1.Dẫn Nhập
Tin đồn là một hiện tượng tâm lý xã hội phổ biến tồn tại trong tất cả các xã hội loài người. Trong những điều kiện thiếu thông tin, hay khi các chiến dịch truyền thông của các cơ quan công quyền thất bại, tin đồn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và lan truyền một cách nhanh chóng. Các tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều người dân khiến cho lao động bị đình trệ, hoạt động của các cơ quan công quyền đôi khi bị tắc nghẽn. Những tác động tiêu cực của tin đồn đến cuộc sống của người dân cũng như sự ổn định, phát triển của xã hội là rất nghiêm trọng đặc biệt trong bối cảnh khi có khủng hoảng, xung đột, thảm họa xảy ra. Thực tế này đặt ra nhu cầu phải có các nghiên cứu để tìm ra quy luật và tính quy luật của cơ chế hình thành và lan tỏa tin đồn nhằm đề xuất giải pháp phòng ngừa, hạn chế sự lây lan, phát triển của tin đồn độc hại góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định của đất nước. Nắm bắt được các quy luật của tin đồn sẽ góp phần quan trọng trong việc tìm ra các phương pháp tiếp cận khoa học trong đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch, phần tử bất mãn chính trị và qua đó góp phần định hướng dư luận, khẳng định sự đúng đắn đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bài viết vận dụng lý thuyết của Allpost và Postman vào phân tích cơ chế hình thành và lan tỏa tin đồn nhằm đề xuất giải pháp hạn chế những tin đồn thất thiệt cũng như hạn chế tác động tiêu cực do tin đồn gây ra.
Ảnh minh họa
2. Sự hình thành và lan tỏa các tin đồn có mục đích chống phá Đảng và Nhà nước từ tiếp cận lý thuyết Allport và Postm
Dưới phương diện học thuật, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tin đồn và thường có điểm thống nhất chung tin đồn là những thông tin chưa được xác minh (thiếu bằng chứng) hoặc lời giải thích về các sự kiện xã hội và lan truyền qua kênh cá nhân liên quan đến những vấn đề mà công chúng quan tâm. Còn theo Allport và Postman tin đồn là một giả thuyết mang tính đặc thù hoặc thời sự, được sản sinh để giải thích cho một niềm tin nào đó.[1] Peterson, Gist lại cho rằng tin đồn là một cách giải thích cho một sự việc đang diễn ra tại thời điểm lan truyền tin đồn, mà lời giải thích này chưa được xác thực.[2] DiFonzo, Bordia và nhiều học giả khác cho rằng tin đồn, khác với thông tin chính thống của chính phủ và truyền thông ở chỗ đó là những thông tin không được xác thực bởi cơ quan có thẩm quyền, chứ không phải ở việc nó có thể sai sự thật.[3] Các nhà tâm lý học giải thích tin đồn là sản phẩm được ra đời để giải đáp các thắc mắc của con người về những vấn đề xảy ra trong môi trường sống của họ, đồng thời giải thích tại sao con người lại luôn tin vào số đông[4]. Qua sự phân tích trên cho thấy dù có nhiều định nghĩa khác nhau các định nghĩa đều gặp nhau ở một điểm chung nhất đó là tin đồn là thông tin chưa được xác thực, phản ánh cách con người phỏng đoán hoặc hồ nghi về những vấn đề xảy ra xung quanh cuộc sống của họ.
Allport, Leo Postman là người đầu tiên phân tích cách thức truyền tải tin đồn theo quy luật cường điệu hóa, rút bớt chi tiết và đồng hóa. Theo Allport và Postman (1947) có ba quy luật chính trong truyền tải tin đồn đó là: 1) Trao đổi lại có nhấn mạnh thêm độ nghiêm trọng của thông tin (cường điệu hóa - sharpening); 2) Giản lược chi tiết (rút bớt chi tiết - leveling) và 3) Trao đổi lại thông tin theo nhận định bản thân (đồng hóa - assimilation).[5] Tiếp cận của Allport-Postman khác với những tiếp cận khác đề cập đến tin đồn như một hình thức dư luận xã hội và đề cập đến dư luận xã hội như một quá trình tập thể phức tạp. Họ giả định rằng bối cảnh xã hội nơi những tin đồn xảy ra có thể được biến thành một chuỗi các đối tượng; bằng cách ngầm định, sự lan truyền rộng rãi của tin đồn không gì khác ngoài việc bổ sung những chuỗi đó; và rằng tin đồn có thể được giải thích, ít nhất một phần nào đó, bằng cách tham chiếu các cơ chế tâm lý thống nhất và phổ biến như “quá trình tiết kiệm bộ nhớ”[6]. Ngoài ra, có lẽ còn quan trọng hơn, Allport và Postman đã tiến hành giả định rằng tin đồn về cơ bản là kết quả của việc bóp méo thông tin trong nhận thức và trong giao tiếp bằng lời nói đơn phương. Vì vậy, trong quá trình thí nghiệm của họ, họ đã hoàn toàn bác bỏ những thay đổi về mặt ý nghĩa và động cơ, những thay đổi xảy ra trong quá trình thảo luận phi chính thức. Họ cũng bỏ qua khả năng cùng một cá nhân lan truyền tin đồn đến một loạt những người khác có thể kể các phiên bản khác nhau cho mỗi người. Đó không phải là do trí nhớ của người ấy mà là do mối quan hệ của họ với những người nghe.
Quá trình nghiên cứu và tìm hiểu phân tích các tin đồn có mục đích tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta được lan truyền trong cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thống cá nhân như facebook, zalo hay các trang thông tin điện tử, đặc điểm chung dễ dàng nhận thấy: hầu hết các tin đồn dạng này đều được hình thành và lan tỏa theo các quy luật hình thành và lan tỏa tin đồn mà Allport, Leo Postman đã chỉ ra đồng thời có thêm một số dạng thức biến đổi khác mà Postman chưa đề cập tới. Theo đó quá trình hình thành, lan tỏa các tin đồn có mục đích tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta hầu hết diễn ra theo những quy luật sau:
Một là, hình thành và lan tỏa tin đồn theo quy luật cường điệu hóa
Qui luật cường điệu hóa thường được thực hiện nhằm nhấn mạnh và làm nổi bật những thông tin chi tiết trong thông điệp mà người truyền tin đồn muốn gửi đi. Quy luật này thường được kết hợp với việc rút bớt thông tin và chỉ tập trung vào một số chi tiết người truyền tải chủ ý tập trung nhấn mạnh theo cách thức bù trừ. Theo cách này các tin đồn sẽ đi chệch với sự thật ban đầu và trở thành những thông tin phức hợp bởi hình thức biến tấu, bóp méo hay tiêu chuẩn hóa sự kiện theo chủ ý người đưa tin.
Chẳng hạn ở Việt Nam những năm qua có khá nhiều tin đồn sai sự thật về việc Đảng và Nhà nước ta ngăn cản thực hiện quyền tự do tôn giáo của người dân. Quy luật cường điệu hóa thường được sử dụng để đưa thông tin sai sự thật về các sự kiện liên quan đến việc các cơ quan công quyền ngăn cản việc thực hành nghi lễ tôn giáo của người dân. Theo đó các tin đồn thường được lan truyền theo quy luật rút bớt những thông tin thể hiện đó là hành vi vi phạm pháp luật trong khi đó lại nhấn mạnh vào hoạt động thực thi công vụ của cơ quan công quyền cho đó là hành vi đàn áp, ngăn cản hoạt động tự do tín ngưỡng tôn giáo của giáo dân.
Như vậy, nhờ quá trình cường điệu hóa, nhấn mạnh vào một số chi tiết thông qua việc sử dụng ngôn ngữ được nhấn mạnh hay sử dụng các biện pháp gạch dưới cụm từ, chèn thêm hình ảnh minh họa thu hút sự chú ý và tăng cường mức độ tin cậy cho thông tin, các tin đồn được hình thành và truyền tải theo cách thức này sẽ bị bóp méo theo hướng số lượng hơn là chất lượng, giúp phóng đại thông tin ban đầu gây ra những hiểu lầm nhất định cho người nhận tin và làm hoang mang dư luận hướng đến động cơ, mục tiêu làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Hai là, hình thành và lan tỏa tin đồn theo quy luật thêm thông tin hoặc rút bớt chi tiết
Bên cạnh quy luật cường điệu hóa, các tin đồn thường được lan truyền theo quy luật thêm thông tin hoặc rút bớt chi tiết. Việc rút ngắn chi tiết trong truyền tải tin đồn thường liên quan đến xu hướng loại bỏ hoặc bỏ qua một số chi tiết, thậm chí là những chi tiết cốt lõi cần thiết để hiểu được ý nghĩa thật sự của thông điệp. Do quá trình lưu giữ và khả năng ghi nhớ thông tin của con người là có hạn nên người truyền tin thường sử dụng thủ thuật rút gọn một số chi tiết, thông tin nào đó để người nhận tin dễ ghi nhớ. Các tin đồn có mục đích tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta cũng thường được hình thành theo quy luật này. Thủ thuật tinh vi rút gọn thường được sử dụng khi mô tả lại hoạt động thực thi công vụ của cơ quan công quyền trong việc trấn áp hay giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó các thông tin bị rút gọn là những thông tin liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức và các thế lực này chỉ đưa thông tin về việc cơ quan công quyền xử lý hành vi và nhấn mạnh hay them, tô vẻ, phóng đại tình tiết mới, nội dung mới coi đó là việc trấn áp của cơ quan công quyền với việc thực hiện quyền tự do cơ bản của người dân hay coi đó là việc đàn áp các nhóm thường gắn liền với dân tộc hoặc tôn giáo.
Bên cạnh việc rút bớt chi tiết, qui luật thêm thắt thường được thực hiện nhằm bổ sung nội dung tin đồn theo dạng vật chất mới bằng cách thêm chi tiết thông tin. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là quy luật thêm thắt hay “sự gia tăng nhanh chóng”[7], “sáng tạo và giải thích thêm”[8] hay "bịa đặt"[9]. Hầu hết các tin đồn được lan truyền trên các kênh truyền miệng, trên nền tảng truyền thông xã hội, các trang mạng cá nhân như facebook, zalo hay các trang thông tin điện tử, trong các bản tin phát thanh của Đài tự do Châu Á đều sử dụng thủ thuật thêm thông tin và nội dung theo chủ ý người đưa tin. Các nội dung thường được bịa đặt thêm vào đó với mục đích chống phá, bôi nhọ các quan điểm đúng đắn của chủ trương chính sách của Đảng là Nhà nước là: hoạt động đàn áp, kỳ thị dân tộc tôn giáo; các tin đồn sai sự thật liên quan đến công tác cán bộ; công tác nhân sự…
Ba là hình thành và lan tỏa tin đồn theo quy luật đồng hóa
Qui luật đồng hóa thường đi liền với qui luật rút bớt chi tiết hay thêm thắt thông tin và cường điệu hóa nhằm hợp lý hóa thông tin. Công chúng thường có xu hướng đưa ra những bằng chứng phù hợp nhằm cường điệu hóa hay thay đổi thông tin theo hướng có ý nghĩa hơn đối với người truyền tải và đáng tin hơn với người tiếp nhận vì vậy quy luật đồng hóa thường được sử dụng giúp cho tin đồn trởnên mạch lạc và đáng tin hơn. Có thể nhận thấy, đồng hóa là mô hình ở mức toàn diện và cao hơn về sự thay đổi nội dung thông tin dẫn đến việc hình thành và lan tỏa tin đồn một cách rộng rãi, nhanh chóng. Chính vì những ưu điểm của đồng hóa mà các đối tượng đã triệt để vận dụng quy luật này trong phát triển và lan tỏa tin đồn nhằm phục vụ cho mục đích chống phá Đảng và và Nước.
3. Những khuyến nghị chính sách nhằm kiểm soát hạn chế các tác động tiêu cực do những tin đồn gây hậu quả xấu, độc.
Các tin đồn có mục đích tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước vẫn hàng ngày hàng giờ được hình thành và truyền tải trên các loại hình truyền thông khác nhau Đó là những tin bôi đen hiện thực đất nước, phóng đại và những tiêu cực trong xã hội; bóp méo các chủ trương, chính sách, pháp luật của các thế lực thù địch đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong các bối cảnh như: Đại hội Đảng toàn quốc, Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp... Hầu hất các tin đồn dạng này đều hình thành và phát triển dựa trên ba quy luật lan tỏa tin đồn mà Gordon Allport và Leo Postman đã đề cập. Tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh rằng các quy luật cường điệu, rút bớt, thêm thắt hay đồng hóa thông tin không diễn ra riêng lẻ mà có sự đan xen kết hợp bổ trợ cho nhau. Do đó, để kiểm soát hạn chế tác hại tiêu cực do tin đồn thất thiệt gây ra cần có sự chung sức của các cơ quan có thẩm quyền, các kênh truyền thông và sự chung sức nỗ lực của từng người dân. Theo đó mỗi nhóm chủ thể cần thực hiện tốt các giải pháp như sau.
Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý nhà nước các cấp
Allport và Postman đã chỉ cho chúng ta thấy rằng hai nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quy mô và tốc độ lan truyền tin đồn đó là tầm quan trọng của thông tin và sự mơ hồ của dòng tin. Theo đó số lượng tin đồn lưu hành sẽ tỷ lệ thuận với tầm quan trọng và mức độ mơ hồ của dòng tin. Từ phân tích xã hội học sẽ cho thấy hai biến số này liên hệ với nhau theo công thức: T = Q x M trong đó (T) là số lượng và cường độ của tin đồn; Q là tầm quan trọng của tin đồn đối với công chúng và M là sự mơ hồ của các dữ kiện/bằng chứng liên quan tới tin đồn[10] Theo quy luật này chúng ta thấy rằng các cơ quan quản lý nhà nước khi muốn hạn chế sự xuất hiện và lan truyền tin đồn thất thiệt nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước cần thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, minh bạch một cách kịp thời nhất. Nhà nước cần thiết lập các trang và kênh cung cấp một cách đầy đủ, chi tiết và minh bạch về mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Mọi hoạt động thực thi công vụ của các cơ quan công quyền cần phải được công khai, minh bạch, các thông tin cần được cung cấp giải trình đầy đủ và thỏa đáng khi có yêu cầu của người dân. Chủ động cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời và đầy đủ để loại bỏ tin đồn thất thiệt, xấu độc và từ đó định hướng, hình thành dư luận xã hội theo chiều đúng đắn, tích cực. Trong trường hợp khi các tin đồn thất thiệt xuất hiện và lan truyền trong cộng đồng, trên các phương tiện truyền thông liên cá nhân, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng phân loại tin đồn. Trong trường hợp đó chỉ là các thông tin rải rác chưa được lan truyền rộng rãi và không có tính chất nghiên trọng, với loại tin này không nhất thiết phải tiến hành các biện pháp xử lý. Các tin đồn nếu không liên quan đến số đông, không được chia sẻ rộng rãi theo quy luật truyền tinh nó sẽ tự triệt tiêu. Với các tin đồn về những vấn đề nhạy cảm, được nhiều người quan tâm chia sẻ cần nhanh chóng có phát ngôn chính thống nhằm công khai minh bạch thông tin để bác bỏ tin đồn thất thiệt. Trong trường hợp này các cơ quan công quyền cần nhanh chóng gửi thông cáo báo chí, họp báo, cung cấp bằng chứng thuyết phục trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm bác bỏ thông tin đồng thời phối hợp các cơ quan điều tra để yêu cầu gỡ bỏ nội dung thông tin sai trái và tiến hành xử phạt với các đối tượng đưa tin đồn thất thiệt.
Đối với các kênh truyền thông: Các kênh truyền thông đại chúng, truyền thông liên cá nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình truyền tải các thông tin. Do vậy các kênh truyền thông cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền đề đưa các thông tin chính thống nhằm cung cấp thông tin cho người dân đồng thời góp phần định hướng thông tin hạn chế việc các cá nhân do thiếu thông tin mà tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các thông tin không chính thống dẫn đến sự phát tán tin đồn độc hại. Vạch rõ âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, của các đối tượng xấu trên mạng internet và mạng xã hội tung tin đồn thất thiệt; những nội dung thường bị lợi dụng xuyên tạc, cũng như mức độ nguy hại, ảnh hưởng của các thông tin xấu, độc này.
Đối với mỗi người dân: Cần cẩn trọng và trách nhiệm cao trong việc tìm kiếm, chia sẻ và bình luận các thông tin không chính thống được lan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng mà độ kiểm chứng thông tin không cao như: mạng xã hội Facebook, các trang mạng hay các phương tiện truyền thông, truyền thanh trực tuyến không chính thống. Người tiếp nhận tin đồn cần trang bị cho mình năng lực tư duy, phản biện cũng như không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm qua thời gian để phân biệt được thông tin đúng/sai. Có thể thấy, kỹ năng tư duy độc lập, phân tích vấn đề đóng vai trò rất quan trọng trong thời đại khi mà các thông tin được lan truyền một cách rộng rãi và phổ biến. Do vậy cần thận trọng khi tiếp nhận thông tin từ internet hay trang truyền thông liên cá nhân như facebook, Zalo. Cần thông thái và kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, bình luận.
Đặng Thị Ánh Tuyết, Vụ Quản lý khoa học
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tài liệu trích dẫn
- Allport G.W, Postman L. 1947. The Psychology of Rumor, H. Holt and Company
- DiFonzo, Nicholas, and Prashant Bordia. 2000. “How Top PR Professionals Handle Hearsay: Corporate Rumors, Their Effects, and Strategies to Manage Them”, Public Relations Review 26(2), pp. 173-190
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 2018. Giáo trình cao cấp lý lận chính trị –Xã hội học trong lãnh đạo quản lý. Nhà xuất bản Lý luận chính trị.
- Peterson, W. A., & Gist, N. P.1951. “Rumor and public opinion”,American Journal of Sociology 57(2), pp. 159-167
- Oyewo. 2009. “Rumour: An alternative means of communication in a developing nation: The Nigerian example”,International Journal of African & African-American Studies6(1).p.1-15
- Rosnow, R. L.1991. “Inside rumor: A personal journey”, American Psychologist 46(5), pp. 484
- Shibutani, T. 1966. Improvised news, Ardent Media
- Sinha, D. 1952. “Behaviour in a catastrophic situation: A psychological study of reports and rumours”, British Journal of Psychology. General Section43(3), pp. 200-209
- UBND thành phố Cần Thơ – Ban chỉ đạo về nhân quyền. 2014. Tài liệu hội nghị tập huấn công tác nhân quyền.
[1]Allport G.W., Postman L. 1947. The Psychology of Rumor, H. Holt and Company. P.3
[2]Peterson, W. A., & Gist, N. P. (1951), “Rumor and public opinion”,American Journal of Sociology 57(2), pp. 159-167
[3]DiFonzo, Nicholas, and Prashant Bordia (2000), “How Top PR Professionals Handle Hearsay: Corporate Rumors, Their Effects, and Strategies to Manage Them”, Public Relations Review 26(2), pp. 173-190
[4]Oyewo. 2009. “Rumour: An alternative means of communication in a developing nation: The Nigerian example”,International Journal of African & African-American Studies6(1), p.1-15
[5]Allport G.W., Postman L. 1947.The Psychology of Rumor, H. Holt and Company, p.152
[6] Phan Tân – Tin đồn và dư luận trong http://phan-tan.blogspot.com/2015/07/tin-on-va-du-luan-xa-hoi.html
[7]Rosnow, R. L. 1991. “Inside rumor: A personal journey”, American Psychologist 46(5), pp. 484
[8]Allport G.W., Postman L. 1947.The Psychology of Rumor, H. Holt and Company, p
[9]Sinha, D. 1952.“Behaviour in a catastrophic situation: A psychological study of reports and rumours”, British Journal of Psychology. General Section43(3), pp. 200-209
[10]Allport G.W, Postman L. 1947.The Psychology of Rumor, H. Holt and Company, p.33