Công an TPHCM tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế

Nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), Phòng CSGT ĐB-ĐS tiếp tục tăng cường thực hiện Chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế.

Theo đó, trong 02 ngày: 25, 26/8/2023, Phòng CSGT ĐB-ĐS đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế trên địa bàn đảm trách, tập trung các tuyến đường có nhiều quán bar, vũ trường, cơ sở kinh doanh karaoke, cơ sở kinh doanh ăn uống có phục vụ rượu, bia… Các đơn vị đã tổng kiểm soát 430 trường hợp, phát hiện 03 trường hợp điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn tại tuyến đường Điện Biên Phủ. CSGT đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện, giấy phép lái xe đối với các trường hợp này theo quy định.

Phòng CSGT ĐB-ĐS thực hiện công tác kiểm tra
Phòng CSGT ĐB-ĐS thực hiện công tác kiểm tra
Phòng CSGT ĐB-ĐS thực hiện công tác kiểm tra
Phòng CSGT ĐB-ĐS thực hiện công tác kiểm tra

Mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là phương pháp được triển khai áp dụng từ năm 2014. Đây là mô hình kiểm soát nồng độ cồn tiến hành tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một điểm trên đường giao thông nhưng phải đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai kiểm soát xử lý vi phạm không gây ùn tắc giao thông. Tại khu vực kiểm tra có bố trí biển báo “CHỐT KIỂM TRA NỒNG ĐỘ CỒN”, làn đường kiểm soát nồng độ cồn sẽ được bố trí, phân làn bằng các cọc phản quang hình chóp nón bằng nhựa hoặc cao su.

Trước chốt kiểm tra nồng độ cồn, sẽ bố trí CSGT ra hiệu lệnh cho các phương tiện giảm tốc độ và hướng dẫn đi vào làn đường theo quy định để tới vị trí kiểm tra. Khi tới vị trí kiểm tra, việc kiểm tra sẽ được tiến hành theo 02 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Tổ công tác sẽ dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động không cần dùng ống thổi để kiểm tra xác định người lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở hay không. Tùy vào từng loại phương tiện kiểm tra mà người lái xe có thể ngồi trên xe hoặc xuống xe cho phù hợp để thực hiện yêu cầu kiểm soát. Nếu không phát hiện vi phạm thì tổ công tác sẽ cám ơn và hướng dẫn cho người lái xe tiếp tục hành trình. Trường hợp phát hiện có vi phạm quy định về nồng độ cồn sẽ yêu cầu người lái xe đưa xe vào khu vực xử lý.

Giai đoạn 2: Tại khu vực xử lý, Tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra giấy tờ của người, của phương tiện và dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng có ống thổi để kiểm tra xác định mức độ vi phạm. Sau đó, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng CSGT sẽ sử dụng camera được trang bị để ghi nhận lại toàn bộ hoạt động trong ca công tác, các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm khác để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc điều khiển phương tiện trong trạng thái say xỉn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng, để lại những hậu quả nặng nề, thương tâm cho người tham gia giao thông. Do đó, Phòng CSGT ĐB-ĐS khuyến cáo người dân "Ðã uống rượu bia, không lái xe”.

Để phản ánh các thông tin về tình hình TTATGT, người dân vui lòng liên hệ qua số điện thoại trực ban Phòng CSGT ĐB-ĐS - CATP.HCM: 069.318.7521 hoặc qua số điện thoại đường dây nóng (hotline): 0326.080808./.

Văn Lịch- Duy Đạt

  • Tags: