Nhưng nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu, thị trường và chưa thực sự đem lại hiệu quả, lợi ích nhanh như các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, người nông dân vẫn là tầng lớp gặp nhiều khó khăn nhất trong việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…
Ảnh minh họa - TL
Chính sách Bảo hiểm nông nghiệp của Nhà nước là nhằm giúp người nông dân có điều kiện vượt qua rủi ro để tiếp tục duy trì sản xuất, đời sống.
Sự quan tâm của Nhà nước tới bảo hiểm rủi ro cho nông dân
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông), nhưng có lẽ do đặc thù của nông nghiệp nên hệ thống chính sách đó vẫn chưa đáp ứng đầy đủ được yêu cầu thực tế để các vùng trọng điểm về sản xuất lúa, gạo nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung có được sự bứt phá; vừa thực hiện được nhiệm vụ chính trị, vừa phát triển kinh tế-xã hội…
Chính sách Bảo hiểm rủi ro cho nông dân là một trong những chính sách quan trọng và cần thiết trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và đối với người nông dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người. Để thực hiện mục tiêu này, cần hội thụ nhiều yếu tố kinh tế-xã hội, trong đó thực hiện tốt bảo hiểm rủi ro cho người nông dân sẽ góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu an sinh xã hội mà nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra. Như vậy, vấn đề bảo hiểm rủi ro cho sản xuất nông nghiệp và cho người nông dân đã được Đảng nhìn nhận và quan tâm rất cụ thể, đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc.
Thực tế, Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đã và đang được quan tâm phát triển, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, với mong muốn trở thành công cụ tài chính hiệu quả trong việc giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho các hộ nông dân. Tuy nhiên, mặc dù đã chính thức được áp dụng ở phạm vi quốc gia theo Nghị định số 58/2018/Đ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp từ 2019 tới nay, nhưng BHNN vẫn chưa thực sự phát huy được tính ưu việt vốn có mà còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.
Trở lại những giai đoạn trước để nhìn nhận rõ hơn về sự quan tâm của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân thông qua chính sách bảo hiểm: Ngày 18/4/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp. Đây là văn bản điều chỉnh các hoạt động BHNN và các chính sách hỗ trợ BHNN nhằm khuyến khích các công ty bảo hiểm triển khai BHNN và tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất và cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp chủ động vượt qua cũng như bù đắp những tổn thất tài chính khi xảy ra rủi ro trong quá trình sản xuất. Các chính sách hỗ trợ được đưa ra trong Nghị định bao phủ khá rộng những sản phẩm được hỗ trợ (ngành trồng trọt gồm: lúa gạo, cao su, tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau màu; ngành chăn nuôi gồm: trâu, bò, lợn, gia cầm; ngành thủy sản gồm: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra), rủi ro được bảo hiểm và khu vực được trợ cấp.
Trên cơ sở đó, Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN đã được ban hành, trong đó cụ thể hóa những đối tượng và rủi ro được bảo hiểm, mức trợ cấp, địa phương được hỗ trợ và thời gian thực hiện hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay cho giai đoạn 2019 - 2020. Thời hạn này đã được kéo dài thời gian thực hiện theo Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg ngày 25/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BNNPTNT ngày 24/7/2020 hướng dẫn xác nhận thiên tai, dịch bệnh trong thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN. Theo đó, BHNN được hỗ trợ bao gồm: lúa, trâu, bò, tôm sú và tôm thẻ chân trắng, trên phạm vi 19 tỉnh/thành của cả nước. Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm 90% cho hộ nghèo và hộ cận nghèo, 20% cho hộ thường và các tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia vào chương trình bảo hiểm. Các rủi ro được bảo hiểm khá toàn diện, đặc biệt là các rủi ro thiên tai, tuy nhiên, các sản phẩm chăn nuôi chỉ được bảo vệ hai rủi ro về dịch bệnh gồm: lở mồm long móng và nhiệt than, trong khi sản phẩm thủy sản không được bảo hiểm cho các rủi ro dịch bệnh…
Khó khăn, hạn chế trong thực thi chính sách Bảo hiểm nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thiên tai và bất ổn thị trường. Hơn nữa, đa phần nông dân đều chỉ tập trung vào sản xuất, không có chuyên môn về xây dựng thương hiệu và thương mại sản phẩm nên vẫn ở thế yếu, phụ thuộc vào các thương lái. Những thiệt hại đó người nông dân phải gánh chịu như một phần quy luật tự nhiên chứ chưa có bất cứ giải pháp nào để kiểm soát.
Những thành phần, yếu tố trực tiếp lên quan tới công tác BHNN đều có khó khăn: Về phía doanh nghiệp, BHNN có tính thời vụ, rủi ro cao khó kiểm soát việc tuân thủ quy trình sản xuất của nông dân, thủ tục để tham gia chính sách hỗ trợ còn phức tạp; nhiều thu thập số liệu về sản xuất nông nghiệp để thiết kế sản phẩm bảo hiểm khó nên rất ít doanh nghiệp đăng ký (chỉ có 2 Công ty: Bảo Việt, Bảo Minh). Về phía người dân, do chưa nhận thức đầy đủ về bảo hiểm nông nghiệp nên chưa sẵn sàng tham gia; số lượng hộ nông dân đăng ký tham gia không nhiều, người dân nghèo sản xuất nhỏ (diện tích, số lượng nuôi trồng ít) nên giá trị tham gia thấp, không đủ đảm bảo theo nguyên tắc số đông bù số ít của bảo hiểm... Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của chính sách BHNN vẫn còn hạn chế, cần phải được đẩy mạnh, đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo chuỗi, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Bên cạnh những khó khăn đó, quá trình áp dụng và thực hiện chính sách BHNN vẫn còn nhiều bất cập cần được giải quyết:
Về bảo hiểm lúa gạo, chỉ số năng suất là phương pháp xác định năng suất sử dụng công nghệ viễn thám RIICE khác với thống kê truyền thống. Điều này dẫn đến bất đồng giữa các bên tham gia, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tham gia bảo hiểm và triển khai bảo hiểm cho giai đoạn tiếp theo. Mặt khác, theo phản ánh của người dân và chính quyền địa phương, mức phí bảo hiểm còn cao so với thu nhập từ trồng lúa nên chưa khuyến khích được sự tham gia của người sản xuất. Thêm vào đó, thời gian thực hiện BHNN theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg là rất ngắn do các thủ tục phê duyệt sản phẩm kéo dài, và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện được ban hành khá chậm đã khiến cho các doanh nghiệp và địa phương gặp rất nhiều áp lực về thời gian trong quá trình thực hiện.
Về bảo hiểm vật nuôi, nhiều hộ chăn nuôi, nhất là ở khu vực miền núi, chăn nuôi theo tập quán chăn thả tự nhiên nên không đáp ứng được yêu cầu của bảo hiểm vật nuôi. Sản phẩm bảo hiểm chỉ bao phủ 02 loại bệnh là thán thư và lở mồm long móng, trong khi đó, lở mồm long móng rất hiếm gây ra tử vong và nhiệt thán là bệnh rất hiếm gặp trong 10 năm trở lại đây. Điều này dẫn tới các rủi ro về dịch bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người chăn nuôi.
Về bảo hiểm thủy sản, các sản phẩm bảo hiểm đã được ban hành, nhưng các sản phẩm không phù hợp với nhu cầu của người dân nên người dân không tham gia (các sản phẩm bảo hiểm tập trung cho rủi ro thời tiết mà không bảo hiểm cho dịch bệnh - đây là rủi ro lớn).
Tình hình thực tế như vậy đặt ra yêu cầu Nghị định số 58/2018/NĐ-CP cần được xem xét, bổ sung để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách. Đồng thời mở rộng địa bàn, lựa chọn các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế trong sản xuất hàng hóa lớn, lựa chọn loại rủi ro cấp thiết cần được hỗ trợ bảo hiểm phù hợp với thực tế và nhu cầu của người sản xuất; khuyến khích các địa phương tự bố trí ngân sách để hỗ trợ việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương; xây dựng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với nhu cầu của người dân.
Một số giải pháp về chính sách
Để tiếp tục đẩy mạnh và phát triển BHNN trong thời gian tới, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp cần được quan tâm nghiên cứu và thực hiện, bao gồm:
+ Cần phải xem xét lại mức hỗ trợ cho các đối tượng khác nhau như: giảm mức hỗ trợ phí bảo hiểm cho những hộ nghèo và cận nghèo, đồng thời tăng mức hỗ trợ phí cho nhóm hộ sản xuất hàng hóa, quy mô lớn và các tổ chức sản xuất.
+ Ưu tiên phát triển BHNN hướng tới các mặt hàng chủ lực và nhóm đối tượng có khả năng chi trả cao và nhóm sản phẩm lợi thế.
+ Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm BHNN và cung cấp các hỗ trợ cho nghiên cứu thị trường, từ đó có thể xác định các sản phẩm bảo hiểm tiềm năng, phù hợp và có sức hấp dẫn cao với nông dân (đặc biệt là sản phẩm thủy sản).
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tham gia BHNN.
+ Tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng với doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tại các DNBH, cán bộ địa phương.
+ Cải thiện hệ thống văn bản pháp lý, hạ tầng cơ sở và nhân lực trong việc giám định điều kiện tham gia bảo hiểm và giám định thiệt hại nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường, giảm chi phí cho doanh nghiệp và rút ngắn thời gian bồi thường khi rủi ro xảy ra.
+ Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, biểu mẫu và tài liệu BHNN nhằm tiết kiệm thời gian cũng như giúp các bên liên quan có thể dễ dàng nắm bắt nội dung quan trọng về BHNN.
+ Đề xuất Chính phủ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong các khâu vận hành BHNN, đầu tư cơ sở dữ liệu và cơ sở hạ tầng nhằm tăng sức hấp dẫn của bảo hiểm. Nhà nước cần tạo ra cơ chế, chính sách và đầu tư thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng các điều kiện nhất định đối với các rủi ro được bảo hiểm, bao gồm: thông tin đối xứng, rủi ro phải độc lập giữa các cá nhân được bảo hiểm, có thể đo lường được và phí bảo hiểm hợp lý.
+ Tiếp tục cải thiện hệ thống pháp lý BHNN để tạo cơ sở vững chắc cho thị trường BHNN trong tương lai./.
Ths. Nguyễn Quang Tuyền