Đắk Lắk: Thâm nhập "Đại công trường" gỗ lậu của lâm tặc trên rừng M’Drắk

Tiếng máy cưa xé nát không gian tĩnh lặng cả khu rừng, cây đổ tứ phương, gỗ hộp nằm lăn lóc khắp nơi là những gì đang xảy ra tại một khu rừng thuộc lâm phần xã Ea Lai (tên gọi theo người dân cho hay) huyện M’Drắk tỉnh Đắk Lắk.

Tiếng máy cưa xé nát không gian tĩnh lặng cả khu rừng, cây đổ tứ phương, gỗ hộp nằm lăn lóc khắp nơi là những gì đang xảy ra tại một khu rừng thuộc lâm phần xã Ea Lai (tên gọi theo người dân cho hay) huyện M’Drắk tỉnh Đắk Lắk.

Sau một thời gian dài thăm dò thông tin về tình trạng phá rừng tại nơi đây, nhiều nguồn tin của người dân cho biết, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép tại lâm phần xã Ea Lai (tên gọi theo người dân cho hay) huyện M’Drắk đã diễn ra trong một thời gian dài. Vì thế, sáng ngày 27/8, phóng viên Pháp luật & Quản lý quyết định đi tìm câu trả lời cho những thông tin trên.

Một góc cảnh cánh rừng đang ngày đêm bị tàn phá.

Đường lên rừng dốc cao, trơn trượt, in hằn dấu tích của xe máy cày độ chế.

Rạng sáng, phóng viên dọc theo tỉnh lộ 693 tìm đến một con đường khai thác keo nối liền với tỉnh lộ này thuộc địa phận thôn 6 xã Cư Prao. Men theo con đường đất này khoảng 1h đồng hồ bằng xe máy độ chế (thuê của người dân) chúng tôi đã đến được bìa rừng. Tiếp theo, PV tiếp tục đi bộ, leo rừng theo lối mòn nhỏ để ra được cung đường “gỗ lậu” dốc đứng, trơn trượt, rộng khoảng 3m, in hằn những vết tích của bánh xe máy cày độ chế dùng để vận chuyển – tời gỗ ra khỏi rừng.

Những gốc cây lớn đến 2-3 người ôm bị đốn hạ đã lâu.

Phần lõi đã bị lấy đi, chỉ còn lại những tấm bìa lớn...

Tại trục đường này, từ giữa sườn rừng cho đến đỉnh của rừng, nhiều con đường xương cá được rẽ nhánh đi nhiều hướng, ước tính nếu để di chuyển hết những cung đường ấy chắc phải hơn một ngày. Theo những con đường này, cảnh tượng của một “Đại công trường” khai thác gỗ lậu dần hiện rõ khi trước mắt chúng tôi là những cây gỗ lớn có đường kính từ 50 đến khoảng 120cm bị đốn hạ, nằm la liệt, phân bủa khắp nơi. Có lẽ, phải có đến hàng trăm cây gỗ như thế bị đốn hạ, đa số đã bị xẻ hộp và mang đi, chỉ còn những gốc cây đang chảy nhựa như đang khóc cho số phận hẩm hiu của chính nó. Bên cạnh đó, nhiều gốc cây đã vươn mầm, vết tích đã rất lâu, chứng tỏ rằng, nguồn tin mà chúng tôi tìm hiểu là đúng, tình trạng khai thác gỗ tại đây đã diễn ra trong một thời gian dài.

Nhiều cây lớn bị đốn hạ vẫn đang còn chảy nhựa.

Từ giữa sườn rừng, chúng tôi tiếp tục di chuyển thêm nhiều giờ để đến được đỉnh rừng - “Đại bản doanh” của lâm tặc. Vẫn là thảm cảnh ấy, nhưng số lượng cây mới bị đốn hạ lại nhiều hơn, nhiều cây vừa bị đốn hạ tầm cách đây ít hôm, đã bị xẻ hộp và chờ chở đi. Như những gì nhận định, các đối tượng lâm tặc chỉ chọn những cây lớn, giá trị, khu vực dễ vận chuyển ( tức từ thấp lên cao) để đốn hạ trước. Sau khi khu vực thấp đã hết mới lên đến giữa sườn rừng và sau đó lên đến đỉnh rừng. Tại đây, nhiều con đường vận chuyển in hằn vết tích bánh xe cày lại nối với nhau từ đỉnh của ngọn núi này tới ngọn núi kia, đi tới đâu cũng thấy những thân cây gỗ lớn nằm la liệt, gỗ hộp nằm lăn lóc. Các đối tượng lâm tặc dựng hẳn lán trại, trang bị đồ ăn, lương thực, bát đũa để ở lại nhiều ngày. Cách lán trại không xa là tiếng máy cưa gầm rú, tiếng cây đổ soàn soạt, phá tan sự tĩnh lặng, yên bình vốn có của cả khu rừng. Nghe theo tiếng máy cưa, phải có đến 3 nhóm đối tượng lâm tặc như đang thi nhau tàn phá cánh rừng. Khi tiếng máy cưa nổ lớn, Pv liều mình tiếp cận một nhóm gần nhất, núp sau một gốc cây cách các đối tượng tầm 8- 10m, cố gắng ghi lại những thước phim, hình ảnh mang tính thực tế cũng như tận mắt chứng kiến cảnh tượng “xẻ thịt” những thân cây vừa bị đốn hạ khiến ai cũng xót xa.

Nhóm đối tượng lâm tặc đang "xẻ thịt" những cây vừa bị đốn hạ.

Nhân lúc các đối tượng đang say sưa phá rừng, Pv liều mình tiếp cận lán trại của lâm tặc.

Nhiều cây vừa bị đốn hạ, xẻ hộp chờ chở đi.

Và rồi trời đã xế chiều, để đảm bảo an toàn, kịp ra khỏi rừng trước khi màn đêm buông xuống, chúng tôi tiến hành rời khỏi “Đại công trường” ấy. Những bước chân rời đi nặng trĩu, xót xa trước thảm cảnh đến thê lương của một cánh rừng.

Phải nói, hành trình vào rừng của chúng tôi là một chuyến đi đầy gian nan, thử thách, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và hơn nữa là sự manh động của lâm tặc nếu bị phát hiện. Nhưng, những điều đó không khiến chúng tôi lo sợ, mà sự lo sợ ấy chúng tôi giành lại cho những cánh rừng. Rồi số phận của những cánh rừng ấy sẽ ra sao khi đang ngày đêm “chảy máu” dưới những lưỡi cưa sắc nhọn của lâm tặc?. Một dấu hỏi lớn cho những ai đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng rằng, trách nhiệm ở đâu?. Liệu cả khu rừng này có phải đã được mua bởi lâm tặc?.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vào Kỳ II…

Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận khiến ai cũng phải xót xa.

 

  • Tags: