Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế và của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích thực trạng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật và đổi mới tổ chức thực hiện pháp luật về vấn đề này.
Các DN không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất
1.Thực trạng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Trong những năm gần đây, đầu tư và hỗ trợ của ngân sách nhà nước (NSNN) cho lĩnh vực khoa học và công nghệ tăng lên hàng năm. Sự đầu tư và hỗ trợ của NSNN trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và khởi nghiệp sáng tạo. Kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài, dự án đã được ứng dụng, thương mại hóa. Điều này góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế và của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện pháp luật hỗ trợ DNNVV để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn NSNN cũng cho thấy những hạn chế sau đây:
Thứ nhất, tỷ lệ các đề tài nghiên cứu bằng nguồn vốn NSNN có kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh còn thấp. Thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân sau: (1) Cơ quan giao đề tài và tổ chức chủ trì, cá nhân thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ từ khâu đề xuất, thuyết minh, tuyển chọn, giao, nghiệm thu đề tài, dự án chưa chú ý gắn kết giữa nghiên cứu với ứng dụng kết quả nghiên cứu. Sự kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Công tác đánh giá kết quả ứng dụng của sản phẩm nghiên cứu sau nghiệm thu, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa thực sự được quan tâm. Mức phạt vi phạm nghĩa vụ không trực tiếp hoặc tham gia triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống chưa đủ sức răn đe đối với người có hành vi vi phạm[1]; (2) Nhiều chủ thể ứng dụng thích và tin tưởng vào công nghệ của nước ngoài hơn kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước[2]; (3) Ngân sách chi cho hoạt động khoa học và công nghệ nói chung, chi cho sự nghiệp khoa học và công nghệ nói riêng, trong đó có chi hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và phát triển công nghệ (PTCN) thấp[3]; (4) Một số lĩnh vực do đặc thù của đối tượng nghiên cứu nên thiếu “thị trường đầu ra” cho hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, chẳng hạn nghiên cứu về rừng phòng hộ, rừng bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học[4]; (5) Một số chủ thể kinh doanh, trong đó có hộ gia đình, hợp tác xã, nông trường, lâm trường có nhu cầu sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nhưng thiếu điều kiện tiếp cận quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hoặc năng lực tài chính yếu nên không thể thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; (6) Hầu hết DNNVV do nhận thức và do khó khăn về nguồn lực (nhân sự, tài chính) nên chưa đầu tư cho nghiên cứu khoa học và PTCN. Năng lực tiếp cận, ứng dụng, PTCN hiện đại của nhiều doanh nghiệp còn thấp[5].
Thứ hai, hiệu quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao[6]. Hiệu quả thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn NSNN thấp so với kinh phí đầu tư cho đề tài. Nguồn hỗ trợ từ NSNN chủ yếu chú trọng việc tạo ra công nghệ mới, chưa quan tâm đúng mức tới sự phát triển sản phẩm. Nguyên nhân của những hạn chế này là: (1) Chất lượng nghiên cứu khoa học và tính khả thi của việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ còn thấp; không phải cơ quan tuyển chọn, giao nhiệm vụ nào cũng quan tâm đúng mức việc đánh giá khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, trong khi đó không ít đề tài không bám sát vào nhu cầu của thị trường, nặng tính lý thuyết, ít tính ứng dụng nên khó thương mại hóa[7]; (2) Do hạn chế về nguồn lực tài chính nên đầu tư, hỗ trợ của NSNN cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ còn dàn trải, chưa tập trung[8].
Thứ ba, chất lượng, hiệu quả hoạt động hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia chưa cao. Điều này đã được xác nhận trong Kế hoạch thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư ban hành kèm theo Quyết định số 696/QĐ-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ[9].
Thứ tư, kinh phí đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn NSNN đối với một số đề án, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa thực sự tương xứng với nhiệm vụ cần thực hiện. Nguyên nhân của những hạn chế này là: (1) Thiếu tiêu chí thực sự khách quan trong định giá kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN, tài sản trí tuệ sử dụng NSNN phục vụ việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN, tài sản trí tuệ sử dụng NSNN; (2) Do khó khăn về ngân sách nên ngân sách trung ương và ngân sách địa phương không thể đáp ứng được hết đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp, mặc dù đề nghị đó có thể hợp lý. Ngoài giới hạn về tỷ lệ phân bổ, ngân sách cấp cho hoạt động khoa học và công nghệ còn được thực hiện theo chương trình, đề tài, dự án nên kinh phí hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thường bị giới hạn ở mức kinh phí dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với chương trình, đề tài, dự án. Vì vậy, sự bình quân, cào bằng trong cấp kinh phí cho nhiệm vụ, đề tài, dự án trong chương trình đâu đó vẫn còn tồn tại; (3) Về chuyên môn, mức kinh phí đầu tư, hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ không phải do Hội đồng tuyển chọn, giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà do Tổ thẩm định kinh phí tư vấn xác định. Thành phần Tổ thẩm định kinh phí thường gồm lãnh đạo đơn vị quản lý nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương; đại diện đơn vị quản lý nhà nước về kế hoạch, tài chính; chủ tịch hoặc phó chủ tịch hoặc ủy viên phản biện của Hội đồng tuyển chọn, giao trực tiếp; đại diện của đơn vị dự toán ngân sách được giao trực tiếp quản lý, sử dụng ngân sách của nhiệm vụ thuộc bộ, ngành, địa phương. Nếu biểu quyết thì rõ ràng đại diện của các cơ quan có quyền quyết định tài chính cho đề tài sẽ chiếm quá bán so với cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ.
Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh ở hầu hết các địa phương đã và đang tiến hành quyết liệt. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh đã được triển khai ở nhiều cấp. Tuy nhiên, thủ tục hành chính liên quan đến nhiều sở, ngành nên việc giải quyết hồ sơ trong hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn chậm.
Thứ sáu, phần lớn các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được áp dụng chung cho các DNNVV mà chưa có chính sách riêng hỗ trợ cho đối tượng DNNVV khởi nghiệp sáng tạo[10].
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, ngoài những nguyên nhân đã được chỉ ra, theo chúng tôi, nguyên nhân cơ bản là quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và không khả thi cụ thể như sau:
- Nhiều quy định về hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đáng lẽ cần được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV nhưng lại được quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ và Luật Chuyển giao công nghệ.
- Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ do được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau nên thiếu tính hệ thống, khó theo dõi đối với chủ thể được hỗ trợ.
- Thiếu các nguyên tắc cần thiết trong hỗ trợ doanh nghiệp như: không hỗ trợ chồng chéo, trùng lặp; bảo đảm sự bình đẳng trong hỗ trợ; ưu tiên DNNVV sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật…
- Một số quy định của pháp luật chuyển giao công nghệ không thống nhất với pháp luật về khoa học và công nghệ (Điều 17Nghị định số 76/2018/NĐ-CP[11]không thống nhất với Điều 43 Luật Khoa học và Công nghệ và khoản 1 Điều 42 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP)[12].
- Một số quy định về thực hiện nhiệm vụ khoa học chưa hợp lý, cụ thể:
+ Quy định về xây dựng dự toán, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí vẫn chưa phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng[13].
+ Quy định về quyền tự chủ của chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quyền điều tiết của tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa được xử lý hài hòa trong Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính[14].
+ Quy định về định mức chi hỗ trợ quản lý chung nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo khoản 8 Điều 7 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN chưa thực sự hợp lý[15]. + Quy định về cơ chế quản lý tài chính đối với khoa học và công nghệ tuy đã có đổi mới, song còn bất cập, chưa đồng bộ; phân bổ ngân sách chưa hợp lý[16].
2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật và đổi mới tổ chức thực hiện pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước
2.1. Hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Để khắc phục các hạn chế của pháp luật về hỗ trợ DNVVN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn NSNN đã nêu ở trên, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, ổ sung một số nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Sửa đổi Điều 5 Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng bổ sung các nguyên tắc hỗ trợ như: không chồng chéo, trùng lặp; bảo đảm sự bình đẳng của các doanh nghiệp thuộc các loại hình và thành phần kinh tế trong tiếp cận nguồn lực hỗ trợ; ưu tiên DNNVV sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật (xác định theo tỷ lệ phần trăm tối thiểu bình quân trong năm trên tổng số lao động) có hồ sơ hợp lệ.
Hai là, bổ sung điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Khoản 1 Điều 17 Luật Hỗ trợ DNNVV quy định hai điều kiện để được xét hỗ trợ đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, để tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong sử dụng nguồn lực hỗ trợ và tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của NSNN cần sửa đổi khoản 1 Điều 17 Luật Hỗ trợ DNNVV theo hướng hạn chế hỗ trợ đối với trường hợp DNNVV khởi nghiệp sáng tạo không thực hiện đúng cam kết với cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV đối với ít nhất 01 dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn NSNN.
Ba là, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, địa phương. Pháp luật hiện hành không quy định trình tự, thủ tục hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn NSNN mà dành cho các địa phương ghi trong Đề án hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, trong Đề án hỗ trợ DNNVV cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Để bảo đảm tính khả thi của chính sách hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn NSNN cho DNVVN, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn NSNN trong Đề án hỗ trợ DNNVV.
Bốn là, hoàn thiện quy định về nội dung hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- Cơ quan có thẩm quyền cần ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia làm cơ sở cho việc ứng dụng vào sản xuất và đời sống các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN, nhất là công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Hiện nay, chế tài phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 10 Nghị định số 51/2019/NĐ-CP đối với tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN sử dụng NSNN khi vi phạm nghĩa vụ báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về hiệu quả khai thác, chuyển giao, chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN, vi phạm nghĩa vụ thông báo với đại diện chủ sở hữu nhà nước khi không còn khả năng khai thác quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN còn nhẹ, chưa đủ mức răn đe. Vì vậy, cần tăng mức phạt tiền đối với sự vi phạm nghĩa vụ báo cáo, nghĩa vụ thông báo của tổ chức được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN sử dụng NSNN. Năm là, hoàn thiện quy định về lập dự toán, sử dụng, quản lý, quyết toán ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.
- Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo hướng tăng tính tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Ngoài ra, để tăng tính tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Chính phủ nên mở rộng giới hạn trích lập quỹ thu nhập tăng thêm hơn mức hiện nay (không quá 3 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc).
- Sửa đổi Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công theo hướng hài hòa giữa quyền tự chủ của Chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và quyền điều tiết của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
- Sửa đổi khoản 8 Điều 7 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ theo hướng rút ngắn thời gian phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ; điều chỉnh kịp thời định mức kỹ thuật, ngày công lao động; tăng mức chi hỗ trợ quản lý chung nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
-Sửa đổi Điều 43 Luật Khoa học và Công nghệ, khoản 1 Điều 42 Nghị định số 08/2014/NĐ-CP và Điều 17Nghị định số 76/2018/NĐ-CP để tạo sự thống nhất với nhau theo nguyên tắc các văn bản dưới luật thống nhất với văn bản luật.
- Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính cần ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn việc giao quyền sử dụng tài sản, việc hoàn trả giá trị tài sản và việc phân chia lợi nhuận với Nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 7, khoản 3 Điều 19 và Điều 22 của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP[17]
- Cần ban hành các tiêu chí khách quan trong định giá kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN, tài sản trí tuệ sử dụng NSNN.
- Tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư hỗ trợ DNNVV để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN; khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng hoặc liên kết với tổ chức khoa học và công nghệ tổ chức nghiên cứu; tăng số lượng và quy mô các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài liên kết hoặc hỗ trợ DNNVV để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN.
2.2. Đổi mới tổ chức thực hiện pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Thứ nhất, tăng tỷ lệ nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN bằng nguồn vốn NSNN. Để thực hiện yêu cầu này cần gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với ứng dụng kết quả nghiên cứu ngay từ giai đoạn tuyển chọn, giao, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ; tham gia Hội đồng xét duyệt thuyết minh phải gồm các nhà khoa học, chuyên môn, doanh nghiệp có khả năng đánh giá tính khả thi của việc ứng dụng kết quả nghiên cứu; xét chọn, giao trực tiếp các cá nhân, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học có đủ điều kiện, có năng lực, trách nhiệm, đủ thời gian đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu khoa học; tăng tỷ lệ phân bổ kinh phí cho nghiên cứu phát triển trong cơ cấu phân bổ ngân sách chi cho hoạt động khoa học và công nghệ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN; tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ thông tin giữa cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ với doanh nghiệp để doanh nghiệp biết được năng lực của tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nắm bắt được nhu cầu của thị trường và của doanh nghiệp.
Thứ hai, tập trung sự hỗ trợ của NSNN đối với DNNVV trong việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại và phát triển sản phẩm cho một số ngành công nghiệp, nông nghiệp được ưu tiên, y học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người và các lĩnh vực then chốt được đề cập trong Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư như công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp hóa dược, sinh học, cơ điện tử, các ngành tự động hóa; chế tạo, năng lượng sạch, chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng và công nghiệp môi trường; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh học.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia.
Thứ tư, phát triển mạng lưới trung gian kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN thành công cần hỗ trợ kết nối giữa người nghiên cứu với doanh nghiệp và thị trường, cần xây dựng và phát triển mạng lưới trung gian kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm, tiếp cận, đánh giá, tiếp nhận chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường v.v..
Thứ năm, hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ cần nhân lực có khả năng phân tích nhu cầu của thị trường và các công nghệ tương tự của đối thủ cạnh tranh, có kiến thức về định giá giá trị của công nghệ mới, về sở hữu trí tuệ và khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, có trình độ về thiết kế, xây dựng, hoạch định chiến lược thương mại hóa, về truyền thông - marketing, về đàm phán chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, về pháp lý… Do đó, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ đào tạo để tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo .
Thứ sáu, thường xuyên đánh giá sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án hỗ trợ DNNVV và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và PTCN của các bộ, ngành, địa phương.
Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ bằng nguồn vốn NSNN.
NGUYỄN TRÍ ĐỨC - Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Bộ Khoa học và công nghệ ________________________________________
[1] Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, có cam kết, có địa chỉ ứng dụng vào sản xuất và đời sống nhưng không trực tiếp hoặc tham gia triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống (khoản 3 Điều 11 Nghị định số 51/2019/NĐ-CP ngày 13/6/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ). [2] Nguyễn Quang Tuấn, Thúc đẩy chuyển giao kết quả nghiên cứu và phát triển vào sản xuất, kinh doanh, Tạp chí Cộng sản, số 810 (4/2010), tr. 72 - 74. [3] Chi thường xuyên cho khoa học và công nghệ năm 2020 là 12.800 tỷ đồng (xem dự toán kèm theo Quyết định số 2680/QĐ-BTC ngày 16/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc công bố công khai số liệu dự toán NSNN năm 2020). [4] Nguyễn Quang Tuấn, tlđd. [5] Bộ Chính trị, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. [6] Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. [7] Cùng nhận định: Nguyễn Trường Phi, Trần Anh Tú, Nguyễn Thị Anh Thư, Thương mại hóa kết quả nghiên cứu-Một số mô hình cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, số 3/2018, tr.64. [8] Nguyễn Hồ Phi Hà (2018), Thực trạng đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ từ ngân sách Nhà nước, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/thuc-trang-dau-tu-cho-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-tu-ngan-sach-nha-nuoc-133809.html. [9] Xem Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ được ban hành kèm theo Quyết định số 696/QĐ-TTg ngày 25/5/2020 để thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. [10] Chẳng hạn, ở tỉnh Sơn La, xem tiểu mục 1.1 mục 1 phần II Đề án Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2019-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1834/QĐ-UBND ngày 26/7/2019 của UBND tỉnh Sơn La. [11] Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. [12] Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ. [13] Như phản ánh trong Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ được ban hành kèm theo Quyết định số 696/QĐ-TTg ngày 25/5/2020 để thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. [14] Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. [15] Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của liên bộ Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước. [16] Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương trong Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. [17] Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/5/2018 quy hoạch việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước.