Đây là một trong những nội dung mới có giá trị và ý nghĩa lớn trong công tác cán bộ của Đảng khi đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[2], bắt đầu từ năm 2021 do Đại hội XIII của Đảng xác định. Để tạo cơ sở và thuận lợi cho việc xây dựng và thực hiện chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” và xây dựng cơ chế thực hiện. Đề án “xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” đang được triển khai xây dựng. Song, vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả là bảo vê những cán bộ này, một cách chắc chắn, hiệu quả. Điều này, chỉ có thể đạt được bằng những quy định của Đảng, Nhà nước về cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, Kết luận của Đảng.
1. Sự cần thiết cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung
Một là, sản phẩm của sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, đó là cái mới, rất cần được bảo vệ bởi cả hệ thống chính trị (HTCT), đặc biệt là Nhà nước ngay từ khi còn là mầm non, trong suốt quá trình phát triển, kể cả khi nó vững mạnh.
Khi nước Nga bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) V.I.Lênin và Đảng Cộng sản (b) Nga luôn coi trọng, cổ vũ, động viên, khích lệ các tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên, công nhân suy nghĩ, tìm tòi, đưa ra những sáng kiến mới, đem lại hiệu quả; góp phần vào thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH sau thắng lợi của cuộc nội chiến do các nước tư bản, đế quốc cấu kết với bọn phản động Nga gây nên.
Sau thắng lợi to lớn trong cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917, các nước tư bản đế quốc đã ráo riết thực hiện âm mưu xóa bỏ Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, xóa bỏ Đảng Cộng sản (b) Nga bằng cuộc nội chiến tàn khốc, kéo dài. Đảng Cộng sản (b) Nga, nhân dân Nga giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này và bước vào xây dựng CNXH từ cuối năm 1921, đầu năm 1922 với muôn và khó khăn.
V.I.Lênin luôn quan tâm khuyến khích, cổ vũ động viên, khích lệ những tập thể, cá nhân, cán bộ, đảng viên, công nhân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thách thức quyết liệt, đưa ra những sáng kiến, tập trung thực hiện đem lại hiệu quả cao khi nước Nga bước vào xây dựng CNXH. Đặc biệt, coi trọng việc bảo vệ những sáng kiến mới và những người đưa ra những sáng kiến ấy, bằng sức mạnh của cả hệ thống chuyên chính vô sản, nhất là nhà nước chuyên chính vô sản. Đồng thời, V.I.Lênin đã đưa ra những chỉ dẫn rất quan trọng có giá trị cao về lý luận và thực tiễn về vấn đề này, thể hiện tập trung trong tác phẩm nổi tiếng của mình - “Sáng kiến vĩ đại”.
V.I.Lênin chỉ rõ, trong xã hội mới đang được xây dựng, cái mới luôn xuất hiện ngày càng nhiều. Những cái mới là những tế bào của xã hội mới, trong xây dựng CNXH, những cái mới luôn xuất hiện, đó là những tế bào của xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đồng thời, V.I.Lênin nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước cần đặc biệt coi trọng khuyến khích, cổ vũ, động viên, khích lệ những người mạnh dạn, sáng tạo đưa ra cách làm, giải pháp mới đem lại hiệu quả, góp phần vào thắng lợi của công cuộc xây dựng CNXH; đặc biệt coi trọng “vun trồng”, bảo vệ những cái mới và người sáng tạo ra cái mới. Bởi vì, trong thời gian đầu, cái mới ra đời rất khó khăn và còn non yếu, cái cũ vẫn còn mạnh, luôn tìm cách tiêu diệt cái mới. V.I.Lênin chỉ rõ: “…trong phong tục tập quán, những tàn dư của quá khứ trong thời gian nào đó sau cách mạng, tất nhiên vẫn còn thắng những mầm non của cái mới, trong lúc cái mới vừa nảy sinh ra, thì cái cũ, trong một thời gian nào đó, vẫn còn cứ mạnh hơn cái mới; trong giới tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội, đều luôn luôn có hiện tương như thế”[3]. Đồng thời, V.I.Lênin nhấn mạnh: “Trong số những mầm non ấy, có một số nào đó sẽ không tránh khỏi bị tiêu vong”[4], vì lý do nào đó, trong đó có việc nó chưa được bảo vệ một cách hiệu quả.
Chăm sóc, bảo vệ cái mới là nhiệm vụ của toàn Đảng, hệ thống chuyên chính vô sản (CCVS), nhất là Nhà nước CCVS và của toàn dân. V.I.Lênin viết: “Chúng ta nên nghiên cứu cẩn thận những mầm non của cái mới, hết sức chú ý đến chúng, giúp bằng đủ mọi cách cho chúng trưởng thành lên và “chăm sóc” những mầm còn non yếu đó”[5]. Người nhấn mạnh, trong điều kiện vô cùng khó khăn, “Trong những khung cảnh chung đó và với sự giúp đỡ của chính quyền nhà nước vô sản những mầm mống của chủ nghĩa cộng sản sẽ không tàn lụi đi mà sẽ lớn lên để trở thành chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn”[6].
Hai là, khuyến khích và bảo vệ cái mới quan hệ mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Khuyến khích thường được hiểu là sự kích lệ về tinh thần và vật chất đối với cá nhân, tổ chức trong tiến hành một công việc nào đó, để họ phấn khời, tin tương và cố gắng hơn để đạt hiệu quả, nhất là khi tiến hành công việc đó, gặp những khó khăn mới. Song, đối với những việc lớn, mới, khó đòi hỏi phải có những sáng tạo, đột phá, nhưng cũng gắn liền với những rủi ro ngoài ý muốn. Khi đó, cùng với những hậu quả nhân dân, địa phương, cơ quan, đơn vị phải gánh chịu, thì người có sáng tạo đó, cũng phải chịu hậu quả không nhỏ. Bởi vậy, rất cần phải bảo vệ đạt hiệu quả những người năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nếu không bảo vệ tốt những cán bộ nêu trên, sẽ cản trở rất lớn việc khuyến khích cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thực tế cho thấy, chỉ cần một hoặc hai cán bộ có mục đích, động cơ hoàn toàn đúng đắn, trong sáng, đã tích cực thực hiên những điều nêu trên; song vì lý do nào đó không đạt mục đích mong muốn; gây hậu quả nhất định, thậm chí khá lớn, nhưng họ không được bảo vệ, bị xử lý; đã cản trở không nhỏ việc khuyến khích khích cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Thậm chí, hầu như không có cán bộ nào quan tâm và tiến hành công việc này, làm cho chủ trương đúng đắn của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung bị vô hiệu hóa; gây khó khăn không nhỏ cho thực hiện một chủ trương lớn, mới, có giá trị của Đảng trong công tác cán bộ.
Bảo vệ tốt những cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung có tác dụng to lớn đối với việc khuyến khích cán bộ trong công việc này. Bởi vậy, cùng với việc khuyến khích cần đặc biệt coi trọng bảo vệ họ.
Ba là, công cuộc đổi mới rất cần khuyến khích những cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, song không thể xem nhẹ việc bảo vệ họ.
Xã hội mới ra đời, phát triển không thể chỉ bảng việc cải tiến mọi mặt xã hội hiện tại, mặc dù đây là công việc rất quan trọng, song quan trọng hơn là tạo ra xã hội mới ưu việt, hơn hắn xã hội hiện tại với những đặc trưng mới, phải là kết quả của sự sáng tạo của những tổ chức, cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo V.I.Lênin những cái mới liên quan đến chế độ chính trị - xã hội ra đời rất khó khăn, phức tạp, luôn bị cái cũ tìm mọi cách tiêu diệt ngay từ khi còn là những mầm mống. Cả khi cái mới phát triển vững mạnh, cái cũ vẫn chưa chịu thất bại mà càng tăng cường phá hoại, hòng tiêu diệt hoàn toàn cái mới bằng những thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt. Ph.Ăngghen chỉ rõ, cái cũ, cái lỗi thời “luôn tìm cách khôi phục bản thân nó và duy trì địa vị của nó trong khuôn khổ của những hình thái tái sinh mới…”[7].
Trên thực tế, khi cái mới phát triển vững mạnh, cái cũ vẫn còn tồn tại dai dẳng và chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, nó tìm mọi cách tinh vi để tồn tại và thực hiện mục tiêu cuối cùng của nó là loại trừ dần và tiêu diệt hoàn toàn cái mới. Khi đó, cái cũ thường tìm mọi cách núp dưới bóng của cái mới, bám vào cái mới, sống ký sinh trên thân thể của cái mới, gậm nhấm và phá hoại dần từng bộ phận của cái mới, làm cho cái mới dần dần bị tiêu diệt hoàn toàn. Bởi vậy, khi cái mới đã phát triển vững mạnh, khẳng định bản thân, Đảng và Nhà nước càng cần coi trọng hơn việc bảo vệ cái mới trước những hành động lừa kịp, thâm độc, xảo quyết của cái cũ.
Đổi mới toàn diện công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc theo kiểu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta là tất yếu. Song, đây là công việc rất lớn, khó khăn, phức tạp và hoàn toàn mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử nên phải vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, phát triển lý luận. Để đạt được điều này, rất cần có nhiều đổi mới, sáng tạo, đột phá. Vì vậy, cần đặc biệt coi trọng khuyến khích mạnh mẽ những cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đi liền với việc coi trọng bảo vệ họ.
Bốn là, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện dân nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân chỉ có thể bằng các văn bản có tính pháp lý của Nhà nước.
Đề án “xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” đang được triển khai xây dựng, sẽ hoàn thành và triển khai thực hiện. Việc khuyến khích cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung sẽ từng bước được giải quyết. Song, việc bảo vệ những cán bộ này, rất cần được giải quyết một cách cơ bản, có những cơ sở vững chắc, hiệu quả trên thực tế, đi liền, kết hợp chặt chẽ và đồng bộ với việc khuyến khích họ. Chỉ như thế, việc khuyến khích cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung mới thu hút được đông đảo cán bộ quan tâm và tiến hành.
Bảo vệ những cán bộ này, hiệu quả chỉ có thể là các văn của Đảng và Nhà nước, với những điều khoản rất cụ thể, chi tiết và được triển khai thực hiện mạnh mẽ trong Đảng và toàn xã hội. Vì thế, việc cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về vấn đề nêu trên là rất cấp thiết, nhất là khi Đảng và nhân dân ta đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân và vì dân.
Năm là, trên thực tế đã có trường hợp có cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, song chưa được bảo vệ thỏa đáng, gây hậu quả quả không nhỏ cho cán bộ, gia đình họ, nhất là uy tín, sinh mệnh chính trị của cán bộ.
Điển hình là sự việc của đồng chí Kim Ngọc, Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc trước đây, trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng lãnh đạo thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam. Đối với miền Bắc, Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng miền Bắc vững mạnh là hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, làm thất bại hành động của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng khi bọn chúng liều lĩnh mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, bảo vệ vững chắc miền Bắc.
Trong những năm đó, phong trào thi đua rất sôi nổi giữa các tỉnh ở miền Bắc chi viện sức người, sức của cho miền Nam: “Thóc không thiếu một cân (kg), quân không thiếu một người”. Vĩnh Phúc là tỉnh luôn vượt chỉ tiêu giao quân, song nhiều năm không đạt chỉ tiêu về giao nộp lương thực. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trăn trở suy nghĩ và dành nhiều thời gian nghiên cứu thực tiễn và đề xuất một chủ trương, quyết định táo bạo được Ban Thường vụ và Tỉnh ủy đồng tình. Đó là chia ruộng của hợp tác xã nông nghiệp cho các hộ nông dân và xác định các tiêu chuẩn về khoán sản phẩm phù hợp cho từng loại và đơn vị diện tích. Hộ nông dân sẽ được nhận số lượng lương thực vượt khoán, được nhân dân rất phấn khởi thực hiện, đem lại kết quả vượt bậc trong nông nghiệp; đưa Vĩnh phúc trở thành tỉnh tiêu biểu về giao quân và giao nộp lương thực để nuôi quan đánh giặc. Tuy nhiên, sau đó đồng chí Kim Ngọc đã bị cấp trên thi hành kỷ luật đảng. Bước vào thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội trước năm 1986, việc làm của Đồng chí Kim Ngọc đã đặt cơ sở, nền tảng cho chủ trương đúng đắn của Đảng về Khoán 100, Khoán 10 tạo đột biến về lương thực, thực phẩm trước khi nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, góp phần rất quan trọng để nước ta vượt qua những thách thức quyết liệt chưa từng có của thời kỳ này. Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới từng bước giành thắng lợi to lớn.
Đến nay, mặc dù việc thi hành kỷ luật đồng chí Kim Ngọc đã được xem xét lại và giải quyết đúng đắn, thỏa đáng, song đây là bài học rất giá trị về việc bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Đặc biệt, khi Bộ Chính trị ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 “về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”.
2. Những yêu cầu chủ yếu đối với nội dung văn bản cụ thể hóa, thể chế hóa về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung
2.1. Thống nhất nhận thức về hình thức và các thuật ngữ
* Hình thức văn bản: lựa chọn hình thức văn bản phù hợp sẽ ban hành về vấn đề này.
* Thống nhất nhận thức các thuật ngữ: “Bảo vệ” là áp dụng các biện pháp cần thiết, kịp thời, hiệu quả, phù hợp để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là các biện phát được quy định trong các văn bản của Nhà nước. “Năng động” là luôn hoạt động và nhạy bén tìm mọi cách để có thể thực hiện tốt mục đích đã định. “Sáng tạo” là làm ra cái mới chưa ai làm; tìm tòi làm cho tốt hơn mà không bị gò bó. “Dám”, thường được hiểu là không ngại, không sợ làm những việc khó, việc mạo hiểm, chưa có tiền lệ, chưa được hoạch định bằng cơ chế... “Dám nghĩ” là có suy nghĩ đổi mới, bứt phá khai thông, mở lối phát triển để đạt hiệu quả cao trước một vấn đề, một công việc nào đó. “Dám làm” là việc làm tích cực, tiên phong, không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh. “Dám đột phá vì lợi ích chung” là hành động mạnh dạn, kiên quyết có tác dụng làm thay đổi căn bản về chất một công việc nào đó đem lại lợi ích chung, lợi ích của đất nước, dân tộc.
Như vậy, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là cán bộ luôn hoạt động và nhạy bén tìm mọi cách để thực hiện tốt nhiệm được giao; có suy nghĩ đổi mới, bứt phá, khai thông, mở lối phát triển để đạt hiệu quả cao trước một vấn đề, một công việc nào đó; là người tích cực, tiên phong, không sợ khó khăn, gian khổ, hy sinh, kể cả hy sinh tính mạng; hành động mạnh dạn, kiên quyết làm thay đổi căn bản về chất một công việc nào đó, đem lại lợi ích chung, lợi ích của đất nước, dân tộc.
2.2. Mục tiêu văn bản cụ thể hóa, thể chế hóa cần đảm bảo
* Mục tiêu chung: Xây dựng được văn bản phù hợp làm cơ sở bảo vệ tốt những cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước trong những thập niên tới do Đại hội XIII của Đảng đề ra.
* Mục tiêu cụ thể: Một là, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mọi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên, cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong bảo vệ những cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Từ đó, tích cực, chủ động trong việc này, để đem lại lợi ích chung, lợi ích của đất nước, dân tộc. Hai là, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan liên quan trong bảo vệ những cán bộ này, bằng các quy định của Đảng và Nhà nước, nhất là khi họ gặp rủi ro, sai sót; qua đó tiếp tục khuyến khích họ vững tin, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
2.3 Những nội dung quy định trong Văn bản pháp lý cụ thể hóa, thể chế hóa cần bảo đảm
* Nguyên tắc bảo vệ: Một là, chỉ bảo vệ những cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; coi trọng bảo vệ những cán bộ, công chức này trong phạm vi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Hai là, bảo vệ những cán bộ, công chức có ý tưởng và cách làm mới, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt và những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng không còn phù hợp với thực tiễn. nhưng phải bảo đảm không trái Nghị quyết, quy định của Đảng, Hiến pháp, pháp luật và phải thực hiện thông qua hình thức thí điểm; bảo vệ những cán bộ, công chức này phải gắn chặt với việc khuyến khích họ. Ba là, bảo vệ những cán bộ, công chức này phải đặt trong mối quan hệ với các Nghị quyết, quy định của Đảng và văn bản pháp luật hiện hành khác, có liên quan. Bốn là, bảo vệ những cán bộ, công chức này trong suốt quá trình người đó có ý tưởng mới, đột phá; ý tưởng đó được đưa vào thực tiễn; suốt quá trình tồn tại, phát triển; đặc biệt coi trọng bảo vệ họ khi gặp những khăn khăn, phức tạp và sự chống phá việc hiện thực hóa ý tưởng mới kể cả khi ý tưởng của người đó thành hiện thực, vững mạnh. Năm là, khen thưởng xứng đáng những cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung đem lại hiệu quả cao; đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức lợi dụng việc bảo vệ này để tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật.
* Đối tượng bảo vệ: Một là, bảo vệ chủ thể đề ra chính sách (nghị quyết, kế hoạch, quy định,…gọi chung là chính sách) (cũng có thể là người đưa ra sáng kiến). Hai là, bảo vệ người đứng đầu (cũng có thể là người đưa ra sáng kiến). Ba là, bảo vệ người trực tiếp được giao (cũng có thể là người đưa ra sáng kiến) chỉ đạo thực hiện. Bốn là, bảo vệ người phát kiến ý tưởng được chuyển hóa thành chính sách, gải pháp…nhưng họ không được quyền đưa ra chính sách và không được chỉ đạo trực tiếp thực hiện.
* Điều kiện để được bảo vệ: Một là, những cán bộ, công chức có ý tưởng và cách làm mới, đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt, những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng chồng chéo, thiếu thống nhất, không còn phù hợp, được báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức làm việc. Hai là, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Nghị quyết, quy định của Đảng và Hiến pháp, pháp luật, cần quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để họ triển khai thực hiện. Ba là, cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải vì lợi ích chung, lợi ích của đất nước, dân tộc. Bốn là, cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải vì lợi ích chung, có động cơ trong sáng, không tham nhũng, tiêu cực, không xâm phạm an ninh quốc gia, có sáng kiến, đột phá, được thể hiện trên thực tế, được thực thực tế kiểm nghiệm, khẳng định sẽ tiếp tục được bảo vệ để triển khai đạt kết quả cao hơn. Năm là, cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phải vì lợi ích chung, có sáng kiến, đột phá khi triển khai thực hiện lại gặp rủi ro, không đạt kết quả mong muốn, cần xem xét cụ thể, khách quan, công tâm để bảo vệ họ; bảo vệ tổ chức có thẩm quyền phê duyệt thực hiện sáng kiến, đột phá đó; bảo vệ những người trực tiếp triển khai thực hiện./.
TS. Nguyễn Xuân Hưng
[1] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb CTQG, HN, 2021, tr. 243.
[2] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG, HN, 2021, tr. 104.
[3]V.I.Lênin, toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 23.
[4] V.I.Lênin, toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 23.
[5] V.I.Lênin, toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 23.
[6] V.I.Lênin, toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 30.
[7]C.Mác và Ph. Ăngghen, tuyển tập, tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 568.