Đắk Nông - Ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội phát huy hiệu quả trong mục tiêu giảm nghèo

Thời gian qua, hoạt động ủy thác giữa NHCSXH tỉnh Đắk Nông với 4 tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, giúp chuyển tải vốn chính sách nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc

Thời gian qua, hoạt động ủy thác giữa NHCSXH tỉnh Đắk Nông với 4 tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, giúp chuyển tải vốn chính sách nhanh chóng, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm...cho các đối tượng chính sách trên địa bàn; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đến nay, đã qua 18 năm thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi với mô hình sáng tạo bằng phương thức NHCSXH ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã khẳng định hiệu quả to lớn, tích cực.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đăk Nông là một trong 04 tổ chức hội đã phát huy vai trò xuất sắc trong công tác nhận ủy thác vốn vay với NHCSXH, giúp hàng nghìn hội viên phụ nữ có điều kiện để đầu tư mở rộng SXKD, vươn lên thoát nghèo. Chất lượng tín dụng hằng năm đã khẳng định rõ ràng hơn về hoạt động ủy thác của Hội phụ nữ tỉnh. Chị Nguyễn Thị Lưu, phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: để phát huy hiệu quả và chất lượng nguồn vốn ủy thác hàng năm hội đều tổ chức tốt chương trình kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro; hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả…

Ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội phát huy hiệu quả trong mục tiêu giảm nghèo.

Phối hợp với NHCSXH tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về quy trình bình xét, quản lý nguồn vốn; hướng dẫn các thủ tục, quy định mới và kỹ năng nghiệp vụ trong hoạt động ủy thác; thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với  chính quyền cơ sở và các ngành liên quan tổ chức triển khai các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp; Nhờ sự vào cuộc nỗ lực của 2 bên, Đến 31/12/2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang quản lý 431 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ đạt trên 890 tỷ đồng, 19.010 lượt hộ vay vốn. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,17%/Tổng dư nợ nhận ủy thác. Phát huy hiệu quả nguồn vốn, trong năm 2020, các cấp hội phụ nữ đã giúp đỡ 312 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo. Đặc biệt Hội LHPN còn vận động hội viên tham gia gửi tiền tiết kiệm thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn với số dư trên 5 tỷ đồng.

Không chỉ Hội Liên hiệp Phụ nữ, mà các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) đã thực hiện tốt công tác nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng ưu đãi với NHCSXH. Hiện nay, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh Đăk Nông là: 3.151 tỷ đồng, chiếm 99,43% tổng dư nợ của chi nhánh với 1.564 tổ Tiết kiệm và vay vốn đã đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến với 67.507 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Để có được kết quả đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn; tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác vốn vay; kiểm tra, giám sát các hộ vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc NHCSXH ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hiện nay đã và đang phát huy hiệu quả. Các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung tuyên truyền, bình xét cho vay, giám sát và sử dụng vốn vay, đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi. Nhờ đó, nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.

Hoạt động ủy thác giữa NHCSXH tỉnh Đắk Nông với 4 tổ chức chính trị – xã hội trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả.

Hiệu quả của hoạt động ủy thác cho vay đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 5.18% (giảm 2% so với năm 2020).

Thời gian tới các tổ chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phát huy hiệu quả ủy thác cho vay và giữ vững vị thế dẫn đầu trong công tác ủy thác cho vay tín dụng chính sách xã hội; Tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan lồng ghép hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ, các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình SXKD điển hình… Thông qua phương thức cho vay ủy thác giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các thôn, buôn, các xã vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

  • Tags: