Phát triển năng lượng điện gió là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng. Do đó, việc chấp thuận chủ trương đầu tư và quá trình hoàn thiện của các dự án điện gió tại huyện Đắk Song luôn được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng tại một số hạng mục của dự án do người dân “hét giá” trên trời.
Chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư với đơn giá cực ưu đãi
Theo tìm hiểu, tại hạng mục tuyến đường dây 35Kv (nhà máy điện Đắk N’Drung 2,3) do Công ty TNHH MTV Năng lượng Đắk N’Drung Đắk Nông làm chủ đầu tư có chiều dài hơn 40km, đền bù giải phóng mặt bằng của hạng mục này liên quan đến khoảng 186 hộ dân (nhà máy số 3) và 255 hộ dân (nhà máy số 2) tại xã Thuận Hạnh, xã Thuận Hà huyện Đắk Song. Quá trình thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng đã tương đối nhận được sự ủng hộ, đồng tình của chính quyền địa phương và người dân nơi đây. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân không chấp nhận đơn giá thoả thuận hỗ trợ đền bù mà chủ đầu tư đưa ra, mặc dù đơn giá này đã cao gấp 3-18 lần so với đơn giá đền bù đất theo Quyết định 08/2020/QĐ-UBND tỉnh Đắk Nông.
Việc phát triển điện gió mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
Theo hợp đồng số 06/2021/HĐ-GPMB về việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đắk Nông là đơn vị thực hiện công tác đo vẽ, cắm mốc giải phóng mặt bằng và thực hiện kiểm kê lập phương án bồi thường. Tiến hành kiểm kê tài sản các hộ dân chịu ảnh hưởng bởi tuyến đường dây 35kV đi qua, bao gồm kiểm kê đất thu hồi, đất hành lang tuyến, cây trồng hoa màu trên đất.
Qua đó, phương án bồi thường được tính như sau: Đất thu hồi áp dụng theo đơn giá chứng thư thẩm định giá dự án và doanh nghiệp hỗ trợ thêm 100% đơn giá bồi thường. Đất hành lang tuyến đường dây không thuộc diện thu hồi, đơn giá hỗ trợ áp dụng bằng 40% đơn giá chứng thư thẩm định giá dự án. Đối với cây trồng trong đất thu hồi và cây có chiều cao trên 6m và cây có nguy cơ phát triển chiều cao trên 6m có nguy cơ vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện đều được tính bồi thường 100% và được phép chặt bỏ theo nghị định 14/2014/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành luật điện lực về an toàn điện. Đối với các loại cây trồng không có khả năng phát triển chiều cao đến 6m, không vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện thì doanh nghiệp hỗ trợ bằng 30% giá trị so với quy định đơn giá cây trồng của UBND tỉnh Đăk Nông.
Hiện nay, tuy đơn giá bồi thường của dự án vẫn chưa được UBND huyện chấp nhận, thế nhưng doanh nghiệp vẫn đang tiến hành thoả thuận giải phóng mặt bằng với người dân theo đơn giá của chứng thư thẩm định giá hiện tại của Tuyến đường dây 35kV (nhà máy điện Đắk N’Drung 3). Chủ đầu tư chấp nhận chịu thiệt trong việc giải phóng mặt bằng khi áp dụng chi trả, đền bù theo đơn giá này. Theo đó, đơn giá này có hệ số chênh lệch rất nhiều, cao nhất là đơn giá của đất giáp quốc lộ 14 là 423.000 đồng/m2, cao hơn 18 lần so với đơn giá quy định của UBND tỉnh Đắk Nông.
Đối với tài sản trên đất, theo khoản 3, điều 12, nghị định 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật điện lực về an toàn điện quy định: “Đối với cây phát triển nhanh trong khoảng thời gian 03 tháng có khả năng vi phạm khoảng cách quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này và những cây không còn hiệu quả kinh tế nếu chặt ngọn, tỉa cành, thì phải chặt bỏ và cấm trồng mới”. Thực tế, một số loại cây nhóm ăn quả như: bơ, sầu riêng, tiêu trụ sống và một số cây thuộc nhóm lấy gỗ như: muồng, sưa, xoan,… được trồng vào các năm 2018, 2019, 2020, 2021 đều chưa có khả năng vi phạm như quy định nêu trên, nhưng doanh nghiệp vẫn đền bù cho người dân bằng 100% đơn giá quy định và chắc chắn là không bị chặt bỏ. Các cây trồng không có khả năng phát triển chiều cao vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện được doanh nghiệp hỗ trợ mà không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng…
Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn áp dụng một số chính sách ưu đãi đối với người dân, đất thu hồi sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ thêm 100%, đơn giá, hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng, phát triển cơ sở hạ tầng…
Trao đổi với phóng viên, đại diện chủ đầu tư cho biết: “ Từ trước đến nay, đây là dự án chúng tôi đầu tư mà áp dụng mức chi trả, hỗ trợ đền bù gọi là ưu đãi. Đa số người dân đều đồng lòng, vui vẻ chấp nhận thoả thuận, chỉ còn một số hộ dân thì cương quyết không chấp nhận đơn giá chúng tôi đưa ra, ngược lại còn đưa ra một đơn giá gấp đôi, thậm chí gấp 5 mới chịu thoả thuận…”
Người dân vui vẻ nhận tiền hỗ trợ, đền bù trong một buổi chi trả.
Người dân “hét giá” khiến doanh nghiệp gặp khó khăn
Liên quan đến Tuyến đường dây 35Kv, có 186 hộ dân thuộc diện hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. Đến nay, tổ giải phóng mặt bằng của dự án đã mời chi trả cho 107/186 hộ dân, tương đối nhiều hộ dân đã nhận tiền đền bù (khoảng 70%), còn lại một số hộ dân không chấp nhận thoả thuận, đòi hỏi mức bồi thường quá cao, đưa ra yêu sách chủ đầu tư phải bồi thường ngay với mức giá người dân yêu cầu cao đến gấp 2-5 lần…
Đơn cử như hộ ông N.V.T tại thôn 2 xã Thuận Hà với tổng số tiền được hỗ trợ đền bù là 229 triệu đồng (chỉ có đất và cây trong hành lang tuyến, không có đất thu hồi), nhiều lần chính quyền địa phương cùng với tổ giải phóng mặt bằng của dự án phối hợp, tuyên truyền vận động nhưng vẫn không chấp nhận thoả thuận, đồng thời ra đơn giá phải 450-500 triệu mới chấp nhận. Hộ ông N.Đ.B tại thôn Thuận Thành xã Thuận Hạnh cũng tương tự, với số tiền hỗ trợ đền bù là 193 triệu đồng nhưng vẫn không chấp thuận. Ngoài ra, một số hộ dân đã đề nghị ứng một phần tiền số tiền hỗ trợ đền bù để lo việc riêng nhưng sau đó thì “trở chứng” không chấp nhận thoả thuận như ban đầu, thậm chí trốn tránh…
Chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp đã nhiều lần tổ chức các cuộc vận động, tuyên truyền đến người dân...
Trao đổi với phóng viên, bà Đoàn Thị Tốt – Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh cho biết: “Chủ trương xây dựng phát triển điện gió tại địa phương đang là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, xác định đây cũng là chủ trương lớn của tỉnh. Quá trình thực hiện dự án tại đây chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với các cơ quan ban ngành, với doanh nghiệp vận động các hộ dân trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. Về cơ bản, đa số các hộ dân đều ủng hộ, đồng tình với đơn giá hiện tại, vui vẻ phối hợp nhằm góp phần triển khai dự án thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân không chấp thuận, đòi hỏi thái quá, gấp nhiều lần so với đơn giá hỗ trợ gây khó khăn cho doanh nghiệp và dĩ nhiên là doanh nghiệp họ cũng không thể đáp ứng được. Chúng tôi là chính quyền địa phương thì đương nhiên việc đầu tiên chúng tôi làm là phải đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân nhưng cũng phải hài hoà để làm sao người dân và doanh nghiệp có tiếng nói chung…”
Chia sẻ với PV, ông T.V.D trú tại thôn Thuận Hải, xã Thuận Hạnh cho biết: “Về phía gia đình cũng rất đồng tình, ủng hộ với chủ trương của nhà nước, của tỉnh. Khi có điện gió về đây thì chắc chắn rằng sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương, còn về mức giá mà doanh nghiệp đền bù hỗ trợ thì chúng tôi cảm thấy là đã ưu đãi, phù hợp, cũng mong rằng dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động…”
Bà Đoàn Thị Tốt - Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh bày tỏ quan điểm về sự khó khăn trong triển khai thi công, xây dựng dự án điện gió tại cuộc họp...
Trước tình hình trên, ngày 18/10/2021, UBND huyện Đắk Song cũng đã có báo cáo số 582/BC-UBND về tình hình người dân xã Thuận Hà gây cản trở, chống đối quyết liệt không cho Chủ đầu tư thi công tại Dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3.
Theo đó, 3 dự án thực hiện tại xã Thuận Hạnh và Thuận Hà gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là xã Thuận Hà luôn bị người dân gây cản trở, chống đôi quyết liệt nhất. Nếu trong thời gian tới, sự vào cuộc hỗ trợ của hệ thống chính trị các cấp, của lực lượng Công an không quyết liệt thì sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu, người dân cản trở, chống đối, đòi hỏi đền bù kiểu tống tiền doanh nghiệp sẽ diễn ra nhiều nơi tại xã Thuận Hà, Thuận Hạnh và sẽ lan ra xã Nam Bình, Đắk Hoà. Như vậy thì các dự án điện gió sẽ rất khó để tiếp tục triển khai thi công trong giai đoạn hiện nay cũng như các dự án sẽ thực hiện trong tương lai gần, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút, tạo môi trường đầu tư từ các doanh nghiệp vào địa phương của tỉnh, của huyện trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - Hồ Văn Mười chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các ban ngành, doanh nghiệp các dự án nhằm làm rõ một số nội dung, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các dự án điện gió.
Được biết, theo dự kiến dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 xây dựng 81 trụ tuabin với tổng vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, do đó việc thực hiện xây dựng trụ tuabin điện gió của 3 dự án này đã giảm có thể chỉ còn ½ dự kiến.
Sự thành công của các dự án điện gió tại huyện Đắk Song góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của tỉnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện gió ngày càng cao của nền kinh tế. Tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước… Chính vì vậy, để tiếp tục triển khai thi công và hoàn thành dự án sau ngày 31.10.2021, doanh nghiệp đầu tư tại đây rất cần có được sự quan tâm ủng hộ hơn nữa của các cấp chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, sự thấu hiểu, đồng tình ủng hộ tuyệt đối của người dân góp phần sớm hoàn thiện dự án trong thời gian sớm nhất và đây cũng là tiền đề cho sự thành công của các dự án mới với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong tương lai.
Ảnh minh họa