Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền Thành phố Thủ Đức – cơ sở khoa học và một số kiến nghị

Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền thành phố Thủ Đức hiện nay là vấn đề vô cùng quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của thành phố Thủ Đức mà còn có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của mô hình chính quyền “thành phố trong thành phố” nói chung và chính quyền đô thị ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
1. Cơ sở khoa học của việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền Thành phố Thủ Đức
Việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền địa phương theo quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 6 Khóa XII thực chất là sự tăng cường thẩm quyền nhằm thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể thực thi quyền lực nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019 (Luật Tổ chức chính quyền địa phương), phân quyền được hiểu là sự phân định, phân giao quyền lực giữa trung ương và địa phương do Quốc hội tiến hành, được thể hiện trong luật. Với cơ chế phân quyền, các cơ quan thuộc thiết chế chính quyền địa phương tiếp nhận các nhiệm vụ, quyền hạn từ sự phân công của cơ quan lập pháp và về nguyên tắc không được chuyển giao những nhiệm vụ, quyền hạn đó cho các cơ quan cấp dưới[1]Phân cấp là phân định nhiệm vụ, quyền hạn cho từng cấp hành chính để việc quản lý được thuận lợi và hiệu quả[2]. Bản chất của phân cấp là cấp trên chuyển giao cho cấp dưới thực hiện một cách liên tục, thường xuyên một số nhiệm vụ, quyền hạn do cấp mình đang nắm giữ. Khác với phân quyền, phân cấp cho phép cơ quan nhà nước ở địa phương tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, có thể phân cấp tiếp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn mà cơ quan cấp trên đã chuyển giao cho họ[3]. Còn uỷ quyền là việc chủ thể có thẩm quyền giao cấp dưới thay mặt mình thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể[4]. Uỷ quyền phải được thể hiện bằng văn bản và cơ quan, tổ chức nhận uỷ quyền không được uỷ quyền tiếp cho các cơ quan, tổ chức khác thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đó.
Trong xu thế đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay, vấn đề mở rộng thẩm quyền cho chính quyền Tp. Thủ Đức càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi đây chính là vấn đề quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của Tp. Thủ Đức mà còn có ý nghĩa quyết định đối với sự thành bại của mô hình chính quyền “thành phố trong thành phố” nói chung và chính quyền đô thị ở Tp. Hồ Chí Minh nói riêng. Trên phương diện khoa học, tính cấp thiết của vấn đề được thể hiện ở những khía cạnh cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường sự phân quyền, phân cấp, uỷ quyền nhằm mục đích thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Tp. Thủ Đức. Điều này có ý nghĩa lớn, nhất là trong bối cảnh bộ máy nhà nước ở Việt Nam bao lâu nay được tổ chức và hoạt động theo mô hình tập quyền, với xu hướng quyền lực tập trung về các cơ quan nhà nước ở trung ương, chính quyền địa phương phục tùng và phụ thuộc vào chính quyền trung ương. Để Tp. Thủ Đức có thể phát triển như kỳ vọng, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn đều cho rằng cần phải trao cho nó một cơ chế pháp lý đặc thù, vượt trội. Theo chúng tôi, điểm mấu chốt của cái gọi là “cơ chế đặc thù” chính là việc chính quyền Tp. Thủ Đức cần phải được trao đủ thẩm quyền, sao cho có thể tự quyết định được nhiều nhất và nhanh nhất các vấn đề của địa phương, đồng thời có đủ khả năng tự chịu trách nhiệm về các quyết định đó. Có như vậy, mới hạn chế được tình trạng bị kiềm toả bởi cơ chế “xin – cho” mang đậm dấu ấn của nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp trước đây, từ đó sẽ không bị lệ thuộc quá nhiều vào cấp trên và Trung ương.
Thứ hai, mở rộng thẩm quyền cho chính quyền Tp. Thủ Đức theo các phương thức phân quyền, phân cấp, uỷ quyền nhằm khơi thông các nguồn lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với một đô thị có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/12/2020, Tp. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, là thành phố thuộc thành phố đầu tiên của cả nước, với diện tích tự nhiên rộng lớn (211,56 km2) và quy mô dân số đông đảo (1.013.795 người). Sau khi hình thành, Tp. Thủ Đức được phát triển theo định hướng về một “khu đô thị sáng tạo tương tác cao”, với kỳ vọng trở thành “một cực tăng trưởng mạnh mẽ nhất, lớn nhất” của Tp. Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Á. Tp. Thủ Đức được quy hoạch để gánh vác vai trò của một “thành phố vệ tinh”, khai thác tận dụng các nguồn lực hiện hữu nhằm định hình diện mạo với các mục tiêu cụ thể: 1) Là trung tâm tài chính của Tp. Hồ Chí Minh (gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm); 2) Là trung tâm thể thao và chăm sóc sức khỏe, khai thác xu hướng ngày càng phổ biến của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại khu vực Đông Nam Á (gắn với Khu liên hiệp thể thao Rạch Chiếc); 3) Là trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (với hạt nhân là Khu công nghệ cao Thành phố); 4) Là trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (dựa trên nền tảng là Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh); 5) Là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam (theo hướng kết hợp vừa đào tạo, vừa ứng dụng mạnh mẽ vào thực tiễn trên cơ sở kết hợp, liên kết giữa các cơ sở đào tạo và người sử dụng lao động trong khu vực này); 6) Là trung tâm công nghệ sinh thái (khu vực Tam Đa và đại học Long Phước); 7) Là trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Container Cát Lái[5]
Tuy nhiên, trên thực tế, việc hiện thực hóa các mục tiêu cụ thể nêu trên không hề dễ dàng. Từ góc độ quản lý nhà nước, có thể thấy những vướng mắc bắt nguồn từ vấn đề thẩm quyền của chính quyền Tp. Thủ Đức theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể, những gì được coi là thế mạnh của “thành phố thuộc thành phố” này lại chịu rất ít sự tác động trực tiếp của chính quyền sở tại. Chẳng hạn, Khu công nghệ cao quận 9 – điểm nhấn quan trọng nhất của Thành phố Thủ Đức là một dự án mang tầm quốc gia, được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ, phát triển dựa trên các quyết sách của Trung ương và Tp. Hồ Chí Minh nhiều hơn Tp. Thủ Đức[6]. Tương tự, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh – vốn được kỳ vọng là hạt nhân của trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao, thực ra lại là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Thủ tướng Chính phủ. Bản thân sự phát triển của Đại học Quốc gia không phụ thuộc nhiều vào Tp. Hồ Chí Minh, càng không phụ thuộc vào Tp. Thủ Đức. Trong khi đó, tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên là hệ thống giao thông công cộng chủ yếu do Trung ương đầu tư từ nguồn vốn ODA và một phần từ Tp. Hồ Chí Minh, do Tp. Hồ Chí Minh thống nhất quản lý; cảng Cát Lái – nhân tố quan trọng trong mục tiêu biến Tp. Thủ Đức trở thành trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ lại thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, trực thuộc Bộ Quốc phòng[7]… Rõ ràng, trong bối cảnh có sự phân tán, chồng chéo về thẩm quyền nêu trên, Tp. Thủ Đức rất khó thực thi công tác quản lý nhà nước một cách tập trung, thống nhất đối với các chủ thể tồn tại và hoạt động trên địa bàn nhằm đạt được các mục tiêu chung. Thực tiễn cho thấy, tăng cường sự chuyển giao thẩm quyền trong một giới hạn phù hợp để chính quyền Thành phố Thủ Đức có thể chủ động quản lý, điều hành một đô thị có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nóng bỏng nhất ở Tp. Hồ Chí Minh hiện nay là vấn đề vô cùng cấp bách.
Thứ ba, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, uỷ quyền cho Tp. Thủ Đức là điều kiện cần thiết để củng cố mô hình chính quyền thành phố thuộc thành phố ở Việt Nam. Hiện nay, chính quyền Tp. Thủ Đức có địa vị pháp lý chỉ tương đương cấp huyện. Trong khi những vấn đề mà nó phải đương diện lại vượt ra ngoài khả năng của một đơn vị hành chính lãnh thổ cấp huyện. Hậu quả là, trong nhiều trường hợp, chính quyền Tp. Thủ Đức rơi vào hoàn cảnh “lực bất tòng tâm”. Thay vì được chủ động giải quyết các vấn đề của địa phương, đảm bảo sự nhanh chóng, kịp thời, các cơ quan nhà nước ở Thủ Đức buộc phải trông chờ vào sự phân quyền của Quốc hội (vốn rất lâu dài và khó khăn, vì đó là sự phân định thẩm quyền bằng Luật), sự phân cấp của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh (vốn khá hạn chế). Từ đó dẫn đến những nghi ngờ về sự cần thiết của việc hình thành chính quyền thành phố thuộc thành phố, về hiệu quả mà nó có thể mang lại cho công tác quản lý nhà nước ở đô thị, nhất là các đô thị trung tâm và đầu tàu. Bởi nếu thành lập chính quyền thành phố thuộc thành phố không song hành với việc mở rộng thẩm quyền cho chúng thì cũng đồng nghĩa với việc chỉ thiết kế bộ máy mà không tạo cơ chế cho bộ máy đó hoạt động, là vô hiệu hóa chúng ngay từ khi khai sinh ra chúng. Vậy nên, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp và uỷ quyền cho chính quyền Tp. Thủ Đức không chỉ có ý nghĩa riêng đối với thành phố này mà còn là phép thử để khẳng định tính đúng đắn của mô hình thành phố trong thành phố, tạo đà cho việc tiếp tục triển khai mô hình này ở các thành phố trực thuộc trung ương khác.
2. Một số đề xuất nhằm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, uỷ quyền cho Tp. Thủ Đức hiện nay
Một là, cần có quan điểm đúng đắn và nhất quán về tổ chức chính quyền Tp. Thủ Đức.
Theo đó, trước hết cần xác định rõ vị trí của Tp. Thủ Đức trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch tổng thể của Tp. Hồ Chí Minh. Khi xây dựng Đề án thành lập Tp. Thủ Đức, Uỷ ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh hướng tới việc thiết lập một “đô thị con” trong một “siêu đô thị”. Thế nhưng, sau hơn một năm thành lập, “Thủ Đức bị rơi vào thế bị động về cơ chế, chính sách và không thể điều hành, quản trị theo định hướng một đô thị vệ tinh như Đề án thành lập thành phố Thủ Đức đặt ra”[8]. Vì vậy, để Thủ Đức có thể phát triển xứng tầm “một trung tâm kinh tế tri thức”, “một cực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam Bộ” như mục tiêu ban đầu, Trung ương cần phải có quan điểm rõ ràng hơn về đường hướng phát triển Tp. Thủ Đức thành một đô thị vệ tinh của Tp. Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó có sự tháo gỡ về cơ chế, tạo không gian rộng mở và một hành lang pháp lý phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của một thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Đồng thời, cần nhận diện chính xác hơn vị trí của chính quyền Tp. Thủ Đức trong hệ thống chính quyền đô thị ở Tp. Hồ Chí Minh. Một thành phố được hình thành từ sự sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên của ba quận có tiềm năng phát triển dồi dào, một “tiểu đô thị” trong lòng một “đại đô thị”, vậy mà lại chỉ được tổ chức và hoạt động theo mô hình chính quyền cấp huyện là hoàn toàn không tương xứng. Từ khung khổ chật hẹp mang hơi hướng của sự “cào bằng” đó, chính quyền Tp. Thủ Đức không thể tận dụng một cách tối ưu các nguồn lực hiện có, cũng như không thể khai thác triệt để và hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Do vậy, chúng tôi cho rằng, cần phải có quan điểm táo bạo hơn về vị thế của chính quyền thành phố thuộc thành phố nói chung và chính quyền Tp. Thủ Đức nói riêng. Nên chăng, thông qua kỹ thuật phân quyền, Quốc hội cần trao cho Hội đồng nhân dân (HĐND) và Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố Thủ Đức một số thẩm quyền tương đương với thẩm quyền của HĐND và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc gia tăng sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Tp. Thủ Đức, góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc của chính quyền cấp dưới vào chính quyền cấp trên, khắc phục phần nào tình trạng luẩn quẩn, rằng “được công nhận là một thành phố nhưng Thủ Đức phải đi “xin” Tp. Hồ Chí Minh cơ chế đặc thù để hoạt động như một chính quyền đô thị. Đến lượt mình, Tp. Hồ Chí Minh lại phải “xin” Trung ương để có thể trao cho Thủ Đức những cơ chế này trong khi bản thân cũng đang phải “xin” những cơ chế đặc thù khác”[9].
Hai là, tăng cường sự chuyển dịch thẩm quyền từ chính quyền Tp. Hồ Chí Minh đến chính quyền Tp. Thủ Đức trên các lĩnh vực cụ thể.  
Để thực hiện giải pháp này, trước tiên cần có sự rà soát kỹ lưỡng đối với thẩm quyền của chính quyền thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là thẩm quyền của UBND Tp. Hồ Chí Minh; qua đó, xác định rõ những vấn đề cần thiết phải được chuyển giao cho cấp dưới thông qua phương thức phân cấp và uỷ quyền.
Tác giả cho rằng, trong thời gian tới, HĐND Tp. Hồ Chí Minh cần thông qua Nghị quyết cho phép UBND Tp. Thủ Đức thực thi những thẩm quyền từ trước đến nay vẫn được giao cho các Sở, cơ quan tương đương Sở phụ trách, điển hình là các lĩnh vực như: kế hoạch đầu tư, tài chính, tài nguyên và môi trường, quy hoạch - kiến trúc, xây dựng, y tế, giáo dục, giao thông vận tải…
Trên lĩnh vực đầu tư, chính quyền Tp. Thủ Đức cần phải được bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn để có thể chủ động đưa ra những quyết sách có tính bứt phá. Chẳng hạn, cần thực hiện sự phân cấp sao cho HĐND Tp. Thủ Đức được quyết định chủ trương đầu tư và Chủ tịch UBND Tp. Thủ Đức được quyết định đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công do Tp. Thủ Đức quản lý, các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do Tp. Hồ Chí Minh quản lý trên địa bàn Tp. Thủ Đức, trừ một số lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, đầu tư công, phát thanh, truyền hình, đối ngoại… để đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Thậm chí, nếu có thể, nên cho phép HĐND thành phố thuộc thành phố trực thuộc Ttrung ương được quyết định vay nợ để đầu tư trên cơ sở tự cân đối khả năng trả nợ, trong sự tuân thủ chặt chẽ các quy định của Chính phủ về điều kiện vay nợ nhằm hạn chế rủi ro, mất khả năng thanh toán của ngân sách nhà nước hoặc ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi cho quản lý nhà nước trên địa bàn[10].
Trên lĩnh vực ngân sách, cần có sự phân bổ lại ngân sách và tỷ lệ phân chia ngân sách theo hướng tăng cường để lại nguồn thu cho Tp. Thủ Đức. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo sự tự chủ về ngân sách địa phương cho một thành phố đang cần huy động rất nhiều nguồn lực để giải quyết các bài toán tồn đọng phức tạp như nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… Bên cạnh đó, cần thí điểm bổ sung nhiệm vụ chi khoa học và công nghệ cho Tp. Thủ Đức, nhằm đảm bảo mục tiêu đưa đô thị này phát triển thành một trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao dựa trên cơ sở Khu công nghệ cao Thành phố.
Trên lĩnh vực biên chế, trong điều kiện Trung ương thống nhất quản lý về biên chế, việc mở rộng thẩm quyền cho chính quyền Tp. Thủ Đức là rất khó khăn. Nhưng theo tác giả, UBND Tp. Hồ Chí Minh có thể đề xuất Trung ương cho phép Thành phố được chủ động trong việc giao biên chế cho UBND Tp. Thủ Đức; thông qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho chính quyền cấp dưới trước áp lực khối lượng công việc gia tăng mà nhân sự trong biên chế lại bị cắt giảm.
Ba là, mở rộng thẩm quyền cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tp. Thủ Đức
Hiện nay, theo Nghị quyết của Quốc hội về chính quyền đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND Tp. Thủ Đức có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đình chỉ công tác Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các phường trực thuộc, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thuộc thành phố. Thoạt nghe, chúng ta có thể nhầm tưởng rằng các thẩm quyền này của Chủ tịch UBND Tp. Thủ Đức và Chủ tịch UBND quận là hoàn toàn giống nhau. Nhưng thực ra, với Chủ tịch UBND Tp. Thủ Đức, thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND chỉ được thực hiện sau khi HĐND cùng cấp tiến hành bầu, bãi nhiệm các ủy viên UBND. Nói cách khác, tuy là người ra quyết định bổ nhiệm đối với các Trưởng phòng nhưng thực ra Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố không có thẩm quyền lựa chọn các thành viên UBND như lựa chọn một “ê kíp” ăn ý cho mình trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Do vậy, theo tác giả, Quốc hội nên mạnh dạn tăng cường thẩm quyền cho Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố về tổ chức bộ máy và nhân sự. Trước mắt, có thể điều chỉnh theo hướng: cho phép Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố đề nghị nhân sự để HĐND phê chuẩn các chức danh Phó Chủ tịch và các Ủy viên UBND, sau đó đích thân Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố ra quyết định bổ nhiệm các Ủy viên Ủy ban này vào vị trí thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cấp huyện. Về lâu dài, theo tác giả, nên chuyển giao thẩm quyền quyết định nhân sự (như là một phần của chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương) từ HĐND sang Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố, tức là chỉ quy định HĐND cùng cấp bầu ra Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố, còn nhân sự UBND do Chủ tịch toàn quyền quyết định. Kiến nghị về sự phân quyền này có thể hơi táo bạo nhưng rất cần thiết (trong một tầm nhìn xa và bao quát). Bởi trong một đơn vị hành chính có cấp chính quyền đầy đủ, về lâu dài, cần phát huy mạnh mẽ và thực chất hơn vai trò của HĐND trong tư cách một thiết chế đại diện cho nhân dân ở địa phương. Cụ thể là, HĐND nên tập trung thực hiện tốt chức năng giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và Nghị quyết của HĐND đối với các chủ thể thực thi quyền lực nhà nước, đặc biệt là các chủ thể đến từ bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương[11]. Khi HĐND chú trọng khâu giám sát, Chủ tịch UBND và các thành viên UBND buộc phải tăng cường trách nhiệm giải trình (thông qua việc báo cáo hoạt động, trả lời chất vấn của các đại biểu...). Càng được mở rộng thẩm quyền, việc giải trình của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước càng phải được diễn ra thường xuyên, nghiêm túc nhằm ngăn ngừa, hạn chế xu hướng lạm quyền, vi quyền, tham nhũng, tiêu cực[12].
Bốn là, việc mở rộng thẩm quyền cho chính quyền Tp. Thủ Đức và quá trình thực thi chúng phải được đặt trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước chặt chẽ.
Tăng cường thẩm quyền cho chính quyền Tp. Thủ Đức là xu hướng tất yếu khách quan. Nhưng nếu việc mở rộng thẩm quyền bị lạm dụng hoặc bị thả nổi, hậu quả sẽ rất nặng nề. Chính vì vậy, song song với việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền Tp. Thủ Đức nhằm củng cố sức mạnh của một đô thị vệ tinh trong quản trị địa phương hiện đại, cần phải kích hoạt, vận hành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách đồng bộ và hiệu quả. Trước hết, phải đảm bảo sự kiểm soát bên trong của chính quyền Tp. Thủ Đức, với vai trò quan trọng của HĐND cùng cấp, cơ quan Thanh tra và cơ chế kiểm tra nội bộ, để ngăn ngừa các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Chẳng hạn, để giám sát của HĐND thực sự có hiệu quả, cơ quan quyền lực nhà nước ở thành phố thuộc thành phố cần không ngần ngại sử dụng công cụ bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố, buộc người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước phải rời khỏi vị trí quyền lực nếu kết quả bỏ phiếu cho thấy họ không dành được sự tín nhiệm từ đa số các đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế kiểm soát bên ngoài, điển hình như Kiểm toán nhà nước và Tòa án. Đặc biệt, việc thực thi thẩm quyền của chính quyền Tp. Thủ Đức nói riêng và chính quyền đô thị nói chung cần phải được diễn ra trong sự giám sát thường xuyên của báo chí, các tổ chức xã hội và nhân dân, đề cao yếu tố công khai, minh bạch. Có như vậy, việc tăng cường thẩm quyền cho chính quyền thành phố thuộc thành phố đầu tiên trong cả nước mới thực sự có ý nghĩa./. 

TS. TRẦN THỊ THU HÀ

Khoa Luật Hành chính _ Nhà nước,

Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.


[1] Khoản 1 Điều 12 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sđ, bs năm 2019).
[2] Nguyễn Thị Thu Hà (2019), Phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 6 Khóa XII, Tạp chí Tổ chức Nhà nước số 1, tr.22.
[3] Khoản 4 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sđ, bs năm 2019).
[4] Khoản 4 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sđ, bs năm 2019).
[5] Uỷ ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức (trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9, Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021), tr.5-11.
[6] Nguyễn Cảnh Hợp (2020), Thành phố trong thành phố: Đôi điều suy nghĩ, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 24, tr.51.
[7] Nguyễn Cảnh Hợp (2020), Tlđd, tr.51.
[8] Nguyễn Thị Thiện Trí (2022), Cơ chế đặc thù để phát triển đô thị Việt Nam: Giải pháp hay vòng luẩn quẩn? Tạp chí Tia sáng số 5, tr.20.
[9] Nguyễn Thị Thiện Trí (2022), Tlđd, tr.21.
[10] Nguyễn Văn Cương và Trương Hồng Quang (2014), Phân định thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương: Những vấn đề đặt ra và hướng hoàn thiện, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 11, tr.34.
[11] Nguyễn Đức Minh (2014), Những nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương và định hướng triển khai, trong cuốn “Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam - Nền tảng chính trị, pháp lý cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước trong thời kỳ mới”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Nxb. Lao động Xã hội, tr.426, 427.
[12] Trần Thị Thu Hà (2021), Uỷ ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và những yêu cầu đối với cơ quan hành chính nhà nước trong chính quyền thành phố thuộc thành phố, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2, tr.64.
... Theo lapphap.vn
  • Tags: