1. Cho phép thành lập tổ chức của người lao động là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Kể từ khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Những năm gần đây, nước ta đã rất tích cực, chủ động tham gia, ký kết, phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Kèm theo đó là việc cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn chung, trong đó có vấn đề quyền của người lao động, nổi bật nhất là quyền tự do liên kết, quyền tự do lập hội.
Chính vì vậy, việc nội luật hóa quy định cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, ngoài Công đoàn Việt Nam, là vấn đề có tính quy luật, phù hợp với xu thế chung, là một trong những “chìa khóa” để chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.
Ngoài ra, thương lượng tập thể ngày nay đã trở thành yếu tố ưu tiên hàng đầu trong điều chỉnh quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, đặt ra yêu cầu phải có nhiều hơn nữa tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp.
Xu thế chung này đồng thời phản ánh quá trình nhận thức lâu dài của Đảng, Nhà nước ta trong vấn đề tôn trọng, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân qua việc nước ta đã ký kết, phê chuẩn một số văn bản, văn kiện quốc tế và quy định cụ thể trong Hiến pháp và các đạo luật khác về quyền tự do liên kết, quyền tự do lập hội, cụ thể:
(1) Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị(1) (Việt Nam phê chuẩn tháng 9 - 1982), theo khoản 1 Điều 22: Mọi người đều có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập công đoàn, nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.
(2) Công ước của Liên hợp quốc về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa(2) (Việt Nam phê chuẩn tháng 9 - 1982), theo khoản 1, Điều 8: Các nước thành viên cam kết, bảo đảm quyền của mọi người được thành lập và gia nhập công đoàn do mình lựa chọn.
(3) Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động(3) (thông qua ngày 18-6-1998), theo quy định tại Mục 2: Tất cả các nước thành viên, dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn Công ước cơ bản của ILO, đều có nghĩa vụ thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc liên quan đến quyền cơ bản và nội dung của các Công ước, trong đó có quyền tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể.
(4) Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương(4) (Việt Nam phê chuẩn tháng 11 - 2018, có hiệu lực từ 14-01-2019), theo Điều 19.3.1: Các bên tham gia phải thông qua và duy trì trong các quy chế, quy định của mình các quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố 1998 của ILO, trong đó có quyền tự do liên kết.
(5) Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)(5), ký kết tháng 6 - 2019, Việt Nam phê chuẩn tháng 6 -2020, theo khoản 2, 3 Điều 3 Chương Thương mại và phát triển bền vững: Mỗi bên tái khẳng định cam kết sẽ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả nguyên tắc về các quyền cơ bản tại nơi làm việc, trong đó có quyền tự do liên kết.
(6) Hiến pháp năm 2013(6), Điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
(7) Bộ luật Lao động năm 2012(7), Điều 5: Người lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Bộ luật Lao động năm 2019
Điều 170 Bộ luật Lao động(8) về Quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tai cơ sở, quy định:
“1. Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn;
2. Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các Điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này.
3. Các tổ chức của người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Quyền thành lập tổ chức của người lao động tại cơ sở từ trước đến nay (trước khi quy định trong Bộ luật Lao động 2019), được hiểu là quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức công đoàn. Lần đầu tiên, Bộ luật Lao động quy định cho người lao động có quyền lựa chọn rộng hơn, ngoài tổ chức công đoàn, có thể lựa chọn thành lập một tổ chức khác, có tên gọi chung là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đây là một tổ chức rất mới, được xác lập trên cơ sở mở rộng quyền lựa chọn cho người lao động, tổ chức này độc lập với Công đoàn Việt Nam. Theo quy định của Bộ luật Lao động, Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Tuy nhiên, giữa Công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có những điều khác nhau rất cơ bản. “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trong khi đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được xác định là tổ chức xã hội/nghề nghiệp đơn thuần, chỉ làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.
Công đoàn Việt Nam có truyền thống lâu đời, đã hình thành một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, được chia thành 4 cấp, tổ chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động… Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Lao động, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chỉ được thành lập tại doanh nghiệp và tổ chức này có quyền liên kết ngang và dọc khi đủ các điều kiện nhất định.
Về điều kiện thành lập, công đoàn cơ sở và các tổ chức, các cấp công đoàn được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Nghị định số 98/2014/NĐ-CP về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, theo đó công đoàn cấp trên quyết định thành lập công đoàn cấp dưới. Việc thành lập công đoàn cơ sở được quy định như sau: Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp, khi có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.
Việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thực hiện theo Bộ luật Lao động năm 2019 và quy định của Chính phủ, tổ chức này được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Số thành viên là điều kiện thành lập được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3. Quan điểm của Đảng ta về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
Nhận thức được tính tất yếu của việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, cụ thể là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngay từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng ta đã xác định “Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kiện toàncác công cụ, biện pháp quản lý nhằm tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của tổ chức Lao động Quốc tế, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội”(9).
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sau khi định hướng một số nhiệm vụ lớn xây dựng giai cấp công nhân và phát triển tổ chức công đoàn đã khẳng định “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”(10).
Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới nêu rõ: “Quản lý tốt sự ra đời, bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, có các biện pháp phù hợp, hiệu quả để thu hút, vận động, định hướng tổ chức này gia nhập Công đoàn Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền để người sử dụng lao động, công nhân, người lao động nhận diện các hành vi lợi dụng việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để xâm phạm an ninh quốc gia, gây mất an ninh trật tự”(11).
Thể hiện rõ quan điểm về tổ chức của người lao động trong ba nghị quyết quan trọng, Đảng ta thống nhất xuyên suốt nhận thức, đó là: (1) Đảng và Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm quyền thành lập tổ chức của người lao động như đã cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; (2) Các tổ chức này ra đời và hoạt động phải đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ pháp luật Việt Nam, vì lợi ích của người lao động, của doanh nghiệp và xã hội; (3) Tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam; (4) Ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo khuôn khổ pháp lý để quản lý tốt sự ra đời và hoạt động của tổ chức này; (5) Phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để chống phá Đảng, Nhà nước, Công đoàn Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và xâm phạm quyền lợi của người lao động.
4. Một số đề xuất
Một là, ban hành nghị định hướng dẫn về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2021, tuy nhiên nghị định hướng dẫn thi hành các quy định về việc thành lập, gia nhập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và vấn đề thương lượng tập thể chưa được ban hành. Đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, nên việc Chính phủ thận trọng nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ càng, nhiều mặt trước khi ban hành là rất cần thiết.
Yêu cầu đặt ra đối với nghị định này là thiết kế được các quy định thực sự cụ thể, tường minh, vừa tạo hành lang pháp lý cho việc người lao động thực hiện quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trong việc quản lý tổ chức này, tránh việc lợi dụng quyền thành lập tổ chức để gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Hai là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam: Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phép thành lập, vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới. Trong bối cảnh có “đối tác cạnh tranh”, Công đoàn phải thực sự làm mới mình để xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam phải tiến hành đồng bộ, sâu rộng, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
(1) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở;
(2) Tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới;
(3) Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng đoàn viên, người lao động;
(4) Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn;
(5) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động công đoàn;
(6) Hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội với Công đoàn.
Ba là, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm sự ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp: Các cấp ủy lãnh đạo việc nắm tình hình công nhân, lao động trên địa bàn; lãnh đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; lãnh đạo để các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đủ điều kiện được thành lập và hoạt động tuân thủ pháp luật.
Chính quyền các cấp làm tốt công tác cấp phép thành lập tổ chức, quản lý hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích; phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm những tổ chức lợi dụng việc thành lập tổ chức này để gây mất an ninh, trật tự, phá hoại doanh nghiệp, xâm phạm quyền lợi của người lao động; kiên quyết thu hồi đăng ký đối với những tổ chức vi phạm tôn chỉ, mục đích hoạt động.
Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động, người sử dụng lao động và toàn xã hội về Công đoàn Việt Nam và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, giúp các đối tượng tuyên truyền hiểu biết sâu sắc về chức năng, nhiệm vụ, truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Năm là, có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để chống phá Đảng, Nhà nước, Công đoàn, doanh nghiệp và xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động.
Theo dự báo của các chuyên gia, bên cạnh những tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành lập để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, có thể sẽ xuất hiện những tổ chức ra đời nhằm mục đích xấu, gây mất an ninh, trật tự.
Do vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người lao động và người sử dụng lao động nhận diện các tổ chức này; cơ quan quản lý nhà nước kiên quyết không cho thành lập tổ chức và rút đăng ký hoạt động khi phát hiện các sai phạm. Cơ quan chức năng đấu tranh, vô hiệu hóa hoạt động của những tổ chức nhân danh đại diện người lao động đã thành lập trái pháp luật ở nước ta; thận trọng trong việc tiếp nhận một số dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ nhằm thúc đẩy thành lập các tổ chức đại diện người lao động trái pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục nâng cao đời sống, đảm bảo việc làm bền vững, xây dựng nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ người lao động; làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng và các cấp công đoàn trong việc nắm bắt tình hình công nhân, lao động, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.
_________________
(1) Liên hợp quốc (1966): Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Nghị quyết số 2200 (XXI) ngày 16-12-1966 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
(2) Liên hợp quốc (1966): Công ước của Liên hợp quốc về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, Nghị quyết số 2200A (XXI) ngày 16-12-1966 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
(3) Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO (1998): Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
(4) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (2018): Tóm lược Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP.
(5) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI (2020): Tóm lược Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu EVFTA.
(6) Quốc hội (2013): Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(7) Quốc hội (2012): Bộ luật Lao động, Bộ luật số: 10/2012/QH13 ngày 18-6-2012.
(8) Quốc hội (2019): Bộ luật Lao động, Bộ luật số: 45/2019/QH14ngày 20-11-2019.
(9) Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05-11-2016 Về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.166.
(11) Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
ThS NGỌ DUY HIỂU
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam