Tốc độ gia tăng dân số cơ học tại các thành phố là rất lớn dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng cao; hàng loạt khu công nghiệp, bệnh viện, khu xử lý chất thải và hàng trăm dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở đã được triển khai đầu tư xây dựng; các công trình xây dựng tăng mạnh cả về số lượng và quy mô, đa dạng về nguồn vốn. Điều đó vừa thể hiện sự phát triển đáng mừng, nhưng cũng đặt ra những thách thức trong công tác quản lý nói chung và quản lý trật tự xây dựng nói riêng.
Ảnh minh họa - TL
Thực trạng vi phạm trật tư xây dựng
Thực tế cho thấy, mặc dù chính quyền các thành phố lớn đã tích cực chỉ đạo và ban hành các chủ trương, giải pháp, thậm chí đưa vào Nghị quyết để xóa bỏ vấn nạn vi phạm trật tự xây dựng, , thậm chí, gắn rõ trách nhiệm chủ tịch UBND quận, huyện, phường, xã với công việc, nhưng kết quả đạt được vẫn không đạt mục tiêu đặt ra và mong đợi của người dân. Trong khi những vi phạm tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm thì số công trình vi phạm mới vẫn liên tục xuất hiện. Đáng chú ý, tình trạng vi phạm tại nhà ở riêng lẻ của các hộ dân cũng diễn ra rất nhiều và đây là đối tượng gây nhiều khó khăn cho cả cấp chính quyền lẫn lực lượng chức năng khi xử lý hành vi vi phạm, xảy ra nhiều khiếu kiện, chống đối.
Những vi phạm về trật tự xây dựng thường gặp, chủ yếu nằm trong các nhóm sau:
- Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép xây dựng;
- Xây dựng công trình sai giấy phép xây dựng do cấp có thẩm quyền cấp;
- Xây dựng công trình gây lún, nứt, có nguy cơ gây sụp đổ công trình bên cạnh;
- Xây dựng công trình sai quy hoạch chi tiết 1/500; sai thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (trong trường hợp được miễn giấy phép).
Trong đó, các công trình xây dựng sai quy hoạch chi tiết 1/500 và không phép thường diễn ra phổ biến nhất. Đáng chú ý, loạt sai phạm thường xảy ra mang tính hệ thống, có nơi xây dựng thành các khu dân cư hàng vài trăm hộ, kéo dài từ năm này qua năm khác nhưng chính quyền cũng không thể xử lý được. Cũng có nhiều khu dân cư theo quy hoạch đô thị được phê duyệt là đất ở, nhưng khi người dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thì chính quyền không giải quyết được vì những khu dân cư này xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thậm chí là không được cấp giấy phép xây dựng kể cả giấy phép xây dựng tạm. Vì do nhu cầu thiếu nơi ở, người dân vẫn tiếp tục xây dựng dưới nhiều hình thức mà chính quyền cơ sở không xử lý được. Đây cũng đang là một bất cập.
Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị kéo dài và lan rộng trên địa bàn các thành phố lớn? Có thể nêu một số nguyên nhân sau: Khung pháp lý chưa hoàn thiện; chưa có chế tài hoặc chế tài chưa hoàn thiện; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp qua nhiều giai đoạn của khung chính sách pháp luật; việc xử lý đúng luật lại có thể dẫn đến phát sinh vấn đề xã hội phức tạp... Thậm chí có cả nguyên nhân do những hành vi hành chính không phù hợp, vận dụng sai quy định pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch...
Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trong nhiều năm qua đã thực hiện, nhưng chưa thể giải quyết được một cách triệt để, khiến các vi phạm vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi, nhiều cấp, tồn tại như một vấn nạn, gây thiệt hại chung cho xã hội. Đã đến lúc cần luật hóa các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại sẵn có.
Những tiến bộ bước đầu
Căn cứ quy định tại Điều 56 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, thì việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi tiếp nhận thông báo khởi công xây dựng công trình cho đến khi công trình bàn giao đưa vào sử dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm.
Theo tinh thần mới, thành phố Hà Nội, một trong 2 đô thị lớn nhất nước, đã được thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã trong thời gian 5 năm, kể từ ngày 10/8/2018 đến 10/8/2023.
Từ khi triển khai mô hình đến nay, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình xây dựng được kiểm soát chặt chẽ, các vi phạm được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng quy mô lớn, gây bức xúc dư luận hạn chế. Các công trình vi phạm tồn đọng được rà soát, phân loại, giải quyết. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng ngày càng nâng cao.
Trong bốn năm thực hiện mô hình thí điểm (từ ngày 10/8/2018 đến 10/8/2022), tỷ lệ công trình vi phạm bị xử lý đã giảm xuống còn 3,69% khi lực lượng chức năng kiểm tra 76.170 công trình, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 2.811 trường hợp vi phạm; đồng thời tỷ lệ công trình có phép, miễn phép tăng lên… Từ thực tế đạt được, Hà Nội đã đề nghị được tiếp tục thực hiện mô hình đó.
Giải pháp khắc phục tình trạng vi phạm trật tự xây dựng
1. Trong thực tế, công tác thanh tra trong lĩnh vực quản lý xây dựng đô thị có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, để hoạt động thanh tra thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế, cần đổi mới, hoàn thiện bộ máy và các phương thức thực hiện công tác thanh tra theo hướng tinh gọn, công khai, minh bạch, hiệu quả; đồng thời xem xét có thể chuyển lực lượng thanh tra địa bàn về quận, huyện quản lý sẽ phù hợp hơn. Đi đối với đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý vi phạm đối với các vi phạm hành chính về trật tự xây dựng.
2. Cần bổ sung và hướng dẫn cụ thể quy trình, tiêu chí thẩm định nhu cầu sử dụng đất của tổ chức, cá nhân; hướng dẫn cụ thể về triển khai Luật Quy hoạch đã có hiệu lực pháp luật, trong đó có quy định về tiêu chí, lộ trình, cách thức tích hợp đồng bộ các nền quy hoạch, nhất là các nền quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau, nhằm bảo đảm việc áp các văn bản pháp quy về mặt kỹ thuật này đồng bộ, giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng công trình phục vụ cho nhu cầu ở, sản xuất kinh doanh... của người dân và doanh nghiệp.
3. Tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự xây dựng; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
4. Thực hiện nghiêm công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, các bãi đỗ xe ngầm, giảm thiểu tình trạng đỗ xe sai quy định; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ sai quy định; kiên quyết không để phát sinh các trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo tại hai bên tuyến đường, nhất là đối với các tuyến phố mới, các dự án mở đường; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vứt rác, xả rác trên phố...
KS. Đỗ Văn Thiêm