Cắt bỏ thủ tục rườm rà

Chúng ta hy vọng gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ sẽ cắt bỏ thủ tục rườm rà, giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng được tiếp cận để trụ vững trong “cơn bão” dịch COVID-19 lần thứ tư này.

Với các thủ tục thông thoáng, được đúc rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, chúng ta hy vọng gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ sẽ cắt bỏ thủ tục rườm rà, giúp người dân, doanh nghiệp nhanh chóng được tiếp cận để trụ vững trong “cơn bão” dịch COVID-19 lần thứ tư này. Và như thế, chính sách mới thật sự thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Ngày 2/7/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành quyết định hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với số tiền lên tới 26 nghìn tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, gói hỗ trợ này được đặt ra theo tinh thần rút kinh nghiệm những vướng mắc ở lần hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Do đó, lần hỗ trợ này sẽ giảm tối đa mọi thủ tục rườm rà không cần thiết để các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chính sách một cách nhanh nhất có thể.

Doanh nghiệp và người lao động kỳ vọng, sẽ nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng một cách nhanh chóng, thuận tiện. (Ảnh: TA)

Chúng ta vẫn còn nhớ, năm 2020, Chính phủ đã đưa ra chủ trương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từ sớm để trực tiếp giúp đỡ cho người dân gặp khó khăn vì COVID-19 với tổng mức hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42-NQ/CP. Gói hỗ trợ đó theo đánh giá là đã có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng. Nó không chỉ góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp mà nhờ nó đã hạn chế được những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã có tình trạng lúng túng, còn những hạn chế khi tiếp cận. Không những vậy, gói hỗ trợ này còn vướng nhiều “barie” kỹ thuật khiến một số người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thật sự lại khó tiếp cận được.

Điều này đã dẫn đến tiền trong gói hỗ trợ vẫn còn khá dồi dào, số người dân, doanh nghiệp cần được hỗ trợ như mất việc làm, thiếu việc làm, giảm thu nhập, kinh doanh thoi thóp, thậm chí phá sản… là có thật nhưng thủ tục, giấy tờ còn nhiều nên “nản chí” mà bỏ cuộc. Điều này đã dẫn đến hết năm 2020, số tiền “thừa” (khá nhiều) do “không hỗ trợ hết” cho người dân, doanh nghiệp được chuyển sang mục đích sử dụng khác.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, gói an sinh hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động theo Nghị quyết 42 là chính sách rất đặc thù, chưa có tiền lệ, nên khó tránh khỏi vướng mắc. Chính vì đã có tiền lệ không mấy suôn sẻ đó nên các cơ quan chức năng đã “rút kinh nghiệm sâu sắc” khi xây dựng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng lần này.

“Bây giờ tinh thần là cái gì luật không bắt buộc thì không cần. Thậm chí có những nội dung trước đây trong Nghị quyết 42, xây dựng trong một chính sách rất đặc thù, một quyết định chưa có tiền lệ, khi đó cũng chưa hình dung hết, nhưng sau Nghị quyết 42 mới rút ra kinh nghiệm. Với tinh thần đó thì thêm một nguyên tắc là: tinh giản tối đa các thủ tục làm sao để thông thoáng nhất. Chẳng hạn như miễn giảm quỹ an toàn lao động, chỉ cần 1 quyết định là doanh nghiệp đứng ra, đến cơ quan bảo hiểm đưa toàn bộ danh sách đã đóng hàng tháng, sau đó cơ quan bảo hiểm ra quyết định hỗ trợ ngược trở lại ngay” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn chứng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm: “Chính phủ có chủ trương hỗ trợ nhóm nhưng chủ trương này giao toàn quyền cho các địa phương căn cứ vào khả năng ngân sách của mình để chủ động xây dựng tiêu chí. Chẳng hạn trong gói 886 tỷ đồng của TP. Hồ Chí Minh vừa thông qua thì cũng xác định một số nhóm như xe ba gác, bốc vác, bán vé số dạo… Hà Nội cũng như vậy, hay Đà Nẵng vừa qua cũng huy động để hỗ trợ cho lực lượng hướng dẫn viên du lịch được vay tới 100 triệu đồng… Do đó chúng tôi cho rằng cách xử lý như vậy sẽ hợp lý hơn”.

Đúng thế! Để tránh những vướng mắc trong việc phân bổ tiền hỗ trợ của người lao động và chủ sử dụng lao động, Nghị quyết 68 còn quy định rõ thời gian giải quyết hồ sơ hỗ trợ. Theo đó, trong vòng 2-3 ngày từ khi tiếp nhận hồ sơ xin hỗ trợ phải giải quyết, nếu không đồng ý thì cũng phải trả lời bằng văn bản.

Đối với nhóm người yếu thế là các lao động tự do cần được hỗ trợ, Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động lên danh sách, cân đối nguồn thu để chi trả hỗ trợ. Chính phủ cũng đồng thời quy định mức hỗ trợ “sàn” (không dưới 1,5 triệu đồng/ người/ tháng, hoặc không dưới 50.000 đồng/ người/ ngày) để đảm bảo quyền lợi người lao động.

Chúng ta hy vọng, với các thủ tục thông thoáng, được tinh giản tối đa sẽ giúp người dân, doanh nghiệp sớm tiếp cận được gói hỗ trợ để trụ vững trong “cơn bão” COVID-19 dịch lần thứ 4 này. Như thế gói hỗ trợ mới thật sự thiết thực, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

  • Tags: