Chính sách thuế giá trị gia tăng – thực trạng và yêu cầu sửa đổi

Chính sách thuế cần hướng đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, coi sự phát triển ổn định của doanh nghiệp là giải pháp hiệu quả nhất cho việc phát triển bền vững nền tài chính công, đảm bảo cân đối tài khóa. Đó chính là mục tiêu cao nhất của công tác thuế mà chính sách thuế phải đáp ứng.

Xác định tầm quan trọng của công tác thuế trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Theo đó, coi ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố cốt lõi, là tiền đề quan trọng để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong hệ thống các loại thuế, thuế giá trị gia tăng (GTGT) là sắc thuế quan trọng, là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước (NSNN). Đó là loại thuế được tính trên phần giá trị tăng thêm của các hàng hóa, dịch vụ, hay sản phẩm phát sinh tại các giai đoạn trong quá trình SX-KD.

Thuế GTGT là sắc thuế quan trọng trong hệ thống thuế của Việt Nam, là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước (NSNN). Luật Thuế GTGT 2008 và các bổ sung, sửa đổi Luật Thuế thực hiện vào các năm 2013, 2014, 2016 đánh dấu bước ngoặt mới trong chính sách quản lý thuế ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, các quy định về thuế GTGT cũng bộc lộ một số bất cập cần được tháo gỡ. Mặc dù số thu lớn nhưng số hoàn thuế cũng lớn; trong khi quy trình hành thu thuế GTGT phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian, làm gia tăng nguy cơ rủi ro, sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách.

Bên cạnh đó, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số nhóm ngành hàng xuất khẩu có nguyên nhân chính xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan. Doanh nghiệp cũng phản ánh rằng, khi doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì bị xử lý nghiêm; nhưng doanh nghiệp bị nợ đọng vốn xây dựng cơ bản và bị giam tiền thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng gây thiệt hại lớn thì chẳng biết kêu ai… Đây cũng là vấn đề ngành Thuế cần chấn chỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế:

1. Số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và làm tăng giá bán ra, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng.

2. Việc áp dụng các mức thuế suất (hiện nay gồm 03 mức: 0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng chưa phù hợp. Đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông.

3. Đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT có mức từ 100 triệu đồng trở xuống/năm cần phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp mức biến động của giá và một số yếu tố khác cho phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội.

4. Cần thông nhất cách hiểu quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản  giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Đồng thời, quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách.

5. Nghiên cứu bổ sung quy định hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% mà đầu vào chủ yếu áp dụng thuế suất 10%; nghiên cứu sửa đổi quy định về hoàn thuế đối với dự án đầu tư để xử lý bất cập phát sinh trong thực tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Do vậy, cần thiết phải ban hành Luật Thuế GTGT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT và hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nhằm tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT.

Trên cơ sở thực trạng thực hiện thuế GTGT hiện nay, ngành Thuế cần thực hiện hai loại giải pháp: Một là giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong chính sách thuế GTGT; Hai là giải pháp nhằm chống các hành vi gian lận thuế GTGT.

Giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong chính sách thuế GTGT:

1. Cần sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng không chịu thuế (KCT) GTGT theo hướng đối với hàng hóa dịch vụ (HHDV) không nhập khẩu, trong nước tự sản xuất, cung ứng tiêu dùng thì duy trì KCT GTGT; đối với HHDV nhập khẩu nên chuyển sang mức thuế suất GTGT phù hợp. Thu hẹp đối tượng KCT và chịu thuế suất GTGT 5%, tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT. Ngưỡng doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng KCT GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh cần sửa đổi, bổ sung theo hướng không nên quy định cứng một ngưỡng doanh thu mà nên điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của từng giai đoạn.

2. Sửa đổi, bổ sung quy định thời gian tính tiền chậm nộp thuế theo hướng tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế (HSKT) đến ngày người nộp thuế (NNT) nộp số tiền nợ thuế, tiền thuế tăng thêm vào NSNN thay vì được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày tiền nợ thuế, tiền thuế tăng thêm đã nộp vào NSNN như hiện nay.

3. Cần có hướng dẫn cho NNT chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu, có dự án đầu tư mở rộng, mua lại tài sản, máy móc thiết bị của doanh nghiệp khác; đối tượng nộp thuế này đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư mở rộng, đã kê khai thuế GTGT đầu vào dự án đầu tư mở rộng trên tờ khai 02/GTGT nhưng chưa được hoàn thuế theo Thông tư số 130/2016/TT-BTC thực hiện các thủ tục để kết chuyển số thuế GTGT đầu vào này sang tờ khai 01/GTGT để tính phân bổ hoàn thuế GTGT đầu vào hàng xuất khẩu… Cần bỏ quy định hoàn thuế GTGT trường hợp NNT có thuế GTGT nộp thừa hoặc thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết khi chuyển đổi công ty TNHH thành cổ phần, cổ phần thành TNHH một thành viên, cổ phần thành TNHH hai thành viên trở lên để đồng bộ với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Giải pháp chống thất thu thuế GTGT:

1. Cần sửa đổi và ban hành luật, hướng dẫn cụ thể về hoàn thuế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả cao hơn trong thực thi. Xây dựng cho được đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ cao và có đạo đức. Ngoài ra, cần phối hợp với các cơ quan cảnh sát điều tra, công an, an ninh điều tra và các cấp ủy chính quyền tại địa phương để có thể thực hiện điều ra và chính thức khởi tố khi phát hiện hành vi gian lận trong hoàn thuế.

2.  Nâng mức phạt đối với hành vi vi phạm, gian lận tiền hoàn thuế. Mức phạt hiện nay vẫn còn nhẹ so với số tiền thuế đã chiếm đoạt nên chưa thể răn đe. Cần tăng mạnh về mức phạt tiền và thậm chí là phạt tù để hạn chế tối đa hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

3. Kiểm soát chặt chẽ những đối tượng nằm trong vùng nghi vấn bằng cách thúc đẩy và tăng cường lực lượng hải quan thuế nội địa giám sát, làm thủ tục giám sát và thanh toán tiền hàng xuất khẩu.

4. Tăng cường kiểm tra thuế GTGT đối với các đối tượng xuất khẩu qua lối mở biên giới đất liền hay cửa khẩu phụ.

5. Phát huy hết vai trò của công nghệ thông tin, tích cực đưa công nghệ thông tin vào khâu quản lý hoàn thuế. Nhanh chóng cho triển khai trên phạm vi toàn quốc hóa đơn điện tử, xây dựng dữ liệu lớn có cung cấp thông tin của người nộp thuế./.

ThS Nguyễn Khả Năng

...
  • Tags: