Cần hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của doanh nghiệp

Quản lý tài chính là một hoạt động rất quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Đây là một quá trình được lập kế hoạch, kiểm soát, tổ chức và giám sát các nguồn tài chính nhằm mang lại các mục tiêu chung cho đơn vị. Quản lý tài chính hướng đến mục tiêu là tối ưu giá trị sử dụng đồng vốn bằng cách tạo ra lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong quá trình kinh doanh; đồng thời đảm bảo nguồn tài chính trong cả ngắn hạn và dài hạn để vận hành doanh nghiệp.

Trong quản lý tài chính doanh nghiệp, Cơ chế tài chính đóng vai trò then chốt trong quy trình hoạt động của một doanh nghiệp, và được tập trung vào cách nhận và quản lý nguồn vốn cần thiết để duy trì và phát triển hoạt động. Điều này được thể hiện thông qua nhiều hình thức và phương tiện khác nhau.

Quản lý tài chính và những vấn đề liên quan

Về mặt khái niệm, Cơ chế tài chính là quá trình tìm kiếm, huy động, và sử dụng nguồn vốn cần thiết cho hoạt động; bao gồm việc định rõ các nguồn tài chính, như: vốn tự doanh, vốn vay mượn, hoặc huy động vốn từ cổ đông. Cơ chế tài chính còn phải đảm bảo nguồn vốn được phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả để hoạt động của doanh nghiệp suôn sẻ và bền vững. Hiện có 7 cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp đang được áp dụng, lần lượt là: Quản lý tài sản cố định, quản lý tài sản lưu động, quản lý vốn bằng tiền mặt, quản lý tín dụng thương mại dịch vụ và quá trình tham gia vào thị trường tài chính, quản lý vốn sẵn có của doanh nghiệp, quản lý ra quyết định đầu tư, quản lý rủi ro tài chính bán hàng.

Các hoạt động quản lý tài chính bao gồm: lập kế hoạch ngân sách, quản lý vốn và đầu tư, quản lý rủi ro tài chính, quản lý thanh toán và quản lý thông tin tài chính. Quản lý tài chính sẽ đảm bảo nguồn lực tài chính được sử dụng có hiệu quả hay không. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định phù hợp với mục tiêu của đơn vị. Hiện có 3 loại quản lý tài chính phổ biến mà doanh nghiệp thường quan tâm, đó là:  Hoạt động tài chính, hoạt động đầu tư, vấn đề cổ tức.

Thông qua việc thực hiện quản lý tài chính một cách có nguyên tắc và bài bản, doanh nghiệp có thể đạt được nhiều thành quả quan trọng. Một trong những lợi ích đó là tính chủ động; bởi chỉ khi doanh nghiệp kiểm soát vững chắc về tài chính, mới có khả năng phát triển một chiến lược dài hạn mạnh mẽ và duy trì sự tồn tại trên thị trường. Cũng vì vậy mà quản lý tài chính được xem là một trong những công việc quan trọng hàng đầu của CEO vì nó sẽ giúp cho doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn.

Bên cạnh cơ chế quản lý tài chính còn có cơ chế tài chính. Hai vấn đề này có sự khác nhau; cụ thể là: Cơ chế tài chính đề cập đến cách tổng hợp các hoạt động của hoạt động tài chính và tương tác với nhau trong hoạt động của một doanh nghiệp, hoặc lĩnh vực kinh tế xã hội cụ thể hoặc cả nền kinh tế quốc gia. Còn Cơ chế quản lý tài chính là một hệ thống các nguyên tắc, chính sách, phương pháp và biện pháp tác động lên hoạt động tài chính để đảm bảo rằng chúng diễn ra một cách phù hợp với các quy luật và thực tế của môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội, bên ngoài và bên trong của hệ thống tài chính… Như vậy, Cơ chế tài chính là về cách hoạt động của hoạt động tài chính, trong khi Cơ chế quản lý tài chính tập trung vào cách tổ chức, điều chỉnh và điều hành các hoạt động tài chính để đảm bảo họ diễn ra một cách hiệu quả và đạt được mục tiêu đã đề ra. Thêm nữa, quản lý tài chính doanh nghiệp và kế toán tài chính là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Quá trình quản lý tài chính doanh nghiệp chịu sự tác động của kế toán tài chính và ngược lại. Giá trị của hai bộ phận này được thể hiện rõ nét trong việc quản lý các báo cáo tài chính.

Vậy đâu là những kỹ năng cơ bản trong quản lý tài chính cho doanh nghiệp? Đó là:

1.Thu chi rõ ràng: Cụ thể là doanh nghiệp phải ghi chép đầy đủ, cẩn thận các khoản thu chi của đơn vị mình. Ngoài ra, phải thực hiện kế hoạch thu chi rõ ràng để giúp việc quản lý dòng tiền chính xác hơn. Từ đó doanh nghiệp sẽ tránh được tình trạng thâm hụt ngân sách.

2.Để quản lý tài chính hiệu quả thì doanh nghiệp phải biết cân bằng giữa lợi suất và rủi ro, từ đó sẽ giúp tạo nên một lợi nhuận cao cho doanh nghiệp…

Về đặc điểm, Cơ chế tài chính có thể xuất hiện trong nhiều hình thức khác nhau và ảnh hưởng đến các loại tổ chức khác nhau. Một trong những hình thức phổ biến nhất là doanh thu mà nhiều doanh nghiệp tạo ra thông qua việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho khách hàng. Chẳng hạn với các tập đoàn lớn, việc phát hành cổ phiếu trở thành một phương tiện cơ chế tài chính để thu thập vốn lớn dựa trên giá trị của công ty. Họ có thể cung cấp cổ phiếu này thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp cũng có thể vay tiền từ ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để đầu tư vào sự phát triển.

Để cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp đạt hiệu quả

Để công tác quản lý tài chính đạt hiệu quả, doanh nghiệp cần tuân thủ 5 nguyên tắc là: (1) Luôn có sẵn quỹ dự phòng. (2) Giảm thiểu tối đa các khoản nợ. (3)  Dự báo dòng tiền. (4) Quản lý dòng tiền một cách có hệ thống. (5) Chú ý đến các khoản thuế.

Cũng theo đó, để quản lý tài chính hiệu quả, doanh nghiệp cần thực hiện 9 nội dung sau:

1. Nắm bắt được những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kế toán.

2. Tham khảo ý kiến và trao đổi thường xuyên với một kế toán thành thạo trong loại hình doanh nghiệp của mình trước khi bắt đầu (doanh nghiệp thuộc loại hình thương mại & dịch vụ, sản xuất & gia công hay thi công & lắp đặt)

3. Quyết định đầu tư phần mềm kế toán tốt nhất cho doanh nghiệp.

4. Thiết lập chính sách kiểm tra và kiểm soát nội bộ bao gồm các biện pháp bảo vệ chống lại việc thiếu trung thực, gian lận.

5. Đối chiếu số dư tiền vay, tiền gửi, tiền lãi mỗi tháng một lần với báo cáo của ngân hàng.

6. Duy trì và cập nhật báo cáo dòng tiền hàng tháng.

7. Lập kế hoạch thuê ngoài dịch vụ chi trả lương và thông báo việc việc này cho một đơn vị cung cấp dịch vụ trả lương.

8. Chuẩn bị báo cáo tài chính hàng tháng.

9. Giữ tài khoản kinh doanh riêng biệt với tài khoản cá nhân.

Tương tự như vậy, có 9 điều doanh nghiệp không nên làm trong quản lý tài chính; cụ thể là: (1) Ủy thác việc ký giấy tờ, hóa đơn cho người khác. (2) Sử dụng khoản tiền khấu trừ từ lương nhân viên và thuế thu nhập cho các mục đích khác. (3) Trộn lẫn tài sản cá nhân vào tài sản doanh nghiệp. (4) Giao phó việc dự báo dòng tiền cho người khác. (5) Lạc quan về dự báo bán hàng hoặc bảo thủ về dự toán chi phí. (6) Dựa vào các thỏa thuận miệng về các vấn đề quan trọng trong đó có việc mua bán. (7) Thanh toán hóa đơn mà không phù hợp với trình tự mua hàng của bạn. (8) Dựa vào mối quan hệ để cho vay tiền. (9) Trì hoãn lập kế hoạch vay vốn mãi cho đến khi có nhu cầu về tài chính.

Vấn đề thu chi trong quản lý tài chính cần đảm bảo 3 nguyên tắc, gồm: Có kế hoạch, quản lý dòng tiền, Cân đối thu chi, Chi đầu tư và thu lại vốn đầu tư.

Thực hiện tốt Quản lý doanh nghiệp sẽ mang đến nhiều lợi ích, giúp doanh nghiệp: (1) Chủ động hơn trong quá trình phát triển và duy trì sự tồn tại của chính mình. (2) Định hình chính xác tình hình kinh doanh, hoạt động sản xuất. (3) Hoạch định những kế hoạch đầu tư, phát triển lâu dài trong tương lai. (4) Sở hữu tiền đề vững chắc để quyết định hạn mục đầu tư và tài trợ. (5) Dễ kiểm soát lợi nhuận từ vốn cổ phần hoặc vốn vay. (6) Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế được tối ưu hóa. (7) Chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn cổ phần được thúc đẩy và tăng trưởng.

Quản lý tài chính hiệu quả là một quá trình quản trị liên tục và đòi hỏi có quy tắc tổ chức. Dưới đây là một số cách quản lý tài chính doanh nghiệp tốt, được nhiều doanh nghiệp quan tâm áp dụng:

1.Theo dõi và quản lý dòng tiền vào và dòng tiền ra của doanh nghiệp. Người quản lý cần cân đối quỹ tiền luôn đủ để chi trả các khoản phải trả và có vốn duy trì hoạt động kinh doanh.

2.Xem xét các khía cạnh hoạt động kinh doanh như đàm phán hợp đồng với nhà cung cấp, tìm kiếm giải pháp tiết kiệm chi phí và điều chỉnh cấu trúc tổ chức nếu cần thiết để làm việc hiệu quả hơn.

3.Nắm bắt các cơ hội đầu tư có lợi và đánh giá rủi ro trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên đa dạng các danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng sinh lợi nhuận.

4.Doanh nghiệp cần kiểm soát khả năng trả nợ, mức lãi suất. Thực hiện đánh giá hiệu suất tài chính của doanh nghiệp định kỳ và điều chỉnh kế hoạch nếu cần thiết. Trường hợp phát hiện sớm các vấn đề phát sinh sẽ áp dụng biện pháp sửa đổi để đảm bảo sự ổn định và tăng trưởng bền vững./.

Ths. Lưu Văn Trung

...
  • Tags: