Các đối tượng thường xuyên viết bài, bình luận, phát tán ấn phẩm điện tử, tung tin đồn nhảm, tạo dư luận bất ổn về chính trị – xã hội; mạo danh để xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân, tổ chức của Đảng và Nhà nước. Tác hại của những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội có tác động tiêu cực đến tư tưởng, dư luận xã hội, tạo ra sự nghi ngờ, hoang mang, dao động dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Ảnh minh họa - Internet
Các thế lực thù địch, phản động đã và đang sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng hết sức tinh vi, xảo quyệt nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng ta trên mạng xã hội. Cụ thể:
Một là, sử dụng không gian mạng để chống phá trực diện, thông qua các trang mạng xã hội facebook, youtube, tiktok…, diễn đàn, báo điện tử khuếch trương thanh thế, cổ súy các tư tưởng lệch lạc. Các đối tượng thường núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”... để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, quan điểm, cương lĩnh, nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là những vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”. Lợi dụng một số cá nhân thoái hóa, biến chất về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hoặc có tham vọng chính trị cao, thành lập các hội, fanpage... làm cơ quan ngôn luận, địa chỉ hoạt động cho tổ chức “dân chủ” trên mạng. Lợi dụng mạng xã hội phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu, độc, phản động, từ đó kích động hình thành các hoạt động như tuần hành, biểu tình, rải truyền đơn, tụ tập kêu gọi chống đối cán bộ địa phương, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ khối đoàn kết giữa Đảng và nhân dân.
Hai là, lập những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội, các fanpage giả mạo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, những người có uy tín, nhân vật nổi tiếng trong xã hội… qua đó tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm về tình hình chính trị - xã hội trong nước, đặc biệt về vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ba là, sử dụng mạng xã hội kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, phá rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn. Các thế lực thù địch, phản động tạo lập và huy động những tài khoản giả mạo kêu gọi, lôi kéo, kích động người dân tụ tập, biểu tình và có các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng sử dụng các tài khoản ảo trênmạng xã hội thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một chủ đề, lĩnh vực nhất định cùng với hàng trăm tài khoản vệ tinh thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trên các nhóm, diễn đàn phản động hoặc các nhóm có số lượng thành viên lớn. Một trong những biểu hiện của thủ đoạn này là tổ chức “cách mạng màu trực tuyến” bằng cách huy động, kêu gọi tất cả các tài khoản trên mạng xã hội gắn các biểu ngữ phản đối tạo ra hiệu ứng đám đông, trong đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực.
Bốn là, sử dụng các trang mạng xã hộiđể đưa thông tin xuyên tạc, chống phá. Cách thức tiến hành của chúng thường là tổng hợp tin tức từ các báo chính thống để tạo ra sự khách quan, sau đó cài dần các thông tin xấu, độc, theo tỷ lệ tăng dần cả về số lượng và mức độ bịa đặt, bóp méo sự thật, luận điệu sai trái. Người dùng truy cập thông qua đường dẫn (link) của bạn bè trên mạng xã hội dễ dàng “mắc mưu”, bị dẫn dắt và bị động trong việc tiếp nhận thông tin đó. Thực tế cho thấy, đã có những người do nhẹ dạ, cả tin, thiếu bản lĩnh chính trị nên đã tin theo những luận điệu của các thế lực thù địch, từ đó bị chúng dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo và khống chế để làm việc phục vụ cho mưu đồ của chúng.
Năm là, sử dụng các biện pháp công nghệ để chống lại sự quản lý, kiểm soát của lực lượng an ninh mạng Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động triệt để tận dụng các ứng dụng như WhatApp, FireChat,… và các biện pháp công nghệ được hỗ trợ từ nước ngoài để liên lạc vượt qua các biện pháp phá sóng của lực lượng an ninh. Lợi dụng chức năng quay phim và đăng tải trực tuyến lên trên mạng xã hội Facebook, Youtube,… để tường thuật trực tiếp sự việc; chuẩn bị sẵn lực lượng ngồi ở nhà để tiếp nhận video, biên tập ngay, đề phòng đối tượng đăng tải trực tuyến bị lực lượng an ninh phát hiện, thu giữ máy quay.
Để góp phần đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá Đảng ta trên mạng xã hội, cần thực hiện tốt những giải pháp cụ thể như sau:
Một là, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh chống hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.Trước hết, cần nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở các cấp, các ngành để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân nhận thức đúng về mục tiêu, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc; vị trí, vai trò, yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; âm mưu, thủ đoạn, phương thức, lực lượng, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; nhận thức rõ đối tượng, đối tác trong tình hình mới.
Để phản bác thông tin sai trái, thù địch trên mạng xã hội, chúng ta cần cung cấp thông tin một cách khoa học, minh bạch và kịp thời để cộng đồng mạng có thể nhận thức, nhận diện thông tin xấu độc, hiểu rõ thế nào là quan điểm sai trái, thù địch. Khi đã nhận thức được quan điểm sai trái, thù địch thì mỗi cán bộ, đảng viên vàcông dân sẽ có nhãn quan chính trị, tự giác phòng chống và chủ động đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.
Đối với quan điểm sai trái, trước hết là bản thân tự nó đã chứa đựng những quan điểm sai lầm về thực tiễn và khoa học... Tính chất của sai trái có thể do nguyên nhân hạn chế về trình độ nhận thức quy định, do đó có nơi, có lúc, chủ thể của nó không hoàn toàn là những kẻ thù địch. Còn quan điểm thù địch, tự bản thân nó đã chứa đựng những quan điểm sai trái, đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp và chủ thể của nó thường là những kẻ đối lập về lập trường tư tưởng và đối lập về lợi ích giai cấp, dân tộc. Chính vì vậy, để phản bác quan điểm sai trái, thù địch, chúng ta tập trung vào 02 vấn đề cốt lõi, đó là: làm rõ tính phản khoa học, phi thực tiễn và bản chất đối lập về lợi ích, lập trường giai cấp công nhân – dân tộc Việt Nam trong nội dung mà các thế lực thù địch đưa ra.
Hai là, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện nội dung, phương thức đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Trước việc ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, ranh giới giữa thế giới thực và “thế giới ảo” khó có sự phân biệt. Cùng với đó, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Do vậy, đòi hòi phương thức đấu tranh của chúng ta cũng phải tăng cường.
Các báo, tạp chí điện tử cần tăng cường mở mới và phát triển các chuyên trang, chuyên mục mang tính chuyên sâu về đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch như chuyên mục: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”, “Diễn đàn”... Các chuyên mục cần vạch trần thực chất âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bản chất phản động, phản khoa học và tính chất nguy hiểm, tác hại của âm mưu, thủ đoạn đó. Đồng thời, khẳng định giá trị, tính chân lý, tính khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng mà nhân dân ta đang phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, bản chất tốt đẹp của chế độ...Phát huy ưu thế truyền thông đa phương tiện, khả năng tương tác của báo điện tử để giáo dục ý thức về phòng, chống các quan điểm sai trái, thù địch.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, quy chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành của Trung ương, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương để phát hiện kịp thời, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Duy trì, thực hiện tốt chế độ giao ban phản ánh tình hình, trao đổi thông tin, thống nhất biện pháp phối hợp đấu tranh; không để các thế lực thù địch lợi dụng những yếu kém, bất cập trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước để tạo cớ xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận chống phá. Đa dạng hóa hình thức đấu tranh, kết hợp tuyên truyền, giáo dục với các biện pháp tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát; vừa “xây”, vừa “chống” nhưng lấy “xây” làm chính. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh; giải quyết hiệu quả các đơn, thư khiếu nại, tố cáo; kiện toàn tổ chức tuyên giáo, xây dựng đội ngũ cán bộ sẵn sàng “phản ứng nhanh” với những thông tin sai trái, thù địch trên mạng xã hội.
Nhận diện, đấu tranh phòng chốngthủ đoạn lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực thù địch, phản động là cuộc chiến vô cùng khó khăn, phức tạp và lâu dài, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao độ, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân để đạt được hiệu quả cao nhất, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Nguyễn Thành Thuận
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân