Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng trong khối cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương

Thủ tướng nhấn mạnh, phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng, Thường trực Chính phủ sẽ họp hằng tháng, Chính phủ sẽ họp hằng quý để nghe báo cáo tình hình và tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, bố t

Chiều ngày 12/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về công tác phòng chống tham nhũng trong khối cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương.

Thủ tướng: Phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, lãnh đạo Bộ Công an, đại diện lãnh đạo các cơ quan: Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó khăn và ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống tham nhũng, song công tác phòng chống tham nhũng trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương luôn được lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, liên tục, tổng thể và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào kết quả phòng chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị. Những kết quả góp phần tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố lòng tin của bạn bè, đối tác quốc tế, các nhà đầu tư.

Cụ thể, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ tiêu cực, tham nhũng và được dư luận quan tâm. Việc khắc phục hậu quả tham nhũng, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt kết quả tích cực. Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng được đặc biệt quan tâm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng được tăng cường, đổi mới. Kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động các đơn vị chuyên trách phòng chống tham nhũng.

Đặc biệt, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đặt lên hàng đầu, coi phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài, công tác xử lý và khắc phục hậu quả các vụ việc xảy ra là cấp bách, quan trọng. Công tác phòng chống tham nhũng tại các doanh nghiệp và khu vực ngoài nhà nước được mở rộng, triển khai tích cực hơn, đạt kết quả rất rõ rệt.

Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo được đẩy mạnh, góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.712 cuộc thanh tra hành chính và 188.047 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 61.846 tỷ đồng, 7.200 ha đất; kiến nghị thu hồi 16.775 tỷ đồng và 3.497 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 245 vụ, 182 đối tượng (tăng 58% số vụ)… Riêng Thanh tra Chính phủ ban hành 14 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 4.967 tỷ đồng, 2.960 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 1.773 tỷ đồng, 573 ha đất…

Các cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 582 vụ án, 1.262 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 310 vụ, 665 bị can (tăng 20 vụ, 49 bị can so với kỳ báo cáo năm trước). Đã kết luận điều tra và đề nghị truy tố 305 vụ, 804 bị can; tạm đình chỉ điều tra 37 vụ, 58 bị can…

Thủ tướng nêu rõ, đạt được những kết quả trên là do có chủ trương đúng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp nhịp nhàng của các cấp ủy, tổ chức đảng, bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự đồng tình, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, công tác phòng chống tham nhũng trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương còn có những khó khăn, tồn tại, hạn chế như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng các cuộc thanh tra cần nâng lên; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật cần đổi mới, thiết thực, hiệu quả hơn; công tác chủ động phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng so với thiệt hại vẫn còn khoảng cách… Một số bộ, cơ quan, địa phương vẫn chưa cương quyết trong phòng, chống tham nhũng, để xảy ra một số vụ việc đáng tiếc như sai phạm tại công ty Việt Á, hay một số vụ liên quan đến công tác đấu thầu, đấu giá, liên quan tới đất đai trong những năm gần đây…

Thủ tướng chỉ rõ một số bài học, kinh nghiệm quý được rút ra như phải coi trọng công tác phòng ngừa tham nhũng từ sớm, từ xa; thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; quyết tâm chính trị phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; theo dõi, bám sát diễn biến tình hình để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền.

Trước hết, phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các nhiệm vụ được xác định tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ và chính quyền địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022.

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra của lãnh đạo, tổ chức đảng, cấp ủy các cấp trong hệ thống chính quyền, trong đó tập trung thanh tra trách nhiệm người đứng đầu, thanh tra chuyên đề để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong một số lĩnh vực như phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, cổ phần hóa doanh nghiệp, đầu tư công, ngân hàng - tài chính, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tài nguyên, môi trường, quy hoạch điện, năng lượng, các mỏ vật liệu xây dựng…

Tiếp tục đẩy mạnh xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được dư luận quan tâm như vụ án xảy ra tại công ty Việt Á một cách công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, tăng cường lực lượng chuyên trách phòng chống tham nhũng. Chủ động đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển hạ tầng số, xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu để giảm tiếp xúc trực tiếp và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt...

Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…

Thủ tướng lưu ý phải bám sát tình hình, khi xuất hiện tình huống, diễn biến bất thường, có dấu hiệu vi phạm phải kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp cần thiết, rà soát, chấn chỉnh ngay, phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ lúc chưa xảy ra tiêu cực, tham nhũng. 

Cùng với đó, phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng; phát hiện, giải quyết các hạn chế, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, phòng chống tham nhũng ngay từ khâu xây dựng cơ chế, chính sách, quy hoạch; phát hiện, biểu dương bảo vệ, khuyến khích những cách làm mới, cách làm hay, những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, cần phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương; phối hợp tốt giữa các cơ quan của Chính phủ, của các cấp chính quyền với các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, cơ quan kiểm tra của Đảng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan. 

Thủ tướng nhấn mạnh, phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng, Thường trực Chính phủ sẽ họp hằng tháng, Chính phủ sẽ họp hằng quý để nghe báo cáo tình hình và tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, bố trí nguồn lực phù hợp, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, mạnh mẽ hơn theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực./.

  • Tags: