Chính sách xóa đói giảm nghèo – Thực trạng và giải pháp thúc đẩy xóa đói giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo bền vững luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển của LHQ...

Dù đã có những thành tựu nổi bật về giảm nghèo nhưng Việt Nam vẫn còn 800.000 hộ nghèo; khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng miền và nhóm dân cư vẫn tồn tại. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu lớn lao trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo bền vững.

Ảnh minh họa - TL

 

Từ chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”. Đồng thời đặt mục tiêu “Tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5% hằng nằm”. Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23 tháng 6 năm 2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Từ chủ trương đó, ngày 18/01/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Mục tiêu tổng quát của chính sách xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 là: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; phấn đấu 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.

Giai đoạn 2021-2025, bên cạnh hai chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện, Quốc hội đã phê duyệt với tổng kinh phí tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, kết cấu thành 2 dự án và 11 tiểu dự án để thực hiện nhiều mục tiêu, chỉ tiêu. Đây là chương trình đầu tiên trong 03 chương trình MTQG hoàn thành việc xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương; thực hiện việc lập, giao kế hoạch vốn của chương trình giai đoạn 2021 - 2025 và hàng năm theo quy định; rà soát, kiện toàn tổ chức làm công tác giảm nghèo các cấp theo hướng dẫn...

Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ cho người nghèo: đã ban hành các chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện. Đặc thù công tác giảm nghèo trước đây đã khó, giai đoạn này còn khó hơn, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước. Ngoài chiều về thu nhập còn phải giảm 6 chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản khác. Chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ "cho không" sang hỗ trợ có điều kiện. Trong khi đó, địa bàn, đối tượng thực hiện Chương trình lại tập trung vào vùng lõi nghèo, địa bàn khó khăn nhất của cả nước. Vì vậy, mục tiêu của giảm nghèo không đơn thuần là giảm nghèo về thu nhập, mà cao hơn, hoàn thiện hơn và bao trùm hơn.

Đến những thành tựu lớn lao trong xóa đói giảm nghèo 

Trong giai đoạn từ năm 1989 tới năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần. Trong vòng 2 thập kỷ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Và trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỉ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa. Đã có những chuyển biến rõ rệt trên khắp đất nước và trong cuộc sống người dân Việt Nam. Bên cạnh đó,  nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong thời gian qua, nhận thức của người nghèo dần thay đổi, cơ bản không còn ỷ lại, có nhiều tấm gương, điển hình thoát nghèo, tình nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo…

Đến nay, Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều về việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin) dựa trên cách tiếp cận đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đặc biệt là quyền được đảm bảo an sinh xã hội của công dân theo Hiến pháp năm 2013 và các luật về việc làm, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, trẻ em, bảo hiểm y tế, nhà ở, thông tin,...; hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần, được đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản; nâng cao năng lực và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nếu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 4,03%, giảm 1,17%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 21,02%, giảm 4,89%; tỷ lệ hộ nghèo 74 huyện nghèo là 38,62%; 01 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và đạt tiêu chí được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; thì năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%, giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%; dự kiến có thêm 09 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo…

Chương trình giảm nghèo của Việt Nam từ nhiều năm qua được các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận là điểm sáng và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford công bố ngày 15/7/2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm. Trước đó, ngày 28/4/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có Báo cáo mang tựa đề “Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp - Đánh giá thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022”. Theo đó, WB nhận định “Những tiến bộ mà Việt Nam đạt được trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975 tới nay gần như không có tiền lệ…”.

Mặc dù vậy, tại diễn đàn Liên hợp quốc ngày 07/5/2024 mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt vẫn khẳng định: “Việc đạt được các thành tựu trên không có nghĩa là Việt Nam sẽ ngừng nỗ lực trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, vì chúng tôi vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật về giảm nghèo nhưng Việt Nam vẫn còn 800.000 hộ nghèo. Khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng miền và nhóm dân cư vẫn tồn tại. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao”.

Một số giải pháp cụ thể tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo

Việc thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã được gần 3 năm, trong thực tế vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ vốn thực hiện Chương trình còn chậm so với yêu cầu; huy động nguồn lực xã hội hoá cho công tác giảm nghèo còn hạn chế; một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải; cán bộ làm công tác giảm nghèo từ trung ương tới địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành còn hạn chế; công tác truyền thông vẫn còn một số nơi thực hiện chưa thực sự hiệu quả, chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện, đặc thù vùng miền; kết quả giảm nghèo tuy đạt mục tiêu nhưng chưa bền vững; một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…

Sau đây là một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững giai đoạn hiện nay:

Một là, các cấp ủy Đảng và chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Trọng tâm là triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Hai là, chú trọng việc đổi mới mô hình tăng trưởng, định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chú trọng mở rộng đầu tư và chuyển các ngành công nghiệp như chế biến nông, thủy sản, lâm sản về các vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, khu vực biên giới, hải đảo để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, thu hút lao động, tạo việc làm, thu nhập cho lực lượng lao động ở đó, với đối tượng chính là người nghèo trong khu vực; cần gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về công tác xóa nghèo. Phổ biến, hướng dẫn về các dịch vụ xã hội cơ bản và các chế độ, chính sách của Nhà nước tới người nghèo, truyền tải chủ trương hỗ trợ có điều kiện của Nhà nước để người nghèo không phó thác số phận cho xã hội và có ý chí, nghị lực vươn lên. Ngoài ra, cần cho họ biết về các điều kiện được hỗ trợ vay vốn và sử dụng vốn đúng mục đíchcùng các chương trình tín dụng ưu đãi, các khóa học nghề, dạy nghề, xuất khẩu lao động.

Bốn là, các đoàn thể chính trị - xã hội mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được và khắc phục những điểm còn hạn chế; cần tích cực chủ động tham gia, năng động sáng tạo trong việc thực hiện chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”. Tích cực phát động các phong trào, hoạt động vì người nghèo thường xuyên, rộng rãi nhằm thu hút sự tham gia tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân và các địa phương trên toàn quốc, cùng với đó tranh thủ sự ủng hộ, các nguồn lực của kiều bào ta ở nước ngoài và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Kịp thời có hình thức biểu dương, tôn vinh những tấm lòng nhân ái, hảo tâm, nhân rộng những tấm gương tốt về công tác xóa đói giảm nghèo bền vững./.

Ths. Phùng Văn Quân

 

...
  • Tags: