Cơ quan chuyên trách quốc gia về hợp tác công – tư tại một số quốc gia châu Á và kiến nghị đối với Việt Nam

Hợp tác công - tư (Public - Private Partnership, PPP) là hình thức hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là các dự án xây dựng – vận hành – chuyển giao (build - operate - transfer, BOT) về cơ sở hạ tầng.
Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, các tác giả trình bày về cơ quan chuyên trách quốc gia liên quan đến hợp tác công – tư ở một số quốc gia châu Á, trong đó tập trung bàn về thiết chế và các tác động tương đối bao trùm lên các thỏa thuận hợp tác công – tư; và đưa ra các kiến nghị đối với Việt Nam.
Từ khóa: Cơ quan chuyên trách về hợp tác công - tư, hợp tác công - tư, hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao.
Abtract: Within the scope of this article, the authors provide discussions on a institution of national specialized agency related to public-private partnership in a number of countries in Asia, in which it is focused on the institution and its relative impacts on the contract of public-private partnership and also give out a number of recommendations for Vietnam.
Keywords: National specialized agency of public-private partnership; public-private partnership; build-operate-transfer contract.
 
Ảnh minh họa - Internet
1. Khái quát về hình thức hợp tác công-tư
Hợp tác công - tư (Public - Private Partnership, PPP) là hình thức hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư khá phổ biến hiện nay, đặc biệt là các dự án xây dựng – vận hành – chuyển giao (build - operate - transfer, BOT) về cơ sở hạ tầng.
Một cách khái quát, PPP được mô tả là các mối quan hệ có thể được thiết lập giữa các thực thể công và thực thể tư trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ khác. Các thực thể công ở đây là các cơ quan nhà nước, gồm các bộ, ngành, chính quyền địa phương hay doanh nghiệp nhà nước. Đối tác tư nhân ở địa phương hoặc có phạm vi hoạt động quốc tế, có thể gồm các cơ sở kinh doanh và nhà đầu tư có chuyên môn kỹ thuật hay tài chính liên quan tới dự án. Các dự án PPP cũng có thể có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức cộng đồng đại diện cho bên bị ảnh hưởng bởi dự án. Phần đóng góp của chính phủ vào dự án là vốn đầu tư (qua khoản thu thuế), tài sản hay các cam kết khác. Phía tư nhân vận dụng chuyên môn về thương mại, quản lý, vận hành và đổi mới để dự án hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, phía tư nhân cũng có thể góp vốn tùy thuộc vào dạng hợp đồng. Việc hợp tác cần có sự phân bổ rủi ro[1].
Trên thế giới, các dự án PPP đã xuất hiện ở các lĩnh vực: sản xuất và phân phối năng lượng, nước và vệ sinh, xử lý rác, đường ống dẫn, bệnh viện, công trình trường học và thiết bị giảng dạy, sân vận động, kiểm soát không lưu, nhà tù, đường sắt, đường bộ, lập hóa đơn điện tử và các hệ thống công nghệ thông tin khác, và nhà ở[2].
BOT là một dạng của PPP. Theo đó, phía tư nhân thường đảm nhiệm phần thiết kế, xây dựng và tài chính của công trình có liên quan. Một khi hoàn thành, phía tư nhân tiếp tục bắt tay vào vận hành và bảo trì công trình. Trong khoảng thời gian vận hành và bảo trì đó, phía tư nhân được thu phí người sử dụng công trình hoặc cho thuê với mức thu không vượt quá mức đưa ra khi đấu thầu hoặc khi đàm phán và giao kết hợp đồng với chính phủ. Công trình được chuyển giao cho phía chính phủ sau khoảng thời gian xác định[3].
Các dự án áp dụng hợp đồng BOT ở các nước thường thuộc điều chỉnh của pháp luật về PPP của quốc gia. Với tính chất quan trọng của các dự án BOT, trong quá trình đàm phán và ký kết các hợp đồng BOT và thậm chí là giải quyết tranh chấp, các quốc gia thường có các cơ quan chuyên trách PPP để chuẩn bị hợp đồng mẫu, tham vấn cho cơ quan tham gia PPP và theo dõi quá trình hình thành và thực thi hợp đồng giữa chính phủ và đối tác tư nhân. Nhờ vậy, các thỏa thuận PPP nói chung và hợp đồng BOT nói riêng có thể được thực hiện trơn tru. Các cơ quan chuyên trách như vậy đóng một vai trò quan trọng trong xác lập và triển khai thỏa thuận PPP cũng như hợp đồng BOT.
Có thể chia thành hai loại cơ quan chuyên trách PPP: (1) Cơ quan chuyên trách về chính sách; (2) Cơ quan chuyên trách về kỹ thuật. Cơ quan làm chính sách đưa ra những định hướng chung trong lĩnh vực PPP, và cơ quan đảm trách phần kỹ thuật có thể vừa hỗ trợ làm chính sách, vừa đảm bảo thực thi các chính sách vào thực tế.
2Cơ quan chuyên trách về hợp tác công tư tại một số quốc gia châu Á
-Hàn Quốc
Việc hợp tác công – tư ở Hàn Quốc lần đầu tiên được đề cập trong Đạo luật Đường bộ thu phí và Đạo luật Cầu cảng vào khoảng năm 1994[4]. Khung pháp lý cho hệ thống PPP được hình thành năm 1994 với việc thông qua Đạo luật Thúc đẩy đầu tư nguồn vốn tư nhân vào vốn xã hội chung. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, Đạo luật trên được rà soát lại và Đạo luật về sự tham gia của tư nhân vào cơ sở hạ tầng (Đạo luật PPP) ra đời, tập trung nhiều hơn vào các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và cơ chế chiasẻ rủi ro[5]. Đạo luật PPP được sửa đổi năm 2005. Bên cạnh đó, Nghị định thực thi Đạo luật PPP, Kế hoạch PPP cơ bản và hướng dẫn thực thi PPP cũng là các cơ sở quan trọng. Đặc biệt, Kế hoạch PPP cơ bản và hướng dẫn thực thi PPP trình bày cụ thể các phương án chính sách, các bước đấu thầu và sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Đạo luật PPP chỉ định Bộ Chiến lược và tài chính và Trung tâm Quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng công và tư (Public and Private Infrastructure Investment Management Center, PIMAC) chịu trách nhiệm ban hành Kế hoạch PPP cơ bản. PIMAC được thiết lập trên cơ sở Đạo luật PPP như một đơn vị chuyên về các dự án PPP, trợ giúp về mặt kỹ thuật cho Bộ Chiến lược và tài chính và các cơ quan đấu thầu[6]. Kế hoạch PPP cơ bản đưa ra các phương án chính sách, quy trình thực thi dự án, các lựa chọn tài chính và tái cấp tài chính, các cơ chế phân bổ rủi ro, các phương án chi trả trợ cấp chính phủ, và các hướng dẫn về văn bản. PIMAC phát triển Hướng dẫn thực thi PPP để tăng tính minh bạch và khách quan trong thực thi PPP. Kế hoạch PPP cơ bản và hướng dẫn thực thi PPP được cập nhật hàng năm để phản ánh được những thay đổi về pháp lý, cơ chế và điều kiện thị trường[7].
Cũng theo Đạo luật PPP, Ủy ban Rà soát PPP (PPP Review Committee, PRC) được thành lập và quản lý bởi Bộ Chiến lược và tài chính. PRC có trách nhiệm quyết định: thiết lập các chính sách PPP chủ đạo, thiết lập và sửa đổi Kế hoạch PPP cơ bản, thiết kế và hủy bỏ các dự án PPP lớn (tổng giá trị từ 20 tỷ Won trở lên), lập và sửa đổi đề nghị mời thầu cho dự án PPP lớn, chỉ định bên được nhượng quyền trong dự án PPP lớn, và các vấn đề khác mà Bộ chiến lược và tài chính đề xuất nhằm chủ động thúc đẩy các hợp tác công – tư[8]. Về cơ cấu, PRC gồm chủ tịch là Bộ trưởng Bộ Chiến lược và tài chính, các thứ trưởng của các bộ chịu trách nhiệm thực thi các dự án PPP, và các chuyên gia từ khu vực tư nhân có hiểu biết và kinh nghiệm trong các dự án PPP[9].
Một cách khái quát, Hàn Quốc đi theo hướng giao cho một bộ ngành chịu trách nhiệm chính đối với các dự án PPP. Bộ Chiến lược và tài chính đóng vai trò cốt yếu trong hoạch định các chính sách và quy định cho mô hình hợp tác công – tư, bên cạnh chức năng liên quan đến tài chính. Hỗ trợ cho Bộ này về mặt kỹ thuật là PIMAC. Tuy vậy, có thể thấy trong chính mô hình quản lý của Hàn Quốc cũng đảm bảo các bộ ngành có thể phối hợp cùng nhau với PRC. Vị thế của PRC trong tương quan với các cơ quan chính phủ tất nhiên không lớn bằng Ủy ban Cấp cao phụ trách các dự án hợp tác công – tư (Higher Committee for Public – Private Partnership Projects, HC), khi xét đến thành phần và vị trí của nó. HC là một hội đồng độc lập gồm các bộ trưởng, còn PRC là một ủy ban thuộc Bộ chiến lược và tài chính có sự tham gia của thứ trưởng các bộ ngành khác.
Đối với các dự án BOT, PIMAC có thể tham gia hỗ trợ đánh giá đề xuất dự án và hỗ trợ đàm phán, ký kết hợp đồng BOT. Theo đoạn 1 Điều 20 Nghị định thực thi Đạo luật PPP, một trong các nhiệm vụ của PIMAC là cung cấp hỗ trợ liên quan đến chỉ định bên được nhượng quyền, như rà soát và đánh giá đề xuất, và ký kết thỏa thuận nhượng quyền. Ngoài ra, Phần 6 của Đạo luật PPP cũng quy định việc thành lập Ủy ban hòa giải các tranh chấp dự án PPP. Một hợp đồng BOT ở Hàn Quốc được giám sát và hỗ trợ từ khâu chuẩn bị, đến ký kết và cả giải quyết tranh chấp bởi các cơ quan chuyên trách PPP.
-Trung Quốc
Trung Quốc hiện chưa có một luật tổng hợp về PPP. Khung quy định về PPP chủ yếu được thể hiện trong Luật Mua sắm công, Luật Điện lực hay Luật Quản lý đất[10]. Có nhiều cơ quan đã ban hành các chính sách liên quan đến PPP. Tuy nhiên, đến 80% các chính sách được đưa ra bởi Quốc vụ viện (tương đương Chính phủ), Bộ tài chính và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, một cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện. Đây là ba cơ quan chính ban hành chính sách về PPP. Một số chính sách nhất định được đồng ban hành bởi nhiều cơ quan, nhưng thông thường một cơ quan nhất định sẽ làm chủ một quá trình ban hành chính sách[11].
Năm 2014, Bộ tài chính Trung Quốc thành lập Trung tâm Hợp tác công tư (Trung tâm PPP)[12]. Trung tâm này chủ yếu chịu trách nhiệm nghiên cứu chính sách, tham vấn và đào tạo, xây dựng năng lực, hỗ trợ tài chính, thu thập thông tin, trao đổi quốc tế và các vấn đề khác liên quan đến PPP. Cụ thể:
- Thu thập và phân loại các lý thuyết và nghiên cứu tình huống liên quan đến PPP ở trong nước và nước ngoài; nghiên cứu thực tiễn PPP, như mua sắm chính phủ, quản lý ngân sách, cơ chế đầu tư và tài chính, quản lý rủi ro, v.v..;
- Xây dựng hướng dẫn vận hành PPP, hướng dẫn liên quan đến hợp đồng, giúp Chính phủ rà soát các ngành công nghiệp thích hợp cho PPP, lựa chọn những mô hình PPP phù hợp và thành lập quy trình dự án PPP được tiêu chuẩn hóa, tiến hành xây dựng các dự án PPP mẫu;
- Cung cấp tham vấn và đào tạo để đưa ra hỗ trợ kỹ thuật cho Chính phủ trong các khâu như xác định, đánh giá, đấu thầu và mua sắm công, quản lý hợp đồng liên quan đến các dự án PPP; tổ chức các buổi đào tạo để cải thiện khả năng của nguồn nhân lực PPP;
- Hỗ trợ và tạo thuận lợi cho việc huy động vốn cho các dự án PPP thông qua vốn chủ sở hữu, các khoản vay, bảo đảm và các phương thức khác;
- Phát triển hợp tác và trao đổi thông tin liên quan đến PPP với các tổ chức và thiết chế quốc tế[13].
Nhìn chung, nhiệm vụ ban hành chính sách về PPP tại Trung Quốc không được tập trung về một cơ quan chuyên môn nhất định mà tỏa về nhiều cơ quan, trong đó chủ yếu là Quốc vụ viện và hai cơ quan trực thuộc. Điều này khác biệt với một số quốc gia đã nêu ở các phần trước. Nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật vẫn được giao cho một cơ quan chuyên trách riêng. Với các dự án BOT, cơ quan này sẽ xây dựng hướng dẫn liên quan đến hợp đồng, cũng như tham vấn và đào tạo để đưa ra hỗ trợ kỹ thuật trong quản lý hợp đồng, phù hợp với các chức năng như đã nêu.
-Nhật Bản
Tại Nhật Bản, Đạo luật Thúc đẩy các sáng kiến tài chính tư nhân (Act on the Promotion of Private Finance Initiatives, Đạo luật PFI) được thông qua năm 1999 điều chỉnh hầu hết các dự án PPP, với tên gọi là các sáng kiến tài chính tư nhân. Đạo luật này đã được sửa đổi vào các năm 2011 và 2015[14].
Đạo luật PFI quy định việc thành lập một Hội đồng thúc đẩy các sáng kiến tài chính cá nhân và một Ủy ban thúc đẩy các sáng kiến tài chính cá nhân. Hội đồng sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo chính sách cơ bản; phối hợp với các cơ quan liên quan về các biện pháp liên quan tới việc cung cấp các tiện ích công cộng… thông qua tối ưu hóa nguồn tài chính tư nhân, và thúc đẩy thực thi các biện pháp đó. Khi có ý định xây dựng một bản soạn thảo chính sách cơ bản, Hội đồng phải tham vấn với người đứng đầu các bộ, cơ quan, và nghe ý kiến của Ủy ban[15]. Hội đồng gồm chủ tịch là Thủ tướng và các Bộ trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm vào Hội đồng[16]. Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu và xem xét tình hình xây dựng một chính sách thực thi, lựa chọn các dự án đạt yêu cầu, đánh giá khách quan dự án và các vấn đề khác liên quan, đồng thời nêu ý kiến với Hội đồng theo quy định và có thể đưa ra ý kiến với Thủ tướng và các thủ trưởng các cơ quan liên quan. Trong trường hợp thấy cần thiết, Ủy ban có thể yêu cầu thủ trưởng các cơ quan và tổ chức liên quan hợp tác cung cấp tài liệu, nêu ý kiến và giải thích[17]. Ủy ban gồm chín thành viên, là những người có chuyên môn liên quan được Thủ tướng bổ nhiệm. Cố vấn chuyên gia có thể được bổ nhiệm vào Ủy ban khi cần nghiên cứu một vấn đề kỹ thuật[18].
Như vậy, liên quan đến các dự án PPP, Nhật Bản cũng có các cơ quan chuyên trách về chính sách và các vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, Hội đồng ở Nhật Bản không trực tiếp ban hành chính sách, mà chỉ đưa ra dự thảo chính sách. Nói cách khác, cơ quan chuyên môn về chính sách PPP của Nhật Bản có điểm đặc biệt là chỉ thực hiện chức năng hỗ trợ. Về cơ quan chuyên trách các vấn đề kỹ thuật, Nhật Bản cũng thành lập một cơ quan riêng trong Nội các (Chính phủ) giống như các quốc gia đã nêu.
3. Kiến nghị đối với Việt Nam
Việt Nam lần đầu tiên thông qua một luật về PPP vào năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP). Luật này thay thế các quy định về PPP trong Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trước khi có Luật PPP, khung pháp lý cho dự án PPP ở Việt Nam còn bị chia tách rải rác ở một loạt các luật, nghị định và thông tư của các bộ, ngành có liên quan đến PPP. Điều này gây khó khăn khi áp dụng và là rào cản với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Việc Việt Nam đã có một văn bản pháp luật thống nhất và tổng hợp về PPP mở ra nhiều tiềm năng hơn cho hợp tác công tư.
Luật PPP quy định toàn diện về các vấn đề liên quan đến PPP, đã xác định các cơ quan có thẩm quyền ban hành những chính sách về PPP nói chung, BOT nói riêng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đầu tư theo phương thức PPP[19]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP tại trung ương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đầu tư theo phương thức PPP trên phạm vi cả nước; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP; chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát; hằng năm tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện dự án PPP trên phạm vi cả nước[20]. Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức PPP; chủ trì xây dựng và thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đúng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác[21].
Luật PPP đã quy định khá rõ các cơ quan đóng vai trò chủ yếu trong ban hành các chính sách và đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến PPP. Có thể thấy, mô hình nhóm cơ quan chuyên trách về chính sách PPP của Việt Nam khá giống với Trung Quốc. Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách về các vấn đề kỹ thuật như các quốc gia đã nêu. Hiện nay, tại Việt Nam có một số đơn vị phụ trách PPP như Vụ PPP của Bộ Giao thông Vận tải, Văn phòng PPP thuộc Cục Quản lý đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ở các địa phương có các Phòng PPP thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh[22]. Song, các đơn vị này chủ yếu có vai trò xây dựng và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật. “Việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; báo cáo nghiên cứu khả thi, ký kết và thực hiện các hợp đồng PPP do các đơn vị khác trong Bộ thực hiện”[23]. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu một cơ quan chuyên trách về kỹ thuật để hỗ trợ và theo dõi sát sao việc thực thi pháp luật về PPP và các dự án PPP, nâng cao hiệu quả trên thực tế của các chính sách đã được ban hành.
Trên thực tế, các hợp đồng trong nhiều dự án BOT đường giao thông có nội dung khá sơ sài, không đủ để bảo vệ quyền và lợi ích, cũng như ràng buộc trách nhiệm các bên, tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây khó cho khâu giải quyết tranh chấp[24]. Trong trường hợp này, một cơ quan chuyên trách về mặt kỹ thuật sẽ giúp ích rất nhiều cho các bên tham gia dự án BOT trong các khâu liên quan đến hợp đồng và nội dung hợp đồng BOT. Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng BOT giao thông được đàm phán và ký kết giữa nhà đầu tư và Nhà nước mà thiếu sự tham gia ý kiến của người dân; hợp đồng BOT thậm chí còn không được công bố, đưa các điều khoản mật để người dân không tiếp cận được[25]. Một cơ quan chuyên trách có thể tập trung giải quyết những vấn đề kết nối các bên và minh bạch.
Vì vậy, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các tác giả đề xuất lựa chọn một trong hai hướng thành lập cơ quan có chuyên môn kỹ thuật về PPP như sau:
- Thành lập một cơ quan phụ trách PPP trong Chính phủ, như Nhật Bản đã thực hiện. Cơ quan này độc lập với các cơ quan khác trong bộ máy Chính phủ. Các thành viên là chuyên gia được Thủ tướng bổ nhiệm; hoặc
- Thành lập một cơ quan phụ trách PPP trực thuộc một cơ quan của Chính phủ, như PIMAC của Hàn Quốc trực thuộc Viện phát triển Hàn Quốc, Trung tâm PPP của Trung Quốc trực thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc./.

THS. LÊ XUÂN TÙNG

Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

NGUYỄN ĐỨC TÀI

Nghiên cứu viên, Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo.


[1] Asian Development Bank, Public-Private Partnership Handbook, p. 1.
[2] Asian Development Bank, Public-Private Partnership Handbook, p. 2.
[3] Dentons (2018), Middle East & Africa PPP Guide, p. 8.
[4] PPP Procurement, Public and Private Infrastructure Investment Management Center, p. 4.
[5] Jay-Hyung Kim, Jungwook Kim, Sunghwan Shin & Seung-yeon Lee (2011), Public – Private Partnership Infrastructure Projects: Case studies from the Republic of Korea, Volume 1: Institutional Arrangements and Performance, Asian Development Bank, p. 8.
[6] Jay-Hyung Kim, Jungwook Kim, Sunghwan Shin, Seung-yeon Lee, tldđ.
[7] Masanori Sato, Shigeki Okatani & Yusuke Suehiro (2017), The Public-Private Partnership Law Review, 3rd ed., Law Business Research Ltd, London, p. 9.
[8] Masanori Sato, Shigeki Okatani & Yusuke Suehiro (2017), The Public-Private Partnership Law Review, 3rd ed., Law Business Research Ltd, London, p. 10.
[9] Masanori Sato, Shigeki Okatani & Yusuke Suehiro (2017), The Public-Private Partnership Law Review, 3rd ed., Law Business Research Ltd, London, p. 10.
[10] PPP Knowledge Lab, https://pppknowledgelab.org/countries/china, accessed 25/8/2021.
[11] Yubo Guo, Igor Martek & Chuan Chen (2019), Policy Evolution in the Chinese PPP Market: The Shifting Strategies of Governmental Support Measures, Multidisciplinary Digital Publishing Institute, p. 6.
[12] Lana Xiao Yu, China: Guidelines on Public-Private Partnerships Issued, Library of Congress, https://www.loc.gov/item/global-legal-monitor/2014-12-23/china-guidelines-on-public-private-partnerships-issued/, accessed 25/8/2021.
[13] China Public Private Partnerships Center, Who We Are, http://www.cpppc.org/en/gywm.jhtml, accessed 25/8/2021.
[14] Masanori Sato, Shigeki Okatani & Yusuke Suehiro (2017), The Public-Private Partnership Law Review, 3rd ed., Law Business Research Ltd, London, p. 128.
[15] Điều 83, Đạo luật PFI.
[16] Điều 84, Đạo luật PFI.
[17] Điều 85, Đạo luật PFI.
[18] Điều 86, Đạo luật PFI.
[19] Khoản 1 Điều 89 Luật PPP.
[20] Điều 90 Luật PPP.
[21] Điều 91 Luật PPP.
[22] Khổng Gia Hân, Cần giao thêm quyền cho các đơn vị chuyên trách về PPP, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-03-01/can-giao-them-quyen-cho-cac-don-vi-chuyen-trach-ve-ppp-83179.aspx, truy cập ngày 29/8/2021.
[23] Khổng Gia Hân, tlđd.
[24] Thanh Nga, Đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách về PPP, https://baoxaydung.com.vn/de-xuat-thanh-lap-co-quan-chuyen-trach-ve-ppp-278889.html, truy cập ngày 29/8/2021.
[25] Phạm Thanh, “Tranh chấp BOT: Không bên nào được quyền dừng dự án”, https://tienphong.vn/tranh-chap-bot-khong-ben-nao-duoc-quyen-dung-du-an-post1068708.tpo, truy cập ngày 31/8/2021.
  • Tags: