Cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 02/2025/QĐ-TTg về cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Quyết định số 02/2025/QĐ-TTg quy định về cơ chế xử lý rủi ro tín dụng đối với các khoản nợ vay mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam (gọi tắt là Ngân hàng Phát triển) chịu rủi ro tín dụng phát sinh trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Phát triển, gồm: Khoản nợ vay tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; khoản nợ vay bắt buộc bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại; khoản nợ vay khác của Ngân hàng Phát triển chịu rủi ro tín dụng.

Nguyên tắc xử lý rủi ro tín dụng

Quyết định trên quy định nguyên tắc xử lý rủi ro tín dụng như sau:

Việc xử lý rủi ro tín dụng của Ngân hàng Phát triển phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo đầy đủ điều kiện, hồ sơ, tài liệu theo quy định tại Quyết định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Việc xử lý rủi ro tín dụng của Ngân hàng Phát triển phải gắn trách nhiệm của Ngân hàng Phát triển, khách hàng vay vốn và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cho vay, thu hồi và xử lý nợ vay.

Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra rủi ro tín dụng hoặc vi phạm trong quá trình xử lý nợ bị rủi ro tín dụng phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Quyết định này và quy định của pháp luật liên quan.

Ngân hàng Phát triển sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng để xử lý rủi ro theo quy định tại Quyết định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Quyết định số 02/2025/QĐ-TTg cũng nêu rõ nguyên tắc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng và nguyên tắc xử lý khi có tổn thất về tài sản đối với khoản nợ.

Theo đó, nguyên tắc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng được quy định như sau:

Ngân hàng Phát triển sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng theo quy định tại Quyết định này.

Đối với các khoản nợ vay của Hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư ký lần đầu kể từ ngày 22/12/2023, Ngân hàng Phát triển sử dụng dự phòng rủi ro được trích lập theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP (Nghị định số 78/2023/NĐ-CP) và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) để xử lý rủi ro tín dụng. Nguyên tắc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng, bán nợ như đối với các ngân hàng thương mại.

Đối với các khoản nợ vay của Hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư ký lần đầu trước ngày 22/12/2023, các khoản nợ vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các khoản nợ vay bắt buộc bảo lãnh: Ngân hàng Phát triển sử dụng dự phòng rủi ro được trích lập theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Phát triển (Nghị định số 46/2021/NĐ-CP) và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) để xử lý rủi ro tín dụng theo quy định tại Quyết định này.

Đối với các khoản nợ vay khác, Ngân hàng Phát triển sử dụng dự phòng rủi ro được trích lập theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 46/2021/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có) để xử lý rủi ro tín dụng theo quy định tại Quyết định này.

Nguyên tắc xử lý khi có tổn thất về tài sản đối với khoản nợ được quy định như sau:

Trường hợp có tổn thất về tài sản đối với khoản nợ, Ngân hàng Phát triển xem xét, xử lý theo nguyên tắc như sau:

1- Xử lý tài sản bảo đảm (nếu có) theo thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật.

2- Xác định nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý tổn thất về tài sản đối với khoản nợ từ các nguồn sau:

+ Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì tập thể, cá nhân gây ra tổn thất phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

+ Trường hợp tài sản đã mua bảo hiểm thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm;

+ Sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí để bù đắp theo quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 8 Quyết định này;

+ Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của tập thể, cá nhân, tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí, trường hợp thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của Ngân hàng Phát triển theo quy định của pháp luật. Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí khác trong kỳ của Ngân hàng Phát triển.

Quy định về bán nợ

Hội đồng quản trị Ngân hàng Phát triển xem xét, quyết định việc bán nợ để thu hồi nợ vay khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Khoản nợ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 Quyết định này hoặc khoản nợ đang được theo dõi ngoại bảng hoặc đã xuất toán ra khỏi ngoại bảng;

- Ngân hàng Phát triển và khách hàng không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được bán khoản nợ;

- Khoản nợ không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm bán nợ trừ trường hợp bên nhận bảo đảm đồng ý bằng văn bản về việc bán nợ;

- Việc bán các khoản nợ được định giá thấp hơn số dư nợ gốc còn lại chưa thu hồi được của khoản nợ chỉ thực hiện đối với khoản nợ đang được theo dõi ngoại bảng hoặc đã xuất toán ra khỏi ngoại bảng và việc bán các khoản nợ này phải đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 5 Điều này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025.

Mạnh Hiếu
  • Tags: