Về mặt khái niệm, Tổ chức thực hiện pháp luật là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, các chủ thể có thẩm quyền tổ chức đưa pháp luật thực định vào đời sống xã hội, làm cho pháp luật sau khi ban hành có hiệu lực thực thi trên thực tế, phát huy được vai trò điều chỉnh hiệu quả các quan hệ xã hội. Đây là hoạt động được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân được trao quyền, trên cơ sở tuân theo những hình thức, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”.
Trong thực tế, hiệu quả của hoạt động thực hiện pháp luật ở nước ta hiện nay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như: Trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật của các chủ thể pháp luật; công tác phổ biến; tuyên truyền, giáo dục pháp luật; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong hoạt động thực hiện pháp luật... Để nâng cao hiệu quả của hoạt động thực hiện pháp luật, cần có những hình thức, giải pháp phù hợp với thực tế và từng giai đoạn phát triển của đất nước; đặc biệt là hoàn thiện cơ chế tổ chức thực thi pháp luật…
Việc thực hiện pháp luật có 2 đặc điểm cơ bản gồm: (1) Thực hiện pháp luật là hành vi hợp pháp của các chủ thể pháp luật; (2) Thực hiện pháp luật được tiến hành bởi nhiều chủ thể với nhiều cách thức khác nhau (bao gồm: Hình thức tuân thủ pháp luật; hình thức thi hành pháp luật).
Những hình thức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thực hiện pháp luật bao gồm: Họp báo, thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật; Đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; Phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, việc thực thi quyền lực trong nhà nước pháp quyền XHCN nhà nước được thể hiện ở ba phương diện là lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong quá trình đó, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật là tổng thể các yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau, bao gồm các thiết chế và các điều kiện bảo đảm để Nhà nước đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống bằng những phương thức nhất định. Các yếu tố này hợp thành hệ thống, được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật. Cụ thể, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật bao gồm: (1) Hệ thống các cơ quan nhà nước, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định, là chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật; (2) Cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm cho tổ chức thực hiện pháp luật (như điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ nhận thức của nhân dân…); (3) Nội dung tổ chức thực hiện pháp luật, phương thức vận hành của quá trình tổ chức thực hiện pháp luật.
Cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật hiện hành có những ưu điểm sau đây:
1. Tổ chức của các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã được đổi mới, sắp xếp, tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ được phân định rõ ràng, cụ thể; cơ chế phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan nhà nước theo chiều dọc từ trung ương tới các cấp chính quyền địa phương, giữa các cơ quan nhà nước cùng cấp theo chiều ngang được xác định và hoạt động trên cơ sở pháp luật. Hoạt động của các cơ quan nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong tổ chức thực hiện pháp luật ngày càng hiệu quả hơn.
2. Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết được quan tâm và chất lượng tiến bộ hơn, đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả việc thi hành luật, pháp lệnh.
3. Chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên: Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bám sát thực tiễn; hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú hơn; Ý thức pháp luật của nhân dân được nâng lên; công nghệ hiện đại được áp dụng để đưa pháp luật vào cuộc sống nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm hơn.
4. Các chủ thể tổ chức thực hiện pháp luật thực hiện tốt chức năng, thẩm quyền, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiều biện pháp khác nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp. Thể chế về công tác tổ chức thi hành pháp luật từng bước được hoàn thiện. Các vi phạm pháp luật được xử lý nghiêm minh, tuân thủ các quy định của pháp luật…
5. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp luật được nâng cao, công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật được quan tâm hơn.
6. Nguồn lực vật chất đầu tư cho tổ chức thực hiện pháp luật được Nhà nước quan tâm, coi đây là nhân tố quan trọng bảo đảm thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật còn bộc lộ những hạn chế sau:
1. Việc đổi mới tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước còn một số bất cập. Các cơ quan thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, pháp luật và thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng còn chậm; một số quy định về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan chưa thực sự phù hợp…
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả.
3. Việc triển khai tổ chức thực hiện pháp luật đôi khi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, nhận thức và thực thi pháp luật chưa thống nhất, cơ chế thực thi và phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước còn bất cập, chưa hiệu quả. Công tác kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên.
Để hoàn thiện cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật trong giai đoạn mới, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, cần thực hiện một số giải pháp sau:
1.Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tổ chức thực hiện pháp luật: Theo đó, cần tiếp tục đổi mới nguyên tắc hiến định phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, kiện toàn tổ chức của Chính phủ, cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính pháp quyền, phục vụ nhân dân, dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, minh bạch. Tổ chức hợp lý mô hình chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của từng loại hình (nông thôn, đô thị, hải đảo…).
2. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật: Tiếp thục hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, quy định chặt chẽ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và mọi công dân trong việc thi hành pháp luật và theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật. Thường xuyên rà soát, khắc phục những bất cập trong hệ thống pháp luật; Nâng cao chất lượng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật…
3. Đổi mới về nội dung và phương thức tổ chức thực hiện pháp luật:
Cần thực hiện các hoạt động hướng dẫn cụ thể để đưa pháp luật vào thực tiễn quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, phát triển hệ thống thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với hệ thống pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật.
Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
4. Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tổ chức thực hiện pháp luật nhằm đảm bảo xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng, bản lĩnh chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức tốt. Cần xây dựng và thực hiện chính sách thỏa đáng về lương, chế độ đãi ngộ, thu hút đối với những người làm công tác tổ chức thực hiện pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng và thực hiện chế độ khen thưởng, kỷ luật đúng pháp luật.
5. Bổ sung nguồn lực vật chất, kinh phí thỏa đáng cho công tác tổ chức thực hiện pháp luật. Quá trình tổ chức thực hiện pháp luật cũng như để bảo đảm cho cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật vận hành hiệu quả, cần một nguồn lực vật chất tương xứng. Do vậy, cần đầu tư nguồn lực vật chất, trang thiết bị cần thiết cho các yếu tố của cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật cũng như các khâu tổ chức thực hiện./.
ThS Đỗ Văn Long