vệ chính là sự khuyến khích hiệu quả nhất; khuyến khích mà không có bảo vệ thì hiệu quả cũng sẽ bị hạn chế. Việc bảo vệ phải thường xuyên, và quan trọng nhất là phải kịp thời, hiệu quả, nếu không sẽ không có tác dụng. Vì thế, nguyên tắc là bảo vệ phải kịp thời, đúng thẩm quyền, căn cứ vào tiêu chí, quy trình, gắn với bối cảnh từng trường hợp cụ thể và trong một số trường hợp cần thiết, cần căn cứ vào ý kiến của người dân hoặc đối tượng bị tác động. Ở đây, không cho phép đánh giá một cách cảm tính, mà phải hết sức khách quan, công tâm, xem xét cụ thể đối với từng trường hợp, không được xen ghép ý đồ cá nhân; nghiêm cấm lợi dụng cơ chế bảo vệ để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”, cố ý làm trái, vi phạm kỷ luật, kỷ cương, hoặc dung túng, bao che cho tập thể, cá nhân nào đó. Có như vậy, cơ chế bảo vệ mới trở thành chỗ dựa vững chắc, tạo niềm tin cho những người dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích của đất nước, chế độ và nhân dân.
Theo pháp luật hiện hành, mọi công dân Việt Nam đều được pháp luật bảo vệ trước sự đe dọa về quyền, lợi ích hợp pháp. Việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi tiên phong, dám dấn thân để giải quyết những vấn đề hiểm nguy, khó khăn, phức tạp mà thực tế đặt ra, những vấn đề nhạy cảm, động chạm nhưng không may có rủi ro, sai sót thì cần phải được áp dụng các hình thức bảo vệ riêng, trên mức thông thường. Đây cũng là điều hợp lý và hoàn toàn công bằng khi áp dụng những hình thức này, bởi lẽ những người dám “đánh cược” sự an nguy của cá nhân mình vì lợi ích chung là “của hiếm”, là tài sản của quốc gia và do vậy, cần phải được bảo vệ.
Vấn đề rất quan trọng là cần xác định rõ các tiêu chí để bảo vệ. Trước hết, việc bảo vệ cán bộ, đảng viên khi để xảy ra sai sót, vi phạm phải được xem xét một cách toàn diện; không bảo vệ những người đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám đột phá trong những lĩnh vực mà không thuộc chức trách, nhiệm vụ được giao và không vì lợi ích chung. Điều này cũng đồng nghĩa với yêu cầu về sự nghiêm túc, có trách nhiệm của người đề xuất ý tưởng mới; đồng thời, đòi hỏi ý tưởng đổi mới, sáng tạo phải có chiều sâu, có tính khả thi, có giá trị, tránh sự liều lĩnh, hoang tưởng, không xuất phát từ thực tế, gây khó khăn cho các cấp có thẩm quyền trong thẩm định, đánh giá, quyết định.
Một trong những cơ sở chính, có tính quyết định tới việc bảo vệ chính là giá trị mà đổi mới, sáng tạo mang lại. Ngoài việc giải quyết được những vấn đề khó khăn, phức tạp, điểm nghẽn trong thực tế thì kết quả cuối cùng mà đổi mới, sáng tạo đem lại chính là cơ sở rất quan trọng để các cấp có thẩm quyền quyết định nên áp dụng hình thức bảo vệ này hay hình thức bảo vệ khác trong trường hợp có rủi ro, sai sót. Có hai hình thức bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo là miễn hoàn toàn trách nhiệm và giảm nhẹ hình thức kỷ luật về Đảng, chính quyền, hành chính, trách nhiệm hình sự, dân sự. Mức bảo vệ cao nhất là không bị xử lý bất kỳ hình thức kỷ luật nào, được bảo đảm các quyền lợi chính trị, quyền lợi công dân, được bảo vệ về danh dự, không bị nhận xét, đánh giá, không bị ghi vào hồ sơ cán bộ, hồ sơ đảng viên, không bị xử lý pháp luật, hành chính. Hình thức này chỉ áp dụng khi giá trị mang lại lớn hơn so với thiệt hại hoặc gặp phải các tình huống bất khả kháng, trừ một số trường hợp đặc biệt. Mức bảo vệ thứ hai thấp hơn, được áp dụng trong trường hợp giá trị mang lại không lớn hơn so với thiệt hại hoặc gặp phải các tình huống bất khả kháng trong một số trường hợp đặc biệt.
Tuy nhiên, việc bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo sẽ trở nên vô nghĩa nếu như không xem xét tới việc bảo vệ cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu quyết định cho phép cán bộ triển khai ý tưởng của mình và bảo vệ các thành viên tham gia thực hiện kế hoạch đổi mới, sáng tạo nếu chẳng may có rủi ro, sai sót. Tương tự như bảo vệ cán bộ, việc bảo vệ cấp ủy, người đứng đầu cũng có hai cấp độ là miễn hoàn toàn trách nhiệm và giảm nhẹ hình thức kỷ luật về Đảng, chính quyền, hành chính, trách nhiệm hình sự, dân sự. Căn cứ vào động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả và hoàn cảnh cụ thể, cấp có thẩm quyền xem xét một cách toàn diện để quyết định hình thức bảo vệ phù hợp đối với cán bộ, cấp ủy, người đứng đầu và các thành viên tham gia kế hoạch.
Có thể khẳng định, hiệu quả của việc bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung phụ thuộc rất nhiều vào vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu. Việc thẩm định, đưa ra các quyết định bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo một cách kịp thời, chính xác là điều không hề dễ dàng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu. Điều đó phụ thuộc vào trình độ, năng lực, khả năng tổ chức công việc và đặc biệt là tinh thần dám chịu trách nhiệm của họ. Thẩm định những vấn đề mới và quyết định cho cán bộ triển khai ý tưởng sáng tạo, đổi mới đã khó; nhưng việc bảo vệ cán bộ, đảng viên nếu chẳng may có rủi ro, sai sót còn khó hơn gấp bội. Người có tư tưởng bảo thủ, trì trệ, sợ trách nhiệm sẽ khó lòng chấp nhận ý tưởng đổi mới, sáng tạo của người khác và chắc chắn sẽ không dám đứng ra bảo vệ cán bộ. Để chấp nhận sáng kiến của cấp dưới và nếu có rủi ro, sai sót thì có quan điểm, thái độ rõ ràng đòi hỏi người lãnh đạo cũng phải có tư duy đổi mới, sáng tạo, có dũng khí, dám vượt qua chính mình, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết.
Thực tế cho thấy, nếu không gắn trách nhiệm của tổ chức đảng và cá nhân người đứng đầu với hoạt động đổi mới, sáng tạo ở địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách và đặc biệt là nếu không tăng nặng hình thức xử lý đối với những trường hợp không quan tâm tới khuyến khích đổi mới, sáng tạo thì sẽ không có những đột phá để phát triển. Nếu tổ chức đảng, người đứng đầu không bị xử lý trong trường hợp cố tình thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm bảo vệ cán bộ lên cấp trên với những lý do không chính đáng; không phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về hiệu quả của việc bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo thì vô hình trung sẽ làm nhụt ý chí chiến đấu, tinh thần và nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo của cán bộ, đảng viên. Việc tăng cường trách nhiệm gắn với các hình thức xử lý kỷ luật sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong tình hình hiện nay.
Có thể nói, cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung vừa là vấn đề có tính lý luận, vừa là vấn đề thực tiễn cấp bách nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra. Để cơ chế đi vào cuộc sống, cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn một cách bài bản, khoa học; phải bám sát thực tiễn, không bị trói buộc bởi các nguyên tắc, quy trình không còn phù hợp; giải phóng và đổi mới tư duy để có cách thức giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt một cách tối ưu nhất.
PGS,TS. DƯƠNG MỘNG HUYỀN
Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương,
Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ
Ban Tổ chức Trung ương.
---------------------------------
(1) Chỉ số năng lực đổi mới sáng tạo xếp thứ 76/140 quốc gia, tỷ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học trên một vạn dân ở Việt Nam là 6,86, trong khi đó ở Hàn Quốc là 69, Xin-ga-po: 66,6, Nhật Bản: 53,9, Mỹ: 42,4, Nga: 31, Ma-lai-xi-a: 20,5, Trung Quốc: 11,3 và Thái Lan: 9,7
(2) Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số huy chương của đoàn Việt Nam luôn ở mức từ 35 đến 40 giải/năm trong các kỳ thi học sinh giỏi Ô-lim-pic khu vực và quốc tế, xếp thứ hạng cao so với các nước (trong kỳ thi Ô-lim-pic Toán quốc tế (IMO), đoàn Việt Nam đạt thành tích tốt nhất tại IMO 1999, 2007 và 2017 (đều đứng thứ ba toàn đoàn với 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc...)