Cần nhìn nhận khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là quan điểm, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhiều năm qua, Việt Nam không chỉ thực thi, đảm bảo, thúc đẩy quyền con người ở trong nước một cách nghiêm túc, nhất quán, nhằm bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do cơ bản của mọi người dân, mà còn nỗ lực góp phần quan trọng thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên phạm vi toàn cầu.

Nhận diện những chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch

Trong nhiều năm qua, một số đối tượng có tư tưởng thù địch với Việt Nam thường tìm mọi cách xuyên tạc, tung ra những thông tin sai lệch, phiến diện, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Chúng lợi dụng mạng xã hội, đặc biệt là một số trang như Việt Tân, Nhật ký yêu nước, VOA, BBC News, Tin tức Hoa Kỳ, Hoa Kỳ Channel... lu loa bịa đặt rằng “Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận”, “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “ngăn cản hoạt động tôn giáo”; “Việt Nam thiếu tự do, hạn chế quyền của công dân”…

Có thể nêu một vài tổ chức và hành động chống phá gần đây của các thế lực này, như: Tháng 12/2023, trong dịp kỷ niệm ngày Nhân quyền quốc tế, tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) cũng ra “kêu gọi”, đòi Việt Nam “cải tổ gấp quyền con người trước kỳ kiểm định phổ quát sắp đến”. Ngày 11/01/2024 họ lại đưa bài viết vu cáo rằng, Chính phủ Việt Nam trong năm 2023 “đã đàn áp rộng rãi các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt nghiêm khắc những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam”; họ dùng những lời lẽ phê phán, chỉ trích Đảng, Nhà nước Việt Nam và đưa ra dẫn chứng kiểu cũ rích, là những đối tượng bị cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam bắt, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ. Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) - một trong những tổ chức phi chính phủ luôn có cách nhìn thù địch, sai trái đối với Việt Nam, đã đưa ra phán xét mang tính quy chụp, vu cáo khi cho rằng “Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới”… Có rất nhiều những chiêu trò vu khống, bịa đặt, bóp méo sự thật của các thế lực phản động, thù địch nhằm cố tình làm sai lệch tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam với mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Các đối tượng luôn tìm mọi cách xuyên tạc hòng phủ nhận những thành tựu về nhân quyền của Việt Nam đạt được trong gần 40 năm đổi mới đất nước. Đây là một trong những chiêu bài thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cũng như của cả hệ thống chính trị; đồng thời, đó là một trong những biện pháp tích cực để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cần nhìn nhận khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Tôn trọng, bảo đảm quyền con người là quan điểm, chủ trương, chính sách  nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam; được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ; được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; được thực hiện tích cực, có trách nhiệm trong quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế về quyền con người.

Về vấn đề dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam: Hiến pháp và pháp luật Việt Nam thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên hợp quốc về quyền con người. Nhà nước Việt Nam luôn xác định, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước, là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội. Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ quan điểm: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội". Các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điều này không chỉ thể hiện Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn về quyền con người, mà còn là sự khẳng định, sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quá trình thực thi quyền con người.

Chủ trương đó cũng được cụ thể hóa bằng các Luật và các văn bản dưới luật. Chỉ tính từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua gần 60 luật, nghị quyết có liên quan đến quyền con người, quyền công dân phù hợp với Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia… Điều đó cho thấy những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong xây dựng, triển khai các chính sách để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; không chỉ phản ánh đúng bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mà còn tạo thuận lợi để mọi người dân đều có thể tham gia xây dựng, quản lý xã hội, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như để các cơ quan nhà nước hoạt động, phục vụ tốt hơn nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

Trên thực tế, tôn trọng dân chủ và quyền con người luôn được thể hiện rõ thông qua các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội hàng ngày, thông qua đời sống, lao động và sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Hiện nay, Việt Nam có 797 cơ quan báo chí, gồm 127 báo và 670 tạp chí; đến tháng 1/2023, Việt Nam có 72,1 triệu người dùng internet, tương đương 73,2% dân số; có hơn 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% dân số và khoảng 161,6 triệu kết nối di động đang hoạt động, tương đương 164% dân số. Internet và mạng xã hội ở Việt Nam đang thuộc Top đầu thế giới, với “150 triệu kết nối mobile; 58 triệu tài khoản sử dụng Facebook; hạ tầng 3G/4G đã phủ sóng 99,8% dân cư và internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã biên giới, hải đảo” và nhiều hãng truyền thông, thông tấn quốc tế đã có mặt tại Việt Nam … Nếu không có dân chủ và nhân quyền thì cũng không thể tồn tại những con số thực tế sinh động như thế.

Về tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhất quán tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,7 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, hơn 55 nghìn chức sắc, 135 nghìn chức việc, gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Những con số đó cũng thêm một minh chứng đầy thuyết phục về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. 

Việt Nam cũng đặc biệt coi trọng việc phát huy ý chí, sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều 5, Điều 6 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng tiến bộ, các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật.

Một minh chứng khách quan khác về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam: Ngày 20/3/2024, Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên lần thứ 10; trong đó nêu rõ “chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 (năm 2023) lên vị trí 54 với tổng điểm trung bình là 6,043 (Bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc quốc gia dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ). Đó chính là sự thật, là một Việt Nam luôn coi trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo vệ và bảo đảm quyền con người và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta ký kết.

Đấu tranh phản bác những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch

Có thể thấy, âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch rất nham hiểm, là một “mũi nhọn” trong Chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, việc đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá cách mạng nước ta, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò nòng cốt. Trong quá trình đó, cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

1. Mỗi cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; mỗi người, nhất là cán bộ, đảng viên cần nhận diện rõ những âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước ta thông qua chiêu bài dân chủ, nhân quyền.

2. Thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân chủ, nhân quyền. Chủ động nắm bắt các hoạt động chống phá của các thế lực phản động, thù địch để kịp thời đấu tranh, phản bác có hiệu quả.

3. Tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng nâng cao nhận thức và năng lực của lực lượng nòng cốt tham gia đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước.

4. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành tốt các mục tiêu kế hoạch đề ra; đoàn kết các tầng lớp nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn vững mạnh. 

5. Tích cực tham gia và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và về dân chủ, nhân quyền nói riêng./.

 Ths. Phạm Đình Nghiên

...
  • Tags: