Ngày 2/11, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh và Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Truyền thông về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển hướng tới sự phát triển bền vững”.
Hội thảo “Truyền thông về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển hướng tới sự phát triển bền vững” tại Quảng Ninh
Hội thảo nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi người dân về vị trí, vai trò của biển đảo, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển hướng tới sự phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế biển với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó GS, TS Nguyễn Chu Hồi chia sẻ: Những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình phát triển ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức về vai trò, vị trí biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân chưa đầy đủ về vai trò của bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đối với sự phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian tới cần xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình truyền thông phù hợp với mọi cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng về các nội dung phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 36/NQ-TW.
Ông Hoàn Thành Vĩnh, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho rằng, để hướng đến một nền kinh tế biển xanh, cần đánh giá đúng tiềm năng phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Để làm được điều này, công tác bảo tồn biển, giữ gìn đa đạng sinh học biển, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên biển trở nên cấp bách. Nhất là việc triển khai, định hướng công tác truyền thông phát triển bền vững kinh tế biển sẽ ngày càng trở nên quan trọng.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền về biển và hải đảo đã có những thay đổi tích cực, nhưng vẫn thiếu một số chương trình, chiến lược truyền thông về phát triển bền vững kinh tế biển ở cấp độ quốc gia, rộng khắp cả nước, tác động sâu rộng đến xã hội. Quy mô tuyên truyền về kinh tế biển hiện mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là các chương trình của riêng doanh nghiệp, một ngành, một địa phương, một lĩnh vực, chưa có một chương trình tuyên truyền mang tầm quốc gia. Công tác tuyên truyền, quảng bá thiếu sự kết hợp, lồng ghép giữa các ngành, các địa phương.
Ông Trương Công Ngàn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh chia sẻ, thời gian tới, cần đa dạng hoá hình thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; cần thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương; Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.