Ảnh minh họa - TL
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[1]. Trước yêu cầu của thực tiễn công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nhằm “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế… Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”[2], đòi hỏi phải dào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao, có đủ năng lực pháp luật, nghiệp vụ, ngoại giao đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển của đất nước, trở thành “công dân toàn cầu” đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế là rất quan trọng và cấp thiết đúng như tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhệm vụ đã xác định: mục tiêu cụ thể xây dựng cán bộ Công an đến năm năm 2030, đó là xây dựng lực lượng CAND “tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, sức chiến đấu cao; có số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; từ 20 - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”[3].
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo bồi dưỡng, trong những năm qua Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an đã luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an nói chung và đào tạo sau đại học đối với cán bộ Công an đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế. Ngành Công an đã thực hiện đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 17-NQ/ĐUCA, ngày 28/10/2014 của Đảng ủy Công an Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong CAND, lấy người học làm trung tâm. Bộ Công an ban hành Kế hoạch số 381/KH-BCA, ngày 03/9/2020, về việc thực hiện Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030 trong CAND” trong đó xác định rõ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ CAND, đó là:
- Mục tiêu chung: “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, chiến sĩ đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm theo quy định; tạo sự chuyển biến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong CAND. Phấn đấu đến năm 2030, đa số cán bộ, chiến sĩ trong CAND có đủ khả năn sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc và làm việc trong môi trường quốc tế”.
- Mục tiêu cụ thể: “Đến năm 2025 có 50% cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị trực thuộc Bộ và 25% cán bộ, chiến sĩ của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo quy định. Trong đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ, lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi. Có 20% cán bộ, chiến sĩ công tác tại xã/phường/thị trấn hoặc công tác tại địa bàn, lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ bậc 3 trở lên theo quy định. Đến năm 2030, có 60% cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị trực thuộc Bộ và 35% cán bộ, chiến sĩ của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 theo quy định và ngoại ngữ chuyên ngành. Có 30% cán bộ, chiến sĩ công tác tại xã/phường/thị trấn hoặc công tác tại địa bàn, lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ bậc 3 trở lên theo quy định”.
Đến nay, có 07 Học viện, trường đại học trong CAND[4] có chức năng đào tạo sau đại học. Hằng năm, bình quân các trường CAND đào tạo khoảng trên 600 học viên tốt nghiệp trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các ngành: Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, ngành an ninh và trật tự xã hội, ngành luật. Trong số này, nhiều đồng chí đã sử dụng thành thạo ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung và một số loại tiếng khác, đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế. Nhiều đồng chí đã trưởng thành, đã và đang giữ chức vụ cao, là tướng lĩnh trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và một số Cơ quan Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, cũng như các nước bạn Lào, Campuchia. Nhiều đồng chí đã và đang biệt phái công tác tại nước ngoài, đáp ứng yêu cầu cao làm việc trong môi trường quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo sau đại học trong CAND trên phương diện đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế còn một số tồn tại, hạn chế như: trình độ ngoại ngữ, tin học của một số cán bộ Công an còn hạn chế; việc đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng về nắm bắt, sử dụng công nghệ thông tin; các kiến thức về pháp luật, quy định, thông lệ quốc tế chưa được chú trọng dẫn đến hiệu quả công tác đào tạo sau đại học đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ các nhiệm vụ có tính chất quan hệ song phương, đa phương với các cá nhân, tổ chức của nhiều quốc gia, lãnh thổ trên thế giới.
Ngày nay, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, tác động mạnh đến môi trường an ninh và phát triển của nhiều quốc gia. Chiến tranh cục bộ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế; chủ nghĩa ly khai, cường quyền, bảo hộ, dân túy; xu hướng tuyệt đối hóa lợi ích quốc gia, dân tộc; các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thảm họa tự nhiên, mặt trái của cách mạng công nghệ thông tin, sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gây sức ép lên hệ thống thể chế, cấu trúc an ninh, chính trị, kinh tế thế giới; tình hình Biển Ðông tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng, xung đột. Đặc biệt, đại dịch Covid - 19 đã gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, làm đảo lộn cuộc sống của toàn nhân loại, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên toàn cầu. Bối cảnh trên đặt ra thách thức rất lớn đến sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội của nước ta.
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo sau đại học trong CAND đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế, thời gian tới lực lượng CAND cần tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức đúng đắn của cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị trong đào tạo sau đại học đội ngũ cán bộ Công an đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế.
Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đặt ra yêu cầu: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ”. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ, nhất là đào tạo sau đại học. Đào tạo sau đại học, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế là một trong những yêu cầu mới, do đó cần sự đầu tư lâu dài và toàn diện, cần sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và người đứng đầu. Việc đào tạo phải có sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa Công an các đơn vị, địa phương với các học viện, trường CAND. Đồng thời, cần thiết phải xây dựng chiến lược, phương án tiến hành, bước đi, lộ trình phù hợp bảo đảm hiệu quả và đạt mục tiêu.
Hai là, hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách về công tác đào tạo sau đại học trong CAND đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế. Xây dựng tạo cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng những nhà giáo ưu tú, những trí thức, nhà khoa học tạo nguồn giảng viên cho các Học viện, trường CAND; có cơ chế khuyến khích, động viên cán bộ Công an tham gia học tập, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực làm việc tốt trong môi trường quốc tế, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực cho công tác đối ngoại Công an nhân dân và phát triển đất nước.
Ba là, xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo sau đại học trong CAND nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Công an đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã xác định mục tiêu: đến năm 2030, đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, Công an có “từ 20 - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế”.
Như vậy, Bộ Công an cần có kế hoạch, lộ trình đào tạo sau đại học đối với đội ngũ cán bộ Công an để đạt mục tiêu trên. Kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng phải bao quát toàn diện các năng lực hội nhập cho cán bộ Công an từ năng lực, trình độ ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ công tác chuyên môn, năng lực hiểu biết, vận dụng có hiệu quả luật pháp quốc tế và các năng lực, kỹ năng cần thiết khác. Đó chính là nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị bảo đảm cho cán bộ nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đủ bản lĩnh, kiên định và vững vàng trước mọi thay đổi của môi trường quốc tế, trước mọi đối tác và đối tượng; quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, luật pháp của Nhà nước để thao tác, xử lý những vấn đề cụ thể mà chuyên môn - nghiệp vụ đòi hỏi khi hội nhập quốc tế; có vốn văn hóa để mỗi cán bộ đủ bản lĩnh, tự tin, danh dự, ý thức tự cường trong hội nhập, không bị các thách thức của môi trường quốc tế làm hòa tan, biến chất, nhất là với cán bộ được đào tạo ở nước ngoài; có đạo đức cách mạng để luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, cảnh giác với mọi cám dỗ, đấu tranh với những hành vi đe dọa đến an ninh quốc gia; có chuyên môn sâu, vững chắc để đàm phán, thương thảo, thực thi các cam kết quốc tế một cách chuyên nghiệp, bảo vệ lợi ích quốc gia, hạn chế các thua thiệt do áp lực của hội nhập quốc tế; sử dụng thành thục ngoại ngữ; có phong cách, kỹ năng mềm và kiến thức tin học phục vụ cho làm việc trong môi trường quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, cấp bách nhất là phải nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ ở các cơ quan Trung ương một cách thực chất, có thời gian thỏa đáng đào tạo tại nước ngoài, có thời gian thực hành, áp dụng vào vị trí việc làm.
Bốn là, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các ngành đào tạo trong CAND. Trong đó chú trọng các nội dung như:
- Nâng cao năng lực chuyên môn, pháp luật quốc tế. Trang bị kiến thức cho cán bộ phải bảo đảm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đủ tầm làm việc với đối tác nước ngoài; thông thạo luật pháp, quy định và thông lệ quốc tế…Cán bộ phải được trang bị đủ những kiến thức tổng hợp và am hiểu sâu lĩnh vực chuyên môn về an ninh quốc phòng. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần xây dựng phù hợp cho từng đối tượng có nhu cầu, vị trí chức danh và lĩnh vực công tác.
- Tăng cường phương pháp, phong cách làm việc. Cung cấp cho cán bộ có phương pháp khoa học, phong cách làm việc chuyên nghiệp, đúng thông lệ quốc tế, như kỷ luật, giờ giấc, chuẩn mực ứng xử... ; những kỹ năng này cần được tích lũy thông qua đào tạo và rèn luyện thực tiễn làm việc với đối tác nước ngoài. Cán bộ Công an cần phải học và vận dụng tốt nghệ thuật đàm phán, thương lượng, biết chia sẻ và tôn trọng các giá trị chung.
- Nâng cao kỹ năng giao tiếp quốc tế. Kỹ năng giao tiếp cần phải đa dạng và linh hoạt trong môi trường quốc tế, trong đó biết cách kết hợp ngôn ngữ giao tiếp bằng văn bản và bằng lời, hình thể. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, cán bộ sử dụng thành thạo các ứng dụng kỹ thuật số, mạng xã hội trên nền tảng đa phương tiện là một trong các lợi thế bảo đảm thành công trong giao tiếp và trao đổi song phương, đa phương quốc tế. Trang bị các kỹ năng trao đổi, phản biện, đàm phán, tổ chức nhóm và làm việc nhóm… Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về khía cạnh văn hóa. Cán bộ phải thực sự am hiểu và tôn trọng các giá trị văn hóa khác nhau trên toàn cầu, nắm vững đặc thù văn hóa riêng, phong tục, tập quán của các đối tác để có cách ứng xử phù hợp.
- Thành thạo ngoại ngữ và tin học. Đây là yêu cầu rất cần thiết vì ngoại ngữ và tin học được xác định là phương tiện, công cụ đắc lực trong việc nâng cao hiệu quả giao lưu, hợp tác quốc tế.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo sau đại học. Tích cực tham gia các hiệp định hợp tác an ninh quốc tế trên các lĩnh vực của đời sống xã hội (an ninh mạng, an ninh y tế, an ninh hàng không…); tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc; tham gia các tổ chức quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm; tham gia các diễn đàn an ninh khu vực, quốc tế nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho đội ngũ cán bộ Công an các đơn vị, địa phương được làm quen, tích lũy kinh nghiệm khi làm việc trong môi trường quốc tế. Đồng thời, thông qua công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, vận dụng, khai thác sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế về mọi mặt nhằm xây dựng chuẩn mực đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế./.
Thượng tá, TS Nguyễn Thị Duyên
Phó Trưởng phòng QLĐT và BDNC, Học viện Chính trị CAND
[1] Hồ Chí Minh, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, H 1995, tr.269
[2] Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia, tr.126
[3] Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhệm vụ, tr.2.
[4] Học viện Chính trị CAND, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện quốc tế, Đại học An ninh nhân dân, Đại học Cảnh sát nhân dân, Đại học phòng cháy, chữa cháy; Đại học hậu cần, kỹ thuật CAND