Mới đây, Gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỉ đồng đã được các doanh nghiệp công nghệ - viễn thông công bố, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngày 2-8, các doanh nghiệp viễn thông gồm Tập đoàn công nghệ viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Tổng công ty viễn thông MobiFone, Tập đoàn công nghệ CMC, Tập đoàn FPT, Vietnamobile, Truyền hình cáp SCTV đã công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỉ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ được triển khai từ ngày 5-8 và kéo dài trong 3 tháng.
Doanh nghiệp hỗ trợ lại người dân
Phát biểu tại buổi công bố gói hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp có phát đạt là do có thị trường tốt, là do người dân, là do đất nước phát triển, là do chế độ ổn định. "Một doanh nghiệp nhìn xa trông rộng thì luôn nghĩ đến việc nuôi dưỡng thị trường phát triển bền vững" – Bộ trưởng Hùng chia sẻ - Theo đó, ở thời điểm thuận lợi, người dân mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, góp phần cho doanh nghiệp phát triển, nên lúc khó khăn như trong dịch Covid-19 hiện này, là lúc doanh nghiệp hỗ trợ lại người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ở thời điểm thuận lợi, người dân mua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, nên lúc khó khăn như trong dịch Covid-19 hiện nay, là lúc doanh nghiệp hỗ trợ lại người dân.
Đó cũng chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và không thua kém bất cứ dân tộc nào. "Mỗi khi khó khăn thì tinh thần ấy lại sống dậy mạnh mẽ và sinh động, nó như có sẵn trong gen người Việt Nam vậy" - Bộ trưởng nói.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hỗ trợ người dân trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, được sự thống nhất của Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ TT-TT, các doanh nghiệp viễn thông đã có gói hỗ trợ, khuyến mại tới 10.000 tỉ đồng, trong 3 tháng, để hỗ trợ mọi người dân dùng dịch vụ viễn thông nhiều hơn trước 50% mà chi phí vẫn như cũ, với những người khó khăn, thu nhập thấp thì giảm giá gói cước. Đây là một cố gắng lớn của các doanh nghiệp viễn thông theo tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Người đứng đầu Bộ TT-TT cũng cho rằng, trong lúc khó khăn, giãn cách để phòng, chống Covid, liên lạc viễn thông, Internet nhiều khi là cách thức duy nhất để chúng ta, để chính quyền kết nối được với người dân để hỗ trợ. "Không có liên lạc sẽ dẫn đến rất nhiều những cái không khác, trong đó có cái đói. Càng giãn cách xã hội thì nhu cầu kết nối càng cao. Chương trình hỗ trợ, khuyến mại tăng kết nối cho người dân lúc này thực sự hữu ích và thiết thực" - Bộ trưởng khẳng định.
Việc người dân dùng nhiều hơn dịch vụ viễn thông, Internet, chứng tỏ chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Xét ở một góc độ khác, Covid-19 là cú huých mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số. "Việc tăng 50% dung lượng nhưng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ cũng sẽ là thách thức với các nhà mạng. Nhưng đây là cơ hội tốt để các nhà mạng tăng đầu tư, tối ưu mạng lưới để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển sau Covid-19" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Việc tổ chức tập huấn toàn quốc gần 20 nền tảng công nghệ số về phòng chống dịch đã được thực hiện vào ngày 3-8. Các nền tảng này đều do các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin và công nghệ số Việt Nam phát triển và hỗ trợ, và được tập trung về Trung tâm công nghệ phòng chống covid-19 quốc gia, đặt tại Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT).
Lãnh đạo Bộ TT-TT gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực trong công cuộc chống lại đại dịch covid-19. "Chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua đại dịch và Việt Nam sẽ ra khỏi đại dịch này trong một trạng thái mới - một đất nước, một xã hội được số hóa mạnh mẽ"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng.
Giảm giá nhiều gói cước
Đối với gói hỗ trợ vừa được công bố, khách hàng trên toàn quốc tiếp tục được tăng 2 lần băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang với giá không đổi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà; miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y Tế, ứng dụng Bluezone; tặng thêm 50% dung lượng data cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với mới giá không đổi; giảm giá tới 50% đối với các gói cước data VX3, VX7, cụ thể: gói VX3 (6GB/3 ngày) giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng; gói VX7 (10GB/7 ngày) giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng. Bên cạnh đó, Viettel, VNPT, Mobifone cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 từ việc trích 5.000 đồng với mỗi gói cước VX3/VX7 được đăng ký/gia hạn thành công. Đối với khách hàng ở các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16/CT-TTg, tặng 50 phút gọi nội mạng.
Bên cạnh các hỗ trợ về dịch vụ viễn thông nói trên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Viettel, VNPT, FPT, CMC sẽ chung tay cùng Bộ TT-TT ra mắt 17 nền tảng mới hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch với giá trị ước tính gần 2.000 tỉ đồng .
Tổng giá trị hỗ trợ từ đầu năm 2020 tính tới nay đã lên đến gần 23.000 tỉ đồng, điển hình 3 doanh nghiệp Viettel, VNPT, MobiFone đã đóng góp gần 21.000 tỉ đồng cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19.