Trong điều kiện đầy khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới, chủ động triển khai thành công công tác quảng bá hình ảnh một Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đây là khẳng định của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại tại Hội nghị triển khai công tác thông tin đối ngoại năm 2022 được tổ chức tại Hà Nội chiều 23/2.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáoTrung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại chủ trì Hội nghị
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đất nước ta bước vào năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có. Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước năm 2021, tăng trưởng kinh tế năm qua đạt 2,58%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu kế hoạch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ vui mừng cho biết, công tác thông tin đối ngoại nói chung và hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại nói riêng trong năm 2021 đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, sáng tạo đóng góp quan trọng thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại theo hướng chủ động, kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả hơn.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, công tác thông tin đối ngoại năm 2021 đã giúp cộng đồng trong nước và quốc tế hiểu, đánh giá cao về kết quả thành công tốt đẹp của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kết quả của những nỗ lực, quyết tâm kiểm soát linh hoạt, hiệu quả đại dịch COVID-19, sớm phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; những sáng tạo, đóng góp, thể hiện vai trò, trách nhiệm ngày càng tích cực của Việt Nam với công việc chung của thế giới quan loạt các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương. Đáng chú ý là trong điều kiện đầy khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy tính sáng tạo, đổi mới, chủ động triển khai thành công công tác quảng bá hình ảnh một Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, công tác thông tin đối ngoại đã góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Để công tác thông tin đối ngoại năm 2022 và thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:
Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm và nhiệm vụ về công tác tư tưởng và đối ngoại theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Hội nghị triển khai Nghị quyết của Đại hội XIII. Trong đó, có chủ trương “tăng cường thông tin đối ngoại” và “tăng cường, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội trong thông tin đối ngoại, đấu tranh dư luận”, phát huy vai trò tiên phong của công tác thông tin đối ngoại.
Hai là, tăng cường chất lượng phối hợp cả theo chiều rộng và chiều sâu giữa các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo; giữa Ban Chỉ đạo Trung ương và các Ban Chỉ đạo các địa phương; giữa các lực lượng triển khai thông tin đối ngoại trong và ngoài nước; giữa thông tin đối ngoại và thông tin đối nội. Đồng thời, có cơ chế phân công đúng vai, đúng trách nhiệm, cụ thể giữa các lực lượng thông tin đối ngoại ở cả cấp Trung ương, các cơ quan ngoài nước và các địa phương. Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả, cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp phải xác định việc triển khai công tác thông tin đối ngoại ở các địa phương là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Ba là, đổi mới, sáng tạo trong nội dung và phương thức thông tin trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ đó, nâng cao chất lượng, tính thuyết phục, hấp dẫn của các sản phẩm thông tin đối ngoại, tăng cường ấn phẩm, sản phẩm bằng tiếng nước ngoài, truyền thông mạng xã hội, từng bước chuyển đổi phương thức tổ chức trực tiếp sang kết hợp trực tiếp và trực tuyến, công nghệ thực tế ảo…
Bốn là, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về thông tin đối ngoại, về quan điểm, chủ trương của Việt Nam trong tình hình mới; làm tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng từ xa qua công tác thông tin đối ngoại. Đảm bảo thế chủ động, dòng thông tin chủ lưu tích cực về Việt Nam trên mặt trận truyền thông trong nước và quốc tế. Chủ động các phương án, kịch bản tuyên truyền đối với các sự kiện chính trị-đối ngoại lớn, quan trọng của đất nước, các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận, truyền thông trong và ngoài nước; về các vấn đề biển, đảo, biên giới quốc gia, tôn giáo dân tộc, dân chủ nhân quyền. Kiên quyết khắc phục tình trạng các cơ quan báo chí trong nước đăng tải các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng, tạo điều kiện để báo chí nước ngoài khai thác, lợi dụng, kích động dư luận.
Năm là, bảo đảm các nguồn lực để triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Dành nguồn lực thích đáng cho công tác thông tin đối ngoại phù hợp với vị thế đất nước; cho công tác nghiên cứu khoa học về thông tin đối ngoại; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin đối ngoại và phát triển hệ thống các cơ quan báo chí đối ngoại quốc gia, chủ lực; xây dựng đội ngũ những người làm thông tin đối ngoại có bản lĩnh, đạo đức và trình độ.