Nông nghiệp Việt Nam với thành phần chủ yếu là kinh tế hộ nhỏ lẻ, có xuất phát điểm thấp về trình độ công nghệ so với các lĩnh vực kinh tế khác ở nước ta và so với nông nghiệp các nước tiên tiến. Tuy nhiên, chuyển đổi số (CĐS) nói chung và trong nông nghiệp, nông thôn (NNNT) nói riêng lại là cuộc chơi công bằng với các chủ thể tham gia. Do vậy, nếu lựa chọn được cách tiếp cận đúng, có bước đi phù hợp và được hỗ trợ thỏa đáng từ chính sách của Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp số, NNNT nước ta sẽ có những chuyển biến nhanh, toàn diện trong 10 năm tới.
Thách thức và cơ hội CĐS trong nông nghiệp
Thách thức CĐS của khu vực phát triển thấp
NNNT vẫn được coi là khu vực phát triển thấp, đang trong thời kỳ chuyển đổi, 10 năm tới buộc phải bứt phá để thoát khỏi bẫy trung bình, chuyển sang thời kỳ phát triển mới trong công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước. Đó là quá trình chuyển đổi có nhiều thách thức chưa từng trải qua, phát sinh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với trào lưu CĐS đang diễn ra. Tham gia CĐS chính là nhu cầu cấp thiết của NNNT để có được chuyển đổi nhanh hơn. Việc bỏ lỡ cơ hội CĐS trong NNNT sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của đất nước. Dù tỷ trọng GDP nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế quốc gia có giảm đi hơn nữa, thì NNNT vẫn giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, là bệ đỡ quan trọng cho an ninh, an sinh, an dân của đất nước. Một trụ cột như thế cần phải có chiến lược phát triển bứt phá theo cách tiếp cận mới của CĐS.
“Cuộc chơi” CĐS có tính tuần tự, diễn ra trong một thời gian dài, nhưng cơ hội chiến thắng lại không kéo dài cho những ai chậm chân, đặc biệt là khu vực có trình độ phát triển thấp. CĐS hiện nay không đơn giản chỉ là số hóa (biến đổi dữ liệu trên giấy thành dữ liệu mềm, số hóa quy trình cũ), mà nó yêu cầu phải ứng dụng công nghệ số tạo ra những phương thức làm việc mới, mở ra thời kỳ phát triển “Thông minh hóa”, cao hơn hẳn các thời kỳ “Cơ khí hóa”, “Điện khí hóa”, “Tự động hóa” trước đây. Đối với NNNT đó là bậc thang chuyển đổi rất cao, vượt qua được là thách thức rất lớn.
Cơ hội CĐS dành cho nông nghiệp
Với CĐS, mọi mặt của hoạt động kinh tế - xã hội sẽ thay đổi, từ nhận thức, quan niệm, cách tiếp cận, đến nguyên tắc thiết kế, vận động của các quá trình… Nó đòi hỏi mọi chủ thể phải chuyển đổi căn bản để phù hợp với mục tiêu ứng dụng công nghệ số. Đa số các doanh nghiệp lớn đang phát triển ổn định thường lúng túng, không quyết liệt vứt bỏ cái cũ để thay đổi toàn diện. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ, ít vốn, lại có lợi thế CĐS nhanh hơn. Chính đặc điểm đó đã tạo ra cơ hội bình đẳng cho các khu vực phát triển thấp và NNNT có đủ tự tin để tham gia cuộc chơi. Sự tự tin ấy được khẳng định từ kinh nghiệm đi đầu đổi mới đất nước. Năm 1981 chính nông nghiệp là khu vực tiên phong đổi mới, thực hiện thí điểm cơ chế khoán sản phẩm đến người lao động theo Chỉ thị 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư. Thành công này tạo đà đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986. CĐS bây giờ đang làm thay đổi câu chuyện phát triển, thay vì “cá lớn nuốt cá bé”, thành “cá nhanh nuốt cá chậm”. NNNT có cơ hội thoát khỏi phận “cá bé” để làm “cá nhanh”.
Thực hiện CĐS, NNNT có cơ hội thoát khỏi khu vực phát triển thấp
Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nông nghiệp
Thành tựu ban đầu
Mấy năm qua, ngành nông nghiệp và một số địa phương đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp và quản trị nông thôn. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), một số đơn vị đã sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy suất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn. Trong lâm nghiệp ứng dụng công nghệ DND mã mạch để quản lý giống và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, mất rừng, suy thoái rừng. Trong thủy sản ứng dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo dòng chảy, điện thoại vệ tinh, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Một số doanh nghiệp lớn (VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, NAFOOD, DABACO…) đã áp dụng công nghệ cao, CNTT vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.
Đối với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, theo báo cáo năm 2017 của Cục Kinh tế hợp tác, có 199/12.600 HTX nông nghiệp (chiếm 1,5%) ứng dụng công nghệ cao có sử dụng CNTT. Trong đó, 164 HTX áp dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, bảo quản, 17 HTX áp dụng công nghệ tự động hoá tưới tiêu, 17 HTX áp dụng công nghệ sinh học, 1 HTX ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật tư nông nghiệp. Ở địa phương, Lâm Đồng được đánh giá là một trong những tỉnh đạt khá nhiều thành tựu trong bước đầu CĐS nông nghiệp khi có tới 25/52 doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng giải pháp IoT…
Bên cạnh đó, nhiều vùng nông thôn đã ứng dụng CNTT một cách đơn giản, như lắp đặt hệ thống camera an ninh thay cho đội ngũ dân quân tự quản đi tuần, giúp giảm rõ rệt mức độ vi phạm pháp luật. Một số xã nông thôn mới tiêu biểu đã ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát điều hành việc công...
Hạn chế
Thoạt nhìn, các điểm sáng ứng dụng CNTT trong NNNT nêu trên gây ấn tượng tốt. Nhưng thực tế đó vẫn là kết quả thực hành còn rời rạc, chủ yếu theo sáng kiến riêng lẻ của một số ít doanh nghiệp, địa phương và dường như vẫn làm theo tư duy cũ, chưa có chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của CĐS. Một cách khái quát, các bước đi ban đầu đó chưa dựa trên 4 nền tảng chính của CĐS là nhận thức, nền tảng công nghệ, hạ tầng dữ liệu và nguồn nhân lực.
Phần lớn các ứng dụng CNTT được trang bị cho một số cơ sở hiện nay chưa thể phát huy tác dụng của nó như yêu cầu của CĐS (thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logicstic, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng; chưa tạo ra nền tảng kết nối để Chính phủ nắm bắt tình hình, điều hành ngành nông nghiệp của đất nước).
Các kết quả ban đầu còn cách xa mục tiêu của nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh, chính xác, mà nó đòi hỏi sự kết hợp các cảm biến, robot, GPS, công cụ lập bản đồ và phần mềm phân tích dữ liệu để điều chỉnh chính xác quá trình tác động của máy móc, cải thiện quản lý thời gian, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước và các chế phẩm cần thiết, đảm bảo sức khỏe tốt hơn, năng suất cao hơn, sự phát triển tối ưu hơn của các loại cây trồng, vật nuôi, gia tăng lợi nhuận, sử dụng tiết kiệm, hợp lý và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường…
Theo báo cáo của Công ty Forrester, ở Việt Nam mới chỉ có 11% doanh nghiệp CĐS thành công, 89% còn lại bị lạc lối. Bốn lý do chính là nhận thức sai lầm, không gắn kết được lợi ích của CĐS với mục tiêu kinh doanh, thiếu nguồn lực cần thiết và thiếu hệ sinh thái số thuận lợi. Hiện nay, giới khoa học và công nghệ rất quan tâm triển khai các đề tài nghiên cứu phục vụ CĐS trong NNNT (như trong Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020); cộng đồng doanh nghiệp số nước ta cũng đang phát triển nhanh, là hậu thuẫn và sức kéo cho CĐS trong NNNT.
CĐS nông nghiệp: những giải pháp chủ yếu
CĐS trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, trên từng thước đất, chứ không chỉ là công việc của doanh nghiệp vì kinh tế hộ chiếm tới 99,89% tổng số các chủ thể sản xuất mới là phần làm nên nền tảng của kinh tế nông nghiệp. Họ buộc phải tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy để lựa chọn bước đi phù hợp, thực hiện tiến trình ứng dụng công nghệ số vừa có tính tự nguyện, vừa bắt buộc. Bởi triết lý thành công của CĐS là phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm, nên cách tiếp cận cùng nhau là bắt buộc đối với CĐS trong nông nghiệp. Nó phải dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số.
Không thể có doanh nghiệp CĐS thành công nếu không có nông dân số. Các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết số phải thực hiện vai trò đầu tàu, là người đặt hàng thiết lập các ứng dụng số (apps) cần thiết cho chuỗi của mình, tạo lập các hợp đồng kinh tế thông minh, bền vững với nông dân, thay đổi nhận thức nông dân, đưa họ cùng tham gia CĐS. Phải có hai doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi liên kết số, bên cạnh doanh nghiệp nông nghiệp phải có doanh nghiệp công nghệ số (đơn vị cung cấp công nghệ số và tư vấn CĐS). Tương tự như vậy là câu chuyện CĐS trong các HTX. Tất cả các chủ thể doanh nghiệp, HTX, nông dân phải CĐS cùng nhau, liên kết, hỗ trợ nhau.
Tuy nhiên, bước đi CĐS trong nông nghiệp cần thận trọng. CĐS không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “phá hủy” nhiều cái cũ. Vì thế, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, CĐS nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “tham lam” để rồi quá tải và lạc hướng.
Hiện nay chúng ta hay nói đến nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp kết nối, nông nghiệp bền vững…, đó là cách gọi đa dạng của nông nghiệp CĐS theo các góc nhìn từ những công nghệ hàng đầu hiện nay, được tích hợp trong nông nghiệp số. Việc lựa chọn thứ tự ứng dụng các CNTT nêu trên cho phù hợp với khả năng thực tế ở từng giai đoạn phát triển là sự sáng tạo trong CĐS của nông nghiệp nước ta, mà các nhà khoa học trong ngành, doanh nghiệp đầu tàu cần dày công nghiên cứu, bởi không ai hiểu về ngành và nhu cầu CĐS của ngành hơn họ.
Nếu như đối với cả nước, CĐS được thực hiện trên 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, thì ở khu vực nông thôn, nông nghiệp số không thể đơn độc mà không có cộng đồng nông thôn số, chính quyền nông thôn số các cấp. Vì thế, các đòn bẩy thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp cần tạo ra sự chuyển đổi đồng bộ của 2 trụ cột đó.
Trước hết, cán bộ trong hệ thống chính quyền, người dân nông thôn phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong CĐS, yêu cầu, mục tiêu và lộ trình CĐS nông thôn, từ đó thay đổi tư duy trong mọi việc. Không thể CĐS thành công ở Việt Nam nếu không có nông thôn số, nông dân số. Để Việt Nam lọt vào Top 50 trên thế giới vào năm 2025, Top 30 năm 2030 về hạ tầng số quốc gia, thì mỗi người dân, gia đình nông thôn có trách nhiệm trang bị cho mình thiết bị di động tham gia CĐS, như điện thoại thông minh, kết nối internet cáp quang tốc độ cao... Người dân cùng với Nhà nước phải xây dựng để nông thôn có hạ tầng số phát triển đến từng nhà, từng người. Nhà nước cần xây dựng các nền tảng (platforms) của Việt Nam để lưu trữ tài nguyên dữ liệu trong nước; triển khai định danh số (eID) cần phải đi trước và đi nhanh, để thúc đẩy CĐS ở nông thôn và cả nước.
Chính quyền các cấp có hai trọng trách: 1) Đi đầu CĐS để trở thành chính quyền số, khẩn trương thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong mọi công việc và cung cấp dịch vụ mới cho người dân; 2) Dẫn dắt CĐS ở nông thôn, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy CĐS cho người dân; chăm lo xây dựng hạ tầng số, thu hút doanh nghiệp đầu tư CĐS ở địa phương…
Bộ NN&PTNT có vai trò, trách nhiệm đi trước và dẫn dắt CĐS trong ngành, phải là Bộ trọng tâm, thực hiện CĐS sớm. Đồng thời, cần sớm vạch chương trình, “kịch bản” và kế hoạch đầu tư cho lộ trình CĐS của ngành. Yếu tố tiên quyết đem lại thành công ở đây chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của Bộ và các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành. Bộ cần tập trung và lồng ghép nguồn lực, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp cấp thiết, thực hiện các nhiệm vụ CĐS theo thẩm quyền được giao, như (i) Đổi mới quản lý ngành theo hướng hiện đại, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất, gắn với đẩy mạnh thực hiện CĐS, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; (ii) Giúp Chính phủ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; (iii) Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế NNNT…
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần tham gia xây dựng Big data cho phát triển NNNT, cần có tổ chức tư vấn số đủ mạnh. CĐS trong nông nghiệp (và nông thôn) cần có trọng tâm, trọng điểm, có mô hình thí điểm để dẫn dắt, nhân rộng. Bộ cần tập trung chỉ đạo, dẫn dắt CĐS ngành bằng cách tạo lập 3 chân kiềng của CĐS nông nghiệp là nền tảng số, hạ tầng số, chính sách số, hỗ trợ các chủ thể nông nghiệp có đủ nguồn lực để phát triển công nghệ sản xuất, ứng dụng 10 loại công nghệ hàng đầu của nông nghiệp chính xác; phát triển “nguồn nhân lực số”, xây dựng “văn hóa CĐS”... Đồng thời, chính sách số phải hỗ trợ cho liên kết với cộng đồng doanh nghiệp số.
Để dẫn dắt CĐS trong ngành, Bộ NN&PTNT trước hết phải tạo ra quyết tâm của Lãnh đạo và cách thức CĐS phù hợp. Đồng thời phải tạo ra và lan tỏa đến toàn ngành khát vọng đổi mới, bởi đó là khởi đầu của mọi thành công.
TSKH Bạch Quốc Khang - Chuyên gia KH&CN Bộ NN&PTNT