Chính sách, pháp luật về Bình đẳng giới – Kết quả thực thi và nhu cầu hoàn thiện

Bình đẳng giới (BĐG) được hiểu là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó (Khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006).

Cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội, nhiều thành tựu về bình đẳng giới ở Việt Nam đã từng bước được khẳng định. Đặc biệt, sự ra đời của Luật Bình đẳng giới và các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ đã và đang được thực hiện đã giúp thúc đẩy những bước tiến bộ ngày một lớn hơn về bình đẳng giới ở Việt Nam.

Chủ trương, chính sách về bình đẳng giới

Chính sách của Nhà nước ta về BĐG trước hết được quy định trong Luật Bình đẳng giới 2006; trong đó Điều 7 trong Luật có những nội dung cụ thể như sau:

- Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

- Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.

- Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

- Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Bên cạnh đó, tại Điều 10 Luật Bình đẳng giới năm 2006 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong BĐG, bao gồm: Cản trở nam, nữ thực hiện bình đẳng giới; Phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức; Bạo lực trên cơ sở giới; Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước về mọi mặt, hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới của Việt Nam cũng liên tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đào tạo nâng cao nguồn nhân lực chất lượng nữ trong hệ thống chính trị Việt Nam. 

Ngày 03/3/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát được xác định là: Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Nghị quyết đồng thời đưa ra 6 mục tiêu cụ thể, bao gồm: Mục tiêu trong lĩnh vực chính trị; Mục tiêu trong lĩnh vực kinh tế, lao động; Mục tiêu trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Mục tiêu trong lĩnh vực y tế; Mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Mục tiêu trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.

Chiến lược quốc gia về BĐG đã đưa ra các mục tiêu cơ bản nhằm bảo đảm BĐG rõ hơn về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, gồm: (1) Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; (2) Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; (3) Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; (4) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; (5) Bảo đảm BĐG trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; (6) Bảo đảm BĐG trong lĩnh vực văn hóa và thông tin; (7) Bảo đảm BĐG trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; (8) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng;…

Việc lồng ghép vấn đề BĐG trong quá trình xây dựng chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội tạo tiền đề để thực thi BĐG ngày càng hiệu quả hơn, nhất là các chính sách liên quan đến vấn đề BĐG cho người dân về vai trò, vị trí của nam và nữ đều được bình đẳng như nhau. Kết quả thực hiện các chính sách này đã tác động rất lớn đến đời sống kinh tế hộ gia đình và góp phần tích cực trong việc thực hiện quyền bình đẳng trong hộ gia đình.

Quá trình thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới những năm qua đã thu được những kết quả quan trọng. Trong đó năm 2023 có 11/20 chỉ tiêu đạt và vượt so với mục tiêu của Chiến lược đến năm 2025; 3/20 chỉ tiêu đạt một phần, 2 chỉ tiêu tiệm cận với mục tiêu đề ra đến năm 2030, có 12 chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với năm 2022. Bình đẳng giới trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội, thông tin và truyền thông tiếp tục là những điểm sáng, có nhiều tiến bộ so với những năm trước. Tuy nhiên, có 4 chỉ tiêu còn khoảng cách nhất định so với mục tiêu đề ra đến năm 2025, đặc biệt là tỷ số giới tính khi sinh vẫn có xu hướng gia tăng, việc thí điểm triển khai cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới còn gặp những khó khăn…

Nói đến bình đẳng giới là nói đến việc thực hiện quyền bình đẳng của người phụ nữ trong đời sống xã hội. Trong đó, việc làm rõ, bổ sung và hoàn thiện các chính sách, pháp luật, đẩy mạnh việc thực hiện bình đẳng giới đối với nữ giới trong công tác xã hội là rất quan trọng, cần ưu tiên, đặt lên hàng đầu.

Đâu là hạn chế

Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những thành quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách về BĐG, chúng ta vẫn gặp nhiều trở ngại, khó khăn, nhất là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều giữa các khu vực làm gia tăng khoảng cách trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân giữa vùng thành thị và nông thôn, vùng đồng bằng với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo có xu hướng gia tăng, làm cho việc thực hiện mục tiêu BĐG ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn.

Mặt khác, trong phạm vi gia đình, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại phần lớn là do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến gia trưởng cùng với sự thay đổi chậm chạp của ý thức xã hội và hầu như nam giới chưa thay đổi quan niệm trụ cột của mình với gia đình, chính họ đã tự đặt cho mình trọng trách lớn. Phụ nữ thì còn tự ti, luôn nghĩ mình là người hỗ trợ cho vai trò trụ cột của chồng… Bên cạnh đó, trình độ học vấn cũng góp phần quan trọng trong việc tạo quyền quyết định trong gia đình. Nếu trong gia đình cả hai vợ chồng có học vấn cao thì sự bàn bạc, thỏa thuận chiếm tỷ lệ lớn; nếu người vợ có trình độ học vấn thấp thì quyền quyết định mọi mặt chủ yếu vẫn là chồng và ngược lại. Về vấn đề kinh tế gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến mất bình đẳng trong gia đình…

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ở Việt Nam

1. Trước hết, cần tích cực thực thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra. Cụ thể:

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới.

3. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

4. Xây dựng và triển khai các Chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đưa nội dung về bình đẳng giới vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách.

5. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Hàng năm, tổ chức triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15 tháng 11 đến ngày 15 tháng 12.

6. Tăng cường năng lực bộ máy quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê về giới của quốc gia.

7. Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới; tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, chuyên môn của các nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực bình đẳng giới.

8. Cùng với đó, cần xây dựng và triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG; nâng cao năng lực về BĐG cho cán bộ làm công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách.

Thông qua thực hiện những CSPL về BĐG của Đảng và Nhà nước, cơ hội để nữ giới được nam giới chia sẻ việc nhà, có nhiều thời gian để tham gia vào công tác xã hội và các hoạt động khác ngày càng được nhiều hơn. Nhờ đó mà phụ nữ được bình đẳng về mọi mặt… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong lĩnh vực BĐG, chúng ta vẫn cần tiếp tục hoàn thiện CSPL về BĐG; tăng cường vai trò của cả hệ thống chính trị; tranh thủ nguồn lực để bảo đảm BĐG thực sự hiệu quả./.

Ths. Đinh Thanh Quy

...
  • Tags: