Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đẩy mạnh cải cách tư pháp là xu thế tất yếu nhằm tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền; đồng thời cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan mô hình trụ sở mới của Tòa án nhân dân Tối cao - Ảnh: TTXVN
Chiều 15/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân Tối cao. Cùng dự có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và Tòa án nhân dân Tối cao.
Nhiệm kỳ vừa qua, các tòa án đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, số vụ việc đã giải quyết đạt tỉ lệ 97,6%. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội. Các tòa án đã đưa ra xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo.
Việc áp dụng án lệ trong nhiệm kỳ qua đã có bước phát triển mới, mặc dù đang ở giai đoạn đầu nhưng đã có những án lệ được chánh án tòa án tối cao nhiều nước đánh giá đạt trình độ quốc tế, mở ra thời kỳ mới về phát triển án lệ, tăng cường áp dụng án lệ trong xét xử như xu thế chung của thế giới. Việc bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp được chú trọng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đã công bố được hơn 733.000 bản án, quyết định của tòa án trên cổng thông tin điện tử.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành tòa án đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, quyền con người, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hệ thống Tòa án nhân dân đã chủ động tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng xét xử; hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đẩy mạnh cải cách tư pháp là xu thế tất yếu nhằm tiến tới xây dựng Nhà nước pháp quyền; đồng thời cải cách tư pháp là động lực quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp và công tác phòng chống tham nhũng. Chủ tịch nước cho biết, trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân rất quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án, tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng:
“Tòa án có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Để nâng cao chất lượng xét xử hoạt động tòa án phải bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết. Cần tăng cường hơn nữa việc bảo đảm tranh tụng trong xét xử và bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự; tăng cường hòa giải, đối thoại trong các vụ việc dân sự, hành chính để hóa giải các mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận trong xã hội”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án cần chủ động, tích cực thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu sự tác động không đúng của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào”. Đặc biệt, cần chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành tòa án.
“Các tòa án phải kiên trì thực hiện phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” thông qua việc tăng cường giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; tôn trọng nhân dân. Thẩm phán không những tinh thông nghiệp vụ, giỏi kỹ năng xét xử mà cần phải am tường về thực tiễn xã hội, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, những khó khăn của người dân ở nhiều góc độ để có phương pháp giải quyết phù hợp. Từ đó, đưa ra được phán quyết công tâm, có sức thuyết phục”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tòa án nhân dân cũng như các cơ quan tư pháp phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách nhằm thích ứng tốt hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết trong tình hình mới, để xây dựng nền tư pháp nước ta tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thể giới.
Cần chủ động hỗ trợ các cơ quan, tổ chức hữu quan trong giải quyết hiệu quả các vụ án, vụ việc tranh chấp quốc tế, tranh chấp xuyên quốc gia tại Trọng tài quốc tế, các thiết chế xét xử quốc tế, qua đó nâng cao vị thế của tòa án Việt Nam trên trường quốc tế.